Thứ Sáu, 2024-11-22, 11:40 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 23 » Nhận định về việc Luật sư Lê Công Định nhận tội
8:10 AM
Nhận định về việc Luật sư Lê Công Định nhận tội

Mục sư Nguyễn Hồng Quang


Ngày 18/06/2009, sau khi thực hiện xong lệnh bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Định một tuần thì công an Việt Nam làm một điều ít có tiền lệ: bắt người giam xong mới xem xét để có quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa” đồng thời kèm với lời hù dọa một tội danh nặng ký hơn: có dấu hiệu “âm mưu lật đổ chính quyền?”.Dù Công an là cơ quan khởi tố, Viện kiểm sát là cơ quan truy tố, Tòa án là cơ quan xét xử cả ba cơ quan nầy chưa hoàn tất các bước của quá trình tố tụng trong vụ án.  Do đó Ls Lê Công Định chưa một phút nào trở thành bị cáo trong vụ án cả!

Việc cơ quan công an làm việc quá nhanh để có lời nhận tội và xin khoan hồng của Ls Định, trước khi có kết luận điều tra. Điều nầy chứng minh sự ứng phó tổng lực đối với dư luận rộ lên khắp nơi, đặc biệt tại quốc nội thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, nó thu hút cao nhất giới trí thức, luật sư từ trước đến nay. Vì lần đầu tiên báo chí nhà nước đồng loạt đăng tin, nâng tầm quan trọng của vụ án khiến sự tò mò trổi dậy của dân chúng bình dân, họ tham gia bàn luận sôi nổi về vụ án của một luật sư tài danh. Các thắc mắc sau đây được dư luận nêu ra với nhau:

- Tại sao chưa có cáo trạng buộc tội chính thức và hợp pháp tại phiên tòa mà lại mau chóng nhận tội?

- Lời xin khoan hồng là lời nói cuối cùng dành cho bị cáo đã nhận tội trước hội đồng xét xử. Có điều gì xảy ra mà Luật sư Định nói quá sớm khi tòa chưa xử mình có tội hay không?

- Tại sao một luật sư nổi tiếng lại thua nhiều người  bị “giam cứu” nhiều năm bị “chèm bẹp, lên bờ xuống ruộng” mà cương quyết không nhận tội đến nổi cơ quan điều tra không thể kết thúc điều tra, viện kiểm sát không thể truy tố được?

- Có phải Ls Định chưa chuẩn bị để trả giá cho chính kiến của mình?

- Khi gặp tôi một vị mục sư tại Sài Gòn liền nói như chê trách Ls Định trước mặt tôi về việc “nhận tội” quá sớm của Ls Lê Công Định. Mọi thất vọng và  ngờ vực khiến một số người hoang mang, tiếc nuối là có thật.

Chúng tôi rất thận trọng bởi  kinh nghiệm một người tù chính trị khi đối diện với tình huống xấu nhất thường nghĩ về sự cần thiết phải tồn tại vì tương lai, vì sứ mạng của chính mình. Tâm lý của một người tù đang đối diện với cuộc chiến ác liệt mà không hề hình dung trước, mọi vũ khí đều không xử dụng được ngoài vũ khí “khôn ngoan”, nếu mất nó không những mất mạng mà lý tưởng của mình không thể thực hiện được.

Khi đưa ra quan điểm của mình, tôi luôn nghĩ nó giới hạn trong một số tình huống cụ thể cho một số cá nhân nào đó mà thôi.

Trường hợp Luật sư Lê Công Định, tôi đánh giá cao trăn trở của Anh trong những bài viết đầy ý thức, trách nhiệm lẫn nhiệt huyết cho lợi ích sống còn của nước nhà, Luật Sư còn là người bào chữa cho Luật sư Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, qua bài bào chữa đã dành phần thắng về mặt tình cảm cũng như dư luận trên thế giới cho hai luật sư. Quan điểm bào chữa của Ls Định cũng là cơ sở  pháp lý cho các cơ quan ngoại giao lên tiếng bên vực cho hai luật sư trong tù.

