BÁO TỔ QUỐC Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 101 (15-06-2010)
Tháng 12
năm ngoái, nhân Hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật và 5 quốc gia vùng sông
Mekong ở Tokyo, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tự tiện cam kết sẽ
nhờ Nhật Bản giúp xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-Sài
Gòn. Tổng công ty Đường sắt VN ngay sau đó đã cử chuyên gia sang Nhật
học hỏi về công nghệ này. Đến tháng 4 năm nay, đang khi Dự án còn ở
giai đoạn trình Quốc hội, thì cũng trong một chuyến thăm Nhật, Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nói chắc nịch với các quan
chức Nhật rằng: "VN sẽ thông qua chủ trương xây dựng hệ thống
Shinkansen [tức Đường sắt cao tốc theo kỹ thuật Nhật] dài 1.500 km nối
Thủ đô với thành phố lớn nhất nước” (theo Earthtimes.org).
Đây là một dự án khổng lồ
với lượng vốn vay dự kiến vào khoảng 56 tỷ USD, tương đương 2/3 GDP của
Việt Nam (đang ở mức xấp xỉ 90 tỷ). Theo trình bày của chính phủ, đó là
việc xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ 300 km/g chuyên chở hành
khách. Tổng chiều dài toàn tuyến đường là 1.570 km, bắt đầu từ Hà Nội
đến ga cuối là Hòa Hưng (Sài Gòn), trong đó cầu cạn dài 1.043 km, cầu
vượt sông và đường bộ dài 46 km, hầm dài 117 km, còn lại là nền đường
đào đắp dài 364 km. Có tất cả 27 ga. Dự kiến thời gian chạy từ Hà Nội
vào Hoà Hưng là 5g38’ đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng,
Nha Trang) và 6g51’ với tàu thường ga nào cũng đỗ. Dự án chia làm hai
giai đoạn, giai đoạn một đến năm 2020, giai đoạn hai đến năm 2030 và sẽ
hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án
khoảng 4.170 ha và sẽ phải tái định cư 9.480 hộ.
Tất cả những điều này đã
được trình bày tại phiên họp Quốc hội ngày 17-04-2010, qua "Báo cáo đầu
tư xây dựng” 33 trang của Tổng Công ty ĐSVN, với không đầy 2 trang về
hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án!?! Riêng "Tờ trình của Chính phủ
cho Quốc hội” do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng soạn đọc
thì phần trình bày hiệu quả kinh tế của dự án còn sơ sài hơn nữa. Thế
mà ngay lập tức, người ta đã nghe được vô số "lời có cánh” của một số
Đại biểu như ông Lương Phan Cừ (Đắk Nông): "Đó là những công chúa ngủ trong rừng, những nàng tiên đang chờ được đánh thức”; ông Trần Tiến Cảnh (Hà Nam): "Các nước có chỉ số IQ [ct: Chỉ số thông minh] cao đều xây đường sắt cao tốc. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… Việt Nam không phải nước nghèo. Với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây… Đường sắt cao tốc là giấc mơ đẹp của người dân, là cơ hội thay đổi cả bộ mặt nền kinh tế”; ông Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): "Đây
là dự án đầu tư cho tương lai, cho phát triển. Đầu tư 50-60 tỷ USD
không phải là việc đánh mất. Con cháu chúng ta sẽ nói lời cảm ơn những
người ngồi đây đã nghĩ cho tương lai”; ông Trần Bá Thiều (Hải Phòng): "Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ
ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao
Quốc hội không ủng hộ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm
sao để lại Vạn lý Trường thành?"; ông Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): "Sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương xây đường sắt cao tốc thì sẽ tính toán chi tiết”; ông Trần Đình Long (phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật): "Có
đi vay mới có đầu tư cho phát triển, quan trọng là sau đó lo trả nợ…
Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Bồi thêm vào đó là "những lời trấn an” của các viên chức chính phủ như Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp: "Nếu
ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với VN. Chứ nếu ta
muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được?” ; Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc: "Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ… chúng tôi đã tính hết. Quốc hội cứ quyết chủ trương đi”; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: "Nên chọn phương án hoành tráng nhất : làm đường sắt tốc độ 300 km/g dù chỉ chở được hành khách. Để đi ngay vào hiện đại” !?! Và chốt lại tất cả chính là lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sáng ngày 12-06: "Tôi
yên tâm với dự án này, chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc.
