Ngọc Khánh
Vào đầu mùa thu năm ngoái, nếu ai
theo dõi báo chí hải ngoại hay tin tức từ các "hãng thông tấn vỉa hè” ở Hà
Nội, Hải Phòng sẽ thấy có vài vụ treo biểu ngữ tại một số nơi công cộng như Gia
Lâm, Hải Dương, Hải Phòng. Nội dung của các biểu ngữ đòi hỏi các quyền cơ bản
của công dân như dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, chống lạm phát.v.v.
Riêng ở Hải Phòng, ngoài biểu ngữ, còn có 300 tờ truyền đơn được rải từ cầu Lai
Cách mang nội dung bày tỏ sự hiệp thông với giáo dân Thái Hà trong việc cầu
nguyện đòi đất diễn ra nhiều ngày ở Hà Nội.
Sau đó ít lâu, một nhóm người xem ra là "thủ phạm" của những chiếc
biểu ngữ đã bị bắt giữ. Trong đó, có mấy anh chị Hải Phòng như nhà văn Nguyễn
Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, và một số tên tuổi khác.
Treo biểu ngữ là "vi phạm pháp luật"
Ở Việt Nam, nơi người dân có nhiều quyền quy định trong Hiến Pháp không kém bất
kỳ một quốc gia dân chủ nào thì việc treo biểu ngữ xem ra là việc (rất) riêng
của nhà nước. Người ta đã quen với việc những biểu ngữ, mà người Bắc
thường gọi là khẩu hiệu, mang mầu sắc sặc sỡ treo rợp trời các đường phố
thủ đô hay các thành phố lớn nhân dịp quốc khánh, thành lập đảng, ngày sinh chủ
tịch Hồ Chí Mính hay trước các kỳ họp Quốc Hội, đại hội đảng.v.v.
Việc một nhóm người nào đó treo biểu ngữ là việc hết sức lạ lẫm ở đất nước
"dân chủ gấp triệu lần tư bản" này.
Và "tác giả" cùa những biểu ngữ này bị "thăm hỏi" hoàn toàn
là điều dễ hiểu. Lần lượt 7 người liên quan tới việc treo biểu ngữ đã bị bắt
giữ trong một thời gian ngắn. Tính tới thời điểm này, họ đã bị giam giữ không
xét xử khoảng 9 tháng.
Mới rồi, cơ quan điều tra thuộc bộ Công An đã hoàn tất và đưa ra "kết luận
điều tra vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa và đồng bọn tuyên truyền chống phà nhà nước
CHXHCNVN".
Bản Kết Luận Điều Tra này mang số 17/KLĐT do ông Nguyễn Ngọc Thuấn, Phó thủ
trưởng cơ quan An ninh Điều tra bộ Công An ký tên và đóng dấu.
Liên quan tới vụ án mà cơ quan công an mô tả là chống phá nhà nước này gồm có 6
người: Nguyễn Xuân Nghĩa (1949), Nguyễn Văn Túc (1964), Ngô Quỳnh (1984),
Nguyễn Văn Tính (1942) , Nguyễn Kim Nhàn (1949) và Nguyễn Mạnh Sơn (1943). Họ
bị bắt vào tháng 9/2008 và ngay sau đó có quyết định khởi tố bị can. Trường hợp
Phạm Thanh Nghiên và anh Phạm Văn Trội không thấy có tên trong bản Kết Luận
Điều Tra này. Hai người cũng bị giam giữ từ tháng 9 năm ngoái tới nay, có thể
nhà nước sẽ xét xử họ trong một vụ án khác.
"Tang chứng, vật chứng"
Giống như nhiều vụ án "nhạy cảm" khác, "tang chứng, vật
chứng" mà những điều tra viên thu thập để chuẩn bị xét xử bao gồm
một khẩu hiệu "phản động mang hàng chữ: "Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ,
lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Đa
nguyên, đa đảng cho Việt Nam”. Nhiều tài liệu, bài viết được thu giữ từ máy
tính cá nhân.
