VOA
Một
nhóm Dân biểu quan tâm đến Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ mới đây đã gửi
thư ngỏ tới Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, yêu cầu phóng
thích các 'tù nhân chính trị và tôn giáo' ở Việt Nam nhân ngày Quốc
khánh 2 tháng 9. Trong buổi họp báo hôm 30 tháng 7, nữ Dân biểu Loretta
Sanchez một lần nữa cho rằng 'vẫn còn tình trạng thiếu tự do tôn giáo
và ngôn luận ở Việt Nam' đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cần phải
nhấn mạnh với Hà Nội rằng 'không thể tiếp tục bác bỏ quyền của người
dân'. Thông tín viên Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã có mặt tại buổi
họp báo của Hạ viện Hoa Kỳ và có bài tường thuật như sau. | Danh sách tù nhân kèm theo bức thư các Dân biểu Mỹ gửi Chủ tịch nước Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho họ
|
Trong
danh sách hơn 100 'tù nhân chính trị và tôn giáo' mà các vị Dân biểu
Hoa Kỳ gửi kèm bức thư tới Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết,
ngoài những cái tên đã nhiều lần được nhắc tới trên các diễn đàn nhân
quyền như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài hay Lê Thị Công Nhân, hay mới
nhất là luật sư Lê Công Định, còn có hàng chục người dân tộc thiểu số
Tây Nguyên.
Trong bức thư, các vị Dân biểu ‘bày tỏ sự quan
ngại về tình trạng giam cầm nhiều tù nhân chính trị và tôn giáo ở Việt
Nam’ chỉ vì họ đã ‘bày tỏ quan điểm tôn giáo và chính trị’. Trong khi
đó, Hà Nội từng nhiều lần lặp lại quan điểm rằng không có tù nhân chính
trị ở Việt Nam, mà chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật.
Các
nhà làm luật Hoa Kỳ còn viết rằng nhiều người bị bắt theo ‘các điều
luật an ninh quốc gia mơ hồ, không tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền
quốc tế cũng như bị đưa ra xét xử mà không được đại diện bào chữa hợp
lý’.
Các dân biểu cuối cùng đã kêu gọi Chủ tịch Việt Nam
Nguyễn Minh Triết trợ giúp việc phóng thích ‘các tù nhân đó một cách vô
điều kiện và không giới hạn’.
Trong buổi họp báo công bố bức
thư, một vấn đề được các vị dân biểu nhấn mạnh là việc kêu gọi đưa Việt
Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC).
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak từng cho rằng 'không đủ bằng chứng' để làm như vậy.
Khi
được hỏi vì sao có sự khác biệt trong quan điểm giữa các dân biểu quan
tâm tới vấn đề Việt Nam và đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở Hà Nội, ông Cao
Quang Ánh, một trong các Dân biểu ký vào bức thư trên, nhận định với
VOA Việt Ngữ rằng 'có thể ông ấy (Đại sứ Michalak) không muốn nói những
lời nặng để ảnh hưởng tới quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam.’
Ông Ánh
nói: “Tất cả những người ở trong quốc hội và những người thuộc nhóm dân
biểu quan tâm tới Việt Nam ai cũng phải đồng ý rằng (quan điểm của) ông
Michael Michalak là sai. Những bằng chứng và những việc làm của Cộng
sản Việt Nam trong hai, ba năm vừa qua rõ ràng nói cho cả thế giới biết
là họ không chú ý tới tự do tôn giáo, tự do nhân quyền cho người dân mà
họ chỉ có chú ý tới kinh tế và quyền lợi. Những cái gì không mang tới
quyền lợi cho họ thì họ sẽ đàn áp và bỏ những người chống vô tù.”
Hồi
tháng Sáu, trả lời câu hỏi của đài VOA về việc một số Việt Kiều không
hài lòng về chuyện ông phát biểu là chưa có bằng chứng đưa Việt Nam trở
lại CPC, ông Michalak trả lời, 'Hoa Kỳ là một đất nước tự do nên ai
cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình. Nếu lúc nào mọi người cũng hài
lòng với công việc tôi làm, tôi không nghĩ tôi đã làm đúng công việc
của mình.’
Dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Hạ viện Hoa Kỳ cũng
cho biết ông và các Dân biểu quan tâm tới Việt Nam như Loretta Sanchez,
Ed Royce, Chris Smith hay Frank Wolf sẽ tiếp tục gây sức ép ở Quốc hội
và tiếp tục 'đề xuất các dự luật để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC
cũng như giới hạn Việt Nam trong các vấn đề kinh tế'.
Ông Ánh
nói tiếp: “Nếu Hoa Kỳ muốn cho Việt Nam các quyền lợi về kinh tế thì
chính phủ Hoa Kỳ phải đưa ra các điều kiện để đòi hỏi Việt Nam phải
thay đổi tất cả những hành động liên hệ tới tự do tôn giáo và nhân
quyền cho người dân ở trong nước. Chúng tôi ở trong Quốc hội sẽ ép và
đưa ra những chương trình để hy vọng một ngày nào đó Cộng sản Việt Nam
sẽ chú ý tới tự do tôn giáo và quyền lợi cho người dân. Và tôi hy vọng
ngày thay đổi đó sẽ tới càng sớm càng tốt.”
Trước
câu hỏi về chuyện Washington đang còn bận tâm tới các 'điểm nóng' khác
như Miến Điện, Bắc Triều Tiên hay Iran, bà Sanchez nói bà cùng với các
Dân biểu khác sẽ tìm cách để chính quyền Obama nắm bắt các vấn đề của
Việt Nam và tìm cách giải quyết.
Nữ Dân biểu này cũng cho biết bà sẽ sớm gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton để bàn về Việt Nam.
Hồi
đầu tháng Bảy, 37 Thượng nghị sĩ thuộc cả 2 chính đảng lớn nhất Hoa Kỳ
cũng đã gửi một thư ngỏ đến Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, yêu
cầu trả tự do cho Linh Mục bị cầm tù Nguyễn Văn Lý.
Nhiều năm
qua, ngày quốc khánh 2/9 và Tết Nguyên Đán là thời điểm Việt Nam thường
ân xá và tha trước thời hạn các tù nhân được coi là đã 'cải tạo tốt.'
|