Tin do giới truyền thông quốc tế gởi đi từ vùng Tân Cương cho hay, qua các số
liệu do chánh quyền địa phương phổ biến cho thấy, tổng số người chết trong các
vụ bạo động ở Urumqi lên tới 192 nạn nhân, số người bị thương hơn 1600, và số
người bị bắt cũng vào khoảng 1500.
Dư luận thế giới mạnh mẽ lên án việc Bắc Kinh sử
dụng bạo lực để giải quyết tình hình sôi động tại Tân Cương.
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất lên tiếng
ủng hộ phương cách giải quyết của Trung Quốc đối với biến động xảy ra tại thủ
phủ Urumqi, từ hơn 10 ngày qua.
Phải chăng sự tán thành của Hà Nội là một dấu hiệu
mà Việt Nam cũng sẽ cho thi hành nếu bạo động bất ngờ xảy ra tại Tây
Nguyên?
Mời quý vị nghe phát biểu của ba cấp lãnh đạo người
Thượng, đang định cư tại Hoa Kỳ qua câu chuyện với Đỗ Hiếu.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc ủng hộ
Hà Nội bằng mọi mặt, những món nợ chồng chất đó, không thể nào trả nổi được, chỉ
có một cách là phải theo phục tùng, như suốt giòng lịch sử đã chứng
minh.
Ông Nay Rong, GĐ tổ chức Nhân quyền
người Thượng
Thông tin quốc tế và từ trong nước nói rằng, hồi đầu
tuần này, ông Ksor Phuoc, chủ nhiệm Ủy Ban Sắc Tộc thuộc Quốc Hội Việt Nam đã
hướng dẫn phái đoàn sang thăm Bắc Kinh và được ông Ismail Tiliwaldi, phó chủ
tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc tiếp kiến.
Dịp này, trưởng đoàn Việt Nam lên tiếng ủng hộ Trung
Quốc về cách ứng xử ở Tân Cương hầu kiểm soát và ổn định tình hình tại
Urumqi.
TQ và VN là một
Qua cuộc trao đổi với đài chúng tôi, ông Nay Rong,
giám đốc tổ chức Nhân quyền người Thượng, trụ sở tại Raleigh, North Carolina, là
người thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến tình hình Tân Cương, phát
biểu:
“Vấn đề Việt Nam ủng hộ chính sách của Trung Quốc
tại Tân Cương, không gây ngạc nhiên cho ai cả. Lâu nay Bắc Kinh với Hà Nội, vì
là thầy trò nên luôn có cùng chủ trương, trị quốc bằng võ lực. Trong cuộc chiến
tranh Việt Nam, Trung Quốc ủng hộ Hà Nội bằng mọi mặt, những món nợ chồng chất
đó, không thể nào trả nổi được, chỉ có một cách là phải theo phục tùng, như suốt
giòng lịch sử đã chứng minh.
Lãnh đạo Việt Nam trước khi qua thăm Mỹ cũng phải
qua Bắc Kinh xin ý kiến trước, đếu được sự đồng ý thì mới đi.
Người ta vẫn thường nói Trung Quốc với Việt Nam là
một.”
Ủng hộ cai trị bằng võ lực
Theo ông Nay Rong, thì việc Hà Nội tán thành cách
thức Bắc Kinh sử dụng hàng chục ngàn bộ đội, công an võ trang súng máy, roi
điện, hơi cay được xe bọc thép yểm trợ để đàn áp đoàn người biểu tình ôn hòa hôm
chủ nhật mồng 5 tháng 7 vừa qua tại thủ phủ Urumqi, có thể là dấu hiệu báo trước
Việt Nam sẽ mạnh tay nếu có biến động xảy ra ở Tây Nguyên, như từng có đổ máu
hồi năm 2001:
Lãnh đạo Việt Nam trước khi qua thăm Mỹ cũng phải
qua Bắc Kinh xin ý kiến trước, đếu được sự đồng ý thì mới đi. Người ta vẫn
thường nói Trung Quốc với Việt Nam là một.
