Quan chức Chính phủ nói với BBC hôm thứ Hai 13/07 rằng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ dự án khai thác bauxite nào ở Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, quyền Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thuộc Bộ Công nghệ-Tài nguyên-Môi trường, nói tuy có việc xây cất nhà máy chế biến quặng, các dự án cần phải có giấy phép khai thác mới có thể hoạt động.
"Hiện (chủ đầu tư - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) có làm thì mới xây dựng nhà máy, chứ chưa thể khai thác."
Các dự án phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn thì cơ quan quản lý chúng tôi mới cấp phép khai thác, đó là nguyên tắc. Nếu không, nhà máy có làm xong cũng phải để đấy.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, quyền Cục trưởng Cục Địa chất - Khoáng sản
"Các dự án phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn thì cơ quan quản lý chúng tôi mới cấp phép khai thác, đó là nguyên tắc."
"Nếu không, nhà máy có làm xong cũng phải để đấy."
Được biết quá trình xây dựng nhà máy tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) đã được khởi động.
Công trường Tân Rai ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, do tập đoàn Chalieco của Trung Quốc làm nhà thầu chính, có tới 570 công nhân Trung Quốc tham gia làm việc.
Ông Nguyễn Văn Thuấn nói cơ quan chức năng phải cân nhắc hàng loạt tiêu chí trước khi quyết định có cho phép khai thác bauxite hay không.
"Thứ nhất là phải có đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh. Sau đó là phải bảo đảm tính khả thi của dự án khai thác."
"Dự án có tiết kiệm tài nguyên hay không, có hiệu quả hay không, công nghệ có tiên tiến hay không vv... đều là các điều kiện phải được xem xét."
'Không khai thác là vô lý'
Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định khai thác bauxite tại Tây Nguyên là 'chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước', cho dù gặp phản đối từ nhiều phía.
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015.
Theo đó, từ 2007-2015, riêng tại tỉnh Đăk Nông dự kiến hình thành đến bốn tổ hợp công nghiệp bauxite nhôm.
Bộ Chính trị , cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản, trong nghị quyết hồi tháng 4/2009 cũng chỉ đạo "Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai hai dự án ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông)", trong đó nhấn mạnh Việt Nam phải làm chủ đầu tư và các công ty nước ngoài chỉ có thể làm nhà thầu.
Tuy nhiên, nhiều chỉ trích gia vẫn kiên quyết đòi Chính phủ phải dừng các dự án bauxite, tạo làn sóng phản đối chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thuấn nói một phần lỗi là do không chuẩn bị tốt dư luận.
Ông nói: "Bởi vì định hướng dư luận không đúng nên ầm ỹ lên như vậy, chứ thế giới người ta khai thác là chuyện bình thường".
"Việt Nam có trữ lượng bauxite thứ hai, ba thế giới, điều kiện khai thác lại dễ dàng, hà cớ gì mà bỏ không khai thác?"