Thứ Ba, 2025-01-21, 4:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Một » 16 » Bình luận trước phiên xử Nguyễn Văn Ninh
4:24 PM
Bình luận trước phiên xử Nguyễn Văn Ninh

Nguyễn Đình Hà - Ngày 17.11.2011 tới đây, còn 2 ngày nữa, tại Hà Nội sẽ diễn ra phiên xử vụ án hình sự nguyên cán bộ công an Nguyễn Văn Ninh đánh trọng thương ông Trịnh Xuân Tùng dẫn đến hậu quả ông Tùng tử vong.
Vụ án này được đặc biệt quan tâm, chú ý bởi 2 yếu tố:

- Thứ nhất, trong thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp nhân viên công vụ, đặc biệt là trong lực lượng công an đã hành hung người dân, bắt giữ, giam nhốt trái phép người dân và có nhiều nạn nhân đã chết tại các trụ sở công an.

- Thứ hai, Việt Nam nhận được nhiều tài trợ từ các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài trong nỗ lực cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, nâng cao tính công chính liêm minh của ngành tư pháp, ... Chính phủ Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất.

Tuy nhiên, cho đến tận ngày hôm nay, gia đình của người bị hại và luật sư đại diện cho họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ phía Tòa án Hanoi về ngày giờ cụ thể của phiên tòa.

Tôi chưa phải là 1 luật sư, cũng không tham gia phiên tòa này, nhưng với những kiến thức đã học được tôi xin có đôi lời ý kiến như sau:

- Thứ nhất: về tội danh trong cáo trạng đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh, tôi không tán thành việc định tội theo điều 97 – Tội làm chết người khi thi hành công vụ mà ông Ninh phải được định tội theo Khoản 4 Điều 104 – Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Bởi lẽ sau: "Công vụ” là gì ? Khi gây ra thương tích cho ông Tùng thì ông Ninh có phải đang thực thi công vụ hay không ? "Công vụ” gì mà có thể khiến đến tổn hại sức khỏe và sau đó là chết người ? Đúng là khi xảy ra vụ việc, ông Ninh nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tại Bến xe Giáp Bát, nhưng nếu chỉ đơn thuần là đảm bảo an toàn giao thông, trật tự trị an lại có thể dẫn đến cái chết của ông Tùng. Đó là điều hoàn toàn vô lý. Cần tách bạch rõ ràng: đâu là việc thực hiện nhiệm vụ vô ý gây chết người và đâu là hành vi của cá nhân theo ý chủ quan dẫn đến chết người.
Ông Trịnh Xuân Tùng được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi bị CA đánh gãy cổ

Trong quá trình điều tra, phía cơ quan điều tra có nêu rằng ông Tùng có hành vi chống đối người thi hành công vụ, xúc phạm những người thi hành công vụ, điều này cần được chứng minh kỹ càng qua các lời khai nhân chứng và bằng chứng khách quan. Ông Tùng chống đối người thi hành công vụ như thế nào ? bằng cách gì ? hậu quả để lại của việc ông Tùng chống đối người thi hành công vụ là gì ? có ai làm chứng ? lời chứng là như thế nào ? cần được công khai rõ ràng và (đây là điểm mấu chốt) những người làm chứng và các lời chứng đó có chịu phải bất cứ áp lực nào nhằm làm cong vênh sự thật hay không ? khi mà hiện tượng gâp áp lực, đe dọa nhân chứng, bức cung, ép cung, mớm cung không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Giả dụ như hành động ông Tùng "nắm cổ áo” của ông Ninh có được gọi là chống đối thi hành công vụ và nguy hiểm hay không ? Hoặc giả như ông Tùng tát ông Ninh chẳng hạn, thì ông Ninh và các ông dân phòng kia cũng không thể biện minh cho hành động đánh gãy cổ ông Tùng và cùng vây vào đánh ông Tùng là hành vi phòng vệ chính đáng được !!! Bởi đó là hành động tấn công, chứ không phải phòng vệ và mặt khác, nó có tính chất ẩu đả hơn là phòng vệ.

=> Do vậy, không thể biện minh cho hành động côn đồ, hung ác dưới vỏ bọc thực hiện công vụ được, bởi như thế sẽ làm nhục hàng ngàn, hàng vạn nhân viên công vụ khác trên toàn quốc gia này !