Ông Nay Rong
“Vấn đề thời sự Tây Nguyên cũng là một điểm nóng ở
Việt Nam, chính vì thế mà cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra tại vùng đất này, vào
năm 2001 đã bị nhà chức trách Việt Nam, thẳng tay đàn áp vì họ biết có người
Thầy đứng đàng sau lưng mình, nên không ngần ngại gì cả. Đó là mối nguy hiểm cho
người sắc tộc nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.
Người sắc tộc Uyghur biểu tình ở Tân Cương bị Trung
Quốc mạnh tay đàn áp bất chấp sự phê phán của cả thế giới, mà Việt Nam lại ủng
hộ hành động đó, cho nên chúng tôi với tư cách là người lãnh đạo sắc tộc Thượng
ở hải ngoại, chúng tôi rất lo ngại, vì nếu có xảy ra biểu tình ở Tây Nguyên nữa,
thì Hà Nội cũng sẽ đối phó như Trung Quốc đang làm tại Tân Cương
vậy.”
Theo ông Y Juy Buonto, phụ tá tổng trưởng phát triển
sắc tộc Việt Nam Cộng Hòa, trước 1975 thì người dân Tây Nguyên không xem ông
Ksor Phước là đại diện cho mình tại quốc hội:
“Mới liên lạc với các anh em sắc tộc ở quê nhà, họ
biết rõ ông không phải là người sắc tộc thuần túy, ông là đảng viên cộng sản,
ông không đủ tư cách là đại diện đồng bào Tây Nguyên để ủng hộ Trung Quốc đàn áp
các sắc tộc khác”.
Đào tạo tôn giáo bên TQ
Ngoài ra, theo lời kể của mục sư Y Hien Nie, quản
nhiệm hội thánh Tin Lành United Montagnards Christian Church, Greensboro, North
Carolina thì nhiều mục sư thuộc các sắc tộc Tây Nguyên đã được đưa qua đào tạo
về nghiệp vụ tôn giáo bên Trung Quốc:
… cho nên chúng tôi với tư cách là người lãnh đạo
sắc tộc Thượng ở hải ngoại, chúng tôi rất lo ngại, vì nếu có xảy ra biểu tình ở
Tây Nguyên nữa, thì Hà Nội cũng sẽ đối phó như Trung Quốc đang làm tại Tân Cương
vậy.
Mục sư Y Hien
Nie
“Những mục sư đã đăng ký với chánh quyền đều được
gởi đi huấn luyện tại Trung Quốc, đúng theo chính sách tôn giáo của Bắc Kinh,
cho nên không thật sự có chân lý, không có nhà thờ phục vụ cho người Thượng, vì
thế tất cả 54 sắc tộc Tây Nguyên đều không chấp nhận hành động can thiệp vào
quyền tự do tín ngưỡng này”.
Cho đến nay, bạo động và đỗ máu xảy ra tại Tân Cương
đang gây sự chú ý đặc biệt của công luận thế giới, đồng thời cũng là mối quan
ngại đối với lãnh đạo Bắc Kinh, vì cộng đồng Hồi Giáo đã lên tiếng bênh vực và
mạnh mẽ ủng hộ người dân Uyghur, cùng theo đạo Hồi.
Thủ tướng Thổ Nhỉ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng,
chính sách của Trung Quốc đối với vùng Tân Cương là “một hành động bị xem là
diệt chủng”, ông yêu cầu Bắc Kinh hãy sớm từ bỏ chủ trương “đồng hóa người
Uyghur”, muốn sát nhập họ với cộng đồng người Hán.
Tại Indonesia, quốc gia có dân số theo Hồi Giáo lớn
nhất thế giới, nhiều cuộc biểu tình quy mô diễn ra thời gian gần đây, để ủng hộ
người Uyghur ở Tân Cương.
Mạng lưới khủng bố Al Qaeda cũng hô hào trả thù cho
người Uyghur bị bắn giết trong cuộc biểu tình hôm chủ nhật mồng 5 tháng 7 vừa
qua trong thủ phủ Urumqi. Al Qaeda dọa sẽ tấn công các công nhân Trung Quốc hiện
làm việc ở nước ngoài.