Trần Kỳ Trung
Tôi cứ thấy Quốc hội nhà ta bàn đi, bàn lại, ở Việt Nam có
nên làm đường sắt cao tốc không? Rồi có những ông bộ trưởng nói tán
thành, thậm chí có một ông nghị trong Quốc hội còn nói : Bộ chính trị
và Trung ương đảng đã thống nhất chủ trương, Quốc hội nên đồng ý thông
qua thôi...v.v...và v.v...
Riêng tôi, với tư cách một công dân của nước Việt Nam,
thực tình nếu như được hỏi, có thích đi tàu hỏa cao tốc không? Tôi gật
đầu cái "rụp”. Nhưng... nghĩ đi, nghĩ lại tôi có những đắn đo, muốn
trình bày ra đây...
Làm đường sắt cao tốc, tất nhiên phải hiện đại, tối tân
hơn đường sắt hiện tại, cần số vốn lớn? Liệu số vốn lớn như vậy, có
thất thoát không? Cứ nhìn mấy đường nhựa cao tốc hiện tại đang làm,
đang sử dụng, tôi phải nghi ngờ. Chỉ cần phết phẩy mấy phần trăm của
vốn đường sắt cao tốc, rồi mặc cho nó cong, vênh, sự cố kỹ thuật..
không đi được, mấy ông làm chủ dự án cũng đủ "ấm thân” rồi...
Còn chuyện quản lý đường sắt cao tốc này như thế nào? Có
dính cái cảnh "cha chung không ai khóc” không? Việt Nam mình dính mấy
"đận” ai cũng thấy. Công trình khi động thổ hoành tráng , vốn lớn, nói
ra dự định nghe rất hay. Đến lúc công trình hoàn thành, hiệu quả kinh
tế chẳng thấy đâu. Chỉ từ lãng phí đến bỏ hoang, cả nước gánh một cục
nợ to tướng. Nghĩ những chuyện như vậy thấy vẫn đau, như đường Hồ Chí
Minh chạy dọc theo dãy Trường Sơn là một ví dụ, hiệu quả kinh tế như
thế nào? Chưa thấy, mà chỉ thấy bọn lâm tặc lợi dụng con đường này để
phá rừng!!! Đấy là chưa kể biết bao nhiêu công trình chỉ vì chạy theo
"thành tích” hoặc "tỉnh của ông có, tỉnh của tôi cũng phải có” như nhà
máy đường, xi măng lò đứng, sân bay, cảng biển... làm xong phát huy
hiệu quả chẳng bao nhiêu còn tiêu tốn không biết bao tiền trong ngân
sách nhà nước. Mà tiền để làm những công trình lớn đó, ngoài tiền đi
vay của nhà nước, còn tiền thuế của gia đình tôi và của tất cả mọi
người dân Việt Nam đóng góp, những đồng tiền đẫm mồ hôi, nước mắt...
chắt chiu chẳng lẽ đem đi đổ xuống sông, xuống biển.
Còn một chuyện nữa, song song với việc phát triển đường
sắt cao tốc, thì các hệ thống giao thông vận tải khác cũng phải phát
triển song song, ví dụ như đường bộ, đường hàng không, đường thủy...
rồi cả những phương tiện giao thông: ô tô, máy bay, tàu thủy tư nhân.
Vừa rồi tôi có có nghe một ông nghị của Quốc hội nhà ta phán: Nếu làm
đường sắt cao tốc mà tàu chạy với tốc độ hơn 300 km/1 giờ, không có
hành lang bảo vệ, để cho trẻ em đi chăn trâu, nó ném đá lên tàu như bây
giờ thì... chết!!! Ối giời! tôi nghe thế mà hãi, chẳng lẽ đến lúc đó,
tàu cao tốc đã chạy, mà vẫn còn trẻ chăn trâu như bây giờ, thì làm
đường sắt cao tốc để làm gì? Ai sẽ ngồi trên đoàn tàu cao tốc đó? Mà
chẳng lẽ lúc đó chỉ có mỗi đường sắt cao tốc là hình thành còn các
đường giao thông khác vẫn như hiện nay. Thế mới có chuyện trẻ chăn trâu
ngay cạnh đường tàu. Tư duy như thế, làm đường tàu hỏa cao tốc, tôi
xin... can.
Đường sắt cao tốc phát triển có nghĩa trình độ dân trí,
kinh tế nước ta phát triển. Có nghĩa lúc đường sắt cao tốc hoàn thiện,
không còn hộ đói, hộ nghèo, chạy ăn từng bữa nữa. Cũng không còn cảnh
người chen chật ô tô, tàu hỏa mỗi khi đến ngày nghỉ lễ, nghỉ tết...Chỗ
nào cũng có hương hoa, tâm hồn người thư thái. Chỉ có như thế, mới đi
đường sắt cao tốc, ngồi ngắm cảnh vì đường sắt cao tốc sẽ không có chỗ
cho toa chở hàng, chỉ có ghế ngồi hạng sang, toa hạng sang... nhưng đó
chỉ là cảnh trong mơ, với thực tế đất nước ta như hiện nay tôi không
tin viễn cảnh kia sẽ trở thành sự thật. Cứ như kiểu quản lý đất nước
của chúng ta hiện nay, khai thác khoáng sản vô tội vạ, quy hoạch thành
phố lôi thôi, phân hóa giầu nghèo, khoảng cách đời sống nông thôn,
thành thị ngày càng cách xa ghê gớm. Đến ngay như một chuyện báo chí,
ti vi mấy hôm rày đưa tin liên tục. Ở Kom Tum, cầu treo bị nước lũ cuốn
trôi, không có ngân sách làm lại, bà con người dân tộc phải làm ròng
rọc treo qua một sợi dây bắc ngang sông làm phương tiện qua lại, trông
cứ như...làm xiếc. Khắc phục ngay những chuyện này tưởng rất dễ, thế mà
rất khó, nói chi đến chuyện làm "Đường sắt cao tốc”. Tôi tin, nếu hai
ba chục năm nữa, nếu có đường sắt cao tốc, những đoàn tàu lao vùn vụt,
những toa tàu sáng choang ánh đèn, một vài người ăn vận lịch sự đi đi,
lại lại, cười nói nhăn nhở. Lúc đó ở dưới đất vẫn sẽ xảy ra cái cảnh
những đứa trẻ chăn trâu đội nón lá, ngước mắt nhìn ngơ ngác, không biết
đoàn tàu kia sẽ đi về đâu? Và những ông cụ, bà cụ quần áo rách tả tơi,
người run cầm cập trong giá rét, chống gậy nhìn lên đoàn tàu đang chạy
vụt qua, ao ước: "Không biết bao giờ mình mới được ngồi vào ghế của
những toa tàu kia?”.
Từ những suy nghĩ trên, tôi nghĩ, chắc chắn mình sẽ không bao
giờ được ngồi trên những toa tàu của đường sắt cao tốc, vì những việc
cần kíp, khẩn thiết nhân dân ta đang yêu cầu mà mấy ông lãnh đạo còn
lúng túng, chưa làm được, huống hồ là một việc quá lớn: "Đường sắt cao
tốc”.
Giá như... bây giờ các Vị lãnh đạo có những quyết sách
đúng để dân tin, đưa được nền kinh tế Việt nam đi vào ổn định, thu hẹp
hố ngăn cách giàu nghèo, giặc tham những, quan liêu, lãng phí... loại
trừ, đoàn kết đồng lòng từ trên xuống dưới, bên ngoài lẫn bên trong,
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ... Đó mới là "Đường sắt cao tốc” mà nhân dân
kỳ vọng, tin tưởng!
|