www.nguoi-viet.com
Chế độ Hà Nội chuẩn bị đưa gần một chục người vận động dân chủ hóa đất nước ra
tòa sau gần một năm giam giữ không cho thân nhân thăm viếng gặp mặt và cũng
không cho luật sư của họ tiếp xúc.
Một bản “Kết luận điều tra” do “phó thủ trưởng Cơ Quan
An Ninh Ðiều Tra Bộ Công An CSVN tên Nguyễn Ngọc Thuấn ký tên thấy đề gửi cho
VKSNDTC (Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao) và các bị can, đề ngày 17 Tháng Năm
2009 được nhóm vận động dân chủ ở Việt Nam gửi tới báo Người Việt. Trong đó nêu tên 6 người là các ông Nguyễn Xuân Nghĩa,
Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn
bị qui chụp cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88
Bộ Luật Hình Sự của chế độ.
Bản “Kết
luận điều tra” dài 13 trang giấy đánh máy không thấy nêu tên các bị cáo như hai
người là cô Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng) và ông Phạm Văn Trội (Hà Nội) cho thấy
có thể các người này bị xử riêng rẽ và người ta không rõ sẽ bị vu cho tội
gì.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Phạm Văn Trội cho
hay khi bắt ông, người ta cũng cáo buộc là vi phạm điều 88 hình luật. Bà đã được
cho gặp chồng hồi Tháng Sáu và chỉ được cho biết “hồ sơ đã chuyển sang tòa án”
nhưng không được cho biết bao giờ thì bị kêu ra tòa hay được trả tự
do.
Bản “kết luận điều tra” chỉ nêu tên ông Trội là người
“cho mượn máy hình” để chụp hình các tấm biểu ngữ kêu gọi “bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ, dân chủ nhân quyền cho Việt Nam” mà bị bỏ tù từ gần một năm nay. Bản kết
luận này còn nói các tấm hình chụp “đã được xóa trên thẻ nhớ” rồi mà kẻ cho mượn
máy cũng vẫn bị tù tội.
Báo chí CSVN nhiều dịp loan tin cho thấy hàng trăm
những kẻ đã có án rồi nhưng vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội. Nhưng cho mượn máy hình
để chụp hình biểu ngữ nói trên thì bị tù
tội.
Phần lớn những người nói trên bị bắt vào Tháng Chín
2008 sau khi có một số biểu ngữ chống tham nhũng, đòi đa nguyên đa đảng, kêu gọi
bảo vệ tổ quốc xuất hiện ở Hà Nội và Hải Phòng hồi Tháng Bảy và Tháng Tám 2008.
Những hành động này bị coi là phạm luật trong một chế độ độc tài đảng trị dù họ
đã ký vào Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính
Trị.
Ðiều 19
của công ước này xác định “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm;
quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý
kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng
mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc
gia.”
Các cuộc
điều tra, theo bản “kết luận điều tra” nói 6 ông bị hai tội trong bản “kết luận
điều tra” nói trên liên quan đến các vụ sản xuất và treo biểu ngữ “tuyên truyền
chống nhà nước”.
Bản “kết luận điều tra” tỉ mỉ kể những người đó bàn
tính ra sao về địa điểm, chi bao nhiêu tiền và nội dung biểu ngữ là gì, nhằm qui
tội chống nhà nước cho họ. Ðây chỉ là cái giọt nước sau cùng để bản điều tra
thuật lại các hành động vận động dân chủ hóa đất nước của họ qua các bài viết,
câu trả lời phỏng vấn của báo đài ngoại quốc phổ biến trên Internet từ nhiều năm
tháng trước.
“Ðây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia rất nghiêm
trọng. Các bị can trong vụ án từ chỗ là người bất mãn cá nhân hoặc có những việc
chưa thỏa mãn với việc giải quyết quyền lợi của bản thân đã tìm đến với nhau để
thực hiện các hoạt động chống đối. Chúng thường xuyên liên lạc, gặp gỡ trao đổi,
bàn bạc và hướng dẫn nhau trong hoạt động chống nhà nước Việt Nam”. Nguyễn Ngọc
Thuấn viết trong bản “Kết luận điều tra”.
Ông này
cáo buộc họ “...còn lợi dụng những vấn đề nhạy cảm như việc khiếu nại của một số
người về đất đai, việc quan hệ nhà nước ta với nước láng giềng còn có những vấn
đề tranh chấp, chưa giải quyết được để viết bài xuyên tạc, dựng chuyện để phỉ
báng chính quyền nhân dân, bịa đặt thông tin nhằm gây hoang mang trong nhân dân
rồi tán phát cho nhiều người, đưa lên mạng Internet để tuyên truyền mà điển hình
là việc tổ chức treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại cầu vượt Lạch Tray - Hải
Phòng và Lai Cách - Hải Dương rồi chụp ảnh, viết bài đưa lên mạng Internet tuyên
truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.”
|