Phạm Trần
Hoa
Thịnh Đốn.- Vấn đế đảng Cộng sản Việt Nam coi người theo đạo Thiên Chúa
Giáo không ủng hộ đường lối của họ là kẻ thù không đội trời chung đã có
trong lịch sử kể từ khi Đức Cha Lê Hữu Từ, Cố vấn của Hồ Chí Minh phải
quay lại chống chủ trương phản dân tộc của họ Hồ.
Nhưng cốt lõi
của chính sách thù nghịch đạo Thiên Chúa của đảng CSVN đã phát xuất từ
quan điểm sai lầm cho rằng những người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa,
được du nhập từ các Cố đạo Tây phương, đã “làm tay sai” hoặc “tiếp tay”
cho Thực dân Pháp xâm lăng Việt Nam để đặt ách đô hộ lên đầu lên cổ
nhân dân Việt Nam mà đảng CSVN, do Hồ Chí Minh cầm đầu, đã đánh bại
trong trận Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5/1954.
Chủ trương trả
thù người theo đạo, thông thường gọi là Công Giáo, được Hồ Chí Minh
thực hiện ngay sau khi tiến về Hà Nội làm chủ miền Bắc, do Hiệp định
Genève quy định chia đôi nước Việt Nam từ Vỹ Tuyến 17 vào tháng 7/1954.
Lý
do đơn gỉan vì hơn 1 triệu người, đa số theo đạo Công giáo ở miền
Bắc, đã nghe theo tiếng gọi của hai vị Giám mục nổi tiếng lúc bấy giờ
là Lê Hữu Từ, Địa phận Phát Diệm và Phạm Ngọc Chi, Địa phận Bùi Chu di
cư vào miền Nam để lánh nạn Cộng sản.
Các hành động trả thù đã
được phát động rộng khắp miền Bắc để chống lại Giáo hội Công giáo nằm
trong chiến dịch kiểm soát chặt chẽ Giáo hội, bắt đầu từ việc trục
xuất Đại diện Tòa thánh La Mã tại Hà Nội và tịch thu tài sản của giáo
hội. Sau đó đến lượt các Chủng viện bị đóng cửa, các Tu viện bị giải
tán và các hoạt động của các Tu sỹ bị chặt đứt khiến họ phải hòan
tục để tồn tại hoặc phải đi lao động hay đi nghĩa vụ quân sự.
Sau
20 năm thống trị miền Bắc, Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã biến Giáo hội
Công giáo miền Bắc thành “cái xác chết” không hồn. Nhiều xứ đạo bị giải
tán, số tu sỹ bị cạn kiệt và nhiều linh mục già qua đời hay không còn
sức phục vụ không được thay thế khiến cho Giáo hội thu hẹp dần đến chỗ
tiêu tụy, héo khô sau bức màn sắt.
Tuy nhiên, với lòng tin sắt
đá, những người theo đạo Công giáo ở miền Bắc vẫn tồn tại nhưng bị cô
lập và bị kỳ thị trong tất cả mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục và việc làm.
Sau
khi chiếm được miền Nam năm 1975, đảng CSVN toan áp dụng chích sách thù
nghịch người theo đạo Thiên Chúa giáo trong Nam nhưng thất bại. Chủ
trương đè nén Giáo hội Công giáo bất thành, dù đã đóng cửa được các tu
viện, bắt tu sỹ hòan tục, bỏ tù hay tìm mọi cách ngăn cản các tín đồ
đến nơi thờ phượng.
Thành công duy nhất mà đảng CSVN đã thực
hiện được để chống Giáo hội Cộng giáo trong Nam là tịch thu các tài sản
và cơ sở của Giáo hội với hy vọng triệt tiêu các nguồn tài chính, một
trong những nhu cầu để tồn tại. Tuy nhiên, đảng CSVN vẫn không khống
chế được tư tưởng bất thân thiện với người Cộng sản của hai Tổng Giám
mục nổi tiếng là Nguyễn Văn Bình của Giáo phận Saìgon và Nguyễn Kim
Điền của Giáo phận Huế.
