Maran Turner, Asia Times
Ngày nay, có nhiều thứ để ăn mừng ở Việt Nam như tiến bộ quan trọng về
kinh tế, giảm nghèo khó và gia tăng quan hệ thương mại trên khắp thế
giới, ngay cả với Hoa Kỳ, kẻ thù địch của Hà Nội trước đó. Thật vậy,
Việt Nam vẫn ở trên con đường phát triển kinh tế nhanh mặc dù với sự
xuống dốc của kinh tế toàn cầu và quốc gia này đang nhanh chóng thu hẹp
khoảng cách với những nước láng giềng Đông Nam Á trong việc lôi cuốn
đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc.
Trong khi có các cố gắng ngoạn mục này, Việt Nam vẫn chưa tiến
triển trên mọi mặt. Mặc dù đang thi hành những cải cách về kinh tế một
cách bao quát, Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng chuyên chế và dân
chúng thường không có những nhân quyền căn bản gồm quyền tự do phát
biểu, tín ngưỡng và hội họp. Một trong những trường hợp nổi tiếng liên
quan đến Cha Nguyễn văn Lý, một linh mục Công Giáo bị cầm tù cách đây
hai năm vì bị cáo buộc là phân phát tài liệu chỉ trích chính phủ giới
hạn quyền tự do tín ngưỡng và chính trị.
Sau đó chính phủ đảng cộng sản đã tự hào cho truyền hình trực tiếp
phiên tòa xử Cha Lý dài bốn tiếng, mặc dù quá trình xét xử cho thấy rõ
ràng vị linh mục này không được luật sư biện hộ pháp lý. Tấm ảnh chụp
một công an hai tay đang bịt chặt miệng Cha Lý trong phiên tòa xuất
hiện từ trên mạng Internet được xem như là hình ảnh biểu tượng sự đàn
áp hiện nay ở Việt Nam.
Chưa đầy bốn tháng trước khi Cha Lý bị bắt, vào tháng Hai 2007, Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đem Việt Nam ra khỏi danh sách những “Quốc Gia
Đáng Quan Ngại” - một nhãn hiệu ngoại giao cho những quốc gia mà chính
phủ tiếp tục vi phạm trắng trợn quyền tự do tín ngưỡng.
Sự đổi hướng hòa giải được tạo ra khi Hoa Kỳ và Việt Nam thương
lượng với nhau về những mối cải thiện giao thương và đầu tư dưới thời
Tổng Thống George W. Bush. Hiện nay ở Washington, nhiều người kêu gọi
đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc Gia Đáng Quan Ngại và vài người
trong số đó dùng trường hợp của Cha Lý, 63 tuổi, đang bị biệt giam với
bản án tám năm tù vì hành động cổ vũ cho dân chủ, một nền tảng chính
đáng cho sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ.
Cha Lý rất nổi tiếng trong cộng đống quốc tế như là một lãnh đạo
tinh thần trong số những người đang tranh đấu cho nhân quyền ở Việt
Nam. Vì những cố gắng đó, ông đã bị ở tù tổng cộng 16 năm. Trước đó,
ông bị giam sau khi cung cấp bài viết về việc thiếu tự do tín ngưỡng ở
Việt Nam cho Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tín Ngưỡng Quốc Tế.
Dưới áp lực của các chính khách Hoa Kỳ và sau khi Việt Nam bị đặt
tên là quốc gia đáng quan ngại, Cha Lý chỉ thụ án bốn năm của bản án 15
năm. Nhưng buồn thay, tự do của ông bị vắn số và sự giam cầm ông hiện
nay đang làm phức tạp thêm những mối quan hệ ấm áp từ trước đến giờ với
Washington.
Ngay trước ngày mừng lễ Độc Lập ngày 4 tháng Bảy, 37 thượng nghị sĩ
Hoa Kỳ gửi lời thỉnh cầu đặc biệt đến Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đề
nghị ông thi hành cam kết của chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ luật
pháp quốc gia và quốc tế và thả Cha Lý ngay lập tức.
Phản ứng của Hà Nội là cảnh báo qua các cơ quan truyền thông quốc
gia rằng mối quan hệ song phương sẽ bị tổn thương nếu chính khách Hoa
Kỳ tiếp tục xía vào chuyện nội bộ của Việt Nam và nghe theo “những
tường trình sai lầm” từ “những nguồn có thành kiến.”
Nhưng các Thượng Nghị Sĩ lại chỉ ra cho biết thế nào được gọi là
“sai lầm trầm trọng” trong vụ xử Cha Lý, những sai lầm vi phạm ngay cả
hiến pháp của Việt Nam và quan trọng nhất là Công Ước Quốc Tế về Nhân
Quyền và Chính quyền, một hiệp ước mà cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều tham
gia và nó cho phép mỗi bên quyền đòi hỏi việc tuân thủ luật lệ từ bên
kia.
