Thứ Năm, 2024-11-21, 10:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 21 » Một ngọn nến cho tù nhân lương tâm
11:39 AM
Một ngọn nến cho tù nhân lương tâm

Bùi Văn Phú gửi diễn đàn X-Cafe

Một vài năm trước ngày 30.4.1975, ở Sài Gòn tôi nghe nhiều về những nhân vật đối kháng với chính quyền Việt Nam Cộng hoà như các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, học sinh Lê Văn Nuôi.

Những nhân vật này thường xuyên xuống đường biểu tình chống chính phủ. Hai lãnh tụ sinh viên học sinh là Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Văn Nuôi hay bị cảnh sát bắt giam, nhiều lần bị đưa vào nhà tù Chí Hoà. Những việc làm đó của chính quyền Sài Gòn bị dư luận thế giới lên án. Nhờ sự lên tiếng can thiệp của những tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế (Amnesty International) có trụ sở ở Luân Đôn, của lãnh đạo những quốc gia tự do dân chủ nên những thanh niên này được trả tự do để họ tiếp tục biểu tình, đòi hỏi thống nhất đất nước, giành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Nhưng cũng có những người tranh đấu bị bắt đi biệt tích, như trường hợp của Ngô Kha ở Huế.

Sau tháng 4.1975 tôi qua Mỹ.

Thời sinh viên, trong trường có quen với bà Laola Hironaka là trưởng nhóm sinh hoạt của Ân xá Quốc tế tại Đại học Berkeley. Là người luôn quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam từ nhiều năm, bà muốn tìm hiểu về hiện tình nhân quyền ở đó và có mời tôi đến nói chuyện với sinh viên trong nhóm, không đông lắm, chừng 20 người. Lúc đó là năm 1978, theo tin tức từ quê tôi nhận được thì đã có rất nhiều bà con, cũng như hàng xóm láng giềng đã phải đi học tập cải tạo từ ba năm nay chưa được về. Nhiều văn nghệ sĩ bị bắt giam mà không xét xử.

Những năm sau, nhóm đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện với những nhà hoạt động nhân quyền như Ginetta Sagan, Joan Baez cùng nhiều người mới thoát khỏi Việt Nam như bác sĩ Trần Xuân Ninh, nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu, cựu thủ lãnh sinh viên Đoàn Văn Toại là những tù nhân lương tâm mới được tự do.

Qua sinh hoạt với nhóm, tôi hiểu được thứ vũ khí mà Ân xá Quốc tế dùng để thăng tiến quyền làm người là kiến nghị, thư thỉnh cầu gửi đến những nhà lãnh đạo quốc gia để bênh vực cho những người mà tiếng nói hay quyền làm người căn bản của họ đã bị tước đoạt. Tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị, đôi khi tự mình viết tay, đánh máy, nhiều lần dùng những mẫu thư in sẵn của tổ chức để yêu cầu trả tự do hay xét xử theo đúng luật pháp và tinh thần công ước quốc tế cho những người chỉ vì lên tiếng ôn hoà hay vì có chính kiến khác biệt với nhà cầm quyền mà bị giam tù.

Tôi đã có thể làm thế vì đang sống trong một đất nước tự do dân chủ.

Góp tiếng nói với nhiều người trên thế giới, tôi gửi thư yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do cho tù nhân cải tạo học tập, cho những trí thức, văn nghệ sĩ; thỉnh nguyện nhà nước Liên bang Sô Viết cho kỹ sư Natan Anatoly Sharansky được quyền tự do di dân, cho nhà bác học Andrei Sakharov không phải sống lưu đầy; cho sự tự do của những nhà tranh đấu cho nền độc lập Tibet; cho biết số phận của những người bị chính quyền bắt đi biệt tích ở Argentina, El Salvador.

Trong nhiều bài viết về nhân quyền Việt Nam, tôi thường nhắc đến những tù nhân lương tâm như Chân Tín, Trần Tử Thanh, Trần Vọng Quốc, Nguyễn Chí Thiện, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Đan Quế, Mai Văn An, Dương Thu Hương, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Đoàn Viết Hoạt. Nhiều người được trả tự do nhờ những vận động của tổ chức Ân xá Quốc tế và lãnh đạo thế giới. Có người đến Hoa Kỳ và tôi đã gặp như bác sĩ Trần Xuân Ninh, các nhà văn Đỗ Tiến Đức, Nguyễn Hữu Hiệu, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, thẩm phán Mai Văn An, sinh viên Đoàn Văn Toại, giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Qua họ, tôi hiểu rằng chỉ một kiến nghị đơn sơ, một việc làm bé nhỏ của những người quan tâm đến nhân quyền trên thế giới, nếu chưa giúp họ được tự do ngay thì cũng đã giúp cho đời sống tù ngục được dễ thở hơn và nâng cao niềm hy vọng vào một ngày mai được tự do. Một thỉnh nguyện thư như một ngọn nến đem lại chút hơi ấm và ánh sáng hy vọng trong ngục tối.

Một nhà thơ miền Nam ở thế kỷ trước đã viết:
Tôi vẫn sống
Tôi vẫn ăn
Và tôi vẫn thở
Nhưng đến bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ, tôi ước mơ … [1]
Hơn nửa thế kỷ qua nhiều người Việt đã phải chịu tù đầy vì nói lên những suy tư, ước vọng.

Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn những người vì chỉ muốn nói lên khát vọng tự do dân chủ mà đang bị chính quyền bao vây, giam tù như Nguyễn Vũ Bình, Chân Tín, Lê Nguyên Sang, Đỗ Nam Hải, Thích Quảng Độ, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Trương Quốc Huy, Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Văn Đài, Bạch Ngọc Dương, Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Thị Công Nhân.

Họ sẽ không bị thế giới bỏ quên.

--------------------------------------------------

[1] thơ Nhất Hạnh, Phạm Duy phổ nhạc “Tôi Ước Mơ”, 1965.

Nguồn: http://www.x-cafevn.org
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 847 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0