- Thứ hai: về việc khởi tố, xử lý hình sự đối với ai trong vụ án này. Vụ án này tính đến nay chỉ xử lý hình sự đối với ông Ninh, còn đối với các đối tượng khác thì chịu kỷ luật, xử lý nội bộ. Đây là điều hoàn toàn không thỏa đáng. Bởi các lẽ sau:

+ Đối với các dân phòng cùng có mặt tại hiện trường vụ án với ông Ninh: chính những người này đáng nhẽ ra cũng phải bị khởi tố cùng tội danh tại Khoản 4 Điều 104 với ông Ninh với tư cách là đồng phạm – người giúp sức, người cùng thực hiện hành vi phạm tội. Lúc xảy ra vụ việc, chính những người dân phòng này đã giữ ông Tùng để ông Ninh đánh, đã "đánh hội đồng” ông Tùng lúc đó. Do vậy, họ không thể thoát khỏi liên đới trách nhiệm hình sự được.

+ Đối với các cán bộ công an tại đồn phường Thịnh Liệt: đầu tiên là những người trực ban, những người có mặt trong đồn Thịnh Liệt từ khi ông Tùng được đưa đến đó cho đến khi ông Tùng mất họ cũng liên đới chịu trách nhiệm hình sự theo các Điều 102 - Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và Điều 122 – Tội vu khống người khác khi nói ông Tùng là Tội phạm, điều này cũng là xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của ông Tùng. Họ đã bỏ mặc ông Tùng trong cơn đau dữ dội, mặc cho người nhà khẩn thiết yêu cầu đưa ông Tùng đi cấp cứu, họ còn nói ông Tùng giả vờ, kèm theo đó là ông Ninh và 1 số công an viên khác có lời lẽ đe dọa, xúc phạm ông Tùng. Đây là những hành động vô nhân đạo, coi thường sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của công dân.

- Thứ ba: về sự chậm chễ trong việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đến thân nhân người bị hại: Tôi không biết nguyên nhân gì mà đến tận hôm nay – 15.11.2011 mà gia đình ông Tùng mà đại diện là cô Trịnh Kim Tiến và luật sư đại diện cho họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin, giấy tờ nào chính thức từ phía tòa án. Họ chỉ nhận được các thông tin qua báo chí (và báo chí cũng chỉ biết sẽ xử vào ngày 17.11, chứ cũng chưa có giấy mời). Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, có thể gây phương hại đến quyền lợi của gia đình nạn nhân. Mặt khác, nó ảnh hưởng đến các yếu tố chuẩn bị cho phiên tòa của phía người nhà bị hại, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng, kết quả của phiên tòa.

Qua trường hợp này, ta cũng thấy sự bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự vì nó không quy định thời gian phải tống đạt quyết định đưa phiên tòa ra xét xử đến những người tham gia tố tụng. Một điểm khác là sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, giả sử như trong trường hợp này, nếu gia đình cô Tiến không nhận được quyết định đưa phiên tòa ra xét xử (ghi cụ thể ngày, giờ đưa vụ án ra xét xử) trước phiên xử dẫn đến việc không tham gia phiên xử thì việc hoãn hay không do Hội đồng xét xử quyết định. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình cô Tiến cũng như quá trình tranh tụng tại tòa sẽ bị giảm đi tính khách quan, chính xác.

Theo kinh nghiệm làm việc tại tòa án của tôi, hiện nay các quyết định, văn bản, giấy tờ cần tống đạt của tòa án có 3 phương cách đến tay người nhận: 1 là gọi người cần tống đạt đến tòa án nhận ; 2 là thư ký tòa án sẽ tống đạt giấy tờ tận nơi mà người đó ở hoặc làm việc ; 3 là gửi qua thư chuyển phát bảo đảm. Vụ việc này chỉ diễn ra tại Hanoi, mọi thứ và những người liên quan đều ở Hanoi, vậy tại sao có sự chậm trễ vậy, phải chăng đây là 1 sự cố tình ???

Ở trên là 3 điểm mà tôi muốn nói về vụ án này trước phiên xử. Diễn tiến phiên tòa sẽ ra sao thì chưa thể đoán định được bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

+ thứ nhất, đây có phải là 1 phiên tòa "Kanguroo” với 1 bản án "bỏ túi” hay không, điều đó tùy thuộc vào Hội đồng xét xử, đặc biệt là thẩm phán chủ tọa phiên tòa ;

+ thứ hai, phe công tố - kiểm sát viên đại diện cho quyền lực nhà nước, bảo vệ cho các giá trị bị xâm hại được quy định trong Bộ luật hình sự sẽ tranh tụng ra sao, sẽ bảo vệ người bị hại và các giá trị đạo đức, công lý ra sao, … ;

+ thứ ba, sự có mặt và tham gia tranh tụng của phía người nhà nạn nhân tại phiên tòa ra sao ? bởi cho đến nay người nhà nạn nhân vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về phiên xử.