Có ý kiến bảo rằng dự án kéo dài đến mấy chục năm. Làm mấy chục năm
nhưng chia ra thành từng đoạn, mỗi đoạn làm trong thời gian ngắn… Vấn
đề các đại biểu đặt ra nữa là tiền đâu để làm dự án, chuyện này tôi
không lo lắng lắm. GDP của nước ta những năm qua cũng ổn và dự kiến đến
năm 2050 GDP cũng khả quan. Chúng ta phải phấn đấu đến năm 2050 Việt
Nam là nước công nghiệp phát triển, đất nước này phải đi như vậy. Công
việc làm là phải làm”. (x. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/383739/ ngày 12-06-2010).
Đang khi đó thì những người
có tâm huyết đối với dân tộc và tầm nhìn sáng suốt trước hoàn cảnh như
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp thì cho rằng: "Đây
là một dự án của sản phẩm công nghệ cao mà chỉ có các nước giàu mới
làm. VN chúng ta nếu có nhiều tiền mà xây dựng ĐSCT thì tốt quá. Nhưng
đi vay một số vốn rồi thuyết phục, biện minh để làm thì dường như chúng
ta đã quá say sưa về công nghệ, quên mất rằng những vấn đề về tài chính
mới là quyết định. Trước hết, phải nhìn nhận rằng nền kinh tế nước ta
còn gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách, nợ quốc gia còn lớn…”. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN cũng phát biểu: "Đối
với một dự án lớn tầm cỡ như ĐSCT Bắc-Nam, quốc tế thẩm định phải mất
từ 3 đến 5 năm. Trong khi theo tìm hiểu của chúng tôi, việc ký hợp đồng
tư vấn xây dựng dự án này mới được hơn một năm, đồng thời thẩm định dự
án chỉ trong thời gian hơn hai tháng đã xong. Nếu thẩm định như thế tôi
cũng thẩm định được và đó là thẩm định… bừa”. (http://phapluattp.vn/20100527124650597 p0c1013). Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế lại nhận xét: "Tôi
thấy đây là một dự án quá phiêu lưu. Trong khi tàu cao tốc của Hàn
Quốc, Đài Loan chưa quá 10% GDP thì dự án của VN chiếm khoảng 50% GDP
của năm 2009. Trên cả thế giới mới có 11 nước xây đường cao
tốc và tất cả đều là những nước giàu có. VN mới chớm bước vào ngưỡng
của nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 1.000 USD. Chúng
ta thực hiện dự án này cũng như gia đình nghèo đang ở nhà tranh vách
đất muốn xây biệt thự villa thay vì tích tiền để xây nhà ngói trước…” (http://vnexpress.net/GL/ Kinh-doanh/2010/06/3BA1C989/
ngày 4-6-2010). Cuối cùng, cựu đại sứ Nguyễn Trung, người từng lên
tiếng mạnh mẽ phản đối vụ bauxite Tây Nguyên, cũng đã thẳng thắn nêu ra
nhiều bất cập của dự án. Bất cập thứ nhất là xem
thường Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất theo nguyên tắc. Bộ trưởng
Võ Hồng Phúc đã quyết định chuyện này hôm tháng 4 vừa qua trước khi
Quốc hội đưa ra kết luận. Bất cập thứ hai là không có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ càng khi lập báo cáo. Chính TGĐ Tổng Công ty ĐSVN thú nhận: "Báo
cáo tiền khả thi là vô cùng quan trọng để làm cơ sở xin ý kiến về chủ
trương. Nhưng đây là lần đầu chúng tôi trình một dự án ra Quốc hội nên
chưa có kinh nghiệm”. Vậy thì, những con số 56 tỉ USD, hoàn thành sau 25 năm, có lời có lãi… đáng tin được mấy phần? Bất cập thứ ba là lợi ích kinh tế. Theo lời Bộ trưởng GTVT: "Chúng