Tôi biết ơn Luật sư Đài, Luật sư Công Nhân của Văn phòng Luật sư Thiên Ân tại Hà Nội, họ đã chuẩn bị tốt sự bào chữa cho tôi trong phiên tòa phúc thẩm năm 2005. Tôi cũng  không thể không biết ơn Luật sư Định, đã giúp cho ân nhân của tôi có tiếng nói chính đáng trước công luận khi vụ án xảy ra.

 Thật con tạo xoay vần! Ðến lượt tôi lại nhìn người ân nhân của ân nhân tôi rơi vào thế thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!”.

Tôi muốn nói lên một cách nhìn “tích cực” về những diễn biến khác thường của vụ án nầy.

Là mục sư, tôi hiểu rõ trong thần học giải cứu. Đức Chúa Jesus Christ là “luật sư biện hộ” cho tội nhân. Dù con người phạm tội đáng bị bỏ đi nhưng trước tòa án của Đấng tối cao, Chúa Jesus Christ cũng làm tròn sứ mạng biện hộ cho họ để thoát khỏi hình phạt tận cùng là sự chết đời đời. Để thỏa mãn đòi hỏi công nghĩa, Ngài phải chịu hy sinh trên thập tự giá trả nợ thay cho họ để tội nhân trở thành thánh nhân khi lương tâm họ hướng về sự sáng. (IGiăng 2:1-2. International Bible Society1994. Bản diễn ý)

Đức hy sinh của Đức Jesus Christ cho thế nhân yếu đuối được truyền rao cho thế gian hai ngàn năm nay. Đây chính là nội lực của ba tôn giáo lớn: Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành.

Kinh thánh là động lực và nguyên tắc sống cho người có đức tin, họ sẽ vận dụng để tiến bước trên lộ trình hoàn tất sứ mạng sống trên đất cách khôn ngoan. Giữa cái sống và cái chết, giữa ngục tù xiềng xích phải sống cho tự do, giữa vô vọng cần sống cho hy vọng, đó là điều mà người trong lao lý xưa nay từng suy nghĩ và hành động khi sa vào tay đối phương. Đó là phản ứng tự nhiên của bao con người sống có trách nhiệm khi cận kề cái chết vì đeo đuổi mục đích cuộc sống.

Trường hợp của vị anh hùng Davit trong Kinh Thánh (I.Samuel 18-22).

Ông cũng bị nguy hiểm đến tính mạng bởi tài năng và sự cống hiến to tát của ông cho dân tộc Israel, đến nỗi danh của ông lấn át uy danh vua Sau lơ, Ông bị vua Sau lơ thay vì quí trọng đãi ngộ lại truy sát ông bởi lòng đố kỵ cố hữu của kẻ sợ mất quyền lực hơn sợ mất nước. Ai chấp chứa vị anh hùng Davit cũng bị truy sát, kể cả con trai vua Sau lơ. Để bảo toàn mạng sống ông cũng phải ngậm ngùi phá hỏng nhân cách của một vị tướng tài oai phong của Israel khi “giả điên khùng và làm bộ dại khờ”. Ông đã thoát khỏi bàn tay luôn muốn giết chết Ông của vua Sau lơ và Ba kích mà ông rất sợ hãi. Sau đó ông đã có cơ hội trở thành hoàng đế lừng danh của dân tộc Do Thái và Kinh thánh cựu ước đã ghi lại đầy đủ sự khôn ngoan của vị anh hùng nầy.

Trường hợp người Ga ba ôn trá hàng với Giô suê  khi họ biết không thể nào thoát khỏi sự tiêu diệt bởi vị tướng nầy, họ bằng lập giao ước chỉ đễ cứu mạng cho nhiều người Ga ba ôn (Giô xuê:10)

Trá hàng là điều từng xảy ra trong lịch sử đối đầu của nhân loại, nó có rất lâu trong binh pháp xưa nay, nó cũng là giải pháp chính thống của ý thức  người chiến binh khi rơi vào tình huống xấu nhất. Cảnh sát cũng có lúc rơi vào trường hợp phải làm theo yêu cầu của tội phạm .Chính phủ cũng thế để cứu người hay tài sản có lúc cũng phải nộp tiền chuộc, đáp ứng đòi hỏi của hải tặc, không tặc hoặc khủng bố.

