
Đại
hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, còn gọi là Đại hội đại biểu toàn
quốc, dự trù sẽ được tổ chức vào đầu xuân 2011. Từ đây đến đó còn hơn
một năm nhưng cuộc vận động tìm nhân sự để đưa vào ban chấp hành trung
ương đảng, tiếp theo là bộ chính trị, đã diễn ra khá rộn rịp từ năm
2009 đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tất cả những nhân vật có tên tuổi trong
đảng, nhất là trong bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng, đều
để lộ dấu hiệu muốn được đề cử vào những chức vụ cao hơn.
Cao hơn là những chức nào? Đó là được hiện diện trong bộ chính trị, kế
là trong ban chấp hành trung ương đảng, sau cùng là trong chính phủ và
các ban ngành chủ yếu tại địa phương. Muốn đạt những chức vụ đó, phải
là đại biểu hiện diện trong đại hội này.
Những đấu đá nội bộ
Sau hai năm vận động, tìm kiếm và sắp xếp nhân sự vào ban chấp hành
trung ương đảng, 1.176 đại biểu đại diện cho 3,1 triệu đảng viên đã
được mời tham dự Đại hội đảng cộng sản lần thứ 10 năm 2006 để bầu 160
uỷ viên chính thức và 21 uỷ viên dự khuyết vào ban chấp hành trung
ương, 15 thành viên trong bộ chính trị và 8 thành viên vào ban bí thư
bộ chính trị. Số lượng đại biểu tham dự đại hội và số uỷ viên trong ban
chấp hành trung ương và bộ chính trị năm 2011 chắc chắn sẽ được giữ
nguyên như năm 2006.
Cũng nên biết dưới các chế độ cộng sản, đảng cộng sản độc quyền lãnh
đạo đất nước, do đó các chức vị cao nhất đều nằm trong tay những người
lãnh đạo đảng cộng sản. Trong thời chiến, đây là những chức vụ đầy
quyền năng, những người lãnh đạo có quyền sinh sát đối với mọi người,
kể cả những người trong đảng và trong quân đội, do đó rất được nể sợ.
Trong thời bình, đây là những chức vu béo bở nhất, những người lãnh đạo
có toàn quyền ban phát chức tước và bổng lộc cho thuộc cấp và thân tín,
bù lại họ được đền đáp xứng đáng. Hiện nay Việt Nam không có chiến
tranh nên chức vụ càng cao bổng lộc càng nhiều.
Nhìn lại những cấp lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng cộng sản Việt Nam
hiện nay, không ai về hưu trong sự thanh bạch. Tất cả đều có những cơ
ngơi đồ sộ mà với đồng lương chính thức khi còn tại chức không thể nào
gầy dựng nổi. Đó là chưa kể những tài sản đã được chuyển ra nước ngoài
hay những dễ dãi và bổng lộc mà họ hàng thân thuộc được hưởng theo.
Chính vì thế, cứ mỗi 5 năm, được đề cử làm Đại hội đại biểu toàn quốc,
cơ quan quyền lực cao nhất của đảng cộng sản, là một dịp may hiếm có.
Chỉ những bí thư thành uỷ, tỉnh uỷ lớn, các cấp chỉ huy quân đội và
công an cao cấp hoặc là những đảng viên có nhiều thành tích trong đảng
và nhà nước mới được tham dự. Vì sau khi đại hội bế mạc, những người
này hoặc được đề cử để nắm những chúc vụ cao cấp trung ương hoặc về lại
địa phương, cơ quan hay đơn vị đảm nhiệm với những quyền hành và quyền
hạn lớn hơn, nguồn thu nhập nhờ đó cũng lớn theo chức vụ và bổng lộc
mang lại.
