Tường Thụy - Vợ
tôi vốn là người an phận, chỉ biết chăm lo phục vụ chồng con. Cô là con
nhà cách mạng tiền khởi nghĩa. Chẳng bao giờ cô dám dính đến việc biểu
tình. Không ngăn được chồng biểu tình thì cô đành chịu. Vậy mà sau khi
chứng kiến toàn bộ sự việc ở Bờ Hồ hôm qua, cô phải thốt lên: "Thật kinh
khủng. Trước mặt công an mà kẻ cướp không bị trừng trị còn người bị
cướp kêu cứu không được bênh vực mà còn bị bắt. Sao lại vô lý như thế
được?”
Chủ nhật 16/10, một số người biểu tình hẹn nhau đi dạo Bờ Hồ rồi vào một
quán cà phê nào đó. Nói chuyện, nhìn nhau cho đỡ nhớ thôi.
Tôi rủ bà xã cùng đi cho vui. Cũng lâu lắm rồi, chúng tôi không cùng đi
chơi ngày chủ nhật. Tôi phải thuyết phục mãi, rằng có ai biểu tình gì
nữa đâu mà sợ, rằng mọi người đã nhắc nhau không ai được hô khẩu hiệu,
không mang theo cờ hay biểu ngữ gì cả, chỉ là đi dạo chơi thôi.
Vậy mà đến Bờ Hồ đã thấy công an, mật vụ dày đặc. Xe công an cũng nhiều.
Chúng tôi, người đến sớm, người đến muộn, tất cả chừng hai chục người
gì đó. Gặp Minh Hằng, cô đưa ngay điện thoại cho tôi xem tin nhắn gửi
vào máy cô với giọng đe dọa chửi bới rất tục tĩu, cuối cùng thì nó thách
cô chủ nhật này ra Bờ Hồ, tao sẽ đánh chết mày.
Thấy vợ tôi lần đầu xuất hiện, một tay mật vụ mà tôi nhẵn mặt đi sát dò hỏi: "Nhà ở đâu?”. Tôi thấy thế kéo cô ấy lên đứng cạnh nói to: "Đây
là vợ tôi, còn tôi thì mọi người đã nhẵn mặt, khỏi giới thiệu. Nói thế
để mọi người khỏi mất công lẽo đẽo theo sau, điều tra dò hỏi làm gì.
Chúng tôi không làm điều gì khuất tất mà sợ”. Ấy vậy mà bao nhiêu ống kính vẫn thi nhau chĩa vào chúng tôi. Chúng tôi đứng một lúc cho họ quay chụp chán rồi đi tiếp.
Tư thế này được rất nhiều người chụp để nhận diện kẻ lạ, không phải
là người biểu tình mà chỉ đi chơi Bờ Hồ cùng chồng. Đưa luôn lên để họ
đỡ mất công kiếm.
Lại tiếp tục đi dạo, ngắm cảnh. Chúng tôi đi rải rác, vài ba người một,
giữa vòng vây của công an, mật vụ và xe cảnh sát chạy chầm chậm, song
song dưới lòng đường.
Chúng tôi định đi một vòng thì vào nghỉ ở một quán cà phê. Thế nhưng mọi việc lại diễn ra theo hướng khác.
Đến ngang tòa báo Hà Nội Mới, có tiếng nói bằng loa từ xe cảnh sát phát
ra: "Yêu cầu mọi người bỏ những chiếc nón có viết chữ trên đầu đi”.
Chừng vài phút sau, một nhóm thanh niên đeo băng đỏ (có người cho là
cảnh sát cơ động mặc thường phục) xông vào cướp nón. Nhóm chúng tôi có 2
cái nón mới với 1 cái cũ được Minh Hằng viết lên chữ HS-TS-VN và mép
phía dưới viết chữ "Đả đảo TQ”. Ngoài ra có 2 chiếc mũ lá không viết vẽ
gì.
Bọn cướp xông vào rất nhanh. Số cướp nón Minh Hằng chừng 6-7 tên. Chúng
vừa giằng, vừa bóp nát nón. Khi tôi phát hiện ra bị cướp thì thấy chúng
đang cố giằng chiếc nón của Minh Hằng mặc dù đã bẹp dúm, còn Minh Hằng
ngồi thụp xuống ra sức giành lại. Có lẽ chúng muốn giật lấy để phi tang.
Nghĩ thế, tôi xông vào cùng Minh Hằng ôm chặt lấy cái nón rồi tách cô
ra khỏi đám cướp. Hai chiếc nón kia tôi không nhớ ai đội cũng đã bị cướp
từ lúc nào.
