Chủ Nhật, 2024-11-24, 9:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 18 » Phòng, chống tham nhũng – Bài học chua chát từ nước Nga, người “anh cả” một thời của Việt Nam
2:31 PM
Phòng, chống tham nhũng – Bài học chua chát từ nước Nga, người “anh cả” một thời của Việt Nam
Phạm Minh Ngọc dịch

Igor Kliamkin (Phó chủ tịch Quĩ Sứ mệnh tự do, người dẫn chương trình):

Xin chào tất cả các quí vị! Xin bắt đầu buổi họp của chúng ta. Hôm nay, một lần nữa chúng ta lại thảo luận vấn đề tham nhũng ở nước Nga. Đây là vấn đề mang tính hệ thống, mọi người đều đã công nhận như thế. Chính ông cựu Tổng thống đã nhiều lần nói như thế và ông cũng kêu gọi phải đấu tranh với nó một cách không mệt mỏi. Nhưng chủ yếu vẫn chỉ là ngôn từ mà thôi. Và đôi khi người ta có đưa một số tên cướp có môn bài và không có môn bài ra trước ông kính truyền hình. Nhưng đấy thường là trước ngày bầu cử, còn sau đó thì lại yên ắng. Dĩ nhiên là nếu không kể những lời kêu gọi chống tham nhũng.

Ông Tổng thống mới lập tức tuyên bố coi đấu tranh chống tham nhũng là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của mình. Người ta đã đệ trình lên Duma quốc gia một loạt dự luật, chuyện chưa từng có trước đây. Hôm nay chúng tôi quyết định thảo luận những dự luật đó và đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Trước hết xin mời ông Georgy Aleksandrovich Sratov.

Georgy Aleksandrovich Sratov (Chủ tịch quĩ Thông tin dân chủ – INDEM):

Những bộ luật phòng chống tham nhũng được thông qua sẽ chẳng dẫn tới biện pháp phòng chống tham nhũng nào

Xin cám ơn tất cả các bạn. Tên gọi buổi họp mặt của chúng ta hôm nay: “Tương lai của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”, nói một cách nhẹ nhàng là có vẻ khôi hài. Nhưng đề tài thì dĩ nhiên là quan trọng. Dù người ta có phê phán những nghiên cứu của INDEM thế nào đi chăng nữa, dù người ta có bảo rằng chúng tôi đã khuếch đại mức độ bi kịch thì sau khi công bố bao giờ cũng có người nói: “Kết quả dĩ nhiên là rất tuyệt vời, nhưng tình hình thì xấu hơn nhiều”. Mà đấy là những người rất thạo tin, tôi bao giờ cũng tôn trọng ý kiến của họ. Tôi nghĩ rằng phần mở đầu như thế là đủ.

Bây giờ xin đi vào thực chất vấn đề. Tôi xin trả lời các câu hỏi đặt ra một cách ngắn gọn và đồng thời có bằng chứng. Thứ nhất: sáng kiến chống tham nhũng của chính quyền nghĩa là gì? Xin được tuyên bố một cách đầy tự hào rằng tôi không phải là người của hệ thống. Tôi, cũng như các bạn chỉ có thể xây dựng những giả thuyết về ý định của Điện Cẩm Linh trên cở sở, một mặt là lý tính và mặt khác là kinh nghiệm lịch sử mà thôi.

Kinh nghiệm cho ta thấy gì? Nó cho ta thấy rằng trong các hệ thống phi dân chủ, chính quyền trung ương thường chỉ quan tâm đến vấn đề tham nhũng khi nó bắt đầu nhận ra rằng tham nhũng gia tăng đồng nghĩa với việc gia tăng hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”. Tham nhũng không phải là hiện tượng riêng biệt, tự thân. Tham nhũng bao giờ cũng là dấu hiệu chứng tỏ sự kém hiệu quả của bộ máy quản lí.