Một thói quen bất thành văn, một thông lệ thì đúng hơn, là trong cuộc
chạy đua được mời tham dự đại hội đại biểu toàn quốc này, mọi đòn phép
đều được tung ra để hạ đối phương trước ngày khai mạc. Trái với suy
tưởng của nhiều người, nội bộ đảng cộng sản đã không đoàn kết và nhất
trí như bề ngoài được sơn phết. Những cuộc đấu đá, đánh phá hay thanh
toán lẫn nhau xảy ra thường xuyên, nhưng không được để cho dư luận bên
ngoài hay biết. Ai vượt lằn ranh đỏ này, tương lai và sự nghiệp coi như
mất trắng. Trong quá khứ đã có rất nhiều người chết đột ngột vì "trúng
gió” hay bị "tai nạn” máy bay và xe hơi, một số phải về hưu non trong
ngậm ngùi. Chính vì thế, mọi người đều đề phòng mọi người, không ai tin
ai và cũng không ai nghe ai. Những phe cánh, nếu có, chỉ là những kết
hợp giai đoạn để đối phó với một đe doạ chung, và phần lớn đều vì quyền
lợi. Mà quyền lợi ở đây đôi khi rất nhỏ nhen, như một căn nhà, một căn
phố ở một nơi có trị giá kinh tế cao, hay một chức vụ có thể mang lại
nhiều bổng lộc riêng.
Trở về nhân sự đại hội, nếu quan sát kỹ, người ta thấy từ năm 2009 đến
nay đã có những tiết lộ về đời tư hay thành tích của một số nhân vật
lãnh đạo được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong
và ngoài nước. Cụ thể hơn, đó là những tin tức liên quan đến những nhân
vật cao cấp nhất trong bộ chính trị, đặc biệt là những người đã hoặc sẽ
nắm các chức vụ tổng bí thư đảng, thường trực bộ chính trị, chủ tịch
nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, tổng tư lệnh quân đội, bộ trưởng
công an và các chức vụ quan trọng khác.
Không phải tình cờ dư luận trong và ngoài nước được dịp trầm trồ hay
ganh tị với sự xa hoa của những cấp lãnh đạo cao nhất nước. Chỉ những
người làm việc trong nội bộ đảng mới có cơ hội chụp ảnh, quay phim và
biết rõ về đời tư của từng cán bộ cao cấp nhất trong đảng và nhà nước.
Chẳng hạn như hình ảnh nhà thờ họ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên
đường Nguyễn Trung Trục tại thị xã Rạch Giá (Kiên Giang), nhà nghỉ mát
của con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hòn Chồng (Nha Trang), tin tức
về con trai của ông du học bên Mỹ, v.v. Nhưng sững sờ nhất khi xem
những băng video Youtube về trình độ kém cỏi của chủ tịch nước Nguyễn
Minh Triết trên các diễn đàn quốc tế được phổ biến rộng rãi trên mạng
internet, ai cũng lắc đầu tặc lưỡi chán ngán cho trình độ của người đại
diện quốc gia. Cũng may là trong đại hội đảng lần thứ 11 sắp tới, đương
kim tổng bí thư Nông Đức Mạnh muốn ngưng cộng tác nên những đối thủ của
ông đã không khai thác và làm rùm beng lý lịch, tài sản và những hoạt
động phi chính trị của ông tại nơi sinh quán.
Qua những tiết lộ trên, từ giữa năm 2009, uy tín và uy thế của hai ông
Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng trong đảng xuống rất thấp. Người
ta cho rằng hai ông được đỡ đầu nên mới mau thăng quan tiến chức và nắm
giữ những địa vị cao nhất trong đảng và nhà nước. Người đỡ đầu là ai?
Cả nước đều biết đó là cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, cụu tổng bí thư Đỗ
Mười và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Có người còn nói hai ông là con ruột
chứ không phải con đỡ đầu của đại tướng Lê Đức Anh, v.v. Nhắc đến Lê
Đức Anh, mọi đảng viên đều kính nể vì ông là một vị tướng xông pha trên
các chiến trường, đã từng đứng trước lằn tên mũi đạn. Tiếng nói của ông
do đó rất có trọng lượng.
