Thứ Ba, 2024-11-05, 8:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 15 » Trí thức VN hoài nghi về cam kết chống tham nhũng của chính phủ
3:08 PM
Trí thức VN hoài nghi về cam kết chống tham nhũng của chính phủ
VOA, 14/07/2009

Việt Nam mới đây đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tham nhũng để trở thành quốc gia thứ 141 trên thế giới tham gia mạng lưới chống tham nhũng toàn cầu này. Hành động vừa kể đã được một số người tán dương là chứng tỏ quyết tâm của giới hữu trách Việt Nam trong việc bài trừ tệ nạn tham ô. Tuy nhiên, một số trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục bày tỏ hoài nghi đối với cam kết của Hà nội trong việc đối phó với điều thường được gọi là 'quốc nạn' này. Mời quí vị theo dõi Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Thưa quí vị, hôm thứ tư vừa qua Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đã chủ tọa phiên họp thứ 10 của chính phủ nhằm đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2009. Theo bản tin của hãng thông tấn AP, tại cuộc họp này người đứng đầu chính phủ Việt Nam thừa nhận rằng công tác chống tham nhũng còn có những khuyết điểm, chẳng hạn như “việc tổ chức thực hiện các qui định phòng chống tham nhũng ở lãnh vực kê khai tài sản, quản lý đất đai hiệu quả còn thấp; công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng còn bất cập; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị xảy ra tham nhũng còn hạn chế…” Cũng theo tin của AP, cơ quan thanh tra chính phủ đã phát giác là những vụ sai phạm ở các bộ và cơ quan chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2009 đã gây ra những thất thoát lên tới 600 triệu đô la.

Những tin tức vừa kể được loan tải khoảng hai tuần sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tham nhũng để trở thành quốc gia thứ 141 trên thế giới tham gia mạng lưới chống tham nhũng toàn cầu này. Ông Jairo Acuna-Alfaro, một viên cố vấn về chính sách chống tham nhũng của Liên hiệp quốc cho biết rằng qua việc phê chuẩn công ước, Việt Nam giờ đây phải báo cáo định kỳ cho cộng đồng quốc tế về việc thực thi thỏa thuận này. Ông nói rằng Việt Nam đã có một khung sườn pháp lý đầy đủ để chống tham nhũng nhưng việc thực thi còn yếu kém và thiếu phối hợp. Theo ông Acuna-Alfaro, vì phải báo cáo về việc thực thi công ước nên những lỗ hổng pháp luật chống tham nhũng giờ đây có thể được phát giác dễ dàng hơn và dần dà sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Khi được hỏi ý kiến về sự tham gia công ước này của Việt Nam, nhạc sĩ Tô Hải – tác giả của một cuốn hồi ký đã gây chấn động mạnh ở Việt Nam và hải ngoại trong thời gian gần đây, cho biết như sau.
Nhạc sĩ Tô Hải: Chuyện Việt Nam ký, tôi xin bảo đảm rằng cái gì cũng ký. Không có cái gì mà Việt Nam không ký cả. Chỉ có ký muộn hay ký sớm thôi. Nhưng ký xong rồi Việt Nam có thi hành không lại là chuyện khác. Việt Nam đã ký về nhân quyền, về chống tham nhũng, về đủ thứ… Rồi từ đó tới nay họ có thi hành gì đâu. Vì ký xong thì họ về ra lệnh là lập tức có cái luật 88. Rồi ai bị bắt cũng đều vin vào luật đó để mà bắt. Ví dụ như là có tư tưởng chống phá nhà nước, phát biểu không có lợi cho tình hình nhà nước. Họ còn cho rằng chống Trung quốc là làm ảnh hưởng tới đường lối ngoại giao.

Ông Tô Hải, tác giả những ca khúc nổi tiếng từ mấy mươi năm qua ở Việt Nam như “Nụ cười sơn cước”, cũng đã thuật lại những sự kiện mà ông chứng kiến tận mắt nơi ông sinh sống ở Nha Trang, như những công trình xây dựng nhiều lần bị đập đi để rồi xây lại, và kết luận rằng các giới chức chính quyền đã làm như thế để có cơ hội tham nhũng:

Nhạc sĩ Tô Hải: Cứ xây lên lại đập lại, đập lại rồi xây lên. Đấy để làm gì? Người ta đều kết luận là “Đấy là vì có ăn. Không làm những cái chuyện như thế này thì lấy gì mà ăn!”