Các tin của Giáo hội Công giáo cho hay
Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền bị “bức tử” năm 1988 vì lập trường
chống lại chích sách đàn áp Tôn giáo của đảng CSVN. Riêng Đức Tổng Giám
mục Nguyễn Văn Bình, trước khi qua đời năm 1995, đã nói với Báo Sàigòn
Giải phóng của đảng bộ Cộng sản tại Sàigòn rằng sau khi đã “sống chung”
với người Cộng sản, ngài “vẫn sợ người Cộng sản”.
Nhân chứng
điển hình nhất cho chính sách đàn áp các nhà lãnh đạo Công giáo Việt
Nam là Cố Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, nạn nhân của 13 năm tù Cộng sản,
trong đó ó 9 năm bị cùm giam trong ngục tối. Ngài được tha tù năm 1988
và được phép cho đi Roma năm 1991, nhưng CSVN không cho trở về Việt
Nam. Lý do thầm kín ngài bị bắt vì đảng CSVN không cho phép Ngài làm
Phụ tá cho Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình ở Sàigòn và vì Đức Cha
Thuận là cháu ruột của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, kẻ thù không đội
trời chung với Hồ Chí Minh và đảng CSVN.
Người tù nổi tiếng khác
của Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện đang bị giam là Linh mục Thaddeus
Nguyễn Văn Lý của Giáo phận Huế. Lm Lý đã có các hoạt động chống chính
sách đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của CSVN từ thập niên 1970.
Cho đến nay, ông đã ngồi tù khỏang 15 năm cách nhau trong các lần bị
bắt.
Lm Lý cũng là người tù nổi tiếng khắp thế giới với bức hình
ông bị một Công an mặc thường phục bịt miệng trước phiên tòa xử ngày
30-3-2007, khi ông hô to :”Đảo đảo Cộng sản”.
Đảng CSVN đã rất
bối rối nhưng không ngăn chặn được vì chính họ đã cho phép trực tiếp
truyền hình phiên tòa nên tấm hình phản tuyên truyền này đã được truyền
đi khắp thế giới.
Nhưng Linh mục Lý bị bắt nhiều lần không phải
vì ông đã lên tiếng chống chính sách đàn áp tôn giáo mà còn tích cực
trong công tác đòi nhà nước thực thi các quyền tự do và dân chủ của
công dân đã được quy định trong các Hiến pháp từ 1946 đến 1992. Ông còn
là một trong những Tu sỹ đã đi tiên phong trong việc đòi lại các tài
sản cho Địa phận Huế của ông nói riêng và cho Giáo hội Công giáo nói
chung.
Tiêu biểu cho chiến dịch người Công giáo đứng lên đòi lại
tài sản và các cơ sở bị nhà nước tịch thu bất hợp pháp đã diễn ra trong
một thời gian dài tại Xứ Thái Hà, Hà Nội nơi có Tòa nhà của Tòa Khâm sứ
Vatican bị nhà nước thời Hồ Chí Minh thu dụng sau 1954.
Trong vụ này, Chính quyền thành phố Hà Nội đã bịa ra đủ các chứng cứ để chiếm đoạt tài sản làm
của riêng nhưng không thành nên đàng phải biến khu đất khang trang của
Giáo hội Công giáo thành công viên của thành phố từ năm 2008.
VỤ TAM TÒA
Nay lại xẩy ra vụ Nhà thờ Tam Tòa của Giáo phận Vinh.
Theo
Vũ Anh của Báo Điện tử đảng CSVN ngày 29-7 (2009) thì đầu đuôi vụ việc
như thế này: “Nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới – Quảng Bình) được Giáo hội
Công giáo xây dựng năm 1886 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo
trên địa bàn Đồng Hới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thị xã Đồng Hới
bị máy bay đế quốc Mỹ hủy hoại gần như hoàn toàn, chỉ còn lại Cây đa
Chùa Ông, Tháp nước Đồng Hới và Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa. Nhà thờ
Tam Tòa bị trận bom năm 1965 đánh sập, phần còn lại chỉ là Tháp chuông
với chi chít vết đạn bom Mỹ. Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân
lương và giáo, ngày 26/02/1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định
số 143/QĐ-UB công nhận Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử
văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Quyết định được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phù hợp với quy
định của Luật di sản văn hóa và Luật đất đai hiện hành.