Thật ra nếu không có bộ ba Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, không
biết tình trạng đấu đá giữa những đảng viên miền Nam và miền Bắc trong
nhiệm kỳ đảng lần thứ 10 vừa qua đã như thế nào. Nhưng qua sự đỡ đầu
này, tất cả những chức vụ cao nhất và quan trọng nhất đều nằm trong tay
người miền Nam: chủ tịch nước, thủ tướng, thường trực bộ chính trị, bộ
trưởng công an, phó thủ tướng đặc trách nội chính, một số tướng lãnh
trong quân uỷ, v.v.
Nhưng Lê Đức Anh năm nay đã 90 tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều.
Đồng minh của ông là cựu tổng bí thư Đỗ Mười tuổi đã cao và cũng gần
đất xa trời. Ông Võ Văn Kiệt thì đã ra đi vĩnh viễn từ giữa năm 2008.
Trước những ngôi sao đang lu mờ này, nhiều thành phần đảng viên cao cấp
miền Bắc công khai ngắm nghé những chức vụ cao nhất trong đảng và trong
chính quyền. Nhưng đây là một trận tuyến mà mọi đối thủ sẵn sàng sát
phạt nhau không thương tiếc, ai mất kiên nhẫn và để lộ tham vọng trước
giờ G gần như đều bị loại. Nhiều người khôn ngoan hơn, cố gắng dàn xếp
âm thầm trong nội bộ, nghĩa là thương lượng với những đối thủ khác về
các chức vụ sẽ được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tới.
Lấy trường hợp của bí thư thành uỷ Hà Nội, Phạm Quang Nghị làm thí dụ.
Từ hai năm trở lại đây, ông Nghị đã có những lời nói và hành động mà
mọi người cho là muốn thay thế ông Nông Đức Mạnh để nắm chức vụ tổng bí
thư trong đại hội đảng lần thứ 11 sắp tới. Thế là một mặt trận không
tên được thành lập để đánh phá ông. Vì là bí thư thành uỷ Hà Nội, tất
cả những gì xảy ra tại Hà Nội đều liên can đến uy tín của ông, chẳng
hạn như vụ đập phá nhà thờ Thái Hà cuối năm 2008, và gần đây hơn là vụ
phá sập thánh giá tại Đồng Chiêm đầu năm 2010. Hai vụ việc này, nếu có
sai phạm, có thể giải quyết trong ôn hoà và trật tự, nhưng công an
chống biểu tình và dân quân du kích đã được gởi tới đập phá để gây
tiếng xấu cho thành uỷ Hà Nội là đàn áp tôn giáo, mà ông Phạm Quang
Nghị là bí thư. Thế là ông Nghị hết hy vọng được đại hội bầu vào chức
vụ tổng bí thư đảng khoá 11 sắp tới.
Tại những nơi khác cũng thế, tất cả những đảng viên có tiếng ở địa
phương đều ngắm nghé các chức vụ tỉnh uỷ hay thành uỷ, vì đằng sau là
những quyền lợi to lớn do mua quan bán chức hay do hoạt động kinh tế
quốc doanh và tư doanh mang lại. Tại những vùng nghèo khó hơn, như Tam
Toà tỉnh Quảng Bình, Dambri tỉnh Lâm Đồng, các cấp lãnh đạo địa phương
cố tình chiếm giữ những mảnh đất mà họ cho rằng có thể phát triển du
lịch trong tương lai, do đó đã bằng mọi cách ngăn cản không cho tu sửa
nhà thờ Tam Toà và phát triển tu viện Bát Nhã. Những bí thư tỉnh uỷ hay
thành uỷ địa phương này tha hồ làm mưa làm gió vì biết chắc rằng trung
ương sẽ không làm gì được người ta vì đang cần họ để được ủng hộ vào
các chức vụ cao hơn trong đại hội.
