Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Dũng, yêu cầu Trung Quốc thả ngay, 'không điều kiện' 12 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam vẫn đang bị hải quân Trung Quốc bắt giữ từ hôm 16/6.
Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 9/7 tại Hà Nội, ông Lê Dũng nói Việt Nam còn yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản của ngư dân bị bắt giữ.
Ông Lê Dũng được báo chí trích lời nói rằng: "Phía Trung Quốc đã ghi nhận yêu cầu của Việt Nam và sự việc đang được giải quyết thông qua con đường ngoại giao".
"Không nộp phạt"
Hôm 10/7, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nói với BBC Việt Ngữ: "Tỉnh vẫn dứt khoát không để ngư dân nộp phạt. Để xử lý (tình hình) thì đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc."
Toàn bộ (nơi xảy ra vụ bắt tàu) nằm trên thềm lục địa và lãnh hải Việt Nam... Các ngư dân vẫn giữ tọa độ nơi bị bắt trên máy định vị của chiếc tàu đi về.
Ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi
Được biết hôm 05/07, ông Dương Văn Thọ, một trong các ngư dân được thả về, nói bất ngờ nhận được điện thoại từ phía Trung Quốc thúc giục nộp tiền chuộc và dọa nếu không trả sớm thì sẽ trao những người bị bắt giữ cho chính quyền địa phương ở đảo Hải Nam xử lý.
Ông
Trương Ngọc Nhi xác nhận chính quyền tỉnh không được biết về cuộc điện
thoại từ Trung Quốc, nhưng khẳng định: "Họ có trao (ngư dân Việt
Nam) cho chính quyền Trung Quốc hay không thì chúng tôi cũng vẫn
đấu tranh. Không có thái độ nào khác ngoài việc đấu tranh đến
nơi để họ thả vô điều kiện cho ngư dân trở về."
Ông cũng
cho biết thêm dựa trên các thông tin còn lưu trên máy định vị
của chiếc tàu được thả về, thì tọa độ xảy ra vụ bắt tàu hoàn
toàn thuộc trong vùng lãnh hải và thềm lục địa thuộc chủ
quyền Việt Nam.
Khi được hỏi vì sao phía Trung Quốc có
thể vào vùng biển của Việt Nam để bắt tàu cá Việt Nam, ông
nói "cho tôi miễn bình luận, đây là vấn đề quốc gia."
Mới đây, trên mạng internet có xuất hiện một đoạn băng hình, được cho là quay cảnh vụ bắt tàu.
Theo đoạn băng video thì dường như đây là một vụ bắt giữ được phía Trung Quốc lên kế hoạch và chuẩn bị thực hiện khá kỹ lưỡng.
Vụ việc
Hải quân Trung Quốc bắt giữ 37 ngư dân Việt Nam trên ba chiếc tàu đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa hôm 16/6, nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đều công nhận chủ quyền.
Đến ngày 25/6, Trung Quốc thả 25 ngư dân về nhà tại tỉnh Quảng Ngãi, nhưng vẫn giữ lại 12 người.
Hải quân Trung Quốc còn quyết định phạt các ngư dân Việt Nam số tiền tổng cộng khoảng 30 ngàn USD về tội "vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá", và tuyên bố ngư dân phải nộp đủ tiền phạt mới được trả tự do.
Hồi tháng Năm, Trung Quốc đơn phương công bố lệnh cấm đánh cá đến ngày 1/8 trong một số vùng ở biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.
Vào tháng Ba, Trung Quốc cử tàu tuần tra tại vùng biển quanh các đảo đang tranh chấp.
Ông Lê Dũng nói hành động bắt giữ các ngư dân Việt Nam của Trung Quốc là "vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông".