Mục tiêu tối hậu của Đảng Cộng Sản là duy trì quyền lực, không phải là tự do hóa China's Modern Authoritarianism Bài viết của Perry Link và Joshua Kurlantzick Bản dịch của một nhóm sinh viên cho viet-studies
Sau
cuộc trấn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường
Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ như đã
phá sản về mặt đạo đức. Người dân Trung Quốc than phiền gay gắt về nạn
tham ô và các đặc quyền dành cho lãnh đạo Đảng Cộng Sản, và ít người
tin vào những khẩu hiệu mà Đảng vẫn hô hào về xã hội chủ nghĩa trong
khi các quan chức nhà nước áp dụng chủ nghĩa tư bản không chút ngần
ngại. Quân đội cũng mất mặt: Thảm sát ở Thiên An Môn cho thấy “quân đội
nhân dân” có thể nổ súng vào chính nhân dân. Nền kinh tế thành thị
dường như đã bị bó cứng trong một khuôn khổ vô hiệu quả và cực kỳ tham
nhũng của chế độ công điểm xưa cũ. Không ai trong nước cũng như ngoài
nước nhìn hệ thống chuyên chế của Trung Quốc như mô hình đáng noi theo.
Hai
mươi năm sau, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo được sự ủng hộ mới của
quần chúng qua thành tích đem lại một sự phát triển đáng kinh ngạc và
vun đắp sự hồi sinh -- và một hiểm nguy tiềm ẩn - ở chủ nghĩa dân tộc
Đại Hán. Những thành tựu về vật chất của Trung Quốc, như thấy qua những
tòa nhà lấp lánh trên nền trời các đô thị và khối lượng ngoại tệ dự trữ
khổng lồ, thể hiện ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tăng trưởng kinh
tế. Sự gia tăng tính đa dạng về kinh tế xã hội trong xã hội Trung Quốc
cho ấn tượng là chế độ hiện tại đang tìm cách tự do hóa và có thể một
ngày nào đó sẽ mở cửa hệ thống chính trị của mình.
Đây là một
ngộ nhận nguy hiểm. Ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng Sản vẫn như từ trước
đến nay, đó là: sự nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Tăng trưởng kinh tế
không làm bộc phát những thay đổi dân chủ, khi mà chế độ độc đảng vẫn
tồn tại. Bằng cách thích ứng một cách khôn ngoan hệ thống của họ - gồm
cả việc dùng đòn bẩy thị trường để duy trì quyền lực chính trị - Đảng
Cộng Sản Trung Quốc đã hiện đại hóa chủ nghĩa chuyên chế của mình để
thích nghi với thời đại.
Đảng Cộng Sản đã sử dụng một chiến lược
tinh vi để duy trì sự cai trị của họ. Trong khi làm kinh tế tăng
trưởng, họ đã giữ phần lớn tài sản trong tay một giai cấp "ưu tú" của
các lãnh tụ kinh doanh, nhiều người trong nhóm này sẵn sàng chấp nhận
một chế độ chuyên chế để đổi lại sự giàu có. Thay vì hình thành một
giai cấp trung lưu có khả năng thách thức chính quyền, các nhóm này có
lý do tiếp tay những người cai trị họ để trấn áp “sự bất ổn” trong dân
chúng. Đồng thời, Đảng Cộng Sản cũng đã cố ý châm thêm lửa và uốn nắn
chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, kết quả là rất nhiều người ở Trung Quốc
ngày nay cảm thấy tự hào về mô hình phát triển chuyên chế của chính
phủ, nhất là khi các mô hình tư bản chủ nghĩa tự do đang chao đảo do
hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dù được mặc
những bộ veste thời trang và có những nhà ngoại giao lịch lãm, Đảng
Cộng Sản vẫn tiếp tục sử dụng một công cụ nồng cốt có từ thời Mao Trạch
Đông trong việc duy trì sự phục tùng của dân chúng, một kỹ thuật được
gọi là “công tác tư tưởng”. Ngày nay, sự ép buộc tư tưởng này được thực
hiện một cách tế nhị hơn trong quá khứ, nhưng vẫn vô cùng hiệu quả. Nó
ngấm ngầm -- chẳng hạn nó sẽ thông qua các cú điện thoại "kín đáo" tới
các chủ biên tạp chí hơn là trên các tựa đề bài báo. Và nó có những
mục tiêu cụ thể: trong khi các chiến dịch trong thời đại Mao Trạch Đông
là nhằm thay đổi xã hội và thậm chí bản chất con người, thì mục tiêu
của công tác hiện tại là tập trung vào các vấn đề chính trị mang tính
sống còn cho sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản, và bỏ qua những việc khác.
Tác
động của công tác tư tưởng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng. Các hoạt động
của Đảng bao gồm công khai kiểm duyệt, nhưng đa phần còn lại của công
tác tư tưởng là gồm sự tích cực vun đắp những quan điểm thuận lợi cho
chính phủ trong giới truyền thông, giới doanh nhân và các lãnh đạo tư
tưởng khác trong xã hội Trung Quốc. Phần chủ động này của công tác tư
tưởng trở nên đặc biệt quan trọng vào những năm gần đây. Nhiều người
Trung Quốc vẫn than phiền về cách quản lý của chính phủ đối với nền
kinh tế, môi trường và hệ thống chính trị của đất nước. Đặc biệt ở vùng
nông thôn, không khó tìm những người giận dữ đối với tham nhũng, các vụ
chiếm đoạt đất đai, sự bóc lột công nhân, sự chênh lệch giàu nghèo và
đàn áp có tính côn đồ.
Tuy nhiên, công tác tư tưởng đã đối phó
với những sự bất bình này bằng hai cách. Cách thứ nhất là Đảng Cộng Sản
khuyến khích dân chúng tin rằng cấp lãnh đạo trung ương vẫn là trong
sạch và mọi tệ nạn đều do sự tham nhũng hoặc thiếu hiểu biết của các
quan chức địa phương. Cách thứ hai, đơn giản là Đảng làm dân chúng sao
lãng. Các đòi hỏi về thanh lọc không khí, chẳng hạn, được đáp lại bằng
52 huy chương vàng Olympic và chiến dịch tuyên truyền ồ ạt về Thế vận
hội. Các hộ dân bị di dời nhà cửa thì được khuyến khích quan tâm đến
việc Đạt Lai Lạt Ma “chia rẽ Tổ Quốc”.
Các biện pháp thích ứng
của Đảng nhằm bẻ gãy và làm sao lãng đã giúp Đảng tiếp tục nắm giữ
quyền lực trong giai đoạn biến chuyển nhanh chóng. Chúng cho thấy một
mô hình cai trị chuyên chế lâu dài ở Trung Quốc. Đáng quan ngại hơn
nữa là chính phủ Trung Quốc đang chuyển tải sự thành công của chính
sách này ở Trung Quốc sang sự thành công ở nước ngoài, nơi mà "mô hình
Trung Quốc" về chủ nghĩa tư bản chuyên chế ngày càng được nhiều nơi noi
theo. Các chính phủ từ Syria đến Việt Nam đang tán tụng thành công ấy
của Trung Quốc.
Điều đó không đáng ngạc nhiên. Những nhà lãnh
đạo chuyên chế tìm kiếm các công thức để tiếp tục nắm giữ quyền lực
đồng thời phát triển kinh tế quốc gia họ. Tại những nước nghèo, đang
phát triển, đa số người dân thường dễ xiêu lòng bởi lối tuyên truyền
này, cái lối tuyên truyền mà Trung Quốc phát tán bằng cách tăng cường
viện trợ và đầu tư mà không có một ràng buộc nào về nhân quyền, tổ chức
các chương trình huấn luyện cho các quan chức và sinh viên nước ngoài,
mở các trung tâm văn hóa như học viện Khổng tử trong các trường đại học
nước ngoài, và bao che về mặt ngoại giao cho các chế độ độc tài chuyên
chế tại Liên Hiệp Quốc và nhiều nơi khác.
Trung Quốc cũng đã mở
rộng quan hệ hữu nghị với nhiều kiểu quốc gia khác nhau, từ những chế
độ hà khắc ̶ trong đó có Sudan, Miến Điện, Uzbekistan, Bắc Hàn và
Zimbabwe ̶ nơi mà những lãnh đạo chỉ muốn có viện trợ tài chính và sự
ủng hộ trước Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác, cho đến một
nhóm các quốc gia khác, đa dạng hơn, đang phát triển ở Châu Á, châu Mỹ
La-tinh và châu Phi, những nước muốn thắt chặt quan hệ kinh tế, chính
trị văn hóa với Trung Quốc. Mức độ của nỗ lực này của Trung Quốc thật
khó có thể tính toán được. Ví dụ như hàng năm Trung Quốc giúp đào tạo
ít nhất 1000 quan chức tòa án và cảnh sát cho khu vực Trung Á, hầu hết
những người này có thể bí mật làm việc cho các cơ quan phản dân chủ.
Trong dài hạn, Bắc Kinh cũng có kế hoạch tăng cường chương trình đào
tạo cho các quan chức châu Phi. Rất khó ước đoán được phạm vi của các
chương trình hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng Ngân hàng Thế Giới ước tính
rằng Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của các nước châu Phi.
Mặc
dù mô hình Trung Quốc là một mối đe dọa cho các giá trị dân chủ nhưng
nó không phải là mô hình khống chế mọi mô hình khác. Sức hấp dẫn của
Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tùy thuộc phần lớn vào cách mà nền kinh tế
Trung Quốc khắc phục sự suy thoái toàn cầu, và cách mà các nước đang
phát triển nhận xét về những vấp váp của mô hình ấy. Về phía nội bộ,
Đảng Cộng Sản Trung Quốc sợ hãi chính dân chúng của họ hơn là đa số nhà
quan sát bên ngoài nghĩ. Người dân Trung Quốc ngày càng ý thức hơn về
các quyền hiến định của mình, một hiện tượng không thích hợp với chủ
nghĩa chuyên chế. Đảng Cộng Sản có thể được cảm tình của những lãnh đạo
nước ngoài, song vẫn phải đối mặt với sự bất đồng quan điểm trong nước
từ các tổ chức phi chính phủ địa phương, các tổ chức dân sự, và thành
phần truyền thông.
Sau cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An
Môn năm 1989, giới lãnh đạo Trung Quốc đã hiện đại hóa nền kinh tế đất
nước lẫn chủ nghĩa chuyên chế của họ. Và bởi lẽ sự hụt hẩng của chế độ
ấy cũng rõ ràng như khả năng hồi phục của nó, sự thách thức của nó đối
với dân chủ là một cuộc khủng hoảng theo nguyên nghĩa của từ này – khó
thể tiên đoán rằng dòng chảy của tiến trình ấy sẽ theo hướng này hoặc
hướng kia.
© Bản dịch của một nhóm sinh viên cho viet-studies 12-7-09
|