Một nhà văn đối kháng ở Hà nội, bà Trần Khải Thanh Thủy cũng đã có một nhận định rất bi quan về những hoạt động bài trừ tham nhũng của chính quyền Việt Nam hiện nay.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Đúng như lời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói – dù là nói đi nói lại vẫn không thừa, là “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm!” Nó ăn như rồng leo, nói như rồng cuốn, nhưng mà làm như mèo mửa!

Cũng tại Hà nội, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ kỳ cựu là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho biết rằng ông hy vọng là nhờ vào việc phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tham nhũng mà những nỗ lực chống tham nhũng Việt Nam sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng nạn tham nhũng hiện nay tệ hại hơn nhiều so với những năm trước.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Hầu như nước nào cũng có tham nhũng, nhưng Việt Nam thì tham nhũng tràn lan ở mọi cấp mọi ngành, ở tất cả các cơ quan chính quyền và cơ quan Đảng. Đến nỗi ở Việt Nam người ta nói rằng có chức có quyền mà không tham nhũng mới là chuyện bất bình thường. Trong kháng chiến chống Pháp đã có những vụ như vụ Trần Hữu Châu. Hồi 1975 thì có vụ phi tang 16 tấn vàng của ông Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại. Nhưng những ngày ấy tham nhũng rất thưa thớt so với bây giờ. Bây giờ tham nhũng làm cho quốc gia khuynh gia bại sản, làm cho người dân khốn đốn cùng cực. Trong khi có những nhà dân cộng tất cả gia sản lại không quá vài trăm đô la; trong khi ngư dân lặn ngụp ngoài biển khơi, không những bị gió bão uy hiếp mà còn bị lính Trung quốc săn đuổi, mất mạng như chơi, thì mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục đô la. Trong khi đó, có những quan chức nhà nước tài sản hàng trăm triệu đô la, hàng tỉ đô la. Đấy là điều không thể tưởng tượng nổi, không thể tin được mà lại có thật. Chẳng thế mà ông Bùi Tiến Dũng đem mấy triệu đô la đi đánh bạc, ông giám đốc một công ty hàng không nọ có thể xuất quĩ mua một lúc vài chiếc Mercedes cho mình!

Giáo sư Nguyễn Thanh Giang nói thêm rằng tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam phát sinh từ những chủ trương sai lầm của đảng đương quyền, xoay quanh đường lối gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng tham ô là hành vi của người lạm dụng chức vụ quyền hạn hoặc cố ý làm trái luật để phục vụ lợi ích cá nhân. Đấy là tình trạng chung của quốc tế. Ờ Việt Nam thì khác. Tham nhũng ở Việt Nam có nguồn gốc thâm căn cố đế hơn, có nền tảng vững chắc hơn. Tham nhũng ở Việt Nam được gây nên, được nuôi dưỡng, được bảo lãnh bởi chính chủ trương đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam!

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, để công cuộc chống tham nhũng được hiệu quả giới hữu trách Việt Nam cần phải thực hiện bốn việc. Đó là giảm thiểu tính chất chủ đạo của doanh nghiệp quốc doanh, từ bỏ độc quyền chính trị, nới lỏng hạn chế đối với tự do ngôn luận và tự do báo chí để bảo đảm sự minh bạch trong xã hội, và các cơ quan của nhà nước và đảng phải giải trình đầy đủ công việc của mình với quốc hội và nhân dân để thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Bảng xếp hạng năm 2008 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức quốc tế chuyên theo dõi vấn đề tham nhũng, đã ghi Việt Nam vào nhóm các nước tham nhũng nhất thế giới với thứ hạng 121 trên 180 -- chỉ khá hơn chút đỉnh so với vài nước láng giềng như Indonesia (126); Philippines (145), Kampuchea (166); nhưng kém xa các nước Singapore (4), Nam Triều Tiên (40), và Malaysia (47).
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1014 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 526
Khách: 526
Thành Viên: 0