Bức thư đó là một khởi xướng được tổ chức bởi Tự Do Ngay Bây Giờ,
một nhóm tranh đấu cho tù nhân chính trị và hai Thượng Nghị Sĩ Sam
Brownback và Barbara Boxer cũng yêu cầu tin tức về sức khỏe và an sinh
của Cha Lý. Bức thư của Thượng Viện Hoa Kỳ theo gót một khuyến nghị
được chấp thuận bởi Hạ Viện Hoa Kỳ kêu gọi Bộ Ngoại Giao đặt tên quốc
gia đáng quan ngại lại cho Việt Nam như Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tín
Ngưỡng Quốc Tế đã khuyến cáo.
Nếu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xét rằng cần phải đưa Việt Nam vào trở lại
danh sách mới, điều này có thể làm nguy hại rất nhiều cho quan hệ
thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Việc trở lại danh sách quốc gia
đáng quan ngại sẽ đòi hỏi Tổng Thống Obama thi hành một số biện pháp
kinh tế, những biện pháp này có thể được giới hạn trong cắt giảm trợ
giúp tài chính và vay mượn nhưng cũng có thể bao gồm giới hạn thương
mại và hợp đồng với chính phủ Việt Nam.
Mặc dù Quốc Hội đang làm căng về yêu cầu xếp loại Việt Nam, Bộ
Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton, hiện đang có mặt trong vùng để tham
dự buổi họp Hiệp Hội Các Quốc Gia Vùng Đông Nam Á mà ngoại trưởng Việt
Nam cũng sẽ tham dự, vẫn không nghe theo bằng cách bào chữa là chưa có
bằng chứng đầy đủ về đàn áp tôn giáo để áp dụng xếp loại Việt Nam vào
quốc gia đáng quan ngại lần nữa.
Trong khi đó, Việt Nam đang tăng cường đàn áp ngay cả gần đây đối
với những người tranh đấu không phải vì lý do tôn giáo, như tháng trước
họ bắt ông Lê công Định, một luật sư nhân quyền nổi tiếng về tội “phân
phát tài liệu tuyên truyền chống nhà nước.” Theo tổ chức Phóng Viên
Không Biên Giới, blogger cổ vũ dân chủ Nguyễn Tiến Trung, một trong
những người lãnh đạo của Tập Hợp Thanh Niên Việt Nam Dân Chủ, bị bắt
hôm mùng 7 tháng Bảy. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới ước đoán là 11
phóng viên và blogger đang bị cầm tù ở Việt Nam.
Mức độ nặng nề mà chính phủ Việt Nam tiếp tục dùng để đàn áp những
người khác chính kiến có thể làm ngạc nhiên những người đang bị mê hoặc
bởi những tiến bộ kinh tế gần đây của quốc gia này. Tổng sản phẩm quốc
nội đã gia tăng hơn 6 phần trăm mỗi năm trong năm năm qua, có lẽ được
phần nào kích động bởi sự tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của
họ vào tháng Giêng năm 2007. Điều này cho phép những mối liên quan
thương mại sâu xa với Hoa Kỳ; từ khi Washington bãi bỏ phong tỏa kinh
tế vào năm 1994, thương mại song phương đã gia tăng trung bình 35% mỗi
năm với trị giá 15.7 tỉ đô la trong năm ngoái.
Những người cổ vũ cho mối ràng buộc nâng cao giữa Hoa Kỳ và Việt
Nam bào chữa rằng quan hệ thương mại và tiến triển kinh tế sẽ đem cải
tiến tương xứng đến nhân quyền, tự do công dân và tự do tín ngưỡng. Sau
hai năm từ khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và gần ba
năm sau khi được Hoa Kỳ mang ra khỏi danh sách quốc gia đáng quan ngại,
sự tiến bộ đó đã rõ ràng chưa xẩy ra. Thay vào đó, hiện nay có những
dấu hiệu là Việt Nam đang đi thụt lùi với những cam kết duy trì và tôn
trọng nhân quyền căn bản.
Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến hành đối thoại chính thức về nhân
quyền từ năm 2007 mặc dù không có một cấu trúc theo đúng nghi thức hay
khuôn mẫu để đo lường tiến bộ, vì thế cho đến nay vẫn chưa có kết quả
cụ thể.
Washington từ xưa đến giờ vẫn cho là họ cương quyết ủng hộ nhân
quyền ở Việt Nam mặc dù số lời kêu gọi có giảm đi trong khi thương mại
và đầu tư gia tăng. Nếu chính phủ Việt Nam quả thật đang ở ngưỡng cửa
của vi phạm nhân quyền trầm trọng thì đem họ trở lại danh sách các quốc
gia đáng quan tâm có thể mang sự cấp bách mới đến cho cuộc đối thoại đã
bế tắc.
|