Minh Hằng giơ cổ tay trái ra kêu: "Cả chiếc lắc của tôi đeo ở tay nó
cũng cướp mất rồi”. Tôi chưa kịp hỏi lắc vàng hay bạc thì một tên xông
vào giật chiếc mũ lá tôi đang đội cho khỏi nắng mặc dù trên mũ không
viết chữ gì. Tôi giằng lại được và đuổi theo túm được tay trái nó. Nó
giật ra chạy xuống đường. Tôi lao xuống đường đuổi theo nhưng nó đã trốn
lẫn vào giữa đám đeo băng đỏ. Chiếc mũ lá của Từ Anh Tú dù không viết
gì cũng đã bị cướp giằng không được nên chúng bóp nát.
Nón của Minh Hằng bị bẹp dúm.
Mũ của tôi không có chữ gì. Tôi giằng lại kịp thời nên chỉ bị móp.
Mũ của Tú cũng không viết chữ nào nhưng cũng bị vò nát.
Sau khi bị cướp, MH quấn dải băng rôn vào cổ đề phòng bị giật nốt.
Bị cướp thì phải la lên, thấy công an thì yêu cầu đảm bảo an ninh trật
tự không cho kẻ cướp hoành hành, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng khi
chúng tôi đi đến ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng thì Minh Hằng bị bắt
khiêng lên một chiếc xe công an (sau tôi được biết họ mang cô vào công
an Hoàn Kiếm). Việc bắt bớ diễn ra rất nhanh chóng, điều này nhiều bài
báo đã tường thuật kỹ.
Cụm từ "Chủ nhật, Bờ Hồ” mấy tháng nay được chính quyền và công an coi
như những từ nhạy cảm, ngay cả khi việc cấm biểu tình đã thành công.
Chính việc huy động lực lượng công an quá mức vào mỗi sáng chủ nhật tại
Bờ Hồ đã gây nên sự căng thẳng không cần thiết, đã khoét sâu thêm khoảng
cách giữa công an và người dân.
Sự việc hôm chủ nhật 16/10 vừa qua rất đáng tiếc. Người ta chỉ đi dao
chơi thôi mà công an cũng đẩy sự việc lên tới mức căng thẳng như thế.
Xin có mấy câu hỏi gửi tới lãnh đạo công an quận Hoàn Kiếm và Công an Tp Hà Nội:
- Việc cấm viết mấy chữ HS-TS-VN (dù viết lên vật dụng cá nhân) được qui định ở văn bản nào? Ai ký? Người ký?
- Việc cấm đội mũ lá của mình dù không ghi vẽ cái gì lên đấy được qui định ở văn bản nào? Ai ký? Người ký?
- Nếu đã có qui định cấm tàng trữ hay sử dụng những vật dụng nói trên
thì việc giật rồi bỏ chạy có nằm trong trình tự thu hồi hay bắt người
không?
- Nếu không có qui định cấm thì việc giằng, giật, bóp nát những vật
dụng ấy có phải là hành vi ăn cướp và cố tình hủy hoại tài sản không?
- Chị Bùi Thị Minh Hằng phạm tội gì? Khi bị cướp thì la lên cho mọi
người biết dể giúp sức hoặc trông thấy công an đang làm nhiệm vụ thì yêu
cầu bảo vệ an ninh trật tự cho người dân yên tâm dạo chơi có phải là
hành vi gây rối trật tự không? Nếu phải thì từ nay, có ai bị cướp thì
làm sao họ dám trình báo với công an nữa.
Việc xảy ra ở Bờ Hồ là một sự cố không được phép có. Trước khi bị cướp,
rồi sau đó Minh Hằng bị bắt, chúng tôi đang dạo chơi bình thường như
những người dân chơi Bờ Hồ khác. Chỉ khi vụ cướp xảy ra thì Minh Hằng
mới la lên và mọi người xúm đen xúm đỏ tụ lại hàng trăm người. Vậy chị
Hằng hay công an gây rối trật tự ngày hôm đó?
Vợ tôi vốn là người an phận, chỉ biết chăm lo phục vụ chồng con. Cô là
con nhà cách mạng tiền khởi nghĩa. Chẳng bao giờ cô dám dính đến việc
biểu tình. Không ngăn được chồng biểu tình thì cô đành chịu. Vậy mà sau
khi chứng kiến toàn bộ sự việc ở Bờ Hồ hôm qua, cô phải thốt lên: "Thật
kinh khủng. Trước mặt công an mà kẻ cướp không bị trừng trị còn người bị
cướp kêu cứu không được bênh vực mà còn bị bắt. Sao lại vô lý như thế
được?”
|