Thứ Tư, 2024-12-04, 1:17 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 21 » BÁO CHÍ TA XIN ĐỪNG HỚ HÊNH
11:38 AM
BÁO CHÍ TA XIN ĐỪNG HỚ HÊNH




Kính gửi ông Tổng biên tập báo Lao Động và Bộ Thông tin -Tuyên truyền

Hai số báo Lao Động ra ngày 14 và 15 tháng 7 năm 2009 có đăng 2 bài về việc “Nguyễn Xuân Nghĩa cùng đồng bọn đã chống phá Nhà nước như thế nào?”. Bài 1 khoảng hơn sáu trăm từ, nhưng đọc xong không thấy rõ những người này có những tội gì. Ngoài tội có hai người là Nghĩa và Nghiên đã nhận tiền của nước ngoài rồi đưa 12,8 triệu đồng cho người về Thanh Hóa kích động dân biểu tình, các việc khác nêu lên đều không rõ là tội. Tuy nhiên, cũng còn phải phân tích rõ xem họ đã kích động thế nào? có đúng là kích động hay chỉ vì thương xót bà con ngư dân Thanh Hóa bị bắn chết oan uổng mà chia sẻ chút ít?

Việc ông Nghĩa đã viết tới 57 bài có nội dung chống đối Nhà nước CHXHCNVN suốt từ năm 2007 đến nay mà sao báo chí ta không nêu lên để phân tích, phê phán cho mọi người đừng ngộ nhận nghe theo, đồng thời trừng trị ngay từ lúc viết mươi bài đầu?

Việc các ông này đi treo khẩu hiệu thì mô tả dề dà quá, không cần thiết. Vấn đề là phải cho người đọc biết nội dung các khẩu hiệu ấy là thế nào thì mới gọi là tội chứ. Nghe đâu toàn là những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải Hoàng Sa, Trường Sa và khẩu hiệu chống tham nhũng. Nếu vậy thì sao gọi là có tội được. Hình như có người bảo rằng chính Tổng Bí thư, Bộ Chính trị phải hô lớn các khẩu hiệu đó lên để toàn Đảng toàn dân cùng hô theo để cảnh cáo và uy hiếp Trung Quốc. Thế mới phải chứ!

Bài báo kể rằng ông Nghĩa đã nghe linh mục Phan Văn Lợi tham gia khối 8406 từ năm 2007. Đấy có phải là tội không? Sao vẫn nghe ông Phan Văn Lợi, người chủ mưu rủ rê ông Nghĩa, phát biểu phê phán nhà nước ta đàn áp tôn giáo, dân chủ, nhân quyền rất mạnh trên các đài nước ngoài?

Bài 2 thuộc vụ này có đầu đề “Bịa đặt để bôi xấu chế độ” đăng ở số ra ngày 15 nhưng đọc xong cả bài không thấy nêu họ bôi xấu thế nào, dù chỉ vài câu vắn tắt.

Ngoài nêu tên 6 “bị can” trong “vụ án”, bài báo còn nêu tên nhiều “đối tượng” như Trần Lâm, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Hà sỹ Phu, Vi Đức Hồi …. Sao báo chí lại tự tiện kết tội, bôi xấu hàng loạt người một cách vô lối như vây?! Cụ Trần Lâm đã ngoai tám mươi, tham gia cách mạng và vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ đầu Cách mạng Tháng Tám, cụ đã từng làm thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, nay cụ vẫn làm luật sư, chưa hề can phạm mà sao goi cụ là “đối tượng”. Các ông Vũ Cao Quận, Nguyễn Thanh Giang…. cũng đều đã tham gia cách mạng từ rất sớm, đã từng vào sinh ra tử, từng vượt bao gian khó hiểm nguy đi theo cách mạng, họ có bị công an ta bắt giam nhưng họ đã bị kết án bao giờ đâu, cho nên họ vẫn là những công dân cao niên phải được kính trọng. Bắt giam mà không luận được tội, không đưa được ra tòa thì rất có thể đã bắt oan. Nhẽ ra phải chính thức xin lỗi, phải bồi thường danh dự cho các vị ấy. Tại sao báo lại dám tùy tiện xâm phạm danh dự của các cụ này như thế. Nếu các cụ kiện và nếu Tòa án đúng là nơi cầm cân nẩy mực nghiêm minh của pháp luật thì chắc chắn cả người viết và chủ nhiệm báo phải bị kết tội trước tòa.

Người bị nhắc tên nhiều nhất trong bài thứ hai này là tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, nhưng tôi đã được đọc mấy cuốn sách và các bài viết của ông. Tôi thấy ông nói rất mạnh, rất thẳng thắn, nhưng rất đúng đắn, rất xây dựng. Nhiều điều ông nói trước rồi sau đó Đảng mới nói theo và làm theo. Sao bảo những người quan hệ với ông Giang, đọc bài viết, đọc sách của ông Giang là có tội được! Trước hết phải vạch tội trong các bài viết của ông Nguyễn Thanh Giang đã chứ. Ông Giang viết rất nhiều, trong suốt mấy chục năm qua. Đã thấy báo nào của ta có bài chỉ rõ chỗ nào nói không đúng sự thật, phân tích rõ chỗ nào “phản động” của ông tiến sỹ Địa Vật lý này đâu?

