Những bất bình của Giáo hội Công giáo đối với chính quyền Việt Nam
trong vụ Tam Tòa đang lên cao trong lúc có ý kiến của cán bộ
nghiên cứu phía chính phủ nói có những người đang 'biến vấn
đề dân sự thành tôn giáo'.
Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện giáo phận Sài Gòn lên tiếng cáo buộc các quan chức Quảng Bình ''cả vú lấp miệng em''.
Cha
Minh nói như vậy với đài BBC sau ngày Chủ Nhật mà giáo phận Vinh gọi là
''ngày cầu nguyện lịch sử'' trong đó ít nhất hàng chục ngàn giáo dân đã
tham gia cầu nguyện để ủng hộ những người bị công an ''đánh đập và bắt
giữ.''
Nhưng một nhà nghiên cứu có tiếng cũng nói với BBC những
người công giáo đã ''có bé xé ra to'' và nhiều giáo dân đã bị ''kích
động'' để tham gia cầu nguyện.
Hiện một số giáo dân vẫn bị công
an Quảng Bình giam giữ sau khi xảy ra va chạm trong lúc họ dựng nhà tạm
trên nền của nhà thờ Tam Tòa bị bom Mỹ từ thập niên 60 và chính quyền
đã xếp nhà thờ vào các chứng tích tội ác chiến tranh.
Giáo hội Vinh nói nhà thờ vẫn thuộc sở hữu của giáo hội và việc dựng nhà tạm không vi phạm pháp luật.
Họ
cũng cáo buộc công an địa phương có hành động ''vô nhân đạo'' và ''đánh
đập tàn nhẫn'' giáo dân và rằng công an chưa thả một số người vì sợ
truyền thông thấy các thương tích của họ.
'Lơ mơ dẹp liền'Nói chuyện với đài BBC từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/7/2009, linh mục Huỳnh Công Minh nói:
''Nếu
chính quyền Quảng Bình vẫn tiếp tục như vậy, không có nhận thấy chuyện
làm quá sai, cứ tưởng là cả vú lấp miệng em được là không được,'
Ngoài ra, linh mục cho rằng trước chuyện giáo dân "đang bị đánh, bị đập" thì "đương nhiên giáo hội phải có tiếng nói".
Khi
được hỏi tại sao trong hàng chục năm qua giáo hội không lên tiếng đòi
quyền lợi xung quanh nhà thờ Tam Tòa mà đợi tới tận bây giờ, linh mục
Tổng Đại diện Sài Gòn nói:
''Trước kia làm lơ mơ người ta đập
dẹp liền, hổng nói năng gì được, rồi xung quanh chẳng ai biết gì. Nhưng
bây giờ đâu được. Ví dụ cái tin vừa xảy ra cả thế giới biết thì ngày
xưa đâu có vậy,"
''Tình hình mới là chỗ này: cái nguồn thông
tin trước đây là hoàn toàn bị khống chế, những cái chuyện rõ ràng sai
sự thật mà dùng cả hệ thống, rồi xem báo chí là cơ quan tuyên truyền
của chính quyền thì làm sao được."
''Chính quyền có thể làm
điều này điều kia không phù hợp thì người ta phải có ý kiến chứ, mà
những ai có ý kiến khác thì quy là chống lại nhà nước, chống lại tổ
quốc. Cái điều này hiện nay còn rất mơ hồ và người ta lợi dụng cái này
để hăm dọa những người bất đồng ý kiến với chính phủ.''
'Hoàn toàn sai lệch'Về
phía chính quyền, tỉnh Quảng Bình và các thông tin trên truyền thông
nhà nước đều nói rằng lỗi thuộc về các giáo dân và cả giáo hội.
Công
văn của tỉnh Quảng Bình gửi Tòa Giám mục Địa phận Vinh nói ''các vi
phạm của giáo dân... không thể các linh mục quản xứ không biết. Điều đó
cho thấy đã có sự lợi dụng giáo dân để gây áp lực với chính quyền.''