Bản Kết Luận Điều Tra của công an nêu rõ:
"Đầu tháng 8/2008, Nguyễn Xuân Nghĩa bàn với Nguyễn Văn Túc việc tổ chức
treo khẩu hiệu để chụp ảnh, viết bài đưa lên mạng Internet tuyên truyền chống
Nhà nước CHXHCN Việt Nam và quảng bá cho hoạt động của chúng... Mới đầu khẩu
hiệu dự tính treo ở Thái Bình nhưng do không tìm được địa điểm thích hợp nên họ
đã treo nó tại cầu Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng vào sáng ngày
16/8/2008''.
Hành vi "phạm tội" kế tiếp mà cơ quan công an đưa ra là việc họ chụp
ảnh biểu ngữ nói trên và phát tán trên mạng, liên hệ với nhiều cá nhân trong và
ngoài nước, một số tổ chức ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn hoặc viết bài gửi
cho các báo chí hải ngoại.v.v.
Trong số những hành động "phản động" có việc xúi giục biểu tình chống
Trung Quốc, đòi Trung Quốc bồi thường cho các ngư dân Thanh Hóa trong vụ 9
người bị bắn chết khi đánh bắt cá trên biển Đông. Vụ các ngư dân bị Trung Quốc
bắn chết chưa khi nào được các cơ quan nhà nước hay báo chí "lề phải"
chính thức thừa nhận. Trong khi đó, cô Thanh Nghiên và anh Ngô Quỳnh đã thực
hiện một chuyến đi về Thanh Hóa thăm hỏi động viên cũng như phỏng vấn và viết
bài đưa ra các trang web hải ngoại.
Công an cũng liệt kê một loạt những bài báo mà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa viết
mang nội dung "chống phá nhà nước" như: "Những quả bóng bay trên
bầu trời Hà Nội", bài thơ "Sợ", "gửi ông Lê
Dũng", hay bài báo "Tinh thần vô cảm", "Văn phong
Thiên Ân", "Ai gọi ai bằng cụ", "Gặp gỡ và cảm
nhận".v.v. làm bằng chứng cho việc bắt giữ và xét xử ông.
Từ những "tang chứng" trên, bản kết luận điều tra của công an cho
rằng, việc làm của "các bị can" là "xâm phạm rất nghiêm
trong an ninh quốc gia".
Được biết, những người bị bắt giữ không phải là thành viên của các đảng phái
chính trị cũng chưa từng vi phạm pháp luật Việt Nam. Từ những bất mãn với
xã hội, những quan điểm khác biệt, anh em đã tập hợp nhau lại thành một nhóm.
Vẫn là điều 88 bộ luật Hình Sự
Trong phiên tòa sắp tới, các công dân liên quan tới việc treo biểu ngữ và phát
tán các bài viết trên mạng Internet cũng sẽ bị xử theo điều luật 88 bộ luật hình
sự nước CHXHCN Việt Nam. Điều luật này đã trở nên khá quen thuộc trong mấy năm
gần đây và trở thành căn cứ khép tội đưa nhiều người hoạt động cho dân chủ Việt
Nam vào tù như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Huỳnh
Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyền .v.v.
Một số người vừa bị bắt như luật sư Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng
Long, Lê Thị Thu, Trần Thị Thu cũng bị báo chí khép tội vi phạm điều 88. Mới
nhất là 2 ông Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung cũng sẽ bị xét xử với cùng tội
danh trên.
Mặc dù gần đây, nhiều ý kiến của các luật gia cũng như chính phủ một số nước
phương Tây cho rằng Việt Nam nên bỏ điều luật này đi vì nó hoàn toàn trái ngược
với Hiến Pháp Việt Nam cũng như với một số công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký
kết nhưng ông Lê Dũng trong một phát biểu gần đây khẳng định "điều 88 là ý
nguyện của nhân dân".
Trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam long
trọng ký kết có điều quy định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan
điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin
tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật,
hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.” -
Điều 19. Hiến pháp Việt Nam cũng quy định rõ quyền tự do đi lại, hội họp, biểu
tình, bày tỏ chính kiến.v.v.
Như vậy, hành động của các công dân khi treo biểu ngữ hay bày tỏ quan điểm bằng
các bài viết trong hay ngoài biên giới quốc gia đều là hành động phù hợp với
hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chính điều 88 là một điều luật vi hiến
mà nhà nước đã sử dụng để khép tội những người yêu nước cần phải được vứt bỏ.
© 2009 Đàn Chim Việt Online Nguồn: Đàn Chim Việt Online
|