Ngô Nhân Dụng
Hàng
trăm người Uighur chết ở Tân Cương và mấy chục ngư phủ Việt Nam chết ở
biển Ðông sau khi bị đánh chím tầu, họ đều là nạn nhân của một hiện
tượng lịch sử diễn tiến trong hai ngàn năm nay. Ðó là sự bành trướng
của một đế quốc đã thành hình trên Hoa lục từ hơn 200 năm trước Công
Nguyên. Người Uighur hay người Tây Tạng đã bị nuốt vào nằm trong đế
quốc đó, còn người Việt vẫn đang chịu áp lực của sự cọ xát do hiện
tượng bành trướng đó gây ra, giống như các nước biên ngoại khác.
Người Trung Hoa đến nay vẫn tự gọi họ là người Hán, dùng tên của đế
quốc đầu tiên kéo dài 4 thế kỷ này, mà vào năm 43 họ đã chính thức
chiếm đóng vùng sông Hồng, sông Mã của dân tộc Việt để thi hành một
chính sách trực trị và đồng hóa. Họ đã thành công trong công việc đồng
hóa các sắc dân từ vùng Thượng Hải, Phúc Kiến, cho đến Quảng Ðông, Vân
Nam. Nhưng một nhóm người Việt là tổ tiên chúng ta đã thoát khỏi vòng
kềm tỏa của đế quốc đó sau một ngàn năm không ngừng tranh đấu. Người
Uighur và các dân tộc theo Hồi Giáo ở Tân Cương không may mắn như người
Việt. Cũng bị sáp nhập vào nước Trung Hoa trong hơn một ngàn năm, đến
nay họ vẫn phải sống làm dân nước đó như một nhóm thiểu số bị khinh
thường. Khi những người dân “thiểu số” này nổi dậy phản kháng vì bị đối
xử bất công, họ bèn bị gán cho tiếng “phản loạn.”
Kể từ thời nhà Hán, mỗi khi Trung Quốc thống nhất trong một thời gian
dài thì những vị hoàng đế Trung Hoa lại bành trướng lãnh thổ. Các triều
đại Ðường, Tống, Nguyên, Minh, và Thanh đều mở rộng vùng đất họ kiểm
soát. Các dân tộc chung quanh thường được bình an những khi “bên Tàu có
loạn” chia năm xẻ bảy. Ðể cho công bằng, chúng ta không nên nghĩ là cả
dân tộc Trung Hoa có tham vọng đế quốc. Thực ra chính các vị hoàng đế,
dù họ đóng kinh đô ở Trường An, Lạc Dương, Nam Kinh hay Bắc Kinh; dù họ
là người gốc Hán hay gốc Mông Cổ, gốc Mãn Châu; chính họ mới chịu trách
nhiệm về những cuộc xâm lăng chiếm đất, cướp của, giết người, tạo nên
một nước gọi là Trung Quốc bây giờ. Ðế quốc này bành trướng mạnh nhất
vào đời nhà Thanh (1644 - 1912), mở rộng ra gấp hai lần vùng kiểm soát
của nhà Minh trước đó. Mà triều đại dài gần 400 năm này lại do một sắc
dân thiểu số người Mãn Châu đứng đầu.
Cho nên có thể nói Trung Quốc không phải là một quốc gia theo nghĩa
thông thường, với một dân tộc và một tổ chức nhà nước cai trị
(nation-state). Cũng giống như Liên Bang Xô Viết trước đây, chưa bao
giờ là một quốc gia cả, khi guồng máy ở trung tâm nới lỏng ra thì cả đế
quốc cũng tan rã. Nói về nước Trung Hoa theo lối có thiện cảm như một
Martin Jacques, người Anh, tác giả cuốn “When China Rules the World”
mới xuất bản, thì đó là một “civilisation-state,” một tổ chức cai trị
để phát triển và bành trướng một nền văn minh riêng. Văn minh Trung Hoa
được những người sống ở vùng Hoàng Hà dùng để “khai hóa” các dân man di
chung quanh từ thời Tần Hán đến thế kỷ 20. Chế độ Cộng Sản đã dùng một
thứ “văn minh” khác: chủ nghĩa Mác-Lê nin-Mao, với tinh thần đoàn kết
vô sản thế giới, xóa bỏ phân biệt chủng tộc cũng như biên giới quốc gia.
