Thứ Ba, 2024-12-10, 1:42 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 13 » TÂN CƯƠNG: ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA?
3:22 PM
TÂN CƯƠNG: ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA?
Tình hình căng thẳng lan sang Khách Thập ở Tân Cương
Đức Tâm, RFI

Bài đăng ngày 12/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 12/07/2009 14:02 TU
Trung Quốc tăng cường lực lượng an ninh ở Khách Thập (Reuters)
Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ không tin vào con số 184 người thiệt mạng do chính quyền công bố. Họ cho rằng đó là những số liệu do người Hán cung cấp, trong khi đó, số người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng còn có thể cao hơn nhiều, chứ không phải là 1/3 tổng số người chết như Bắc Kinh thông báo
Hôm qua, chính quyền Trung Quốc đã điều chỉnh số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ xung đột giữa người Hán và người Duy Ngỗ Nhĩ, tại Địch Hóa, kể từ ngày mồng 5 tháng bẩy vừa qua. Cụ thể là có 184 người chết, trong đó 137 là người Hán, 46 là người Duy Ngô Nhĩ và một người sắc tộc Hồi.
Tuy nhiên, người ta không rõ là trong số nạn nhân này có bao gồm cả những người bị thiệt mạng do sự trấn áp của các lực lượng an ninh Trung Quốc hay không.
Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã còn cho biết là có hơn một ngàn người bị thương. Các bệnh viện tại Địch Hóa bị bão hòa và thiếu máu tiếp cho bệnh nhân.
Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ không tin vào con số người thiệt mạng do chính quyền công bố. Họ cho rằng đó là những số liệu do người Hán cung cấp, trong khi đó, số người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng còn có thể cao hơn nhiều.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, chính quyền Bắc Kinh đã điều động tới thủ phủ Địch Hóa khoảng 20 ngàn bộ đội để trấn áp, ngăn chặn những vụ xung đột.
Cho đến hôm qua, lực lượng cảnh sát chống bạo động Trung Quốc vẫn giám sát chặt chẽ những khu vực có đông dân Duy Ngô Nhĩ tại Địch Hóa và kêu gọi mọi người ở trong nhà, không nên ra ngoài đường.
Sáng nay, một kho dự trữ dầu hỏa của một nhà máy hóa học đã phát nổ gần thủ phủ Địch Hóa. Theo ban giám đốc nhà máy, vụ nổ xẩy ra vì tai nạn. Không ai bị thương hay thiệt mạng. Khả năng một hành động cố ý đã bị lọai trừ.
Trong khi đó, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lưu vong kêu gọi châu Âu gửi quan sát viên đến Tân Cương.
Hôm qua, tổ chức « Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới », đã ra thông cáo bầy tỏ lo ngại sẽ có thêm những nạn nhân tại Tân Cương và kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cũng như Thụy Điển, nước hiện là chủ tịch châu Âu, gửi quan sát viên đến Tân Cương nhằm ngăn chặn những hành động đàn áp tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Tổ chức này cũng tố cáo chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau những vụ xung đột và bạo động tại Tân Cương.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng lan sang thành phố Khách Thập ở Tân Cương. Lo sợ bị trả thù tại Địch Hóa, đông đảo người Duy Ngô Nhĩ đã sơ tán về đây.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Marc Lebeaupin tường trình.
"Tại Địch Hóa, thủ phủ của Tân Cương, hôm nay, mọi cuộc tụ tập, biểu tình đều bị cấm. Một thông báo của Tân Hoa Xã cảnh báo là chính quyền không cho phép mọi cuộc tụ tập, tuần hành phản đối.
Thế nhưng, 7 ngày sau khi xẩy ra các vụ bạo động làm 184 người thiệt mạng, theo con số do chính quyền đưa ra, hôm nay, lẽ ra phải là ngày cúng lễ cho những người chết theo phong tục của người Hán, như thắp hương, đốt vàng mã cho người qua đời.
