Những năm gần đây, nghe rất nhiều những phong trào “nói không” với cái này, rồi “nói không” với cái nọ… Thú thật, tôi thèm muốn trước nhất một thứ: nói không với “nhiệt liệt chào mừng…”
Đó là những câu khẩu hiệu phản cảm và rất mất lòng dân. Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đến các vị hàng Bộ trưởng, Thứ trưởng… đi đâu cũng thấy treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng”. Ngay giữa Hà Nội, đến làm việc với các Bộ ngành cũng “nhiệt liệt”. Về các tỉnh thành cũng “nhiệt liệt”. Thậm chí đi kiểm tra phòng chống bão lụt cũng “nhiệt liệt”.
Một câu chuyện kỳ cục, chình ình ngay trên sóng truyền hình quốc gia, tôi đã viết từ hai năm trước:
“Bão số 4 sắp ập vào đất liền. Tối 25-9, VTV đưa tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra tình hình... chỉ huy phòng chống lụt bão tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ngay sau lưng, phía trên đầu ông Hải, người ta căng sẵn một câu khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng Phó Thủ tướng..." to tổ bố.
Lạ vì kẻ dưới quen thói tung hô "nhiệt liệt", kể cả khi Phó Thủ tướng đi kiểm tra phòng chống bão lụt. Kỳ hơn khi ngài Phó Thủ vẫn chẳng nói gì, thản nhiên ngồi chễm chệ ngay trước câu khẩu hiệu "Nhiệt liệt" đó để huấn thị về phòng chống bão!” (xem bài Nhiệt liệt chào mừng… bão lụt!).
Có người bảo với tôi rằng do địa phương người ta “tự ý”. Trách kẻ dưới đã đành. Nhưng quan trên, sao anh cứ chễm trệ ngồi ngay dưới những câu khẩu hiệu “nhiệt liệt” ấy để huấn thị? Tôi không tin là họ không nhìn thấy và không đọc được.
Thưở nhỏ, tôi đã đọc, nghe đâu đó câu chuyện về Hồ Chủ tịch. Chuyện rằng khi về địa phương, bước vào hội trường, Bác thấy treo một câu khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” đỏ chói. Nghiêm sắc mặt, Bác chỉ tay bắt tháo ngay câu “nhiệt liệt” đó trước khi ngồi làm việc.
Tôi thấy hầu hết các quan chức hàng Bộ trưởng trở lên, trong tủ làm việc ai nấy cũng đầy ắp những tuyển tập về Hồ Chủ tịch. Nhưng có được mấy ai thuộc và ngấm câu chuyện “nhiệt liệt” này?
Về địa phương, xuống cơ sở là nhiệm vụ thường nhật, là nghĩa vụ và trách nhiệm, sao cứ phải “nhiệt liệt”? Hay nói theo cách của Bác Hồ, “đày tớ” của dân về gặp chủ, sao cứ bắt “chủ” phải “nhiệt liệt chào mừng”. “Chủ” mà phải đi “nhiệt liệt chào mừng”… “đày tớ” của mình sao?
Tôi thích những câu này của cố nhà báo Trần Bạch Đằng: "Chẳng rõ từ bao giờ nảy sinh cái tệ cán bộ lãnh đạo "xuống" dân và cán bộ cấp dưới "hai tay xoa tít, cái đít cong vòng", một "báo cáo anh" hai "báo cáo anh". Vua chúa bỗng nhảy xổ vào chúng ta- những người cộng sản. Đành rằng có một số qui định, nghi thức mà phàm một quốc gia phát triển bình thường phải tuân theo, song làm nhạt nhoà mối thâm tình với đồng bào, đồng chí sẽ như cánh cổng sơn son dẫn vào chế độ quan liêu, vào... cung đình!"
“Nhiệt liệt chào mừng” là câu khẩu hiệu dành cho nghi thức ngoại giao. Mọi quan hệ quan-dân, trên-dưới trong hoạt động đối nội, trong trách nhiệm đương nhiên của Đảng, nhà nước và Chính phủ phải chấm dứt “nhiệt liệt”. “Đày tớ” phải chấm dứt không được và không có quyền bắt “ông chủ nhân dân” của mình phải “nhiệt liệt chào mừng”.
Tôi muốn phong trào “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được phát động và áp dụng ngay từ hôm nay. Mà trước hết, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… đến tất thảy các ngài Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trung ương ủy viên.
Không “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được thì cái quãng cách cầu nối với dân vẫn còn rất xa. Và mọi lời huấn thị, rao giảng dưới những câu “nhiệt liệt” ấy rất khó lọt tai dân.