Võ Tấn Phong
Trong bộ phim The Edge of Heaven
(tiếng Đức Auf der anderen Seite) có một câu chuyện tôi không
thể quên. Nhân vật chính Nejat giận cha mình đến độ tưởng không thể nào
hàn gắn được. Cho đến khi anh hồi tưởng lại, lúc nhỏ nghe câu chuyện
Ibrahim dâng Ishmael làm sinh tế (tương tự câu chuyện trong Cựu ước,
Abraham hiến tế con mình là Isaac), Nejat đã kinh hãi và hỏi cha anh,
nếu Thượng đế bắt ông phải làm như vậy thì ông sẽ hành xử ra sao. Cha
của Nejat trả lời: "Cha sẽ bảo vệ con dù có phải trở thành thành kẻ thù
của Thượng đế”.
Câu chuyện đó làm tôi bâng khuâng mãi.
Tôi đã lục lọi trong trí nhớ xem cha mẹ tôi có khi nào dám đối đầu với
kẻ mạnh để bảo vệ chúng tôi không. Và tôi phiền lòng không ít khi nhớ
lại bài thơ của nhà thơ cộng sản Tố Hữu, thương cha mẹ và chính mình
không bằng một phần mười tình thương dành cho Stalin. Và gần đây tôi cảm
thấy hơi phiền hơn một chút khi một số người có học của Việt Nam[i] cố tình lập lờ hạ
thấp công lao một người cha khai quốc của Mỹ – Washington, để tâng bốc
"cha già dân tộc Việt Nam” – Hồ Chí Minh.
*
Washington[ii] là vị tướng Tổng
Tư lệnh và Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Ông lãnh đạo quân Mỹ chiến thắng
quân Anh giành lại độc lập. Khi quyền uy lên tột đỉnh, ông đã từ chức
Tổng Tư lệnh, trao quyền lại cho Quốc hội. Khi những người lính dưới
quyền đề nghị lập ông làm vua, ông đã thẳng thắn từ chối. Ông đã lãnh
đạo hội nghị soạn thảo hiến pháp Mỹ, mà một nét son là bảo đảm các quyền
bất khả xâm phạm của công dân. Trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông đã phải
đem quân dẹp một cuộc nổi loạn (The Whiskey Rebellion), nhưng dùng uy
tín để quân nổi loạn tự tan, và không xử tử ai cả. Sau nhiệm kỳ thứ hai,
vị Tổng thống đầu tiên đã từ chức trở về đời sống thường dân. Lúc mất,
ông đã giải phóng hết số nô lệ của mình. Thời còn sống ông đã là một
huyền thoại. Và càng ngày ông càng vĩ đại trong mắt dân Mỹ và cả thế
giới. Dân chúng Mỹ quý trọng Washington vì ông đã để lại nhiều tiền lệ
quý giá cho đất nước, như khi từ chức Tổng Tư lệnh: đặt quân đội dưới
chính quyền và ngăn ngừa nạn đảo chính; không ham quyền lực khi từ chối
làm vua, và từ chức sau hai nhiệm kỳ Tổng thống: ngăn ngừa sự tham quyền
cố vị; lúc dẹp loạn ông không trừng phạt tàn khốc những kẻ nổi loạn:
tạo ra một chính quyền nhân từ; hành động dẹp loạn cũng tập cho dân Mỹ
biết kiên nhẫn, biết dùng lá phiếu thay vì bạo lực để thay đổi chính
quyền hay thay đổi những chính sách ngược lại quyền lợi của mình; lúc
làm Tổng thống ông tuân thủ hiến pháp và không lạm quyền: tạo ra một
chính quyền biết thượng tôn pháp luật. Ông có đáng làm người cha khai
quốc của Mỹ không?
*
Để xét công tội Hồ Chí Minh (cũng như
bất kỳ nhà chính trị nào), hãy đặt ba câu hỏi quan trọng: Tư tưởng của
ông Hồ thế nào? Hành động của ông Hồ có lợi hại gì cho nước nhà? Gia tài
của ông Hồ để lại là gì?