Các hoạt động cúng bái này bị cấm đoán và quảng trường Nhân Dân, ở trung tâm Địch Hóa vẫn bị phong tỏa. Thế nhưng, tình hình căng thẳng giờ đây đang lan sang Khách Thập, thành phố lịch sử và lớn thứ hai của tỉnh Tân Cương, cách thủ phủ Địch Hóa khoảng 1000 cây số về phía nam. Lo sợ bị trả thù tại Địch Hóa, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã chạy đến thành phố Khách Thập. Một nửa dân số tại đây là người Duy Ngô Nhĩ.
Báo chí Hồng Kông sáng nay đã đăng một bức ảnh cho thấy đông đảo lực lượng an ninh Trung Quốc được triển khai tại Khách Thập, nơi các nhà báo bị cấm đến. Theo chính quyền Tân Cương, những kẻ xúi giục cầm đầu các cuộc bạo loạn tại Tân Cương dường như từ Khách Thập tới. Qua điện thoại, một người bán hàng tại đây cho biết là tất cả các cửa hàng tại Khách Thập chiều tối nay đã đóng cửa sớm hơn thường lệ".




Trung Quốc: "Bức tường thép" ở Tân Cương
Ngày 11/7, trong chuyến thị sát tình hình tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương (Tây Bắc Trung Quốc), ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đề nghị các cấp ủy đảng và chính quyền tại Tân Cương thiết lập "bức tường thép" nhằm duy trì sự ổn định và bảo vệ các lợi ích của người dân tại khu tự trị, đặc biệt sau vụ bạo loạn làm ít nhất 184 người thiệt mạng và hơn 1.000 bị thương.
Cảnh sát chống bạo động được triển khai trên đường phố ở Urumqi, ngày 6/7. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Ông Chu Vĩnh Khang cho biết tình hình tại Tân Cương "đang tiến triển theo chiều hướng tốt", song cảnh báo rằng các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ không dễ dàng từ bỏ mục đích và "đang lên kế hoạch tiến hành các vụ bạo loạn khác".
Ông đề nghị chính quyền và các cấp ủy đảng, lực lượng quân đội và an ninh công cộng ở Tân Cương luôn trong tư thế sẵn sàng và cảnh giác cao độ nhằm dập tắt mọi mối nguy hiểm, đồng thời tập trung giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc để đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Ông cũng cam kết chính phủ trung ương sẽ cố gắng cải thiện cuộc sống cho người dân ở Tân Cương và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu tự trị này.
Trong khi đó, Sở Công an Urumqi ngày 11/7 đã ra thông cáo cấm tụ tập và biểu tình tại thành phố này. Thông cáo nêu rõ cảnh sát sẽ giải tán những vụ tụ tập trái phép và có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cứng rắn cần thiết nếu đám đông không giải tán.
Thông cáo cũng cấm người dân mang vũ khí và thuốc nổ đến các cuộc tụ tập và biểu tình. Theo Sở Công an Urumqi, tình hình ở Tân Cương về cơ bản đã nằm trong sự kiểm soát, song vẫn còn vài vụ tụ tập và biểu tình bất hợp pháp lẻ tẻ ở một số nơi.
Theo nguồn tin mới nhất, sáng 12/7 đã xảy ra một vụ nổ kho dự trữ dầu tại nhà máy hóa dầu ở Urumqi. Nhà máy này thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, đặt tại quận Mật Đông. Hiện chưa có thông tin về số thương vong. Các nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân vụ nổ.
Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội Nhân đạo Trung Quốc chi nhánh ở Tân Cương ngày 11/7 cho biết đã nhận được hơn 2 triệu nhân dân tệ (gần 300.000 USD) tiền ủng hộ các nạn nhân của vụ bạo loạn tại Urumqi vừa qua.
Ngoài ra, gần 1.400 người thuộc 13 dân tộc khác nhau đã đến các trung tâm hiến máu nhân đạo để hiến máu cho các nạn nhân, trong khi hơn 1.000 người khác đã đăng ký hiến máu trong những ngày tới.
