Thứ Ba, 2025-01-21, 6:17 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Giêng » 16 » Chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc?
1:08 PM
Chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa
Theo VietBao

Quân Đội Đảo Chánh? Trí Thức Bần Thần?

Chúng ta đã vào những ngày cận Tết Nhâm Thìn, mà người Hoa thì không quen đùa giỡn kiểu Tây phương về tin vịt vào ngày mùng một Tháng Tư (trò vui gọi là "Cá Tháng Tư”). Trong hoàn cảnh đó, có hai tin rất lạ khiến người ta phải hỏi rằng chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc?

Dù không dễ vì chế độ kiểm duyệt thông tin, người viết xin cố theo thứ tự trước sau – mà chưa chắc thấy ra tương quan nhân quả – để tường thuật vào buổi cuối năm, trước khi ăn Tết!
Tuần qua, giới phân tách tình hình Trung Quốc phác giác dấu hiệu của 1) một âm mưu đảo chánh quân sự trong những ngày đầu năm dương lịch và 2) sự bất mãn của giới trí thức trong đảng qua một vụ thủ tiêu phúc trình. Xét về nội dung vấn đề, chuyện thứ hai mới là biến cố đáng chú ý và có khi phản ảnh nhiều mâu thuẫn còn gay gắt hơn ngay trên thượng tầng chính trị của Trung Quốc, mà họ gọi là "bẫy xập cải cách”.
Vì vậy, dù biết rằng người người đều bận bịu với chuyện tết nhất, bài này vẫn ghi lại một số chi tiết có khi báo hiệu sự lạ trong năm Nhâm Thìn.

***

CHUYỆN ĐẢO CHÁNH

Hôm Chủ Nhật mùng tám, một bài tường thuật trên mạng lưới của giới phân tách chuyện Trung Quốc cho biết vài chi tiết sau đây.

Gần Tết Dương lịch, các sĩ quan của hai đơn vị Không quân bị câu lưu vì nghi ngờ là liên hệ đến một âm mưu đảo chánh. Cùng lúc đó, một tiềm thủy đĩnh nguyên tử đang tuần duyên ngoài khơi được khẩn lệnh phải trở về căn cứ vì trên boong có nhiều sĩ quan dính dáng đến âm mưu đó.

Chưa thấy nội dung bài tường thuật được các nguồn tin khác xác nhận, nhưng dường như chuyện âm mưu này lại phản ảnh sự kiện là vào tháng 12, Đại tá Hải quân Đàm Lâm Thuật (Tan Linshu) bị tống giam vì tội danh là "phá hoại”.

Thoạy kỳ thủy, ít ai tin rằng một vụ đảo chánh quân sự có thể xảy ra tại Trung Quốc, nơi mà từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, đảng vẫn lãnh đạo quân đội. Theo lý luận Mao Trạch Đông, quân đội chỉ là khẩu súng trong tay đảng.

Nhưng cũng thời Mao, Thống chế Lâm Bưu đã từng lập kế hoạch đảo chánh để lên làm lãnh tụ, và bị mất mạng vào Tháng Chín năm 1971 vì mưu thuật phản đảo chánh của Mao. Thế rồi, trong vụ khủng hoảng Thiên an môn vào năm 1989, khi nội bộ lãnh đạo có sự bất nhất, Đặng Tiểu Bình hết tin tưởng vào các tư lệnh quân sự tại thủ đô mà phải kín đáo tìm viện binh ở nơi khác  vào Bắc Kinh nã súng dẹp loạn.

Khi ấy, nếu các tư lệnh quân khu mà cùng lắc đầu thì tình hình Trung Quốc đã xoay về đâu?

Chi tiết thứ hai là các lãnh tụ cách mạng, từ Mao đến Đặng Tiểu Bình, đều là sĩ quan cao cấp của Giải phóng quân Trung Quốc và thời lập quốc thì quân đội và đảng quả thật là một. Qua thế hệ lãnh đạo thứ ba và thứ tư, cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều là đảng viên dân chính, dù có làm Chủ tịch của hai cơ chế chỉ đạo quân đội có cùng một tên là Quân ủy Trung ương, trong đảng và guồng máy nhà nước.

Khi lên lãnh đạo – sau vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989 – Giang Trạch Dân vừa khéo mua chuộc các tướng vừa đẩy lui ảnh hưởng của quân đội. Ông bãi bỏ hệ thống quân doanh – cơ sở kinh doanh của tướng lãnh – nhưng đền bù bằng ngân sách quốc phòng và nhiều dự án hiện đại hóa quân đội. Đáng chú ý nhất là kể từ năm 1997 trở đi không sĩ quan nào được ngồi vào cơ chế quyền lực tối cao là Thường vụ Bộ Chính trị.

Lâm thế yếu ngay từ đầu do ảnh hưởng quá mạnh của "cánh Thượng Hải” và tay chân thân tín còn lại của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào nương tựa vào hậu thuẫn của tướng lãnh và từ đó quân đội đã có thêm sức nặng trong nhiều chọn lựa mang tính chất chiến lược về đối ngoại.