Hồ Chí Minh ở Pháp sống trong giới cùng
khổ. Điều đó giúp ông gần gũi và thông cảm với dân nghèo, nhưng cùng lúc
làm ông căm ghét tầng lớp trung thượng lưu và không tiếp cận được với
những tư tưởng tự do dân chủ khác. Điều tự nhiên là Hồ Chí Minh đi theo
chủ nghĩa cộng sản mà không suy xét kỹ càng. Ngay cả quyết định bầu cho
Quốc tế Cộng sản III cũng đầy cảm tính: chỉ vì Lenin có đề cập đến các
dân tộc thuộc địa. Một người sáng suốt sẽ so sánh chủ nghĩa Marx với các
chủ thuyết khác để xem lợi hại, hoặc sẽ so sánh lời lẽ cao cả của Lenin
về thuộc địa với cách nhà nước Liên Xô của Lenin đã đàn áp vô cùng tàn
bạo các nước cộng hòa trong liên bang. Sống một thời gian dài ở Liên Xô
và chứng kiến cuộc thanh trừng khủng khiếp của Stalin, Hồ Chí Minh vẫn
không tỉnh ngộ và vẫn kiên quyết đi theo con đường của Stalin. Những
cuốn sách Hồ Chí Minh tự viết để đề cao mình cho thấy ông Hồ là một
người quá khích: mọi thành quả tốt đẹp của các nước tư bản đều là giả
tạo và do bóc lột, còn những khổ cực của dân chúng Liên Xô đều chỉ là
tạm thời. Nhiều người bênh vực Hồ Chí Minh rằng vào thời điểm đó, con
đường chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất đúng. Lập luận này là
ngụy biện vì Gandhi và bao nhiêu lãnh tụ Á – Phi khác không chọn con
đường cộng sản cho dân tộc của họ sau khi độc lập. Hơn nữa, lãnh tụ có
tầm nhìn xa thì không thể đổ thừa cho hoàn cảnh lúc này lúc nọ. Hồ Chí
Minh thiếu sáng suốt, thiếu tầm nhìn, và đã chọn sai đường từ lúc đầu.
Những cuộc chiến gây mất mát khủng khiếp
thường được dùng để kết tội ông Hồ. Điều đó đúng một phần nhưng không
phải là tất cả. Có những cuộc chiến không thể tránh khỏi, và dù phải hy
sinh bao nhiêu cũng phải quyết đánh. Người Việt Nam đa số đều tin tưởng
vào chính nghĩa của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, quân Minh dù
mất mát lớn lao. Đa số mọi người dân Anh – Mỹ đều đồng ý là những hy
sinh to lớn để đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến II là cần thiết. Như
thế, để xét hành động của Hồ Chí Minh có lợi hại gì cho nước nhà, ta
nên xét xem những hy sinh to lớn của dân chúng có đáng hay không, nói
cách khác, chế độ do ông Hồ và Đảng Cộng sản do ông đồng sáng lập có tốt
hơn những chế độ mà ông quyết lật đổ hay không?
Rõ ràng là không.
Trong chế độ thực dân Pháp, tự do ngôn
luận dù không hoàn hảo, vẫn có. Trong chế độ thuộc địa trước 1945, người
dân bị bóc lột thì có các nhà báo, nhà văn và những người có công tâm
dám lên tiếng cho họ. Những trí thức có uy tín dám lên tiếng chê bai nhà
chức trách mà không bị tù đày. Nhiều người chống đối chế độ sau khi tù
đày vẫn có thể trở về sống và tiếp tục chống đối thực dân Pháp. Những
cuộc tàn sát vào số trăm hay ngàn người nổi dậy là đã bị báo chí đưa tin
và lên án. Dù thực dân Pháp cố hạn chế, những phong trào chấn dân khí
và khai dân trí vẫn được cổ võ mà không bị chính quyền chơi trò côn đồ,
mà bằng các phiên tòa công khai. Ngược lại, ngay khi chiếm được miền
Bắc, chế độ Hồ Chí Minh giết chết, bỏ tù và khủng bố không cần xét xử
những ai dám chống đối. Trí thức thì có vụ Nhân văn – Giai phẩm là nổi
bật nhất, hay nhà Phật học Thiều Chửu bị khủng bố đến tự sát. Ngay sau
khi chiếm trọn miền Bắc, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đã thực hành Cải
cách Ruộng đất và giết chết hàng chục ngàn, nếu không nói là cả trăm
ngàn người vô tội[iii].
Theo tiêu chuẩn quốc tế, Pinochet bị truy tố vì chính quyền của ông ta
giết khoảng 3200 người[iv],
và Chun Doo-hwan bị kết án tử hình vì chính quyền của ông ta tàn sát
khoảng 191 đến dưới 2000 người (theo nhiều ước lượng khác nhau) trong
cuộc nổi dậy ở Kwangju[v].
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư phê phán Lê
Lợi: "Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém”[vi]. Lê Lợi giết chết
một số quan lại bị nghi ngờ không trung thành và gia đình họ, con số có
lẽ vào ngàn người, đã bị sử quan phê phán là hiếu sát. Vào thời đại văn
minh này, Hồ Chí Minh và chính quyền của ông ta trong thời bình đã giết
chết hàng chục ngàn hay trăm ngàn người không hề chống đối chính quyền,
có phải là hiếu sát bậc nhất trong lịch sử Việt Nam và của thế giới hay
không? Vậy là, chế độ thực dân Pháp, vốn coi dân Việt ngu dốt và chỉ có
một mục đích là bóc lột và dạy dỗ dân bản xứ, vẫn có công khai hóa và
nhân đạo hơn với dân chúng thuộc địa, tốt hơn nhiều chế độ Hồ Chí Minh.