Ngoài ra, một lúc nào đó chính quyền bắt đầu nhận ra rằng sự kém hiệu quả như thế không chỉ ảnh hưởng tới việc giải quyết những vấn đề công cộng nào đó – đấy chính là lí do tồn tại của chính quyền và đôi khi, ít nhất là để quảng bá rằng nó có quan tâm đến chúng ta – mà còn ảnh hưởng đến cả việc giải quyết những vấn đề ẩn khuất nào đó nữa. Đấy là vấn đề cực kì quan trọng, thiếu kỉ cương bao giờ cũng bắt đầu từ việc tạo ra những cản trở trong việc giải quyết các vấn đề công cộng rồi sau đó nhất định sẽ cản trở việc giải quyết các vấn đề riêng tư của những kẻ đứng ở những nấc thang quyền lực thấp hơn.

Ở nước ta sự thiếu hiệu quả và thiếu kỉ cương đã đạt đến mức độ kinh khủng từ lâu. Chứng cớ là những buổi gặp mặt thường kì giữa Tổng thống, bây giờ là Thủ tướng, với dân chúng. Tôi không xem buổi gặp gần đây, nhưng những buổi gặp trước bao giờ cũng có một mục. Đấy là khi người ta hỏi Putin tại sao việc nào đó chưa làm thì bao giờ ông ta cũng bảo: “Ba năm trước tôi đã chỉ thị rồi, thế mà bây giờ vẫn chưa làm xong”. Đây chỉ là một thí dụ. Trong những giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng, điều đó làm chính quyền lo lắng. Đúng là chính quyền đã nói đến tham nhũng từ trước khủng hoảng, nhưng điều đó chỉ chứng tỏ rằng ngoài nguyên nhân này còn có những nguyên nhân khác nữa.

Nguyên nhân thứ hai. Trong những nước với một chính quyền phi dân chủ và tham nhũng lan tràn (hai cái này thường liên kết mật thiết với nhau) thì đấu tranh chống tham nhũng cũng đồng nghĩa với cuộc đấu tranh nhằm bơm số tiền tham nhũng được lên các cấp cao hơn. Đây là sự kiện đã được xác nhận trên thực tế. Người ta đã viết rất nhiều về vấn đề này, có cả các mô hình thống kê và mô hình toán học nữa.

Nguyên nhân thứ ba, là PR. Tôi xin đưa ra một trường hợp. Các bạn hẳn còn nhớ trong cuộc vận động bầu cử, Medvedev đã nói rằng ở nước ta có thể mua được cả chức Bộ trưởng. Mà thế là không tốt. Nhưng sau bầu cử thì đề tài này bị quên hoàn toàn. Các bạn sẽ không thể phát hiện được dấu vết của nó trong bất kì sáng kiến lập pháp hay chương trình quốc gia nào.

Cuối cùng, nguyên nhân thứ tư. Thường thì động cơ chỉ hiển lộ sau khi công việc đã hoàn tất. Lịch sử có rất nhiều trường hợp như thế, phát minh ra chữ viết là một thí dụ. Ứng dụng thực tiễn của chữ viết chỉ hiển lộ sau khi người ta đã phát minh ra nó. Ở đây cũng thế. Chúng ta đã có những điều luật như thế, chúng được soạn thảo khi chưa có dấu hiệu khủng hoảng nào, nhưng như tôi sẽ chứng minh sau đây, các điều luật này có một cách áp dụng “tuyệt vời”. Tôi nghĩ là nó sẽ được thực hiện. Đấy là trong giai đoạn khủng hoảng, khi doanh nghiệp cũng như dân chúng chẳng ai còn tiền, mà cần phải “bóp” cho ra tiền thì họ sẽ “bóp” chính người của mình. Các điều luật này là để dành cho trường hợp như thế.

Nói tóm lại, trong cuộc sống mọi thứ đều được sắp xếp sao cho chuyển động phức tạp của cơ thể con người cũng như xã hội không phải do một động cơ duy nhất gây ra. Trong trường hợp này cũng thế, chúng ta thấy không phải một mà là hàng loạt động cơ. Dĩ nhiên đây là câu chuyện về quan niệm của tôi về các động cơ đó.