Theo đúng chương trình của Mao Trạch Ðông, khi chế độ Cộng Sản được
thực hiện khắp Á Châu thì những sắc dân ở Hàn Quốc, Việt Nam, Miến
Ðiện, cho tới Mã Lai Á, Indonesia đều sẽ “trước là đồng chí sau là anh
em,” được hưởng quy chế cùng một nhà với người Hán. Khi hải quân Trung
Quốc tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hòa để chiếm Hoàng Sa năm 1974,
chính phủ Cộng Sản ở Hà Nội không lên tiếng phản đối. Vì họ theo đúng
tinh thần đoàn kết vô sản của Mao Trạch Ðông, mà Hồ Chí Minh vẫn tôn
thờ và ca ngợi.
Các chính phủ Trung Quốc thường nói họ là một quốc gia đa chủng tộc,
nhưng thực chất là một đế quốc. Nhà Thanh công nhận năm sắc dân: Hán,
Mãn, Mông, Hồi, Tạng, vì họ thuộc giống Mãn, cần hợp thức hóa chế độ
cai trị của họ trên đa số dân Hán. Thời dân quốc, từ năm 1912, cũng
theo nếp đó. Ðến thời Cộng Sản, họ nói Trung Quốc có 55 sắc dân thiểu
số, hiện nay có 104 triệu, chiếm 9% trong số 1.3 tỷ người, và sắc dân
chính là người Hán, 91% dân số.
Nhưng ngay đám dân gọi là “người Hán” này cũng khó coi là một dân tộc
vì họ không thuần nhất chút nào. Gọi tất cả là người Hán cũng giống như
chúng ta gọi các đồng bào Mường, Thái, người gốc Cham, gốc Khơ Me đều
là người “Kinh” vậy. Có 8 nhóm ngôn ngữ chính ở Trung Quốc, như tiếng
Ngô, tiếng Việt (Quảng Ðông), tiếng Tương, Mân Bắc, Mân Nam (Phúc
Kiến), vân vân. Trong mỗi nhóm tiếng chính lại chia ra nhiều ngôn ngữ
phụ. Ngôn ngữ chính thức (phổ thông) học trong trường và dùng trong
chính phủ (quan thoại), nhưng người dân vẫn dùng tiếng của vùng mình
trong đời sống hàng ngày. Giữa người nói ngôn ngữ chính và tiếng Quảng
Ðông cũng khó hiểu được nhau như giữa người Ðức và người Anh; hoặc giữa
người Pháp và người Tây Ban Nha vậy. Trung Quốc cứ hợp rồi tan, tan rồi
lại hợp, vì đời Tần cưỡng chế mọi người dùng một thứ chữ viết và các vị
hoàng đế đời sau tiếp tục chính sách đồng hóa đó. Nhưng hiện nay nhiều
sắc dân đang muốn xác định lại bản sắc của họ. Người Hẹ (Khách Gia) và
người Quảng (Việt) đều muốn tìm hiểu lại di sản văn hóa cổ truyền. Tại
Quảng Ðông đang có một phong trào phục hồi những di tích của văn minh
Nam Việt. Những người di dân từ miền Nam Trung Quốc ra nước ngoài
thường tự gọi họ là người Ðường chứ không gọi là người Hán. Ở các khu
phố Tàu người ta đặt tên Ðường Nhân Hành, và tay võ sĩ từ bên Tàu qua
được gọi là “Ðường Sơn đại huynh.”