+ thứ tư, đây là yếu tố quan trọng nhất, quá trình điều tra, kết quả điều tra của cơ quan điều tra có đúng với sự thực khách quan hay không ; các bằng chứng được đưa ra được thu thập như thế nào, có đảm bảo các điều kiện không ; các nhân chứng sẽ nói gì tại phiên xử, có khác biệt với những lần lấy lời khai tại cơ quan điều tra hay không, ...

Nhưng xét cho cùng, các yếu tố để đảm bảo 1 nền tư pháp độc lập, khách quan, trung thực thì việc tranh tụng tại tòa không chịu ảnh hưởng bất cứ áp lực nào từ chính quyền, từ giới truyền thông, hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Tòa án chỉ cần làm đúng việc của mình, đúng với lẽ công bằng, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ pháp luật.

Việc vụ án này được xét xử ra sao, kết quả thế nào thì nó lại có 1 tác động rất lớn đến giới truyền thông, sự tin tưởng vào nền tư pháp của Việt Nam cũng như những cam kết cải cách tư pháp ; đấu tranh với lạm quyền, các hành vi thiếu đạo đức trong xã hội, đặc biệt là đối với các nhân viên trong các cơ quan công quyền.

Khi tiếp xúc với 1 cán bộ an ninh, người cán bộ này có nói với tôi rằng bộ trưởng Quang mới nhận chức đã đề ra mục tiêu chấn chỉnh lại ngành công an, sẽ xử lý nghiêm và đưa ra xét xử các cán bộ trong ngành phạm pháp để làm gương cho các ngành khác cũng như tạo lòng tin trong nhân dân. Tôi cũng chỉ mong mục tiêu này là có thật và được thực hiện nghiêm túc. Lòng tin vào một chế độ, một xã hội được xuất phát đầu tiên từ cách người dân nhìn nhận, đánh giá về của các nhân viên và cơ quan công quyền. Muốn có lòng tin thì phải xây dựng lòng tin và giữ lòng tin từ những chuyện nhỏ nhất. Hãy để cho người dân tin rằng là ở quốc gia này có công lý, sự thật và có các giá trị nhân bản. Đừng để người dân miệt thị "Công lý ở xứ này chỉ là diễn viên hài thôi !!!”

Xin chúc gia đình cô Kim Tiến luôn bình an và thành công trên con đường đi tìm công lý !

Hanoi, 15 Nov 2011


***

Sau đây là lời kể của cô Trịnh Kim Tiến – con gái người bị hại – người đại diện hợp pháp cho quyền lợi của ông Tùng trong phiên tòa sắp tới về các tình tiết của vụ án:

"… Hôm đó ngoài NGUYỄN VĂN NINH đã có sự tham gia đánh đập rất dã man của toán dân phòng, trong khởi tố vụ án ko phải khởi tố bị can > có 1 dân phòng cũng bị đưa vào tên HOÀNG ANH , nhưng đến nay thì coi như không đủ cơ sở. Trực ban của ngày hôm đó gồm mấy người trong đồn, trả lời hết sức vô trách nhiệm : hiện tại phường đi họp, không có ai giải quyết, khi nào phường có người, gia đình muốn cho đi cấp cứu thì chúng tôi sẽ cho đi, dù lúc đó trong phường có rất nhiều người. 1 sự việc nữa là hành động còng bố em trên ghế trong đồn phường, luôn mồm nói bố em không sao và ăn vạ, lúc em van xin đi cấp cứu không được, xin vào đút phở cho bố em ăn , thì họ cũng không cho, kiểm tra bát phở sau đó vứt lên bàn.

