Hội
thảo quốc tế đánh giá chiến dịch chống tham nhũng mới tổ chức ở Hà Nội
với sự tham gia các bộ ngành trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế
cùng đại sứ quán một số nước.
Photo courtesy of Chinhphu.vn
Hội thảo quốc tế về tiêu chính đánh giá công tác phòng chống tham nhũng hôm 23/6/2010
Không đơn giản
Báo điện tử của chánh phủ Việt Nam nói, các đại biểu quốc tế hiện
diện tại cuộc hội thảo đánh giá cao những kết quả đạt được trong công
tác ngăn chống tham nhũng, thời gian gần đây. Theo các tổ chức quốc tế
thì việc đánh giá đúng tình hình chống tham nhũng là một vấn đề khó
khăn, cần bảo đảm tính khách quan, khoa học, toàn diện.
Sáu tiêu chí do nhà nước đề ra dùng để đánh giá công tác phòng chống
tham nhũng được các tổ chức quốc tế cho là phù hợp thực tế và có tính
khả thi cao.
Nhìn chung thì đây là những tiêu chí được nhiều quốc gia khác áp
dụng hiệu quả trong việc xem xét các thành tích chống tham nhũng, mà cụ
thể là đánh giá thông qua kết quả điều tra xã hội, qua phương tiện
truyền thông báo chí, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội,
phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng lớn và nhận định từ các tổ chức
quốc tế.
Cái tội phạm tham nhũng là tội có độ ẩn rất cao, tức là khi đã xảy ra
rồi, việc phát hiện ra nó rất khó, những số lượng vụ án đưa ra chưa
thật sự phản ảnh hết hoặc đầy đủ thực trạng tham nhũng tại Việt Nam.
PGS-TS Phạm Hồng Hải
Theo ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thì công tác
ưu tiên và hàng đầu này luôn được đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm, xem
đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong đường lối chỉ đạo và điều
hành của chánh phủ. Qua báo chí của Hà Nội thì trên một số lãnh vực,
tham nhũng đã được kiềm chế và có xu hướng giảm, nhờ quyết tâm của đảng
và nhà nước Việt Nam, sự tập trung nỗ lực của các ngành, các cấp kết
hợp với sức mạnh của hệ thống chính trị với toàn xã hội, qua các giải
pháp đồng bộ và toàn diện.
Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Hải, thành viên Hội đồng Lâm thời Luật sư Toàn quốc Việt Nam, quan niệm rằng"công
việc đấu tranh chống tham nhũng là đường lối đúng đắn của đảng và nhà
nước Việt Nam, vì vậy đã có luật chống tham nhũng, và các văn bản kèm
theo như bộ luật hình sự, có hẳn một chương về chống tham nhũng.
Hiện nay đã có nhiều vụ việc được lôi ra ánh sáng hơn, liên quan đến
các quan chức, so với trước đây thì rõ ràng là số lượng vụ án về tham
nhũng được ra nhiều hơn.”
Dịp này, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng:
"Tôi muốn nói với các vị là với tính cách một nhà nghiên cứu rằng,
cái tội phạm tham nhũng là tội có độ ẩn rất cao, tức là khi đã xảy ra
rồi, việc phát hiện ra nó rất khó, những số lượng vụ án đưa ra chưa
thật sự phản ảnh hết hoặc đầy đủ thực trạng tham nhũng tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế về ngân hàng, tài
chính, thì ít nhất cũng đã có thành tích đáng kể trong vịêc đấu tranh
chống tham nhũng ở Việt Nam. Theo quan điểm của tôi thì cần phải đẩy
mạnh hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, mới có thể ngăn chặn và hạn chế được
tình trạng này.”
Vẫn tồn tại, vì sao?
Cựu Đại tá sử gia Phạm Quế Dương. photo courtesy of vietnamexodus
Cựu Đại tá sử gia Phạm Quế Dương, quân đội nhân dân Việt Nam, một trong
những người mãnh mẽ ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng, rồi lại bị ngồi
tù vì thái độ tích cực đó, kể lại:
"Từ năm 2001, nhà nước này coi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội
xâm nên kêu gọi nhân dân tham gia chống tham nhũng. Nhân ngày quốc
khánh mồng 2 tháng 9, 2001, anh em đến ăn cơm nhà tôi và rất vui, cùng
đề nghị làm ra hội chống tham nhũng, để ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhà
nước chống tham nhũng.
Theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là bí thư của Saigon,
anh Trần Khuê và tôi viết đơn, hai người ký và gởi đi. Nhưng sau đó cả
hai đều bị bắt ngồi tù 19 tháng, cho nên vấn đề chống tham nhũng ở Việt
Nam phức tạp lắm, chứ không đơn giản đâu.”
Ông cũng đưa ra thí dụ cụ thể cho thấy điều ông vừa giải thích là có cơ sở:
"Làng tôi có ngôi đình ở số 8 Phố Hàng Buồm, giấy tờ còn nguyên hết
tất cả, Hội Khoa học Lịch sử có hội thảo về ngôi đình đó. Ngôi đình bị
địa phương chiếm từ năm 1955, nhân dân tham gia đấu tranh từ đó đến
giờ, đòi lại không được. Tôi là trưởng ban liên lạc đồng hương làng,
tham gia đấu tranh thì bị coi là phạm tội kích động, nên bị tù là như
thế.
Làng tôi cũng có đền thờ danh tướng Phạm Như Tăng, phò vua Lê Thánh
Tông bình định toàn bộ đất Chiêm Thành, cũng bị xã chiếm. Dòng họ Phạm
đòi suốt từ 1977 tới giờ. Trước đó là kháng chiến, đi lính cả, nên
không đòi được, nhưng bây giờ đòi cũng có được đâu.”
Ông tự đi tìm câu trả lời vì sao tham nhũng ở Việt Nam vẫn tồn tại:
Theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Triết, anh Trần Khuê và tôi viết đơn,
hai người ký và gởi đi. Nhưng sau đó cả hai đều bị bắt ngồi tù 19
tháng, cho nên vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam phức tạp lắm, không
đơn giản đâu.
Cựu Đại tá Phạm Quế Dương
"Chuyện tham nhũng ở Việt Nam thì vui lắm, vì nước mình không có tự
do, dân chủ, không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Đảng lại cầm
quyền, độc tài, độc trị, cho nên những người lãnh đạo của đảng mới tham
nhũng được, chứ dân làm sao tham nhũng được. Dư luận tức là người dân
mất niềm tin, những người nào đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt thì
bị xem là vi phạm pháp luật.”
Dư luận trong nước cho rằng, mặc dù đảng và chánh phủ xem nạn tham
nhũng là một tội phạm nghiêm trọng, có thể trở thành quốc nạn, đồng
thời luôn xác định cần phải dồn mọi nỗ lực để phòng chống, xoá bỏ tham
nhũng; tuy nhiên chính ban chỉ đạo trung ương cũng nhìn nhận là chiến
dịch chống tham nhũng còn yếu kém, hạn chế, tình hình tham ô, nhũng lạm
vẫn phức tạp và lan rộng, hiệu quả còn thấp so với tiêu chí, mục tiêu
đề ra.
Báo chí và người dân thường nhắc đến câu nói "bứt dây động rừng”, tố
cáo tham nhũng có thể bị ngồi tù hay bị kỷ luật như trường hợp trung tá
Vũ Minh Trí đã gặp, khi công khai tố giác cấp trên là trung tướng
Nguyễn Chí Vịnh, thuộc tổng cục 2 đã có hành vi sai phạm pháp luật.