tôi đã phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Có thể
nói rằng hiệu quả kinh tế đơn thuần thì không cao song dự án có thế lấy
thu bù chi, hoàn trả được vốn”! Một dự án 56 tỉ
USD mà hiệu quả kinh tế không cao thì tại sao phải làm? Bởi lẽ người
nghèo không có điều kiện đi ĐSCT, chỉ người giàu thôi. Mà dự án lại
không đem lại hiệu quả kinh tế, thì Nhà nước lấy tiền đâu để nâng cao
đời sống dân nghèo được? Rồi chính người nghèo cũng phải chung trả nợ
quốc gia đang khi ĐSCT chỉ phục vụ giới giàu. Điều này bất công quá
thể! Bất cập thứ tư là một dự án mập mờ. Chính phủ
chỉ muốn Quốc hội "thông qua” dù báo cáo không rõ ràng đầy đủ để các
đại biểu thấy được những lợi hại, khó khăn của sự việc. Vậy thì Quốc
hội dựa vào cái gì để đánh giá dự án nên làm hay cần làm? Có phải Chính
phủ đang muốn "giấu” các đại biểu của nhân dân hay không? Bất cập thứ
năm là ý kiến người dân. Thử hỏi đến hôm nay đã có cơ quan nào của
Chính phủ thử làm một cuộc "trưng cầu dân ý” hay chưa? Đã có đại biểu
QH nào tổ chức gặp cử tri của mình để hỏi ý kiến, nguyện vọng của họ
hay chưa? Một siêu dự án chiếm đến hơn một nửa GDP của đất nước mà
người dân không được tham gia ý kiến thì quả là kỳ lạ! (Bài "Đường sắt cao tốc, dự án nhiều bất cập và những lạc quan tếu. Mạng Bauxite Việt Nam).
Tại sao với một phí tổn dự
án khổng lồ như vậy, Nguyễn Tấn Dũng vẫn nhắm mắt đi vay để làm cho
bằng được? Đang khi hệ thống đường sắt, đường bộ của VN vẫn hết sức lạc
hậu (có nơi, như tại sông Pôkô, Kontum, nhân dân phải đu dây vì thiếu
cầu). Một phần là vì Đảng CS đặt kỳ vọng dự án sẽ giúp đánh bóng thành
tựu phát triển kinh tế vốn luôn ì ạch của đất nước. Nhưng lý do chính
là 10% hoa hồng không dưới 5 tỷ USD của dự án đã khiến họ phải thực
hiện bằng mọi giá, chẳng cần biết hậu quả! Khoản hoa hồng kếch xù này
sẽ được trả cho chủ đầu tư là các quan chức CSVN khi đi vay vốn và cả
khi chọn nhà thầu. Nợ nần chồng chất thì phó mặc cho các thế hệ kế tiếp
gánh lấy và con cháu các đời sau nai lưng ra trả. Dự án đường sắt cao
tốc Bắc-Nam là một miếng mồi to mà các quan chức CSVN xác định cần phải
xơi. Dự án càng lớn, kinh phí càng cao và tốc độ càng nhanh thì tiền ăn
chia càng nhiều và họ càng quyết tâm ăn, ăn cho nhanh, bất kể hậu quả!
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi quả quyết "Chúng ta không thể không
làm đường sắt cao tốc” phải chăng đã mường tượng ra số tiền "lại quả”
thu được, để bổ sung vào gia tài 13 tỷ USD ông ta đang có với Võ Hồng
Phúc, Lê Đức Thúy theo một tài liệu ngân hàng mới bị tiết lộ gần đây?
Và người ta dự đoán rằng
vào ngày 16-06 tới, Quốc hội cũng sẽ thông qua nó, như đã từng thông
qua dự án kiểu "đặt cái cày trước con trâu” là dự án khai thác bauxite
Tây Nguyên năm 2009. Nếu đúng như thế, thì Quốc hội CSVN vẫn mãi là lũ
bù nhìn, chỉ biết giơ tay -trong sợ hãi, trong thói vô trách nhiệm hay
trong mưu tính thủ lợi- để biểu quyết đồng ý các dự tính dù ngông
cuồng, dù tai hại của đảng, dù gây khánh kiệt cho đất nước!
BAN BIÊN TẬP
|