Câu hỏi tiếp theo: những điều luật đã được thông qua có giúp ngăn chặn tệ tham nhũng hay không? Câu trả lời dứt khoát là: không!

Xin bắt đầu từ cơ sở của những bộ luật này. Chúng ta, những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học thiết kế đã quen với việc là bất cứ kế hoạch nghiêm túc nào cũng phải dựa vào việc chẩn đoán và phân tích tình hình. Nhưng nếu không nói đến hoạt động khoa học mà chỉ giới hạn trong lĩnh vực đời thường thì chúng ta cũng sẽ không tin ông Bác sĩ không bắt mạch, không đo huyết áp, không lấy mẫu máu… mà đã kê đơn. Những đạo luật này cũng như chương trình chống tham nhũng quốc gia cũng là một loại “đơn thuốc” như thế. Và chương trình đó đáng quan tâm không phải như là một chương trình, không phải như là một kế hoạch mà như là một kiểu lời khai của nhân chứng.

Như vậy là xã hội đã không được nghe bất kì chẩn đoán nào. Tại sao? Tôi nghĩ là câu trả lời cũng dễ hiểu thôi. Nếu không có chẩn đoán thì có thể chữa bằng những biện pháp thiếu trách nhiệm nhất, và trong trường hợp này thì đúng là như thế. Ở đây không chỉ không có chẩn đoán mà còn không có cả mục tiêu và nhiệm vụ như thường thấy trong các bản kế hoạch và chương trình. Tại sao lại không có nhiệm vụ và mục tiêu? Các bạn sẽ hỏi như thế. Câu trả lời cũng rõ. Nếu không có kế hoạch và mục tiêu thì biện pháp có thể là bất kì và kết quả đạt được có thể chẳng cần phải so sánh với mục tiêu nào. Kết quả là cái mà chính quyền tuyên bố trên TV. Các bạn thấy đấy, thật là thuận tiện.

Tiếp theo, nếu có chẩn đoán, có nhiệm vụ và mục tiêu thì dĩ nhiên là phải có những chỉ báo chứng tỏ đã giải quyết xong các nhiệm vụ đặt ra, đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng vì không có chẩn đoán, không có nhiệm vụ, không có mục tiêu cho nên cũng không có chỉ báo. Như vậy là không có tiêu chí chứng tỏ rằng một việc gì đó đã được thực hiện. Trong trường hợp này là chương trình phòng chống tham nhũng quốc gia.

Dựa vào những tham số như thế, tức là những tham số mà các bộ luật này không có, có thể kết luận một cách dứt khoát rằng kế hoạch đấu tranh chống tham nhũng không dẫn đến bất kì hành động đấu tranh nào. Ngay cả khi một người nào đó có ước muốn chân thành.

Bây giờ xin nói về những thứ mà các bộ luật này có. Cơ sở của kế hoạch là gì? Có một vài cơ sở như thế.

Thứ nhất công cuộc cải cách bộ máy hành chính đã thất bại hoàn toàn. Rất nhiều biện pháp đã không được thực hiện. Và chúng được “chuyển vào” chương trình phòng chống tham nhũng và được phân bố vào các đề mục của chương trình.

Thứ hai, các mục trong Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc mà chúng ta đã phê chuẩn. Chúng cũng được đưa vào những bộ luật mà chúng ta đang bàn tới ở đây.

Và thứ ba, những ý tưởng điên rồ của các đại biểu Duma quốc gia giả vờ làm việc của chúng ta.
Kết quả là chúng ta có được một vở “tuồng” mà trong các xã hội lịch sự người ta gọi là thoát y vũ. Vì trong các tài liệu này, chính quyền, với những quan niệm và biện pháp của họ,  đã “phơi” ra một cách rõ ràng. Đấy là Phần II, gọi là “Những biện pháp cải tiến bộ máy quản lí nhằm ngăn chặn tham nhũng”. Mục 2 trong phần này – “Thực hiện các biện pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm…”. Sau đó là các tiểu mục a, b, c… và cuối cùng là g. Xin các vị chú ý lắng nghe: “… Tìm ra hệ thống tương tác tối ưu giữa các định chế của xã hội dân sự và phương tiện truyền thông đại chúng với các cơ quan nhà nước, loại bỏ được sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các công chức nhà nước”! Có cần bình luận về “sự can thiệp trái pháp luật” không? Tôi nghĩ là không cần.