Ngày nay kể cả những cường quốc khi đụng đến quyền lợi chiến lược cũng “đầu hàng” hoặc “trá hàng” chiến thuật, khi chiến đấu với đối phương trên chiến trường chưa phân thắng bại thậm chí không thể bại! nhưng sự “đầu hàng” hay “trá hàng” được thiết kế núp dưới những nổ lực bảo đảm danh dự ảo, bất chấp những thảm họa khôn lường cho nhân loại theo sau cùng sự mất niềm tin tưởng ở đồng minh với nhau từng sát cánh chiến đấu cho lý tưởng tự do chung của nhân loại.

Trong các cuộc chiến tranh khốc liệt cận đại sự đầu hàng như một giải pháp tình thế bắt buộc nếu không làm việc đó thì không còn con đường bảo toàn nào khác, nó trở thành bình thường. Các chiến binh thực thụ họ đầu hàng, trá hàng đều không từ bỏ trách nhiệm khi có thể trở lại với nhiệm vụ. Đây cũng là một thực tế không lệ thuộc quan điểm chủ quan hay khách quan của những nhà phê phán . Sự tàn nhẫn trong cuộc mà người trực diện nơi lao tù mất điều kiện  giải thích để tìm sự cảm thông cho mình, nhất là một chiến sĩ có nhiều lý do cần phải duy trì tính mạng một cách chính đáng khi gặp nguy hiểm. Các phi công Mỹ bị bắn rơi, việc đầu tiên là phải chấp hành lệnh của cô du kích, dù nhỏ bé đến đâu nhưng nòng súng AK đen ngòm chĩa thẳng vào  thì cũng phải đưa tay đầu hàng thôi, lúc đó không nghĩ mình là gì cả, và nay phim vẫn còn chiếu cảnh tướng Pháp đưa tay đầu hàng tại Điện Biên Phủ một cách ngoan ngoãn!

Trường hợp các tù nhân mà họ chưa sẵn sàng để chấp nhận cái chết tức thì hay cái chết tiệm tiến trong ngục giam, họ cũng phải nghĩ đến các giải pháp tình thế mà chỉ họ mới chọn lựa và quyết định, ngoài ra không ai có thể quyết định thay cho họ.

Lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ 1936-1939 tình thế bắt buộc người cộng sản cũng phải hóa thân vào hình thái đấu tranh mà khác với thời kỳ đấu tranh nẫy lửa 1930-1931. Nhiều người cộng sản lồng vào hàng ngũ QLVNCH cải trang hoạt động rồi bị tiếng oan, bị tù nhục nhã vì tổ chức chỉ đạo chết hết không ai thanh minh!

Việc thương thuyết để nhượng bộ lợi ích cục bộ mang tính chiến thuật trên bàn hội nghị, nó nhiều lúc thành công trong chiến lược thực hiện mục đích của một quốc gia. Lịch sử nhân loại chứng minh ngay cả những quốc gia tự do hay độc tài cũng có thể làm như vậy.

Trong trường hợp của nhà văn Phương Nam tức Kỹ sư Đỗ Nam Hải, gặp một tình huống cũng khá nan giải, anh đã phải ký một văn bản mà thế triệt buộc công an đạo diễn, nghe tin ai cũng gọi điện tìm hiểu cũng lắm người phiền trách thất vọng! Tôi cho rằng hành vi đó không có động cơ bên trong hay ý thức đầu hàng là được rồi. Vì trên quan điểm pháp lý một hành vi phải thực hiện trong tình huống cấp thiết, ngoài ý muốn của người thực hiện thì chưa thể cấu thành đầy đủ các yếu tố của sự phản bội hèn yếu đâu mà lo.

Quả thật Kỹ sư Đỗ Nam Hải không hề phủi tay trước vận mạng của đất nước, hậu quả của hành vi anh Hải không hạ gục được lòng yêu nước và lý tưởng Anh.