Sau đó, chúng còn bắt mẹ em ở lại dọn dẹp trong đồn phường rồi mới cho đi vì bố em bị nôn mửa sùi bọt mép ra sàn. Bố em bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện BẠCH MAI , và tại đó họ nói bố em là TỘI PHẠM cần phải canh giữ. Họ canh bố em ở ngoài phòng bệnh viện và nói với các bác sỹ là tội phạm cho đến khi bố em chuyển qua VIỆT ĐỨC. Các bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng bố em là tội phạm , họ hết sức thờ ơ trong việc chuẩn đoán chăm sóc. Xương cổ chệch ra nhưng sau khi chụp chiếu xong thì họ nói phim chụp không rõ, yêu cầu ở lại viện đợi chụp kĩ càng hơn, lịch xếp kín phải đến cuối tuần mới có lịch chụp phim. Tình trạng bố em ngày càng xấu, bụng trương phình lên, đau đớn và không ăn uống nổi . Cho đến khi chị em vào, thấy tình trạng của bố em, ra trước cửa những tên công an đứng canh bố em trong viện và làm ầm lên, chỉ vì không đội mũ mà các anh đánh người ta ra đến thế. Các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai mới biết bố em không phải tội phạm và họ sợ liên đới trách nhiệm nên ngay lập tức kêu gia đình em chuyển viện cho bố em qua VIỆT ĐỨC. Đến tại viện VIỆT ĐỨC thì các bác sỹ tại đây thông báo bố em có thể mất bất cứ lúc nào, gia đình cần chuẩn bị tâm lý. Lúc này em đang đi gửi đơn ở khăp nơi , 1 nửa trong gia đình em và em đang ở quận Hoàng Mai yêu cầu câu trả lời thì nhận được tin báo điện thoại nên về ngay tại viện Việt Đức. Về tới VIỆT ĐỨC, các bác sỹ nói tình trạng vô cùng nguy kịch, nhưng gia đình còn nước còn tát , mổ vẫn có thể mổ, nhưng mổ hay không thì nguy cơ tử vong vẫn là 80%. Gia đình em còn nước còn tát, vẫn chấp nhận mổ cho bố em. Trước lúc mổ bố em kêu gào đau đớn và muốn được tháo ống ra để ra đi thanh thản, không muốn mổ, thậm chí trước khi vào mổ ông còn nói dối với bác sỹ là gia đình cho uống sữa rồi để không phải mổ. Ca mổ diễn ra, sau đó ông nằm viện đau đớn trong 1 tuần tại viện Việt Đức, và sau khi mổ xong thì ko còn nói được. Sau khi ông mất thì nguyện vọng của gia đình là được chôn cất ông. Mặc dù mổ pháp y không còn lành lặn nhưng em vẫn quyết định chôn cất ông . Tang lễ được diễn ra dưới sự chia sẻ của nhiều người.

Bố em sau hơn nửa tháng xác đặt tại nhà xác để chờ đợi có kêt quả pháp y tạm thời mới được chôn cất. Người giám định pháp y là bác VIỆN bên pháp y quân đội, cơ chế gây ra cái chết là cơ chế ngửa , trên thân thể có vô số các vết tích do bị hành hung gây nên. Khi bố em mất, trước sự chia sẻ và xuống đường của nhiều người dân để cùng kêu oan thì ngày 10/03, cơ quan chức năng có mang xuống cho gia đình em thông báo quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Ninh. Vụ án kéo dài từ đó đến nay, cách đây không lâu thì gia đình em có nhận được bản án và cáo trạng. Hiện tại, luật sư của gia đình thứ 6 sẽ lên cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục để đưa vụ án ra xét xử. Còn thông báo ngày xử chắc chắn em cũng sẽ nhận được trong thời gian gần đây nhất. Sau khi có thông báo e sẽ cập nhật sớm nhất.

Em nhớ là rất nhiều báo chính thống đến ghi âm quay hình nhưng hình như không thấy đăng. Chính 1 chị nhà báo của báo Đất Việt đến ngay khi bố em còn nằm ở viện Bạch Mai, cũng chỉ dám đăng 1 mẩu tin nhưng bị ông tổng biên tập cắt xén gần hết và thêm thắt, cuối cùng thì chị ý chỉ còn nhìn em bằng ánh mắt ái ngại và xin lỗi em. Sau đó chị ấy cũng không dám theo vụ này nữa... Có 1 số bài báo bên báo Pháp luật Việt Nam rất chi tiết về vụ án này, hình như có 1 bài là ai khiến cao thủ gà chọi bị gãy cổ của báo Pháp luật và 1 bài nữa của bên báo Người cao tuổi...”
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 476 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 20
Khách: 20
Thành Viên: 0