Dân chủ cần những công dân hơn là những vị anh hùng
Dân chủ cần có những công dân hữu hiệu, những người dân nam, nữ bình
thường làm những việc phi thường một cách liên tục và đều đặn. Trong vở
kịch Galileo của Bertolt Brecht, có một màn trác tuyệt, khi một nhân
vật nói với một nhân vật khác: "Thương thay cho một nước không có anh
hùng." Và nhân vật kia trả lời: "Không, thương thay cho một nước cần có
những anh hùng." Dân chủ là một hình thức chính quyền không cần có anh
hùng, và một quốc gia có nền dân chủ thành công không cần có anh hùng.
- Benjamin Barber
Nếu Dân Luận cần thể hiện quan điểm của mình về vụ án Cù Huy Hà Vũ,
thì BBT sẽ chọn câu trong mục Suy ngẫm nói trên để trả lời. Ông Cù Huy
Hà Vũ không phải là anh hùng dân tộc. Ông chỉ là một con người bình
thường, hành động theo hiểu biết và trách nhiệm của một công dân. Nhưng
tiếc thay, trong một chế độ độc tài sử dụng bạo lực và bưng bít, hành
vi cất tiếng nói của sự thật, của lương tâm cũng đã là một hành động
anh hùng.
Hãy cùng nhớ lại chuyện xưa, nhà Trần liên tiếp ba lần đánh bại quân
Nguyên, danh vang bốn bể. Để rồi đời Trần Dụ Tông chỉ biết rượu chè
chơi bời; đời Trần Duệ Tông tin nghe nịnh thần, giết hại trung thần.
Đất nước suy yếu, cơ nghiệp nhà Trần rốt cục rơi vào tay Hồ Quý Ly, và
rồi bị nhà Minh xâm lược.
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi nhà Minh, nhưng sau đó Lê Mục
ham mê tửu sắc, làm toàn điều ác; Lê Trương Dực chơi bời xa hoa, xây
Cửu Trùng Đài, khiến dân chúng oán thán. Kết cục là đất nước tan rã,
Trịnh Nguyễn phân tranh.
Trong mọi biến động thượng tầng như thế, nhân dân luôn là những
người phải chịu thiệt thòi nhất. Nhân dân là người phải hi sinh tính
mạng để tạo ra những chiến công hiển hách của các vị hoàng đế, để rồi
chính họ lại phải đóng sưu cao thuế nặng phục vụ những thú vui sa đọa
trong cung vua phủ chúa, và gánh chịu mọi tai ương tới từ sự cai trị
ngu dốt của bộ máy cầm quyền. Những triều đại nối tiếp nhau dành được
hi vọng của quần chúng, để rồi chính họ lại làm trăm họ cạn kiện niềm
tin.
Nước Việt Nam ta tưởng chừng đã có cơ hội thoát khỏi vòng xoáy vô
tận đó: Năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, xóa bỏ chế độ
phong kiến, và Hồ Chí Minh, người đứng đầu đất nước lúc đó, đã long
trọng tuyên bố: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi;
và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ
phải không ai chối cãi được". Từ vai trò thần dân, người dân Việt
Nam được hứa hẹn trở thành CÔNG DÂN, có những quyền tự do và bình đẳng
như bao dân tộc văn minh khác trên thế giới. Một vị thủ tướng từ nay
bình đẳng trước pháp luật như một anh dân thường...
Thế nhưng, lời hứa đó, sau hơn 60 năm, vẫn chưa trở thành sự thật.
Thủ tướng ngày nay, cũng giống như một vị hoàng đế ngày xưa, có quyền "bất khả xâm phạm". Ông Cù Huy Hà Vũ, công dân đầu tiên dám đâm đơn kiện Thủ tướng, đã nhanh chóng gặp rắc rối và vướng vào vòng lao lý.
Muốn thay đổi, bắt buộc chúng ta phải lên tiếng.
Chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, không phải vì ông là con của nhà thơ Cù Huy Cận, và con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu.
Chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, không phải vì ông là tấm gương sáng về đạo đức, về lòng yêu nước.
Chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, không phải vì những gì ông nói đều là chân lý.
Đơn giản hơn, chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì
chúng ta muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận mà ông Cù Huy Hà Vũ nói
riêng, và các công dân Việt Nam nói chung, xứng đáng được hưởng.
Chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì chúng ta không
muốn thấy một nhóm người lạm dụng quyền lực do dân ban cho để bẻ cong
công lý, bẻ cong sự thật, để bỏ tù những người dám nói trái họ.
Khi chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, chúng ta đã bảo vệ
quyền lợi chính đáng của chính chúng ta, bởi vì những gì xảy ra cho ông
Cù Huy Hà Vũ có thể sẽ xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta, những người
muốn nhìn thấy một chính quyền minh bạch hơn, chịu trách nhiệm hơn
trước nhân dân và tổ quốc.
Hãy cùng nhau chấm dứt kỷ nguyên của những ông vua và những vị anh
hùng. Hãy cùng nhau khởi động kỷ nguyên của xã hội công dân...