Các vị hoàng đế đời trước và Hoàng đế Ðỏ bây giờ tìm cách xóa mờ sự
khác biệt giữa các nhóm dân đó, đề cao một dân tộc Hán thuần nhất, là
để bảo vệ đế quốc, tức là bảo vệ ngai vàng của họ. Cho nên sau vụ tàn
sát người Uighur ở Tân Cương vừa qua, chính quyền Cộng Sản đã cho chiếu
tin tức trên màn ảnh truyền hình khắp nước để cổ võ tình yêu “tổ quốc”
gượng ép này. Nhưng ngay bây giờ trong nước Trung Hoa vẫn có những lực
ly tâm hoạt động, vì tình trạng phát triển kinh tế không đồng đều giữa
các vùng, các tỉnh. Tình trạng bất công xã hội khiến mỗi năm có đến
trăm ngàn “biến cố quần chúng” khắp nơi, tức là những vụ biểu tình từ
một trăm người trở lên. Một đế quốc chỉ có thể bành trướng khi thật sự
tập trung quyền hành, nhất là khi chính quyền trung ương có khuynh
hướng độc tài. Còn khi guồng máy cai trị bên trong đế quốc đó được dân
chủ hóa, các ý kiến khác biệt được thảo luận bình đẳng, thì nhu cầu
bành trướng ra bên ngoài cũng nhẹ đi vì chính quyền không cần cho dân
uống thứ ma túy gọi là “ái quốc” nữa. Vì vậy, đối với những quốc gia ở
bên cạnh Trung Quốc như nước ta, khi nào nước Trung Hoa dân chủ hóa
thực sự thì khi đó nước Việt Nam có thể nói chuyện bình đẳng với Trung
Quốc. Nhóm các nhà trí thức ký Hiến Chương 08 đã đề nghị Trung Quốc
theo thể chế liên bang, vì họ hiểu khát vọng tự trị của những đám dân
khác ngôn ngữ và khác nhau về trình độ phát triển kinh tế.
Ðề nghị liên bang hóa Trung Quốc nhắm vào những đám dân thiểu số lớn,
như người Tây Tạng, người Uighur và các sắc dân khác ở Thanh Hải, Cam
Túc, Tân Cương. Chính phủ Bắc Kinh rất lo ngại tình trạng căng thẳng sẽ
đưa tới nhiều biến loạn và những cuộc tàn sát khác, như đã xẩy ra ở Tây
Tạng năm ngoái và Tân Cương năm nay. Khi binh lính người Hán bắn vào
những người Hồi Giáo ở Tân Cương, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực lên
án. Ðầu thế kỷ 20, Tây Tạng là một nước độc lập, dân Uighur cũng đứng
lên thành lập một nước Ðông Thổ (East Turkistan) giống như nước
Turkistan mới tách khỏi Liên Bang Xô Viết gần đây. Bộ trưởng thương mại
Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ kêu gọi dân chúng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Những nước Trung Á khác cùng chung một tôn giáo với dân Uighur và tiếng
nói cùng gốc Thổ cũng sẽ tỏ tình đoàn kết với người Uighur. Mà đây là
một vùng chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách kết thân, qua tổ chức Hội
Nghị Thượng Hải (thêm Cộng Hòa Nga và sẽ thêm Iran) để bảo đảm nguồn
tiếp tế dầu lửa và khí đốt từ vùng Hắc Hải, diển Caspian, sang tới
Trung Á.
Những dân tộc gốc Thổ vùng Trung Á cũng chia sẻ mối lo sợ như các nước
vùng Ðông Nam Á. Họ sợ sức bành trướng tự nhiên của Ðế quốc Trung Hoa.
Ngay nước Nga bây giờ cũng còn sợ đế quốc Trung Hoa xâm thực dần dần
vào miền Siberia, thì người Hồi Giáo Trung Á cũng lo ngại những Ban
Siêu, Phục Ba mới. Ðời Ðường đã lập An Tây Ðô Hộ Phủ để xâm lăng và
thống trị vùng Tân Cương, Thanh Hải, mở đường qua phía Bắc Hy Mã Lạp
Sơn. Cùng thời gian đó, An Nam Ðô Hộ Phủ thống trị dân Việt và đã tiến
xuống tới tận Chiêm Thành.