Bây giờ xin nói một cách ngắn gọn về một vài bộ luật cụ thể. Bộ luật thứ nhất (cũng vĩ đại nhất) liên quan đến quá trình sửa luật về Chính phủ. Logic của các nhà làm luật là như thế này. Đầu tiên là luật khung, có tên là Luật Liên bang “Luật phòng chống tham nhũng”. Một tài liệu phải nói là đồ sộ: 24 trang giấy, 14 điều, co chữ 14, khoảng cách giữa các hàng cũng rất ấn tượng… Dấu vết của nhiều lần “cắt xén” hiện ra khá rõ.

Luật này đáng quan tâm ngay định nghĩa về tham những. Thí dụ vi phạm lợi ích của xã hội và nhà nước được coi là tham nhũng. Dường như là một câu vô thưởng vô phạt. Nhưng hãy xem xét kĩ một chút. Chúng ta biết rằng “nhà nước” là một phạm trù phức tạp, có một số nghĩa, một số cách giải thích. Nhưng khi người ta nói: lợi ích của “xã hội và nhà nước” thì phải hiểu thế nào? Vì chỉ có xã hội mới có lợi ích. Đấy là thứ nhất. Thứ hai, không ai (mà trước hết là chính quyền) có quyền minh thị rằng lợi ích đó là đúng hay không đúng, lại càng không được coi là đúng luật hay trái luật. Lợi ích là những cái vốn có của con người hay xã hội, đấy là khi những lợi ích này bắt đầu kết hợp lại với nhau.

Chính quyền, về bản chất là không có lợi ích. Chính quyền chỉ có trách nhiệm phối hợp và thực hiện các lợi ích của xã hội mà thôi. Nếu chính quyền lại có một cái gì đó giống như lợi ích thì đấy chỉ có thể là những lợi ích ích kỉ và phi pháp. Nhà nước dân chủ không thể khác. Chắc là những nhà lãnh đạo của chúng ta cũng như các cố vấn của họ không rành chuyện này. Trong những trường hợp như thế, bà xã nhà tôi thường nói “có dấu vết của những cuốn sách chưa kịp đọc”.

Xin được tiếp tục. Tham nhũng theo định nghĩa của bộ luật này là những hành vi vi phạm một số điều được ghi trong bộ Luật hình sự. Còn chính định nghĩa về tham nhũng thì lại được viết để một số việc, thí dụ như tham nhũng chính trị, không được xem xét, chứ đừng nói bị chế tài. Bộ luật không đề cập tới động cơ tham nhũng này, cũng như nhiều động cơ cực kì quan trọng khác – tôi có thể nói, quan trọng sống còn đối với đất nước ta, cũng không có trong bộ luật này. Thí dụ như việc liên kết giữa quyền lực và kinh doanh đã hoàn toàn không được nhắc tới, ngoại trừ hai vấn đề rất vô vị: khai báo thu nhập và hạn chế chuyển sang lĩnh vực kinh doanh sau khi rời bộ máy nhà nước.

Tất cả mọi người, tức là những người tuyên truyền cho gói sáng kiến luật pháp này, kể từ Chánh văn phòng Phủ Tổng thống đến các quan chức bình thường, đều nói rất to về hai biện pháp này. Nhưng vấn đề là gì?

Công khai thu nhập – một biện pháp vô thưởng vô phạt, trong thế giới văn minh người ta đều làm, nhưng trong luật pháp của nước ta nó lại được thực hiện theo kiểu riêng. Điều 8 (mục 2) nói rằng thu nhập của các quan chức là thuộc loại thông tin mật và đồng thời nhà làm luật có quyền đưa nó vào lĩnh vực bí mật quốc gia. Trên khắp thế giới việc khai báo thu nhập là công khai, nếu không thì chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng chúng ta thì lại bí mật. Nhưng lại có một điều nói thêm rất đáng khâm phục như sau. Về nguyên tắc, Chính phủ được quyền công khai thông tin, trên cơ sở những qui định nội bộ của chính nó. Điều đó có nghĩa là gì? Nói một cách thô thiển thì đấy là: “Này các bạn, ai muốn mua bán thông tin này, xin mời!”

