Quan hệ quân sự Mỹ Việt, nổi bật với các tuyên bố về hợp tác không quân nêu ra tuần này, vừa nằm trong bối cảnh thay đổi chiến lược an ninh châu Á của Hoa Kỳ và các đồng minh, vừa có các nét riêng của quan hệ Washington với Hà Nội.
An ninh châu Á
Tin từ giới quân sự châu Á cho hay cuối tuần này, Ấn Độ sẽ chính thức cho hạ thủy tàu ngầm nguyên tử đầu tiên, đánh dấu thành công bước đầu của chiến lược đại dương mà Dehli theo đuổi và được Hoa Kỳ ủng hộ.
Các nhà bình luận Ấn Độ trước đó đã nêu ra quan điểm rằng quân đội nước này cần tìm hiểu cách giành thế chủ động ở Nam Á trong khi Trung Quốc xây dựng một phòng tuyến 'chuỗi ngọc trai' xung quanh tiểu lục địa.
Ngay sau chuyến thăm đến Ấn Độ, Ngoại trưởng Clinton đến dự hội nghị Phuket và tuyên bố Hoa Kỳ 'trở lại Asean'.
Với một Indonesia thành công sau bầu cử dân chủ và có một tổng thống uy tín và Thái Lan dưới quyền một thủ tướng trẻ và tham vọng, Hoa Kỳ cùng đồng minh truyền thống như Nhật Bản có thể yên tâm và tự tin thúc đẩy quan hệ nhiều mặt để tác động hơn nữa đến Việt Nam.
Cùng thời gian, các nguồn tin từ Nhật Bản cho hay kể cả khi có một tân chính phủ do đảng Dân chủ nắm quyền từ cuối tháng 8 này, chiến lược thắt chặt quan hệ, kể cả về an ninh vùng, với Asean sẽ tiếp tục nằm cao trong nghị trình của Tokyo.
Trong tuần này, một quan chức hải quân Nhật Bản không muốn nêu tên cũng cho BBC hay về 'mối quan tâm đặc biệt' của Nhật đối với Việt Nam, sau các chuyến thăm của chiến hạm Nhật Yamayuki, Matsuyuki và Hamayuki năm 2008.
Theo quan chức này, Nhật Bản đang xây dựng quan hệ quân sự với Việt Nam để nâng dần lên cấp độ gắn bó như họ đã có với Philippines và Singapore.
Nhật cũng thay đổi luật cho phép các tập đoàn như Mitsubishi bán vũ khí và linh kiện quân sự ra nước ngoài.
Chiến lược an ninh chung của Hoa Kỳ và các đồng minh Bắc Á và cả Đông Nam Á không nằm ngoài mục tiêu giữ một Việt Nam ổn định.
Hoa Kỳ cũng tiếp cận Việt Nam từ góc độ toàn cầu: chia sẻ các mục tiêu hiển nhiên của Mỹ như chống khủng bố, chống vận chuyển ma túy..vv... để dần dần chuyển đến đến mục tiêu cụ thể hơn từ góc độ vùng: đảm bảo an ninh biển và phòng ngừa các động thái của Trung Quốc.
Tiệm tiến trong lịch sử
Nhưng quan hệ quân sự của Hoa Kỳ với Việt Nam còn có tính riêng tư và luôn là đề tài tranh luận không ít cảm tính trong nội bộ chính giới và truyền thông Mỹ vì di sản cuộc chiến trong thập niên 1970 của thế kỷ 20.
Nhiều nhân vật cao cấp của Mỹ có dính líu đến quá khứ chiến tranh tại Việt Nam như cựu phi công John McCain, nay là một thượng nghị sĩ có uy quyền.
Họ thường vận động cho quan hệ sâu nặng hơn về quân sự với Việt Nam nhưng cũng lên tiếng cho chủ đề nhân đạo và nhân quyền.
Về mặt thời gian, quan hệ này được đánh dấu bằng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen tháng 6/2000, và chuyến thăm đáp lễ của Tướng Phạm Văn Trà tháng 11/2003.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi 2005, mở màn cho các văn bản chính thức về hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, trong đó có trao đổi thông tin tình báo và quốc phòng.
Chuyến đi đó đã tạo đà cho chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld sang Việt Nam hồi 2006.