Cứng rắn với dân chúng để che giấu sự yếu đuối
Những chế độc tài đảng trị có một tật xấu chung là phải tỏ ra cứng rắn đối với dân chúng khi lo sợ hay yếu đuối.
Cứng rắn với những ai? Đó là những người biết suy nghĩ, dám nói lên
những ưu tư của mình về hiện tình đất nước, dám phê bình sự sai trái
của các cấp chính quyền. Nói chung, đó là những người tay yếu chân mềm,
chỉ lấy trí óc làm sức mạnh, dùng ngòi bút làm vũ khí. Đàn áp những
người này rất dễ vì họ không che giấu địa chỉ nơi cư trú và sẵn sàng bị
còng tay để vào tù.
Từ năm 2008 đến nay, chính quyền cộng sản đã bắt giữ, giam cầm và xét
xử hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến với chế độ, bất kể là
phụ nữ hay người già, sinh viên học sinh hay cựu quân nhân, cựu đảng
viên hay thành phần trí thức. Tội của những người này chỉ là dám lên
tiếng đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, yêu cầu chính quyền bảo vệ lãnh
hải và lãnh thổ, xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các hải đảo và
quần đảo trên Biển Đông. Thật ra những đòi hỏi này cũng là lập trường
của chính quyền cộng sản Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Vấn đề của
đảng cộng sản hiện nay là những gì họ nói trước dư luận quốc tế là giả
còn những gì dân chúng trong nước đòi là thật, cho nên phải đàn áp. Tội
danh mà chính quyền dùng để bắt bớ, giam cầm những người này là "tuyên
truyền chống nhà nước, hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” để sau đó
phạt tù theo bộ luật hình sự.
Những vụ đàn áp tôn giáo còn tệ hại hơn. Những tín đồ tôn giáo không hề
chống chính quyền, họ chỉ phản đối khi bị chiếm đoạt hay phá hoại nơi
thờ phượng, họ không muốn bị tước đoạt niềm tin. Nhưng các chính quyền
địa phương bất chấp, trước khi đại hội đảng khai mạc vào đầu năm 2011
đây là cơ hội để họ tự tung tự tác để chiếm hữu tài sản và đất đai của
nhà chùa và nhà thờ. Họ còn đem công an đến bao vây và quay phim. Để
tránh bị mang tiếng đàn áp tôn giáo, họ còn đem xe đến chở những thành
phần bất hảo, những tệ đoan xã hội bị công an khống chế để được tự do
sinh hoạt bất hợp pháp, đến dẹp. Tình trạng này tương tự những vụ đấu
tố thời kỳ Cải cách ruộng đất những năm 1953-1956, chính quyền vận động
những thành phần bất hảo đến tố cáo, chửi bới, đánh đập và kết án những
thường dân vô tội. Một hành động ném đá giấu tay mà chỉ những kẻ gian
manh hay nhát gan mới làm.
Rất nhiều cán bộ và đảng viên đã rất muốn ra tay ngăn cản hay bênh vực
những nạn nhân xấu số kia, nhưng đa số đều bỏ cuộc vì sợ mất đặc quyền
đặc lợi. Những hành động này có thể thấy qua những góp ý trên mạng
internet sau những bài phóng sự hay tường thuật về các vụ giải tán biểu
tình và xử án trong các phiên toà được phổ biến trên các đài phát thanh
Việt ngữ ở hải ngoại.
Một hiện tượng trấn áp khác là gần đây các trang nhà (homepage) trên
mạng (website) của những tổ chức đối lập hay văn hoá đều bị đánh phá.
Có trang nhà còn bị cướp luôn tên miền (domain) như
Danchimviet, Osin, Bauxite.
