Một bài viết được hãng thông tấn AFP đăng tải hôm thứ Tư đã đưa ra một số
nhận định của các phân tích gia về hàng loạt các vụ bắt giữ các luật sư nhân
quyền và các nhà hoạt động dân chủ gần đây của chính phủ Cộng sản Việt Nam. Các
phân tích gia cho rằng các vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch trấn áp
kéo dài của chính quyền và những vụ việc này cho thấy sự nhạy cảm của chính
quyền đối với những thế lực mà họ gọi là 'thù địch nước ngoài'.
|
Luật sư Lê Công Ðịnh
|
Một số
nhà quan sát thì cho rằng vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định và những người khác có
liên quan đến chính sách của chính phủ đối với Trung Quốc.
Một nghiên
cứu gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông David Koh nói
rằng các vụ trấn áp vẫn sẽ tiếp diễn.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer,
một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia thì cho rằng những
vụ bắt bớ mới nhất này cho thấy tầm quan trọng của Internet cũng như các mối
liên hệ với nước ngoài trong việc duy trì hoạt động cổ vũ dân chủ và cũng cho
thấy sự nhạy cảm của chính quyền Việt Nam đối với những sự bất đồng chính kiến
này.
Giáo sư danh dự Ben Kerkvliet, cũng là môt chuyên gia về Việt Nam
tại Trường đại học Quốc gia Australia, cho rằng trường hợp của ông Định giống
với kiểu mẫu từ thời cuối thập niên 1990 hay là hồi đầu thập niên này.
Ông Kerkvliet nói rằng vụ việc này là một phần trong mối căng thẳng vẫn
tồn tại trong nội bộ đảng cộng sản về cách thức giải quyết những sự bất đồng
chính kiến đang ngày càng gia tăng cũng như những chỉ trích đối với hệ thống
chính trị của Việt Nam.
Trong thập niên vừa qua số những người lên
tiếng chỉ trích đã ngày càng gia tăng, tuy nhiên Giáo sư Kerkvliet cho rằng
những hành động này chưa đủ mức độ để được gọi là một 'phong trào' bởi những
người chỉ trích thiếu một chiến lược và tầm nhìn chung.
Ông nói có đến 6
hay 7 tổ chức mà Hà Nội coi là những đảng chính trị 'bất hợp pháp'. Tất cả đều
nói rằng cần có một hệ thống chính trị minh bạch hơn và đều tuyên bố là có trụ
sở ở Việt Nam mặc dù một số có sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Ông Kerkvliet
cũng nói thêm rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản đã có những tranh cãi xung quanh
việc liệu có nên đối thoại với những người chỉ trích hay nên trấn áp họ.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer nhận định rằng thậm chí ngay cả các đảng viên
mang tư tưởng tiến bộ cũng cho rằng sự mở rộng tự do nên do đảng lãnh đạo, và
cuộc tranh luận chỉ xoay quanh việc làm thế nào để sử dụng chiến dịch tuyên
truyền và các thông tin một cách tinh vi hơn để bảo vệ cho hành động của chính
phủ.
Theo một nhà ngoại giao Châu Á ở Hà Nội, không muốn nêu danh tính,
thì có một sự đồng thuận về việc trấn áp này trong nội bộ Đảng.
Một số
nhà chỉ trích và quan sát cho rằng những vụ bắt giữ mới đây là một thông điệp
gửi cho những ai cho rằng chính phủ quá dễ dãi đối với Trung Quốc trong vấn đề
tranh chấp biên giới và khai thác bauxite.
Nhà ngoại giao ở Hà Nội nói
thêm rằng có yếu tố Trung Quốc trong những vụ trấn áp này và chính phủ đang cố
gắng tự bảo vệ mình.
Một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng hiện đang
ở Pháp, ông Bùi Tín, cho rằng những vụ bắt giữ này là do 'sức ép' của Trung
Quốc.
Tuy nhiên, ông Koh không đồng tình với ý kiến này, trong khi Giáo
sư Kerkvliet, mặc dù đồng ý rằng hiện tại Đảng cộng sản đang tranh luận về tầm
quan trọng của đầu tư Trung Quốc, nhưng cũng cho rằng không có mối liên hệ rõ
ràng giữa điều này với những vụ bắt giữ gần đây.