Bằng chuyến thăm này, hai bên đã chính thức đóng lại hồ sơ đầy nước mắt với dư luận Mỹ về MIA, những binh sĩ Mỹ bị coi là 'mất tích' tại chiến trường Đông Dương
Báo Los Angeles Times tháng 6/2006 nói theo các quan chức Ngũ Giác Đài phát biểu sau chuyến thăm của Bộ trưởng Donald Rumsfeld, lần đầu tiên Việt Nam đã đồng ý để Hoa Kỳ dùng máy thám thính dưới mặt nước ngoài bờ biển Việt Nam.
Ngay sau đó, vào tháng 12/2006, Tổng thống Bush ký sắc lệnh bỏ cấm vận với việc bán các quân dụng không sát thương cho Việt Nam.
Các chuyến thăm của chiến hạm Mỹ vào các cảng Việt Nam, ban đầu chỉ ở phía Nam, sau ra đến Đà Nẵng và cả Hải Phòng, trở thành thường xuyên hơn.
Về phía Hoa Kỳ, các tài liệu quân sự và tình báo Mỹ xác định việc tăng cường quân hệ với Việt Nam sẽ giúp cho việc tăng thêm ổn định tại khu vực mà Mỹ cho rằng có nhiều nguy cơ bùng nổ bất ổn (nguyên văn-fraught with potential powder kegs of instability).
Hợp tác không quân hai bên công bố tuần này đã đẩy quan hệ lên một bước mới.
Quyết định đồng ý huấn luyện phi công cho Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn đến chỗ Hoa Kỳ bán hoặc trợ giúp về phương tiện, kể cả phi cơ chiến đấu.
Quân sự cũng nói về nhân quyền
Hoa Kỳ mong những người bị (Việt Nam) bắt sẽ không bị xử với tội khủng bố khi họ chỉ bày tỏ ý kiến một cách hòa bình
Trợ lý ngoại trưởng Stephen Mull hồi 2007
Dưới
sức ép của một số Dân biểu Hạ viện, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ
cũng làm một việc hiếm khi làm là đưa cả đối thoại về nhân
quyền vào bàn thảo với các sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam,
ít ra là theo lời một quan chức Ngũ Giác Đài cùng ông Rumsfeld
đến Hà Nội hồi 2006.
Nhưng về mặt nào đó, giới quân sự
hai bên cũng dễ dàng nói chuyện kể cả về nhân quyền vì các
vụ bắt giữ bất đồng chính kiến hoặc các công dân Mỹ gốc
Việt bị cáo buộc có hoạt động chống đối đều do phía công an
Việt Nam thực hiện.
Khác với cách làm ở Trung Á hay Trung Đông, Hoa Kỳ cũng không quá dễ dàng tin vào cáo buộc 'khủng bố' mà Việt Nam đưa ra với một số Việt Kiều từ Mỹ.
Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh những người bị bắt 'sẽ không bị xử với tội khủng bố khi họ chỉ bày tỏ ý kiến một cách hòa bình'.
Phát biểu đó của trợ lý ngoại trưởng phụ trách chính trị quân sự vụ Stephen Mull hồi Việt Nam bắt ông Nguyễn Quốc Quân của đảng Việt Tân năm 2007 phản ánh rõ quan điểm của Hoa Kỳ.
Kể từ đó, có vẻ như Việt Nam giảm bớt việc dùng những cáo buộc 'khủng bố' đối với các nhóm hoạt động đối lập.
Dù không coi việc Việt Nam bắt giữ công dân của mình hay công dân Mỹ có hoạt động bất đồng chính kiến với Hà Nội là một cản trở cho quan hệ quân sự, Hoa Kỳ cũng không bỏ qua các chủ đề dân chủ và nhân quyền trong việc xây dựng quan hệ lâu dài với Việt Nam.
Nói như ông Robert Zoellick hồi 2005 thì ngay cả việc ủng hộ cho Việt Nam vào WTO cũng được đặt trên mong muốn của Washington rằng Việt Nam 'có một số tiến bộ tốt' (some good progress) về cải tổ kinh tế và 'đối thoại mạnh mẽ' nhằm thục đẩy cho một Việt Nam có nhiều tự do hơn, gồm cả tự do tôn giáo.
Kể từ đó đến nay, đường lối của Mỹ vẫn không thay đổi dù cách thực hiện cuộc đối thoại có thể khác nhau.