(Theo TTXVN)


Nổ bồn dầu gây cháy lớn tại khu tự trị Tân Cương
20:39' 12/07/2009 (GMT+7)
Sáng 12/7 đã xảy ra vụ nổ một bồn chứa dầu của một Công ty hoá chất tại khu vực Urumqi, thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, nhiều lính và xe cứu hỏa đã được huy động để dập lửa. Ảnh AFP.

Vụ nổ xảy ra vào lúc 10 giờ (giờ địa phương) với một bồn chứa dầu có dung tích 10.000m3 nên đã gây cháy lớn.
Bồn chứa này thuộc sở hữu của Công ty hoá chất Urumqi, thuộc Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) - một tập đoàn kinh tế trung ương hạng lớn của Trung Quốc.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, nhiều lính và xe cứu hỏa đã được huy động để dập lửa. Đến khoảng gần trưa cùng ngày, lửa đã được dập tắt.
Hiện chưa có thông tin thiệt hại về người và của do vụ nổ gây ra. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra làm rõ.
Vụ cháy nổ xảy ra tại khu vực Urumqi, thuộc khu tự trị Tân Cương, là nơi đang xảy ra căng thẳng nhiều ngày nay.
Hiện các vụ biểu tình phản đối của người người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Urumqi tạm thời lắng xuống dù không khí căng thẳng vẫn tồn tại và chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực bình ổn tình hình và trật tự ở Tân Cương.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc những người đứng sau các vụ tấn công.
Hiện cảnh sát bán quân sự Trung Quốc vẫn đang được đặt vào vị trí tập trung cao độ để có thể thực hiện nhiệm vụ ở trung tâm Urumqi.
Tân Cương - khu vực nhiều dầu mỏ nằm giáp biên giới một số nước Trung Á - có rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Một số người dân tộc này đã tổ chức biểu tình và bị cảnh sát ngăn chặn.
Nhật Vy (Theo Xinhua, AP)



Tân Cương: sợ lại xảy ra bạo động, hàng ngàn người Hán rời khỏi Địch Hóa
Thanh Phương, RFI
Bên ngoài một đền thờ Hồi giáo, Tân Cương
(Ảnh : Reuters)
Sau gần một tuần bạo động, người dân Tân Cương dường như đang trở lại cuộc sống bình thường, nhưng hàng ngàn người đổ xô đến các nhà ga để tìm cách rời khỏi Địch Hóa, thủ phủ của Tân Cương, vì sợ tái diễn những vụ bạo động những ngày qua.
Mặc dù hôm thứ tư vừa qua, chính quyền loan báo đã kiểm soát được tình hình ở Tân Cương, nhưng hôm nay, hàng ngàn người, đa số là người lao động di dân sắc tộc Hán đã đổ xô đến các nhà ga để tìm cách rời khỏi Địch Hóa, thủ phủ của vùng Tân Cương, vì sợ tái diễn những vụ bạo động những ngày qua.
Sau gần một tuần bạo động, người dân Tân Cương dường như đang trở lại cuộc sống bình thường, nhưng lực lượng an ninh vẫn được duy trì tại thành phố Địch Hóa.
Hôm qua, nhiều đền thờ Hồi giáo ở Tân Cương cũng đã bị đóng cửa, đúng vào ngày cầu kinh hàng tuần. Còn tại thành phố Kashgar, thành phố lớn thứ hai, nằm ở cực phía Tây của Tân Cương, báo chí nước ngoài được lệnh phải rời khỏi nơi đây, với lý do là để ''bảo đảm an ninh cho họ''.
Theo tổng kết mới nhất do Tân Hoa Xã công bố hôm nay, số người chết trong các vụ bạo động hôm chủ nhật vừa qua tại Địch Hóa đã tăng lên thành 148 người, trong đó có 137 người sắc tộc Hán. Nhưng nhà ly khai Duy Ngô Nhĩ hiện sống lưu vong, bà Rebiya Kadeer, hôm qua thẩm định là số người thiệt mạng thể lên tới hàng ngàn.