Trong trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý, năm 2003, khi gia đình cha Lý đem cho tôi xem một bức thư của cha Lý viết trong tù mà quí linh mục có được, theo các người thân của Cha Lý là chính chữ viết của Cha. Họ nhờ tôi phân tích để kết luận như thế nào? Tôi xem toàn bộ nhưng giờ thì không còn nhớ đủ, song đại thể là có nhiều sự hiện thấy về Chúa, và nhiều chổ có quan điểm mới cảm thông cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Lúc đó thật hoang mang cho nhiều người nhưng có nhiều người chia sẻ quan điểm rằng: “Cha Lý trong tù thì những gì mà Cha nói hay viết chưa kiểm chứng thì coi như không có giá trị” (theo như một tờ giấy ngài viết để lại trước khi bị bắt). Sau đó tôi đi tù cuối năm 2005, tôi ra tù Cha có đến thăm tôi tại Quận 2, và lần thứ 2 gia đình tôi cùng các đồng sự Ms Phương, cô Hồng Liên về thăm quê của họ tại Huế, có ghé thăm Cha tại Tòa Giám mục Huế, thật không thể nào thấy một chút gì của con người ủy mỵ mà bức thư trong tù gửi ra năm xưa. Linh mục Nguyễn Văn Lý trong giai đoạn ra khỏi tù là một người ý chí mạnh mẽ, quyết đoán và đầy nhiệt thành trong công việc, nhất là việc thúc đẩy cho các tổ chức, đảng phái chính trị sớm ra đời ngay trong lòng chế độ độc đảng sung mãn quyền lực tại Việt Nam mà không hề sợ hải! Khó có người nào như Cha, ai gặp Cha, ngay cả công an không phải ai cũng được chứng kiến hành động tự do bất khuất của ngài.

Trường hợp Cha Lý những gì ngài viết trong lao tù thì không bảo đảm phản ảnh con người thực của Cha. Mọi phê phán hay thất vọng về Cha thì thực tế đã chứng minh ngược lại rồi.

Một yếu tố pháp lý giúp suy nghĩ chúng ta trong trường hợp nầy  của bản văn di chúc về thừa kế; để được coi là hợp pháp thì Bộ Luật Dân Sự có qui định rõ: Người lập di chúc phải có năng lực về hành vi, phải minh mẫn, sáng suốt, không bị bệnh, sức khỏe tinh thần ổn định, khi lập có nhân chứng, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép (điều 647, 652)

Luật sư Lê Công Định mới bị bắt mấy ngày trong ngục tù, thông thường tâm lý không  ổn định, không ai làm việc hiệu quả khi thẩm cung. Tôi bị bắt giam nhiều lần nhưng lần nào mấy ngày đầu thật mỏi mệt, thể trạng xuống và sức khỏe tâm thần sút giảm, không thể minh mẫn sáng suốt, nhất là chấp pháp hù liên tục.Phải nói chấp pháp cộng sản họ có tài biến hóa những bản cung, họ biến không thành có, biến có thành không! họ rất có lợi thế làm cung, người bị thẩm vấn bị giam cầm không hề có luật sư hay có sự giám sát của thân nhân, tất cả trong bế tắc, đấu tranh với họ trong trạng thái yếu ớt xanh xao, người râu mọc tua tủa, kém ăn, mất ngủ, rất mệt, chưa kể bị biệt giam, kiên giam, phải bị kẻ “nhãy xô” quấy rầy ra rã, bị tước tất cả mọi quyền, mất tự do, bị khống chế cô lập toàn bộ. Tình cảnh ấy thì chấp pháp khai thác tối đa  nhược điểm của tù nhân, việc mớm cung, đảo cung, bức cung chuyện gì xãy ra cũng dễ dàng. Người có cứng rắn trong việc nầy càng nguy hiểm hơn, có vụ án hàng nhiều năm chưa hề đưa ra xét xử, thậm chí cả chục năm mòn mõi chết dần mòn trong tù mà không thể kết cung.

