Chủ Nhật, 2024-12-22, 6:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 17 » Hòa dịu hay hèn yếu?
9:40 PM
Hòa dịu hay hèn yếu?

Ngô Nhân Dụng

Sáng ngày 16 Tháng Bảy 2009 chín ngư phủ Việt Nam bị tầu lạ đâm chìm ngoài biển Ðông ngày hôm trước đã về tới Quảng Ngãi nhờ các tầu bạn cứu đưa về. Một người thoát nạn kể, “Trong đêm khuya mịt mù giữa biển cả, giữa lúc các thuyền viên chợp mắt nghỉ ngơi trong khoang tàu thì bỗng dưng một chiếc tàu tông thẳng từ đằng sau tới.”

Những vụ tầu đánh cá Việt Nam bị tầu Trung Quốc tấn công đã tăng lên trong mấy năm qua, và chưa bao giờ “hung bạo” như trong năm 2009 này. Chỉ trong vòng hai tháng qua, ba tàu đánh cá của dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm vào ban đêm trên biển. Từ Tháng Giêng, một tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên đã bị một tàu lạ đâm chìm ở vùng biển Ðại Lãnh, chín ngư dân mất tích. Ðến Tháng Ba, một tàu đánh cá ở Bạc Liêu bị một tàu lạ khác đâm chìm, hai người tử nạn và hai người mất tích. Ðầu Tháng Năm, một tàu ngư dân thuộc huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang vây bắt cá ở cách bờ chừng 65 hải lý thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài đến yêu cầu dỡ lưới đi nơi khác, nếu không sẽ gặp rắc rối. Ngày 22 Tháng Năm, một tàu cá khác từ huyện Ðức Phổ, Quảng Ngãi đã bị một tàu nước ngoài tấn công ngay trên nơi thả lưới, lấy đi hơn một nửa số cá vừa đánh bắt được. Bọn cướp trên chiếc tàu lạ này còn dùng lưỡi lê đâm thủng thuyền thúng dùng làm xuồng cứu nạn.

Chính phủ Trung Quốc đã “ra lệnh” từ Tháng Sáu đến Tháng Tám không cho tàu đánh cá vào vùng Hoàng Sa mà họ coi là thuộc chủ quyền của họ. Ngay đầu Tháng Sáu, một chiếc tàu của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã bị hai tàu lạ tấn công, phải bỏ lưới thoát thân.

Riêng tỉnh Quảng Ngãi bị chú ý đặc biệt, đến nay đã có 33 chiếc tàu đánh cá với 373 ngư dân là bị Trung Cộng bắt, riêng năm 2007 đã có 9 ngư dân bị giết chết hoặc bị thương. Những người này bị buộc phải nộp tiền chuộc từ 50 đến 70 ngàn Yuan tức từ 9 đến 11 ngàn đô-la mới được trả tự do. Tại họa đến với dân Quảng Ngãi chắc vì quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng này.

Như thường lệ, phản ứng của chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam lúc nào cũng rất yếu ớt. Những người bênh vực đảng và nhà nước Cộng Sản thường biện minh rằng Việt Nam là một nước nhỏ, sức không chống nổi Trung Quốc cho nên phải giữ thái độ hòa dịu, mềm dẻo. Hòa dịu có nghĩa là không gây hấn, không đe dọa ai hết. Nhưng không có nghĩa là tiếp tục chịu nhục mãi. Khi dân nước mình bị đe dọa, bị tấn công ngay trên mặt biển của mình, mà không có những biện pháp trả đũa ngoại giao mạnh mẽ, đó là một điều nhục nhã. Ngay khi ngư dân Việt Nam bị bắt cóc đòi tiền chuộc, một chính quyền biết tự trọng ít nhất phải triệu hồi đại sứ của mình ở Bắc Kinh về để bày tỏ nỗi bất bình. Phải đưa nội vụ ra trước những tòa án quốc tế để kiện.

Nhưng Ðảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn đứng về phía các đồng chí Trung Quốc của họ. Cứ đọc các báo trong nước thì thấy rõ báo chí bị kiểm soát để bảo vệ “tình hữu hảo” giữa hai đảng Cộng Sản như thế nào. Trong những bài báo tường thuật vụ “tàu lạ” đâm vào tàu Việt Nam, không báo, đài nào dám gọi tên hay bàn bạc rằng đó là những “tầu Trung Quốc!” Những người chỉ huy các báo sợ đụng tới cái tên đó sẽ mang vạ! Mặc dù vậy, nhiều nhà báo yêu nước vẫn tiết lộ được điều đó bằng cách nói khéo là những người trên “tầu lạ” ra lệnh cho các ngư phủ Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc! Tuy nhiên chỉ được một vài ngày, sau đó cả chi tiết về ngôn ngữ đó cũng không được nhắc tới nữa! Sau này các nhà báo Việt Nam sẽ có dịp viết hồi ký, cho biết những ai ra lệnh cho họ không được đụng tới tên Trung Quốc! Nhưng chính vì đảng Cộng Sản “kính nể” Trung Quốc quá đáng nên họ “được đằng chân lân đằng đầu!” Người dân Trung Quốc cũng coi rẻ người dân Việt Nam! Và các ngư phủ Việt Nam đang là nạn nhân của chính sách “ngoại giao mềm dẻo” đến độ “hèn yếu” này!