Về phản ứng của quốc tế, hôm qua, trong cuộc họp báo sau khi dự họp thượng đỉnh G 8 ở Ý về, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyid Erdogan đã xem sự kiện tại Tân Cương là một kiểu ''diệt chủng''. Hôm nay, ông Erdogan lại thúc giục chính quyền Trung Quốc chấm dứt chính sách ''đồng hóa'' người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.



Đa phần nạn nhân Tân Cương là người Hán
Nhà chức trách nói tình hình Tân Cương đã ổn định
Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy ba phần tư số nạn nhân đợt bạo loạn vừa qua ở Tân Cương là người sắc tộc Hán.
Trong số 184 người thiệt mạng, có 137 người Hán, 46 người sắc tộc Uighur bản địa, và một người sắc tộc Hui.
Bắc Kinh đã điều quân tràn vào thủ phủ Tân Cương Urumqi nhằm dẹp yên hoàn toàn làn sóng bạo lực xảy ra từ một tuần trước.
Các phóng viên cho hay một số người Uighur tin rằng con số nạn nhân Uighur cao hơn thống kê của nhà nước rất nhiều.
Một người đàn ông Uighur ở Urumqi, từ chối tiết lộ danh tính, nói với hãng thông tấn Associated Press: "Tôi nghe nói hơn 100 người Uighur thiệt mạng, nhưng không ai muốn nói công khai về điều này cả".
Các nguồn tin Uighur ở hải ngoại cũng hoài nghi về con số mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. Bà Rebiya Kadeer, thủ lĩnh Liên đoàn Uighur Thế giới đặt tại Hoa Kỳ, nói bà tin là khoảng 500 người đã chết.
Theo thống kê của Trung Quốc đăng trên báo chí nhà nước, 26 trong số 137 nạn nhân người Hán là phụ nữ, trong khi toàn bộ số 45 người Uighurs thiệt mạng đều là nam giới.
Người sắc tộc Hui, một sắc tộc theo Hồi giáo khác, thiệt mạng trong vụ này cũng là nam giới.



Tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại Urumqi
Các ngôi đền được lệnh đóng cửa vào ngày thứ Sáu
Các quan chức Trung Quốc tuyên bố tái áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương.
Lệnh giới nghiêm vốn tạm ngưng trong hai ngày qua sau khi các quan chức nói tình hình thành phố đã được kiểm soát.
Trước đó, giới chức Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngôi đền Hồi giáo không mở cửa cho người tới cầu nguyện vào thứ Sáu tại Urumqi.
Thông báo được dán lên cửa các ngôi đền tại khắp thành phố.
Tuy nhiên, có ít nhất hai ngôi đền đã mở cửa sau khi được những người cầu nguyện yêu cầu.
Hàng ngàn lính hiện đang vẫn có mặt tại Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, nhằm duy trì trật tự.
Rời bỏ
Tin cho hay hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi thành phố này.
Một quan chức tại bến xe buýt chính của thành phố nói với hãng thông tấn AFP có khoảng 10 ngàn người cả Hán lẫn người Uighur Hồi giáo đã rời bến này kể từ khi có bạo động hồi cuối tuần, tăng gấp đôi lượng khách dùng xe buýt so với bình thường.
Khoảng 156 người chết và hơn 1000 người bị thương trong các vụ bạo động bắt đầu từ hôm Chủ Nhật.
Các quan chức đã dán thông báo phía ngoài các ngôi đền ở Urumqi nói người dân ở nhà cầu nguyện vào thứ Sáu.
Phóng viên BBC Quentin Sommerville cho biết có một ngôi đền vẫn mở cửa nhưng không xảy ra bạo động và những người tới đó được vào đền để cầu nguyện.
Tuy nhiên các ngôi đền khác tại thành phố vẫn đóng cửa trong ngày lễ chính trong tuần theo đạo Hồi.



