3 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên điều hành mặc dù không có chức năng
kinh doanh, đầu tư tài chính nhưng tỷ phú này đã "phù phép" ra các
phương án kinh doanh khống để đem thế chấp vay tiền của ngân hàng. Cơ
quan điều tra nghi ngờ bằng thủ đoạn này, ông Kiên đã vay mượn được hàng
nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên.
Cơ
quan điều tra, Bộ Công an xác định, căn cứ để ra quyết định khởi tố bị
can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái
phép là hành vi dùng pháp nhân của 3 công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT
gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư
ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, để mua cổ
phiếu, từ đó lập các phương án kinh doanh khống, đem thế chấp vay tiền
của ngân hàng.
Từ cuối năm 2006, ông Kiên thành lập Công ty Cổ
phần đầu tư ACB Hà Nội, trụ sở tại 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội, với số
vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông cùng 2 cổ đông đóng góp. Công ty này đăng
ký tám ngành nghề kinh doanh gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thể
thao, sân golf, sân tennis, hồ bơi; đầu tư và kinh doanh khu du lịch,
khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; kinh doanh vàng; quản lý bất động sản;
môi giới, đấu giá bất động sản, nhà đất...
Đến tháng 3/2008,
ông Kiên thành lập Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu với số vốn 500
tỷ đồng do ông và em gái là bà Nguyễn Thúy Hương cùng góp, đặt trụ sở
tại 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội. Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cấp phép
đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; xây dựng và kinh doanh
sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; quản
lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại
tệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức; mua bán vàng bạc đá quý...
Cuối năm 2008, ông Kiên mở tiếp Công ty Cổ phần đầu tư thương mại
B&B, đặt trụ sở tại số 63 Lương Sử C, phường Văn Chương, quận Đống
Đa, Hà Nội, với vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng. Công ty được phép hoạt
động trong lĩnh vực quảng cáo và nghiên cứu thị trường; kinh doanh vàng
bạc đá quý (không bao gồm xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu); xây dựng dân
dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe.
Dù không có chức năng đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã
sử dụng pháp nhân của các công ty trên để tham gia vào lĩnh vực tài
chính. Ông Kiên đã "nhào nặn" nên hình ảnh của các công ty làm ăn hiệu
quả, phát đạt, tạo uy tín cho các công ty này, đồng thời, lập các phương
án kinh doanh lớn nhằm lấy niềm tin của các khách hàng khi tham gia đầu
tư vào 3 công ty trên. Trong các năm 2008 và 2010, ông Kiên nhiều lần
phát hành trái phiếu của các công ty này, bán cho ngân hàng thu về hàng
trăm tỷ đồng. Ông Kiên gián tiếp hoặc trực tiếp dùng khoản tiền này để
mua lại cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Sau đó, sử dụng chính số cổ
phiếu này để thế chấp vay tiền ở ngân hàng mà mình đã bán trái phiếu để
lấy tiền hoàn trả cho ngân hàng và sử dụng vào các mục đích cá nhân
khác.
Bằng thủ đoạn này, ông Kiên đã vay mượn được từ ngân hàng
cả nghìn tỷ đồng. Hành vi này bị xác định là kinh doanh trái phép do
các công ty được ông Kiên lập ra không có chức năng kinh doanh, đầu tư
tài chính.
theo Kiến thức