Hoa Thạnh Đốn (Washington) - Những tổ chức nhân quyền và một số
nhà lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ đang đòi hỏi Việt Nam bị đưa lại vào
danh sách “Các nước cần Quan tâm Đặc biệt” (CPC), và như thế sẽ cho
phép Hoa Kỳ cấm vận kinh tế để áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam phải
tôn trọng nhân quyền. Ba lãnh vực quan tâm hiện đang được thảo luận tới
là tự do tôn giáo, buôn bán phụ nữ và trẻ con, và các tổ chức bảo vệ
người lao động.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không xếp Việt Nam vào trong danh sách
“Các nước cần Quan tâm Đặc biệt”, mặc dù họ đã làm thế trong hai năm
2004-2006. Chính quyền mới của ông Obama cung cấp một cơ hội để tái xếp
loại Việt Nam trong phương diện CPC này.
Nhằm ghi nhận những biến chuyển mới đây nhất ở Việt Nam, Ủy ban Nhân
quyền Tom Lantos đã tổ chức một buổi điều trần hôm 23 tháng Bảy, về tự
do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Ủy ban này, bao gồm một ban hội
thẩm của những nhà lập pháp Hoa Kỳ được biết đến như những người hoạt
động ủng hộ nhân quyền, bao gồm dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa,
đơn vị New Jersey). Ed Royce (đảng Cộng hòa, đơn vị Cali), James
McGovern (Dân chủ, tiểu bang MA), Anh “Joseph” Cao (Cộng hòa, tiểu bang
LA), Dana Rohrabacher (Cộng hòa, CA). Loretta Sanchez (Dân chủ, tiểu
bang Cali), Zoe Lofgren (Dân chủ, Cali), Tom Wolf (Cộng hòa, tiểu bang
Virginia), và Joe Pitts (Cộng hòa, tiểu bang Philadelphia).
| Dân biểu Ed Royce. Nguồn: http://www.royce.house.gov
|
Sự giận dữ có thể cảm nhận được qua buổi điều trần ở đồi Capitol khi
những nhà lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ trút những lời chỉ trích nặng nề
về chính sách lao động và tôn giáo của nhà nước Việt Nam, và hầu hết
bày tỏ sự thất vọng đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì Bộ Ngoại giao Hoa
Kỳ rõ ràng không muốn làm khó Việt Nam. Và họ nghi ngờ lời tuyên bố mới
đây của ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam ông Michael Michalak rằng “thiếu
bằng chứng” để đưa Việt Nam vào lại danh sách Các nước cần Quan tâm Đặc
biệt.
“Khi Việt Nam còn nằm trong danh sách CPC, chúng ta thấy có những
thay đổi tích cực. Một cách không may, khi Việt Nam được đưa ra khỏi
danh sách này hơi vội vã trong năm 2006, họ lại tăng cường sự khủng bố,
ngược đãi” dân biểu Ed Royce nói.
“Rất tiếc là không có người đại diện cho Bộ Ngoại giao có mặt với
buổi điều trần hôm nay. Tôi muốn tìm hiểu thêm tại sao bên hành pháp
không tìm hiểu thêm về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam và những nơi
khác. Tôi hy vọng Bộ Ngoại giao xét đến những gì được trình bày và thảo
luận hôm nay,” dân biểu Chris Smith nói.
Dân biểu Smith đã ba lần giới thiệu đạo luật mới ở Hạ viện, lần mới đây
nhất, là Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam năm 2009 (HR 1969) ngăn cấm
viện trợ không mang tính nhân đạo của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam không
được vượt qúa mức của năm tài chánh FY2009 ngoại trừ tổng thống Hoa Kỳ
xác nhận với Quốc hội là nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực và đạt được
những kết qủa đáng kể trong các lãnh vực: trả tự do cho tù nhân tôn
giáo và chính trị, và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bao gồm việc
trả lại tài sản thuộc quyền sỡ hữu của giáo hội.
© DCVOnline
|