Để bảo
vệ chứng tích chiến tranh, đồng thời tạo điều kiện cho giáo dân sinh
hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi
phạm, ngày 23/10/2008, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện Tòa
Giám mục Xã Đoài đã thống nhất cùng ký ''Bản ghi nhớ'” trong đó nêu rõ:
“UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục thống nhất: Khuôn viên của Nhà
thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên cùng
thống nhất sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ cho
việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ “. Như vậy khuôn
viên Chứng tích tội ác chiến tranh, Tháp chuông Tam Tòa đã được xếp
hạng di tích chiến tranh, chính quyền địa phương và Giáo hội có trách
nhiệm tu bổ, bảo quản di tích, không đặt ra vấn đề xây dựng lại Nhà thờ
Tam Tòa trên nền đất cũ.”
Theo Vũ Anh thì : “Vào lúc 04 giờ
ngày 20/7/2009, với sự chuẩn bị có kế hoạch từ trước, khoảng hơn 200
giáo dân, chủ yếu là giáo dân các huyện khác trong tỉnh Quảng Bình, một
số ít giáo dân các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa đang làm ăn, sinh sống trên
địa bàn tỉnh Quảng Bình và một số ít giáo dân sinh sống tại thành phố
Đồng Hới không xin phép chính quyền, đã đưa khung thép, mái tôn được
gia công chuẩn bị trước cùng với cuốc, xẻng, dao, xi măng, gạch, máy
phát điện, xoong nồi, bát đĩa, nước uống tổ chức dựng nhà trái phép tại
khu Chứng tích tội ác chiến tranh Tháp chuông Tam Tòa; đến 05 giờ đã
dựng xong ngôi nhà 4 vì kèo bằng sắt, mái lợp tôn, móng cột bê tông,
đồng thời chuẩn bị làm lễ khánh thành. Sau khi được nhân dân phát hiện
vụ việc vi phạm và báo cho chính quyền địa phương sở tại là UBND phường
Đồng Mỹ, UBND thành phố Đồng Hới, các cơ quan chức năng của thành phố
Đồng Hới đã trực tiếp đến hiện trường tuyên truyền, vận động, giải
thích, yêu cầu số giáo dân này dừng ngay việc dựng nhà trái phép, chấp
hành nghiêm chỉnh nội dung Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Bình
với Tòa Giám mục Xã Đoài. Hành vi coi thường pháp luật của một bộ phận
giáo dân nêu trên đã bị đông đảo nhân dân trên địa bàn hết sức bất
bình, phản đối và đã tháo dỡ nhà xây dựng trái phép nói trên ngay sáng
ngày 20/7/2009. Trong quá trình tháo dỡ, một số đối tượng quá khích đã
có hành vi ngăn cản gây rối, dùng gạch đá, gậy gộc để tấn công nhân dân
và lực lượng bảo vệ trật tự làm hai người bị thương. Chính quyền thành
phố Đồng Hới đã chỉ đạo các đoàn thể quần chúng và lực lượng chức năng
thành phố kiên trì vận động thuyết phục, đã giải tán được số người quá
khích, ổn định được tình hình.
Chiều ngày 21/7/2009, cơ quan
Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đồng Hới đã ra Quyết định khởi tố
vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng tại khu vực di tích, chứng
tích chiến tranh Tam Tòa” và cùng ngày đã khởi tố, bắt khẩn cấp 7 bị
can về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 – Bộ luật
Hình sự. Việc bắt giữ 7 bị can nói trên theo đúng trình tự pháp luật.
Bước đầu các bị can đã khai báo thành khẩn hành vi vi phạm pháp luật
của bản thân và những người có liên quan, đồng thời xin được Nhà nước,
pháp luật xem xét khoan hồng. Việc xây dựng nhà trái phép của một bộ
phận giáo dân bị kích động và hành vi gây rối trật tự công cộng, tấn
công người thi hành công vụ xảy ra vừa qua là vi phạm nghiêm trọng pháp
luật, vi phạm Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.”