Những căng thẳng sắc tộc ngày càng gây lo ngại cho chính quyền Bắc Kinh
Thanh Phương, RFI
Bài đăng ngày 11/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 11/07/2009 11:59 TU
Tình hình bạo động tại Tân Cương làm nổi rõ những căng thẳng sắc tộc trên toàn lãnh thổ Trung Quốc mà hiện ngày càng gây lo ngại cho chính quyền Bắc Kinh
Các vụ xung đột đẫm máu giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán tại Tân Cương nổ ra khoảng hơn 1 năm sau các vụ bạo động, cũng đẫm máu không kém, ở Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng.
Sau nhiều ngày biểu tình ôn hòa, phong trào phản kháng đã biến thành bạo động kể từ ngày 13/4/2008. Vào lúc đó, các nhóm thanh niên Tây Tạng cũng đã lao vào săn lùng người Hán, để trả thù các vụ đàn áp của chính quyền, theo như lời kể của các du khách ngoại quốc có mặt tại chỗ vào lúc ấy.
Tại Trung Quốc có 55 sắc tộc thiểu số, chiếm tổng cộng 10% dân số, tức là khoảng 130 triệu người. Theo lời một vị giáo sư thuộc trường dại học Alberta ( Canada ) được hãng tin AFP trích dẫn, chính phủ Bắc Kinh phải đối phó với cách thức mà người Hán đối xử với các sắc tộc thiểu số, không chỉ ở Tân Cương mà ở nhiều nơi khác nữa.
Tân Cương và Tây Tạng dĩ nhiên là hai vùng mà tình hình nghiêm trọng nhất, nhưng căng thẳng sắc tộc cũng ngấm ngầm tại những nơi khác, như vùng tự trị Nội Mông ở miền Bắc.
Người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ đều cảm thấy là họ bị áp bức, cả về mặt văn hóa lẫn tôn giáo, và đều sợ là bản sắc dân tộc của họ bị đe dọa do chính sách Hán hóa tại Tây Tạng và Tân Cương.
Theo các nhà phân tích, chính sách của chính phủ trung ương chuyển dân Hán đến các vùng sắc tộc thiểu số khiến người ta nghi ngờ mục tiêu thật sự của họ là đồng hóa các sắc tộc thiểu số. Thực tế cho thấy là tại vùng Tân Cương, tỷ lệ người Hán vào năm 1949 chỉ là 6%, nhưng nay đã lên tới hơn 40%.
Tuy vậy, theo hãng tin AFP, Bắc Kinh đã áp dụng một chính sách đặc biệt về kế hoạch hóa gia đình, cho phép các gia đình sắc tộc thiểu số được sinh nhiều con, thậm chí không giới hạn số con, trong khi đa số người Hán chỉ được quyền có một con.
Chính phủ cũng đã thi hành một chính sách ''phân biệt chủng tộc tích cực'' , ưu đãi các thí sinh gốc sắc tộc thiểu số trong các kỳ thi vào đại học.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định là họ đã đầu tư rất nhiều vào các vùng phía Tây. Nếu căn cứ theo các số liệu chính thức, tổng sản phẩm nội điạ của Tân Cương từ 12,3 tỷ euro vào năm 1999, đã tăng lên thành 37 tỷ euro năm 2007. Nhưng trên thực tế, mức sống của người Duy Ngô Nhĩ đã không được nâng cao bằng mức sống của người Hán.
Tại những nơi khác cũng vậy, văn hóa và lối sống của các sắc tộc thiểu số bị đe doạ, đơn giản chỉ là do tiến trình hiện đại hóa và do sự phát triển của ngành du lịch, như ghi nhận của ông Jean - Pierre Cabestan, giáo sư Khoa học chính trị, hiện giảng dạy tại Hồng Kông.
Hiện giờ, các căng thẳng sắc tộc chưa thật sự là mối nguy hại có thể làm lung lay quyền lực của Đảng Cộng sản, nhưng đây là mối đe doạ ngày càng tăng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tăng vọt.
Không phải vô cớ mà hôm nay tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc đã đăng bài xã luận khuyên sĩ quan và binh lính phải ''chú ý đến tín ngưỡng và tập tục'' của các sắc tộc thiểu số và giúp họ '' trở lại cuộc sống bình thường ''.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 932 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0