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo ở Hà Nội thì cho BBC Việt ngữ hay:
''Đây
là cách mà những người lợi dụng tôn giáo ở trong nước hay làm. Họ hay
bé xé ra to. Rồi nhiều vấn đề dân sự, họ hay chuyển hóa thành vấn đề
tôn giáo,"
''Còn về những người dân, chúng tôi biết có một số
người họ đi theo các đoàn, họ gần như không có hiểu biết, không nắm
được và nhiều thông tin của Giáo hội đưa là hoàn toàn sai lệch."
Theo
ông Dương, có một cách tuyên truyền không đúng của một số nhân
vật Công giáo. Từ kinh nghiệm riêng, ông cho hay:
''Như tôi
nhận được một thư của một linh mục dấu tên nói là 'tàn sát nhân dân',
rồi 'máu tử đạo đã đổ', rồi kích động giáo dân hãy tử đạo. Rồi nói là
chính quyền đàn áp phụ nữ và trẻ em. Điều đó tôi có thể khẳng định là
không có. Và Chính quyền Quảng Bình đã giải thích và vận động bà con
trở về."
Tranh cãi quanh nhà thờ Tam Tòa có tính lịch sử
nhưng chính quyền và Giáo hội công nhận các thời điểm khác
nhau. Về việc này, Tiến sỹ Dương nêu quan điểm gần với của
chính phủ:
''Một nơi chỉ còn là chứng tích, đổ nát, không còn
gì. Bây giờ dân từ xứ khác kéo đến, từ thôn Cò Xẻ của Quảng Hợp, Quảng
Trạch, cách đó tới 5 km kéo tới. Còn dân Tam Tòa, năm 1954 hầu hết đã
di cư vào trong miền Nam, hầu hết không còn người dân gốc ở đấy nữa.''
Tiến
sỹ Dương cũng nói chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị để có kế hoạch thiết
lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Vatican và nói rằng chuyến thăm
của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nếu diễn ra có thể nằm trong lộ
trình này.
''Tôi thấy rằng việc thiết lập quan hệ này rất cần
thiết, trong một bài viết về của tôi, tôi cũng nói là việc này có ích
lợi cho cả phía Nhà nước Việt Nam và Vatican vì Việt Nam hiện nay có
trên sáu triệu tín đồ công giáo và VN là bạn với tất cả các nước, thì
không có lý gì mà lại không thiết lập quan hệ với Vatican.''
Cơ chế 'xin - cho'Về
phía linh mục Tổng Đại diện Huỳnh Công Minh, trước câu hỏi liệu Đảng
Cộng sản Việt Nam có lo ngại trước số giao dân lên tới hàng triệu và có
sự liên thông ở Việt Nam không, linh mục nói:
''Họ không phải sợ
Công giáo mấy triệu (giáo dân) là vì sợ số lượng. Nhưng họ sợ bất cứ ai
không nghe theo những điều họ nói. Điều gì đúng mình theo, điều gì
không đúng mình không theo thì người ta sợ cái điều đó. Người ta sợ
những người chống lại như vậy mà có sự nối kết với nhau,"
''Dầu
muốn dầu không người Công giáo trên thế giới có tổ chức và cái điều này
là điều mà đảng Cộng sản ở bất kỳ nơi nào cũng sợ."
Cũng đang
có dấu hiệu Giáo hội muốn lên tiếng về các vấn đề mà chính
một số trang web Công giáo gọi là xã hội dân sự. Từ góc độ
này, linh mục Huỳnh Công Minh nói:
''Nói tự do tín ngưỡng,
nói tự do đi vô nhà thờ cầu nguyện thì chuyện đó hoàn đoàn đúng. Nhưng
đâu phải tôi đi nhà thờ tôi chỉ cầu nguyện, tôi cũng có ý kiến của tôi
chứ. Họ chỉ muốn anh tự do anh vào nhà thờ anh chỉ được cầu nguyện,
không có được có ý kiến ngoài xã hội, chuyện này chuyện kia,"
Ông
tin rằng ''Ngay trong nội bộ của Đảng, theo những người bạn mà tôi có,
họ có được phát biểu lên một cách rõ ràng, công khai đâu. Nếu người ta
phát biểu công khai thì chụp cho cái mũ là chống đảng, phản đảng."