TÒA GIÁM MỤC PHẢN BÁC
Tuy
nhiên, theo Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng, Chánh Văn phòng Văn phòng
Thư ký Tòa Giám mục Giáo phận Vinh thì : “Giáo dân Tam Tòa không vi
phạm pháp luật khi dựng lán che trên nền nhà thờ Tam Tòa. Cho đến nay
khuôn viên, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa thuộc chủ quyền giáo xứ Tam
Tòa, giáo phận Vinh. Giáo dân không tới gây rối trật tự công cộng, chỉ
dựng lán che (dài 9 mét, rộng 6 mét, lợp tôn), không xây dựng nhà kiên
cố nên không phải báo cáo, xin phép.”
“Ủy ban nhân dân Tỉnh nói
rằng quần chúng nhân dân và giáo dân đánh đập nhau là không đúng sự
thật. Chúng tôi có đủ bằng chứng khẳng định rằng công an Quảng Bình đã
đánh đập, bằt giữ giáo dân trái pháp luật. Công an Quảng Bình đã chiếm
đoạt trái phép Thánh Giá và các tài sản của giáo hội cũng như của giáo
dân.” (Trích Thư trả lời Chính quyền Tỉnh Quảng Bình ngày 24/7/2009)
Như
thế thì ai nói láo? Các Linh mục Công giáo và Địa phận Vinh, đại diện
cho 500 ngàn giáo dân hay Đảng CSVN, thay mặt cho trên 3 triệu đảng
viên?
Nhưng tại sao một ngôi Thánh đường do người Pháp xây dựng
từ năm 1886 lại bị máy bay Mỹ oanh tạc đến 48 lần, theo lời biện giải
của Chính quyền?
Hãy nghe các Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền cho biết quan điểm của họ trong Thư ngày 26/7
(2009) : “Theo lịch sử, sở dĩ nhà thờ bị ném bom là vì quân đội Cộng
sản thời đó đã bố trí các đơn vị phòng không chung quanh và cả bên
trong nhà thờ, y như tại nhiều nhà thờ khác thuộc Giáo phận Vinh và
trên cả miền Bắc trước năm 1973, theo chính sách tiêu diệt tôn giáo
tinh vi của CS. Ngoài ra, đang khi chứng tích chiến tranh không hề
thiếu ở bất cứ chỗ nào trên đất nước Việt Nam, thì việc biến một biểu
tượng của Công giáo, đạo tình thương và tha thứ, thành biểu tượng ghen
ghét hận thù, là một hành vi xúc phạm tôn giáo cách trầm trọng. Nếu gọi
tháp chuông Tam Tòa là chứng tích tội ác, thì đó là chứng tích tội ác
của CS quyết mượn tay Mỹ tàn phá cơ sở Công giáo năm 1968 và chứng tích
tội ác của CS hôm 20-07 mới rồi. Tội ác đánh đập, nhục mạ các giáo hữu;
tội ác dùng lương dân tấn công giáo dân nhằm chia rẽ, kích động hận thù
tôn giáo trong lòng dân tộc; tội ác phá hoại, tịch thu tài sản, đánh
đập dân lành không theo bất cứ trình tự pháp luật đúng đắn nào, không
có bất cứ một văn bản, mệnh lệnh nào; tội ác dùng hệ thống pháp đình và
hệ thống báo đài nhằm bôi nhọ, xuyên tạc sự thật, đổ lên đầu dân lành
vô tội những tội trạng mà họ không hề có nhằm giấu đi sự man rợ của
mình; tội ác ngang nhiên chiếm nơi thờ tự của Giáo dân, nhằm tước đoạt
quyền tự do tôn giáo được Pháp luật bảo vệ và nhằm cướp lấy tài sản của
Giáo hội. ( Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
(đang nghỉ hưu), Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế
(đang bị sách nhiễu), Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế
(đang bị cầm tù)’ Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
(đang bị quản thúc).
Như vậy có phải những người cầm đầu ngành
công an và chính quyền tỉnh Quảng Bình đã muốn chống những người theo
đạo Công giáo để cứu đảng hay muốn mượn tay đảng để chống người theo
đạo đòi lại tản sản của Giáo hội ?
Phạm Trần (07/09) Nguồn: Ðối Thoại
|