Nhiều trang nhà khác bị phá hoại thường xuyên. Chính quyền cộng sản
Việt Nam, qua Tổng cục an ninh nội địa và Cục kỹ thuật nghiệp vụ ngoại
tuyến của Bộ công an, đã ráo riết sử dụng những phương tiện hiện đại dò
tìm mã số để xâm nhập và xoá những bài viết bất lợi cho chính quyền,
hay chép nội dung của chính quyền vào trang nhà như trường hợp của
Saigonbao.com để bôi nhọ. Mỗi ngày, bộ phận dò tìm mã số tự động của bộ công an tấn công liên tục những trang nhà đối lập với chế độ.
Thế cờ đang đảo ngược
Trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ này, trung ương đảng cộng sản
Việt Nam không muốn người ngoài can thiệp vào, kể cả những thế lực nước
ngoài. Những ai tin rằng có sự nhúng tay của Bắc Kinh vào việc chọn lọc
người vào những chức vụ cao trong đảng cộng sản Việt Nam là không đúng.
Khuynh hướng chống Trung Quốc rất mạnh và Bắc Kinh biết rất rõ điều này
vì gián điệp của họ có mặt khắp nơi trong guồng máy đảng và nhà nước.
Điều mà Bắc Kinh có thể áp dụng được là ve vãn những cấp lãnh đạo đảng
cộng sản về sự hợp tác song phương và gác lại những tranh chấp trên
Biển Đông, ít nhất cho đến ngày danh sách nhân sự mới của ban chấp hành
trung ương đảng cộng sản Việt Nam được công bố. Đây là giai đoạn mà
những ứng cử viên vào các chức vụ cao, không còn bị ràng buộc vào những
quan hệ với Trung Quốc, tha hồ vận động.
Trong cuộc vận động này, có hai nhóm tích cực nhất. Đó là nhóm của
đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhóm của đại tướng Phùng Quang
Thanh trong quân đội. Trên các trang nhà do chính quyền cộng sản phát
đi, hình ảnh và các bài viết về thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện
khắp nơi. Hôm nay ông có mặt ở hội nghị thượng đỉnh này, ngày mai ở hội
nghị quốc tế kia, ngày nọ đến vùng này, ngày kia họp báo ở thủ đô, v.v.
Sự hiện diện thường trực của ông che lấp sinh hoạt của những nhân vật
khác. Không ai biết những ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết ở đâu và
đang làm gì. Ông Trương Tấn Sang một thời được dư luận dự đoán sẽ giữ
chức tổng bí thư thay ông Nông Đức Mạnh biến mất trong hậu trường.
Những mầm non đang lên như Nguyễn Văn Chi, Tô Huy Rứa cũng im bặt. Báo
Công An cũng
chỉ đăng tin về thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều tin đồn đảng cộng sản
Việt Nam, bắt chước đảng cộng sản Trung Quốc, sẽ kết hợp chức vụ tổng
bí thư đảng và chủ tịch nước thành một để có tiếng nói mạnh hơn, mà
Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều triển vọng nhất.
Cái mới của đại hội sắp tới là sự hiện diện đông đảo của quân đội trong
các chức vụ cao nhất. Ngay từ bây giờ, trên trang nhà của báo quân đội
điện tử, người ta thấy hôm nay ông tướng này đi thăm vùng biên giới
này, ngày mai ông tướng nọ đi thăm hải đảo kia, v.v. Đó là chưa kể
những tin tức và hình ảnh đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc
phòng, đi khắp nơi trên thế giới để vận động hợp tác quân sự. Điều này
cho thấy phe quân đội trở nên tích cực hơn trong nội bộ đảng cộng sản,
nhất là sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố đặt mua một số lượng
vũ khí chiến lược hiện đại lớn nhất từ Nga.
Trong những ngày sắp tới, dư luận có thể tiên đoán một liên minh giữa
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chính phủ và đại tướng Phùng Quang
Thanh trong quân đội để nắm quyền lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong
đại hội đại biểu toàn quốc sắp tới.