Câu lạc bộ trí thức Công giáo mang tên cố Tổng giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình, cùng hai cơ quan khác là Nhà xuất bản Tri thức và Tạp chí Xưa và Nay, thông báo sẽ tổ chức tọa đàm về Biển Đông và hải đảo Việt Nam.
Buổi tọa đàm sẽ diễn ra chiều thứ Sáu 24/07 và sáng thứ Bảy 25/07 tại Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh.
Linh mục Nguyễn Thái Hợp, chủ nhiệm câu lạc bộ cho BBC biết lý do tổ chức hội thảo là vì "Biển Đông và hải đảo là vấn đề thời sự lớn mà người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ riêng người Công giáo, rất quan tâm".
"Chúng tôi muốn đóng góp một điều gì đó, dù chỉ nhỏ thôi, về mặt chuyên môn."
Cuộc tọa đàm, có sự tham gia của Đức Tổng Giám mục Giáo phận TP HCM, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, sẽ bàn về một loạt vấn đề liên quan tới chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông thông qua các tham luận của giới chuyên gia-học giả.
Thông báo đăng trên trang mạng Vietcatholic.net cho hay tiến sỹ luật Phan Đăng Thanh sẽ có bài thuyết trình "Luật pháp quốc tế về Biển Đông và hải đảo".
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sẽ đọc tham luận về "Quan điểm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa', trong khi tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã nói về "Quan điểm của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa".
Từ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nhã nói bài tham luận của ông sẽ phân tích khái quát rằng, Việt Nam luôn tôn trọng pháp lý quốc tế về Biển Đông.
"Mọi chế độ của Việt Nam, ngay cả thời Pháp thuộc, đều luôn tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế về Biển Đông, từ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tới Luật biển 1982."
Mọi chế độ của Việt Nam, ngay cả thời Pháp thuộc, đều luôn tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế về Biển Đông.
TS Nguyễn Nhã
Vấn đề chủ quyền trên biển vốn được coi là chủ đề "tế nhị" vì liên quan tới quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình của sinh viên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay để phản đối chính sách của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị chính quyền giải tán.
Tuy nhiên gần đây, quan tâm sâu sắc của dư luận người Việt dẫn đến đòi hỏi chủ đề này phải được bàn thảo một cách công khai.
Hồi tháng Ba, hội thảo quốc gia đầu tiên về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp.
Các chuyên gia, như tiến sỹ Nguyễn Nhã, chủ trương rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, không có cách nào khác ngoài kêu gọi đồng thuận của toàn dân.