Chế độ miền Nam, dù là một chế độ còn
nhiều vấn đề, vẫn tự do dân chủ hơn nhiều lần chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam sau năm 1975. Đơn cử chuyện báo chí: Có bao nhiêu tờ báo
trước năm 1975 chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn
Thiệu, và có bao nhiêu tờ báo sau năm 1975 chống đối chính quyền Lê Duẩn
hay Đỗ Mười? Hàng triệu người Việt cả hai miền Nam Bắc liều chết bỏ
nước ra đi là bằng chứng tố cáo chế độ xã hội chủ nghĩa hùng hồn nhất.
Vì vậy cái chính quyền Việt Nam thối nát
hiện nay không phải vì đã "đi sai con đường Bác Hồ đã chọn”, mà vì đã
đi rất đúng con đường của Hồ Chí Minh vạch ra. Tội nặng nhất của Hồ Chí
Minh là đã thiết lập chính quyền độc tài toàn trị tàn bạo mà không biết
đến bao giờ dân Việt Nam mới vất bỏ được. Chỉ nêu ra sau đây một vài hậu
quả nặng nề của cái chế độ toàn trị đó.
Nhà nước cộng sản phá tan mọi giềng mối
đạo đức của dân tộc và áp đặt cái đạo đức cộng sản lên dân chúng. Hôm
nay khi đạo đức cộng sản bị phá sản và hiện nguyên hình là một mớ đồ
giả, xã hội chẳng còn chỗ dựa, và vô số hành động suy đồi đạo đức nhâng
nhâng công khai trong mọi tầng lớp xã hội.
Nhà nước coi dân chúng như một thứ công
cụ. Khi cần dân phục vụ chiến tranh thì mỵ dân: ca ngợi dân chúng anh
hùng bất khuất. Khi cần củng cố độc đảng thì hạ thấp dân: dân chúng chưa
đủ trí tuệ để thực hiện đa đảng.
Nhà nước hoàn toàn đi ngược lại với
quyền lợi dân chúng. Ngay dưới thời Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ mong tự do
sáng tác thì bị đàn áp thô bạo, dân chúng thèm yên bình sau chiến chinh
thì bị nạn Cải cách Ruộng đất và bị kéo vào cuộc chiến xâm lược miền
Nam. Tiền thuế dân bị đem nuôi một bộ máy quân đội công an khổng lồ chỉ
để trấn lột dân, đàn áp dân, chứ không phải để bảo vệ dân.
Nhà nước không tự lực, không dựa vào
chính mình, chỉ biết quốc sách ăn xin. Lúc còn khối xã hội chủ nghĩa thì
xin viện trợ từ Trung Quốc, Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan…; ngày nay xin xỏ
Mỹ, Nhật viện trợ xây đường sá, xe điện cao tốc…; một đất nước trải qua
bao chinh chiến vẫn không có một nhà máy sản xuất súng đạn, xe tăng,
hay đại bác, mà chỉ biết xin viện trợ.
Nhà nước không pháp luật, hành xử tùy
tiện, trí trá. Ví dụ thì vô số, có thể kể những phiên tòa nhân dân của
cuộc Cải cách Ruộng đất, hoặc những hành xử côn đồ với tôn giáo và những
người bất đồng chính kiến hôm nay. Sự trí trá này bắt nguồn chính từ Hồ
Chí Minh. Khi cần thiết thì Hồ Chí Minh chối bỏ bản chất cộng sản của
mình để thoát thân, hay để xin Mỹ giúp đỡ. Vì biết phần lớn dân chúng
không ưa cộng sản nên buổi ban đầu Hồ Chí Minh chỉ giương cao ngọn cờ
độc lập dân tộc, thành lập Việt Minh, để lôi kéo mọi tầng lớp yêu nước.
Nếu Hồ Chí Minh lật bài ngửa từ đầu, tuyên bố sau khi độc lập sẽ làm
cuộc Cải cách Ruộng đất và chỉ có Đảng Cộng sản nắm hết mọi quyền lực,
thử hỏi có bao nhiêu người theo?
Nhà nước không có tầm nhìn lâu dài. Sự
nô lệ tinh thần đã nảy nở ngay vào buổi bình minh của chế độ Hồ Chí Minh[vii]; Hồ Chí Minh và
Đảng Cộng sản ảo tưởng về thân tình quốc tế cộng sản, không nhìn thấy dã
tâm của Trung Quốc. Về giáo dục chỉ biết đào tạo nô tài. Ngày nay Đảng
của ông Hồ cho thấy rất nhiều dấu hiệu là những kẻ bán nước-bán đất-bán
biển-bán rừng-bán dân.