Năm ngoái đã xảy ra một cuộc đụng độ tương tự giữa Ðài Loan và Nhật Bản trong vùng Ðiếu Ngư Ðài. Chiếc tàu đánh cá Liên Hòa của Ðài Loan bị một tàu tuần duyên Nhật Bản đâm rồi bị chìm vào Tháng Sáu, 2008. Chính phủ Ðài Loan đã phản đối mạnh mẽ. Dù ai cũng biết sức lực Ðài Loan yếu hơn Nhật, nhưng ông thủ tướng Ðài Loan vẫn dọa “không gạt bỏ việc dùng vũ lực” để giải quyết biến cố này! Chính phủ Ðài Bắc triệu hồi “đại diện” của họ ở Tokyo về nước (tương đương với đại sứ vì hai nước không trao đổi ngoại giao chính thức), rồi cho 5 tuần duyên hải hộ tống một đoàn tàu chở dân Ðài Loan “biểu tình” tới sát Ðiếu Ngư Ðài, chạy vòng quanh cách đảo khoảng 700 mét. Bốn ngày sau, người đại diện Nhật Bản ở Ðài Bắc phải chính thức xin lỗi vị thuyền trưởng tàu Liên Hòa, lúc đó cuộc tranh chấp mới yên.

Người Nhật phải kính trọng dân Ðài Loan vì chính quyền Ðài Loan không hèn nhát. Cách chính quyền Bắc Kinh đối xử với các nước khác trong vùng biển tranh chấp khác hẳn cách họ đối đãi với dân Việt Nam. Ngày 25 Tháng Sáu, Indonesia đã bắt 75 ngư phủ người Tàu đánh cá trong vùng Trường Sa, mà chính phủ Trung Quốc chỉ lễ phép khiếu nại và xin trả tự do cho dân của họ. Cũng trong tháng đó, Phi Luật Tân đã bắt giữ 25 ngư phủ người Trung Hoa trong vùng tranh chấp Trường Sa, mà chính phủ Manilla không sợ bị Trung Quốc “trừng phạt.”

Trung Quốc đối xử khác biệt là do chính quyền Việt Nam không dám có phản ứng mạnh mẽ sau những vụ chủ quyền và quyền sống của người dân nước Việt bị xâm phạm trắng trợn, như mới xảy ra ở Quảng Ngãi gần đây. Nếu một chính quyền nhát quá không dám làm mạnh thì tối thiểu cũng phải để cho dân trong nước mình được tự do biểu tình phản đối trước các tòa đại sứ, lãnh sự quán. Hoặc dân chúng kéo nhau đi thuyền đến vùng biển tranh chấp bày tỏ lòng phẫn uất của mình, giống như các thanh niên Hồng Kông và Ðài Loan đã nhiều lần đi thuyền đến Ðiếu Ngư Ðài.

Ðiếu Ngư Ðài chỉ là một nhóm chừng 5, 7 hòn đá lớn nổi trên mặt biển với diện tích tổng cộng chỉ có 7 cây số vuông, hiện do người Nhật chiếm đóng, họ gọi tên là Senkaku. Nhưng từ năm 1971 hai chính phủ Trung Hoa, ở lục địa và Ðài Loan, đều khẳng định mấy đảo này là của họ, với tên Ðiếu Ngư Ðài.

Tất cả những vụ “đụng độ” về các hòn đảo này thường do người dân yêu nước xướng xuất, mà chính quyền không ngăn cản. Từ năm 1978, Hội Thanh Niên Nhật Bản đã hai lần quyên góp tiền để xây dựng những hải đăng trên hai hòn đảo lớn ở Senkaku, để xác định chủ quyền. Lần thứ nhì vào Tháng Chín năm 1996 khiến dư luận cả thế giới chú ý, chính phủ Mỹ phải lên tiếng tuyên bố đứng trung lập - cũng như một phụ tá Bộ Ngoại Giao Mỹ mới nói với Quốc Hội vào ngày Thứ Tư, 15 Tháng Năm, 2009 rằng Mỹ hoàn toàn đứng ngoài trong vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển Ðông. Ngay sau đó, có những đoàn thanh niên từ Hồng Kông, Ðài Loan, rồi sau đó đến Trung Quốc đã tổ chức đi thuyền đến Ðiếu Ngư Ðài cắm cờ quốc gia của họ lên đảo. Một thanh niên Hồng Kông đã chết đuối trong một chuyến hành trình phản kháng đó.

Tháng Ba năm 2004 một nhóm bảy thanh niên từ lục địa đổ bộ lên Ðiếu Ngư Ðài, họ bị quân tuần phòng Nhật Bản bắt; chính phủ Bắc Kinh phản đối và đòi Nhật trả họ về nước. Ðể chứng tỏ thanh niên Nhật Bản cũng không sợ, vào Tháng Tư, một nhóm ái quốc ở Nhật lái một chiếc xe vận tải đâm vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở Osaka cho bốc cháy.