Cái tiêu chuẩn được quảng bá rộng rãi: công chức, sau khi thôi việc nhà nước ít nhất hai năm mới được chuyển sang làm cho những doanh nghiệp nằm dưới quyền quản lí của mình. Ban đầu việc cấm trong vòng hai năm là tuyệt đối. Chánh văn phòng Phủ Tổng thống từng nói như thế. Nhưng sau một hồi cải tiến, điều này được viết như sau: nói chung là cấm, nhưng trong mỗi Bộ có thể thành lập các Ủy ban và người nào xin quá thì có thể cho.
Dĩ nhiên là có một số câu hỏi. Tại sao không công khai thu nhập, tại sao lại để người ta thu thập các thông tin có tính cách bôi nhọ, những đơn thư tố cáo sai? Có cần bình luận không? Hay: tại sao phải thành lập các Ủy ban để người này thì cho, người khác thì không? Tất cả là do cái khẩu hiệu mà tôi nghĩ là sẽ phát triển rất nhanh. Như người ta vẫn thường nói trên đài phát thanh “Tiếng vọng Moskva”: “Phải chia!”

Hay là thí dụ Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc có khuyến nghị về việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng. Các nhà làm luật của chúng ta đã phản ứng một cách nồng nhiệt đối với lời kêu gọi của văn bản mà họ đã phê chuẩn. Như thế nào? Họ dành cho Tổng thống quyền, đấy là nói nếu ông ta muốn, thành lập một cơ quan như thế. Từ những ai? Từ những người đại diện của chính quyền! Nghĩa là mỗi một cơ quan tham nhũng của chính quyền cử đại diện tham gia vào cơ quan phòng chống tham nhũng. Cơ cấu phải nói là lí tưởng.

Bây giờ xin chuyển sang những việc cần phải làm. Trước hết xin nói rằng tôi không chấp nhận đề nghị của một quí bà mà tôi rất tôn trọng. Bà ấy đề nghị như sau: “Đã đến lúc bắn bỏ”. Tôi tuyệt đối bác bỏ biện pháp này vì còn có nhiều biện pháp trung gian khác. Nhưng đối với tôi điều gì là tuyệt đối cần thiết?

Cần phải hiểu rằng tham nhũng không phải là vấn đề độc lập mà là một sản phẩm phụ. Nó có thể bám vào mọi thứ, bắt đầu từ cơ cấu của hệ thống chính trị và cuối cùng là hệ thống thuế khóa của chúng ta. Nhân tiện xin nói rằng hệ thống thuế khóa không khuyến khích chính quyền địa phương giúp đỡ doanh nghiệp phát triển. Nhưng tiền phạt thì lại đi thẳng vào ngân sách địa phương. Hậu quả ai cũng thấy. Nếu chúng ta muốn chính quyền địa phương không “làm khó” doanh nghiệp nhỏ mà giúp đỡ nó thì hệ thống thuế khóa phải được xây dựng như thế nào đó để doanh nghiệp nhỏ càng hoạt động tốt thì thành phố càng thu được nhiều thuế. Về nguyên tắc, muốn làm như thế thì cần phải lật ngược kim tự tháp quyền lực.

Một lần nữa và một lần nữa: tham nhũng không phải là hiện tượng đơn lẻ, gia tăng mức độ kiểm soát của quan chức này lên các quan chức khác không giải quyết được vấn đề, đấy không phải là phòng chống tham nhũng. Bà chủ nhà nào cũng biết rằng muốn không có gián thì bếp phải sạch. Đấy chính là điều tôi muốn nói với các bạn.

PMN dịch từ tiếng Nga

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 931 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0