Nhà nước chỉ hám danh vô thực. Quân đội
cộng sản Việt Nam mượn móng vuốt của Liên Xô, Trung Quốc để đánh Pháp,
Mỹ mà cứ khoe tài giỏi. Đến hôm nay Trung Quốc trở mặt, Liên Xô sụp đổ
vẫn chưa tỉnh ngộ. Chỉ biết phí tiền dân vào những kế hoạch ngu ngốc:
đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, làm đường xe lửa siêu tốc…
Nhà nước nghiền nát nhân phẩm con người,
thích nịnh bợ và triệt tiêu mọi phê phán. Ngay thời Hồ Chí Minh, càng
nịnh bợ đê hèn càng được tưởng thưởng. Những ai phê phán dù với mục đích
xây dựng cho chế độ tốt hơn đều bị trừng trị. Nịnh thần đầy dẫy không
phải là điềm báo hiệu suy vong? Cho đến hôm nay trí thức không lập thân
bằng trí tuệ mà bằng đầu gối[viii]. Những Nguyễn
Tuân, Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ dưới chế độ tiền cộng sản đều ngang tàng
không sợ ai, khi sống trong chế độ cộng sản cũng biết xu nịnh. Những
người thất trận và những người chống đối không được bảo toàn nhân phẩm
mà phải chịu khủng bố, tù tội, đói khát, hành hạ đến không còn ra con
người mới thôi.
Nhà nước chỉ biết đổ thừa, không bao giờ
chịu trách nhiệm. Hồ Chí Minh là người phát động cuộc Cải cách Ruộng
đất bằng bài viết tố cáo tội ác bà Nguyễn Thị Năm[ix], đến khi dân chúng
nổi giận, Hồ Chí Minh đã đổ thừa và cách chức Trường Chinh, cho Võ
Nguyên Giáp xin lỗi dân, tạo dựng huyền thoại Bác Hồ nhỏ nước mắt thương
bà Nguyễn Thị Năm. Sử liệu chính thống thường hay biện hộ: chiến thắng
Điện Biên Phủ là vì Võ Đại tướng không nghe lời khuyên của cố vấn Trung
Quốc, còn sai lầm Cải cách Ruộng đất là vì Bác Hồ và Đảng bị sức ép của
Mao Trạch Đông. Đúng là: Mất mùa là bởi thiên tai, Được mùa là bởi
thiên tài Đảng ta[x].
*
Bằng ấy tội ác, Hồ Chí Minh có xứng là
cha già dân tộc không? Khi có đầy đủ chứng cớ Hồ Chí Minh là bạo chúa
tàn ác nhất trong lịch sử nước nhà và để lại nhiều di hại lâu dài cho
đất nước, không phải bỗng nhiên nhiều người lại rỗi hơi đi phê phán một
nhà lãnh đạo Việt Nam. Khi Hồ Chí Minh "bại nhân nghĩa nát cả đất trời”,
thì tố cáo tội ác của Hồ Chí Minh, để lấy lại công đạo cho hàng triệu
nạn nhân và làm bài học (quá đắt giá) cho hậu thế, là nhiệm vụ của kẻ
thức giả có công tâm. Không phải Mạnh Tử đã từng coi kẻ làm hại nhân
nghĩa chỉ là giặc đó ư?[xi]
© 2010 Võ Tấn Phong
© 2010 talawas
[i] Ngô Tự Lập,
Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh hay là luận về vĩ nhân http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_NguyenTraiVaHoChiMinh.htm
Hà Văn Thịnh, Mấy suy ngẫm về Hồ Chí
Minh http://danluan.org/node/5091
[ii] Tiểu sử
Washington trên wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/George_Washington
[iii] Xem wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Land_reform_in_Vietnam
[iv] Xem wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Chile_under_Pinochet
[v] Xem wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Gwangju_massacre
[vi] Đại Việt sử
ký toàn thư, bản điện tử: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt15a.html
[vii] Nguyễn Hoàng
Văn, Thực dân, nô lệ, ăn mày http://www.talawas.org/?p=21228
http://www.talawas.org/?p=21230
[viii] Nguyễn Tôn
Hiệt, Ông nghè Ngô Tự Lập không thiệt thà chút nào [đối thoại] http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=10688
[ix] Nguyễn Quang
Duy, Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách Ruộng đất http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9078&rb
=
[x] Ca dao dưới chế
độ cộng sản Việt Nam
[xi] Mạnh Tử, Lương
Huệ Vương hạ: "Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa
gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là người thường mà thôi. Tôi từng
nghe vua Võ Vương giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe
giết vua.”
|