Ðế quốc Trung Hoa bị ngăn lại ở biên giới Việt Nam, nếu không chắc họ
đã bành trướng tới Indonesia (họ gọi là Nam Dương, Biển phía Nam), Mã
Lai Á, Thái Lan, vân vân, từ trước khi các đế quốc Âu Châu sang đến
vùng này. Nếu không có sức đề kháng của dân Việt, biết đâu người Thái,
người Khơ Me bây giờ cũng có số phận như người Uighur mà thôi! Các nước
Ðông Nam Á cũng biết rằng Việt Nam là hàng rào bảo vệ họ trước sự bành
trướng của đế quốc Trung Hoa. Cho nên những người lãnh đạo Việt Nam
biết bảo vệ chủ quyền dân tộc cần phải đoàn kết hơn với các nước Ðông
Nam Á trong việc đối phó với Trung Quốc. Những cuộc thương thuyết về
chủ quyền và lãnh hải nên đưa ra với tính cách tập thể, nhiều quốc gia
tham dự. Tuyệt đối không nên kéo dài những cuộc họp song phương, nhất
là những cuộc hội đàm bí mật đến nỗi người dân nước mình cũng không
biết hai đảng Cộng Sản đã bàn những chuyện gì với nhau.
Từ khi dành được độc lập, các vua chúa Việt Nam luôn luôn chỉ dám tự
xưng mình là “vương” khi giao thiệp với “hoàng đế” Trung Quốc. Thái độ
khiêm tốn, nhún nhường đó là thủ đoạn ngoại giao để tránh chiến tranh
cho dân đỡ khổ. Nhưng suốt lịch sử, người Việt Nam không bao giờ chịu
nhục trước sự đe dọa của các hoàng đế Trung Hoa, ngay cả trước đám quân
Mông Cổ bách chiến bách thắng. Và ngay trong thời bình, các chính quyền
Việt Nam vẫn luôn luôn cảnh giác coi chừng sự xâm nhập, bành trướng của
người Trung Quốc. Thái độ đó trở thành lỏng lẻo khi đảng Cộng Sản Việt
Nam chấp nhận lệ thuộc vào sự chi viện của Cộng Sản Trung Hoa từ kinh
tế, chính trị, quân sự cho đến tư tưởng, văn hóa.
Nhưng người Việt Nam chắc ai cũng ý thức về sức bành trướng của đế quốc
phương Bắc. Phản ứng của mọi giới đồng bào, kể cả người Việt ở nước
ngoài, trước việc cho người Trung Hoa khai thác Bô xít ở Tây nguyên, và
trước những vụ tầu Trung Quốc đâm vào tầu đánh cá Việt Nam, cho thấy
mối lo sợ của người Việt có lý do chính đáng. Chúng ta không cần phải
thù ghét người dân Trung Quốc, dù họ gọi là người Hán hay Ðường nhân.
Các nước lớn đều có tham vọng bành trướng tự nhiên như vậy, các nước
nhỏ phải biết tự giữ lấy thân mình! Mối lo chính là những vị Hoàng đế
Ðỏ của đế quốc này vẫn dùng chiêu bài “quốc tổ” dụ dỗ, mê hoặc dân
Trung Hoa để bảo vệ quyền hành của chính họ. Mà một cách kích thích
lòng “ái quốc” là bành trướng ảnh hưởng của họ, trên trên các nước
khác. Mối lo gần gũi nhất là sợ rằng các Hoàng đế Ðỏ ở Bắc Kinh lại mua
chuộc được các ông vua chúa ở nước ta bằng “tình đồng chí giữa những
người Cộng Sản cuối cùng trên trái đất!”
Khi nào hai nước Việt Nam và Trung Quốc dân chủ hóa thật thì mới có thể nói chuyện bình đẳng được.
|