''Sự thật là như vậy. Chính quyền miền Nam trước đây cũng vậy, nếu mình chống lại chính quyền thì hổng có yên thân.
Và điều ông phản đối là quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội theo kiểu "chế độ xin - cho."
''Mà
xin - cho thì mình chỉ có việc xin, người ta vui thì người ta cho,
người ta không vui thì không cho chứ không có tiêu chuẩn nào cả. Thì
điều này Giáo hội không chấp nhận, không bao giờ hài lòng."
Ông cũng khẳng định vì tình hình đã thay đổi nên "không có dễ mà trở lui lại giai đoạn trước."
'Không lặp lại'Linh mục Huỳnh Công Minh cũng nói:
''Theo
tôi biết những người không cùng tín ngưỡng với tôi, thậm chí cả những
người bạn của tôi ở trong Đảng người ta đều thấy điều đó. Cũng như ông
Võ Văn Kiệt chắc chắn ông ấy có những suy nghĩ từ lâu nhưng không nói
ra được, cuối đời mới nói ra được là đất nước này đâu phải chỉ của
Đảng. Công lao gìn giữ đất nước, bảo vệ đất nước, công lao thống nhất
đất nước đâu chỉ có riêng người Cộng sản.
''Thế nhưng người ta
cứ đồng hóa chuyện Đảng là đại diện cho toàn dân, thể hiện ý chí của
toàn dân, làm sao mà thể hiện được. Nếu mình thể hiện mà dân người ta
phấn khởi thì điều đó là điều đáng mừng.
''Nhưng nó không phải
vậy. Nhất là trong tình hình hiện nay tham nhũng tràn lan, đạo đức xã
hội nó suy đồi không thể tưởng tượng được thì người lãnh đạo về mặt nhà
nước, về mặt chính phủ phải chịu trách nhiệm,"
Trong các tài
liệu Giáo hội công bố gần đây bắt đầu có tín hiệu người Công
giáo Việt Nam coi các vấn đề của cả dân tộc là của chung, từ
không gian công cộng cho đến cả chuyện biển đảo. Linh mục Minh
giải thích:
''Tôi tin là thực sự ra để làm thay đổi tình hình
trên diện rộng như là thay đổi của đất nước thì tám triệu người Công
giáo đâu có làm gì được mà phải là toàn dân. Nếu người Công giáo có
tham gia vào thì cũng trong tỷ lệ đó, cũng không nghĩ mình có thể đóng
vai trò gì lớn lao."
''Nhưng tôi tin rằng đại đa số nguời dân
hiện nay với truyền thống ngàn xưa của cha ông để lại thì người Việt
Nam không thể chấp nhận sống trong tình trạng mà bị chèn bị ép, tiếng
nói của mình, suy nghĩ của mình không được bộc lộ ra.''
Trả
lời BBC từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Tôn giáo nhận định sẽ không có chuyện tôn giáo có thể góp
phần dẫn tới sự thay đổi chế độ như ở Đông Âu.
''Chắc là lịch sử
sẽ không lặp lại. Việt Nam có đường lối đối ngoại giao rất cụ thể và
tính chất độc lập. Chắc lịch sử sẽ không lặp lại như thế,"
''Người
giáo dân Việt Nam vẫn gắn bó với dân tộc. Họ có phương châm sống tốt
đời đẹp đạo, sống Phúc âm trong lòng dân tộc, phụng sự đồng bào."
''Trong quốc hội đầu tiên của Việt Nam có linh mục Phạm Bá Trực là Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội."
Ông
Dương cũng nhắc lại quan điểm của đảng cầm quyền đặt mối quan
hệ mà ông nói là 'không ngăn cách' giữa tư cách tín đồ và
công dân, thậm chí đảng viên cộng sản.
''Nhiều linh mục,
giáo dân tham gia quốc hội, hội đồng nhân dân. Giáo dân và các tín đồ
tôn giáo nếu phấn đấu tốt, đều có thể đứng trong hàng ngũ của đảng,
chúng tôi không thấy có ngăn cách nào với giáo dân, miễn là họ thực
hiện đúng, vừa là tín đồ vừa là công dân.''