Nếu các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Hữu Tính…. cũng viết như ông Nguyễn Thanh Giang thì sao bảo họ là bôi xấu chế độ được! Nếu họ chỉ đúng ra được cái xấu để phân tích, phê phán thì đâu phải họ nói xấu, bôi xấu chế độ.  Hiện nay có quá ít người có khả năng phản biện xã hội hoặc dám nói lên cái xấu để phê phán lãnh đạo, họ làm được như vậy tuy có lúc phải uốn nắn, phải phê phán trở lại nhưng nói chung trong tình hình hiện nay là nên khuyễn khích.

Viết vắn tắt quá, sơ sài quá như hai bài báo trên thật rất không nên. Dễ bị người đọc cho là xem thường sinh mệnh chính trị, xem thường danh dự của những “đối tượng” của bài báo, làm như vậy là cẩu thả, xem thường người đọc. Mặt khác cũng chứng tỏ người viết không có lòng tự trọng.

Một số bài báo khác gần đây cũng rất có vấn đề! Trong khi bài báo trên nhiều lần réo tên ông Nguyễn Thanh Giang một cách rất tùy tiện thì một bài báo của Bộ Công an nêu sự việc luật sư Lê Trần Luật hủ hóa lại không viết rõ hủ hóa với ai. Tên người phụ nữ “đồng phạm” với Lê Trần Luật chỉ được viết tắt bằng 4 chữ gì đó. Sự mập mờ này làm người đọc nghi ngờ về tính xác thực của bài báo. Có người còn cho rằng người đó chính là một nữ công an được bố trí “công tác” để bôi xấu ông Lê Trần Luật. Hồi trước, chúng ta cũng đã từng bố trí một nữ công an dụ dỗ ông Trần Độ đến khách sạn Hữu Nghi, cởi quần áo ra chụp ảnh rồi đưa ra bêu xấu ông Trần Độ ở Câu lạc bộ Ba Đình. Ông Lê Trần Luật chỉ là một luật sư trẻ bình thường mà sao việc ông “quan hệ tình cảm” với phụ nữ lại phải đưa lên báo của Đảng? Ta đang có hàng vạn gái mại dâm, hàng nghìn nhà chứa, ngày nào công an chẳng bắt được hàng chục, hàng trăm vụ mua bán dâm có cả quan lẫn dân. Sao không tháy báo nêu tên? Mà cứ “rao vặt” kiểu này thì bao nhiêu báo cho xuể ?

Vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng vậy, ông này chắc chắn là một tiến sỹ luật tốt nghiệp ở một trường Đại học danh tiếng của Pháp, ông là của hiếm trong ngành luật của Việt Nam. Lâu nay vẫn giới thiệu và ghi danh ông là luật sư trong một số văn bản của Nhà nước, vậy mà sao báo chí, đài TNVN bỗng dưng loan tin ầm ĩ Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư ? Sao trước đây không nói, bây giờ lại đem ra nói.

Việc cải chính Cù Huy Hà Vũ đưa ra không đúng thời điểm làm người ta nghĩ rằng báo chí làm theo lệnh để trả thù ông luật sư này dám dâm đơn kiện Thủ tướng.

Làm theo lệnh một cách mù quáng, cơ hội, lại lười suy nghĩ, làm cho qua, làm lấy được như vậy thì lợi bất cập hại. Báo chí của ta được xem là tiếng nói của Đảng.  Nói không đúng, nói ẩu như vậy tức là bêu xấu Đảng, bêu xấu lãnh đạo. Người đọc sẽ cho là các đồng chí được lãnh đạo ra lệnh trả thù cá nhân một cách nhỏ nhen, ty tiện!

Lúc không có chứng cứ gì thì cứ nêu tên người ta lên mà bôi xấu, nhưng khi sự việc rõ rành thì lại mập mờ, không dám nêu đích danh “đối tượng”.

Trong cùng một trang báo Lao Động, dưới bài “Bịa đặt để bôi xấu chế độ” có một cái tít lớn: “6 ‘xạ thủ’ sa lưới đều là người nước ngoài”. Độc giả giật mình muốn tìm đọc xem họ là người nước nào thì bài báo lại chỉ nêu là người Châu Á. Điều này thì thật quá vụng về, hớ hênh. Hoặc chỉ nên nói là người nước ngoài, hoặc phải nói rõ người nước nào. Mập mờ như vậy khiến độc giả dễ suy luận là người Trung Quốc. Trong khi vấn đề bôxit Tây Nguyên, ngư dân mình bị Trung Quốc bắn chết mà nhà nước không dám phản ứng, lại lập đường dây nóng và đàn áp biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa làm rộ lên dư luận lãnh đạo ta sợ Trung Quốc quá đáng, thậm chí nghi ngờ ngày nay có “Lê Chiêu Thống hiện đại” thì bài báo viết mập mờ như vậy là rất tai hại cho uy tín của Đảng, của lãnh đạo.

Rất mong các đồng chí lãnh đạo Thông tin – Tuyên truyền hãy chỉ đạo sát sao hơn, các nhà báo và Tổng biên tập hãy phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn để hạn chế bớt những sai sót hớ hênh tai hại như vừa nêu.

Hà Nội ngày 18 thàng 7 năm 2009
Người Xây Dựng
(Nguyên cán bộ Ban Thanh tra TƯ)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 711 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0