Luật tố tụng hình sự đã lâu qui định luật sư tham gia quá trình tố tụng từ khi khởi tố bị can (có quyền ngồi theo dõi lúc hỏi cung, có quyền ký nhận bản cung) nhưng Công an Việt Nam cho  đến nay vẫn chưa chịu thi hành luật quan trọng nầy, họ nại đủ lý do để từ chối, người tù hoàn toàn nằm trong tay họ. Do đó những bản cung nhận tội của Ls Lê Công Định chưa thể  kết luận được là nó có phải là ý muốn của Luật sư Định hay không? Đó có phải đấu pháp mà anh chọn trong tình huống nào đó mà chỉ có chính anh và công an mới giải thích chính xác?

Khi nào chúng ta có toàn bộ chứng cứ mới tin được, chứng cứ có thể là chính Ls Định nói trong lúc tự do, hay ít ra chúng ta phải có đầy đủ băng hình ghi âm quá trình thẩm vấn và nhận tội, và điều quan trọng là sự giám định y khoa trung thực về tình trạng sức khỏe, tâm lý của Ls Định.

Những phê phán nóng khi chưa có cơ sở phân tích đúng, không có tác dụng giữ vững tinh thần của gia đình cùng chính người đang chiến đấu thầm lặng trong lao lý kia, ít ra nên hỏi liệu đã công bằng chưa? Tự do ngôn luận phải đạt đến chánh ngôn mới diễn cảm đầy đủ của hai tiếng tự do thiêng liêng mà máu xương nhân loại đã vun tưới muôn đời. Ai đó sử dụng tự do ngôn luận để phê phán kết án những tù nhân lương tâm đang đối mặt sanh tử với đối phương trong trại giam thì không nên. Chấp pháp đầy thâm kế khống chế tối đa mọi mặt kể cả sinh mạng họ mà họ thì không có phương tiện tối thiểu tự vệ. Không ai chia sẻ với  họ được trong lúc nầy, kể cả vợ con anh em, đồng sự. Họ đang chiến đấu cô đơn và vất vả không kém phần ác liệt như ngoài chiến trường, không may họ có thể bị chết trong tù như cha và chú tôi. Trận chiến của họ diễn ra nơi phòng hỏi cung ngột ngạt, là trại giam rùng rợn, họ hy sinh cho dân tộc trong các trại tù, nếu có yếu đuối nào, nếu có sờn lòng hay nao núng nào, mong mọi người hãy bao dung họ và gia đình đau khổ của họ.

Kinh thánh cũng không ủng hộ cho sự vội vàng xét đoán nhau, thường con người không nắm đủ sự thật kín dấu của vấn đề nên xét đoán hay sai lầm, mọi suy đoán dù theo kinh nghiệm sống hay những dấu hiệu được biểu hiện nhất thời bên ngoài cũng chưa phải đầy đủ cho chúng ta đánh giá đúng về một con người.

Tôi vẫn tin tưởng những luật sư trẻ như Luật sư Lê Công Định, Lê thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Lê Quốc Hiền, Lê Chí Quang, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung… họ vô cùng quí giá và cần thiết cho xã hội Việt Nam chúng ta thăng tiến  Nếu họ được tư vấn, được kết hợp làm việc trong một ủy ban quốc gia bài trừ tham nhũng, họ sẽ biết phối hợp quốc tế và quốc nội dọn dẹp sạch bách lũ giặc nội xâm thâm thù của Tổ quốc thân yêu chúng ta.

Nhà cầm quyền khôn ngoan nếu không trọng dụng họ thì cũng đừng hành hạ họ.

Tôi yêu thương họ ngay cả khi họ bị vấp ngã hay yếu đuối trên con đường nối gót tiền nhân thực hiện ước mơ tự do dân giàu nước mạnh cho quê hương .

Lịch sử không bỏ rơi họ, thời gian biện minh cho họ, nhân dân sẽ tôn tặng họ một ngày không xa!

Cầu Chúa cho: kẻ tù được tha, kẻ hà hiếp được tự do và rao năm ban ơn lành cho mọi người.” (Luke 4:18,19)


Mục sư Nguyễn Hồng Quang (Cựu tù nhân tương tâm)
Bài nầy chỉ phản ảnh tình cảm và quan điểm của cá nhân (NHQ)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 824 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0