Có ý kiến từ chuyên gia về Biển Đông cho rằng các ngư dân Việt Nam không nên nộp tiền chuộc khi bị Trung Quốc bắt giữ để không ‘gây thiệt hại về chủ quyền’.
Ông Dương Danh Huy từ Nhóm Nghiên cứu Biển Đông vừa có bài đăng trên trang mạng Talawas ở Đức viết rằng “Lý do là nếu Việt Nam nộp tiền chuộc, mà Trung Quốc cho đó là tiền phạt, thì Trung Quốc sẽ dùng việc đó để nói là Việt Nam chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. “
“Điều đó sẽ vô cùng thiệt hại cho cơ sở pháp lý của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa.”
Ông cũng cho rằng “Mười hai ngư dân Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc bắt làm con tin”.
Trong bài viết cũng được gửi tới cho BBC, ông Huy đặt câu hỏi:
“Nếu một nước nào bắt giam người Việt Nam, đòi hỏi rằng nếu Việt Nam nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ thì họ thả, thì chúng ta có nhượng bộ không?”
“Dĩ nhiên là không thể. Trường hợp Trung Quốc đòi tiền “phạt” cũng y như vậy, vì cái mà Trung Quốc thật sự đòi không phải là tiền phạt, cũng không phải là tiền chuộc, mà là chủ quyền pháp lý đối với Hoàng Sa.”
Thậm chí, chuyên gia này còn so sánh các ngư dân bị Trung Quốc bắt với trường hợp “công dân các nước Âu Mỹ bị các nhóm khủng bố khác nhau bắt và đòi hỏi nhượng bộ chính trị.”
Theo thông lệ quốc tế, ông nói “các nước này không bao giờ nhượng bộ, cho dù nạn nhân có thể bị các nhóm khủng bố sát hại hay bị bắt làm con tin nhiều năm”.
Về sức khoẻ và an toàn của các ngư dân, ông Huy cho rằng Trung Quốc không thể giam giữ 12 ngư dân Việt Nam mãi và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tính mạng và sức khoẻ của những người mà họ đang giữ làm con tin.
Bắt giam lẫn nhau
Thời gian qua, Trung Quốc đã cho thả 25 ngư dân Việt Nam sau khi phạt tiền họ.
Theo báo chí Việt Nam, chỉ trong mấy ngày giữa tháng 7 này liên tục có các vụ́ tàu đánh cá của ngư dân miền Trung bị "tàu lạ" tông chìm khi đang hoạt động trong hải phận của Việt Nam.
Việc các nước trong vùng biển Đông Nam Á giam giữ công dân của nhau đã và đang diễn ra khá liên tục trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải chưa có hướng giải quyết.
Hôm 26/06 vừa qua, chính Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đưa tin hôm trước đó, đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu vừa dự lễ đón và tiễn về nước 25 ngư dân Trung Quốc được thả tại Manila, Philippines sau hai năm giam giữ.
Sang đầu tháng 7/2009, sau thương lượng ngoại giao, Indonesia đồng ý thả đa số ngư dân Trung Quốc mà nước này bắt giữ gần hai tuần trước, trong lúc Bắc Kinh vẫn còn giữ 12 ngư dân Việt Nam.
Ngoại trưởng Indonesia Hasan Wirayuda đang ở thăm Bắc Kinh trong chuyến đi hai ngày và vừa có hội đàm với Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ngày 20/06, tám tàu đánh cá với thủy thủ đoàn 75 người bị Cục Ngư nghiệp và Hải sản Pontianak của Indonesia bắt trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Theo
các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thì nước này chiếm tới
gần 80 phần trăm vùng Biển Đông, điều mà các nước như Việt
Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines không chấp nhận.
Indonesia nói tàu Trung Quốc đã vi phạm hải phận khu vực đặc quyền kinh tế của nước này, trong khi Trung Quốc tuyên bố các ngư dân chỉ hoạt động "trong vùng đánh bắt truyền thống" của họ.