Tháng Bảy 2004, thanh niên Bắc Kinh đã biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Nhật Bản phản đối việc khai thác dầu khí ở hải phận quanh Ðiếu Ngư Ðài. Hai năm trước đây, tòa đại sứ và lãnh sự Trung Cộng ở Hà Nội và Sài Gòn đều đóng cửa im ỉm để mặc cho cảnh sát công an Việt Cộng đối phó khi các thanh niên Việt Nam tới biểu tình phản đối vụ Hoàng Sa. Khi dân Trung Quốc biểu tình chống đối, Tòa Ðại Sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh đã cử hai nhân viên ra nhận lá thư phản kháng. Cũng theo cách đối xử lịch sự như vậy, vào năm 2006 tầu tuần duyên Nhật Bản chỉ ngăn cản những tầu “biểu tình” của một nhóm thanh niên Hồng Kông không cho họ đổ bộ lên đảo, mà không để xảy ra một vụ xô xát nào.

Tháng Sáu năm 2005 một chiếc tầu đánh cá tư nhân của Ðài Loan bị tầu tuần duyên Nhật Bản ngăn chặn xét hỏi khi tới Ðiếu Ngư Ðài. Chính phủ Ðài Loan đã gửi một chiến hạm tới sát gần Ðiếu Ngư Ðài để bày tỏ sự tức giận của dân chúng Ðài Loan; trên chiếc tầu này có ông bộ trưởng quốc phòng và vị chủ tịch Quốc Hội. Quân đội Nhật Bản không có một hành động nào ngăn cản chiếc tàu đó, và sang Tháng Bảy thì chính quyền hai nước bắt đầu cuộc thương thuyết về vùng đánh cá, mặc dù không ai bàn đến vấn đề chủ quyền trên Ðiếu Ngư Ðài. So sánh với các vụ “tàu lạ” đâm vào mạn sườn tầu Việt Nam giữa đêm, hoặc bắt cóc các ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc trong vùng Hoàng Sa thấy khác hẳn. Khác không phải vì người Nhật biết cư xử lịch sự văn minh hơn người Trung Quốc; mà khác ở chỗ chính phủ Tokyo kính nể dân Trung Hoa, còn chính phủ Bắc Kinh không cần kính trọng dân Việt Nam.

Trong cuộc tranh chấp về Ðiếu Ngư Ðài, phía Nhật Bản có những nhóm thanh niên tìm cách bày tỏ tình tự dân tộc mạnh mẽ. Ðối lại, dân Trung Hoa ở cả hai bên eo biển cũng đều tìm cơ hội biểu dương chủ quyền của nước họ. Dân trong lục địa Trung Quốc không hoạt động mạnh bằng người ở Hồng Kông và Ðài Loan. Có lẽ vì ở Hồng Kông và Ðài Loan dân chúng đã quen nếp sống tự do, xã hội công dân tự động phát triển phong phú tại cả hai nơi này. Các công dân hai xứ đó vẫn có thói quen tự đứng ra tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội cho chính mình, họ cũng được tự động thể hiện tinh thần ái quốc. Còn dân Trung Hoa trong lục địa không quen thi hành quyền công dân của mình bằng những việc bày tỏ thái độ chung. Dân các nước Cộng Sản vẫn có thói quen chờ mệnh lệnh của Ðảng; khi Ðảng xúi giục hoặc cho phép thì dân mới hành động.

Dân Việt Nam còn kém may mắn hơn. Việc tổ chức biểu tình vốn đã khó khăn vì dân không có thói quen tự mình hành động, tệ hơn nữa là những người yêu nước còn bị chính quyền ngăn cấm, không cho bày tỏ phẫn uất trước những hành động xâm lăng, đe dọa và gây hấn của Trung Quốc.

Người Việt tị nạn ở khắp thế giới có thể biểu tình yêu cầu chính phủ các nước như Úc, Pháp, Mỹ, Canada, vân vân, can thiệp với chính quyền Trung Quốc để họ ngưng các vụ tấn công tàu đánh cá Việt Nam? Nhưng họ sẽ hỏi, “Tại sao chính quyền ở Việt Nam không làm việc đó?”

Trong hoàn cảnh này, chỉ có cách là chính đồng bào chúng ta ở Quảng Ngãi, ở Nghệ An và các thành phố khác phải bày tỏ thái độ. Cần phải can đảm như dân Ðài Loan, dân Hồng Kông. Nếu người dân Việt Nam cũng tiếp tục ngoan ngoãn như chính quyền Cộng Sản thì sẽ còn nhiều vụ “tàu lạ” đâm vào tàu đánh cá Việt Nam nữa! Vì người Trung Quốc, hay người Nhật Bản cũng vậy, họ không thể kính trọng một dân tộc ngoan ngoãn quá! Cả nước từ trên xuống dưới phải “hòa dịu” mãi sẽ thành ra “hèn yếu!”
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 675 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0