Việc Hồ Cẩm Đào bị lúng túng đầu năm ngoái khi đón tiếp Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mà không biết gì về vụ thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình ("Tiêm kích J-20″) không là tin đồn. Người nói đến trạng thái lạc lõng ấy của họ Hồ là chính ông Gates, trước đây từng chỉ huy cơ quan CIA!

Ngày nay, khi thế hệ lãnh đạo thứ tư – Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc cùng Ôn Gia Bảo… – sẽ chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ năm, tầng lớp lãnh tụ đang lên cũng trông cậy nhiều hơn vào hậu thuẫn của quân đội và các tướng. Họ là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Bạc Hy Lai, v.v… Đa số là con cháu công thần và có quan hệ gắn bó với nhiều tướng lãnh cũng thuộc nòi cách mạng, trong "Thái tử đảng”.

Dù bản thân hay cha mẹ có là nạn nhân của Mao và cuộc Đại văn cách đẫm máu ngày xưa, thành phần thái tử đỏ này vẫn gắn bó với chế độ, và chuẩn bị toả sáng.

Chúng ta đang ở giữa giai đoạn chuyển giao đó, cho đến Đại hội 18 vào Tháng 10 tới đây và trong những tháng kế tiếp, khi lãnh tụ dân sự phải củng cố ảnh hưởng trong cả ba cơ chế là đảng, nhà nước và quân đội: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước và cầm đầu Trung ương Quân ủy hội.

Nhưng dù sao sự kiện các tướng đang có trọng lượng cao hơn vào lúc chuyển quyền này cũng không thể giải thích được một âm mưu đảo chánh của quân đội.

Khi ấy, ta chỉ có thể đưa ra hai giả thuyết về tin đồn đảo chánh.

Một là nhiều sĩ quan cao cấp trong hai quân chủng ưu tú và tiên tiến về kỹ thuật là Hải quân và Không quân đã có dấu hiệu sốt ruột. Họ muốn tăng cường thế lực quân sự của Trung Quốc nên có gây va chạm với lãnh đạo dân sự qua một số quyết định liều lĩnh. Cho nên, họ được gián tiếp nhắc nhở về kỷ luật và phương châm sinh tử: đảng mới lãnh đạo quân đội!

Tức là lãnh đạo đảng cũng sốt ruột vì sự sốt ruột của một số tướng tá!

Giả thuyết thứ hai, ly kỳ không kém, là lãnh đạo đảng đang gặp mâu thuẫn nặng nên ai đó đã nhân cơ hội tung tin đồn để gieo thêm sóng gió bên trong. Khi các lãnh tụ dân sự đều chật vật xoay trở với bài toán kinh tế quốc dân và những tính toán chính trị cho Đại hội 18, loại tin đồn như vậy là điều cực bất lợi cho cả chế độ.

Phải chăng, đó là "Hội chứng Titanic”?

Đúng trăm năm trước, "du-thuyền-vĩ-đại-không-thể-chìm-nổi” là chiếc Titanic bỗng nhiên bị một lỗ toang hoác vào giữa đêm. Và mất nhiều ngày hấp hối.

Hãy tưởng tượng là vào lúc thập tử nhất sinh, ở boong trên cùng, Thuyền trưởng và đại diện thủy thủ đoàn cùng chủ đầu tư, tổng quản trị và trưởng ban giao tế (vụ "lễ tân” kiêm tuyên truyền và quảng cáo!) bỗng dưng cãi vã om xòm – và có kẻ tung tin nhảm! Còn các du khách hạng sang ở dưới thì bận giành ghế trong tiếng nhạc tiếng pháo tưng bừng! Hoả châu lại tưởng pháo bông.

Hay ngược lại!

***

CHUYỆN BẪY XẬP

Chúng ta bước qua chuyện thứ hai, lần này thì không phải là tin đồn nữa.

Cũng hôm Chủ Nhật mùng tám (khi xuất hiện bài tường thuật về âm mưu đảo chánh), nhóm Nghiên cứu Phát triển Xã hội của Phân khoa Xã hội học trong Đại học Thanh Hoa công bố phúc trình "Thăng tiến Xã hội”. Chủ nhiệm công trình khảo cứu này là Giáo sư Xã hội học Tôn Lập Bình.

Đáng chú ý nhất, họ Tôn là học giả của chế độ, cố vấn của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người có đầy hy vọng ngồi ghế chủ tịch sau Đại hội 18.

Hôm đó, tờ Thanh niên Nhật báo tóm lược nội dung bản phúc trình của Đại học Thanh Hoa và đưa lên trang nhà. Sau đó, nhiều tờ báo điện tử khác, kể cả Nhân dân Nhật báo, cũng niêm yết bài tóm lược. Nhưng chỉ mấy tiếng sau thì ai đó đã hô "biến”. Và ngần ấy bài ở ngần ấy nơi đều cùng biến mất!

Chuyện gì đã xảy ra?

Cho đến nay, chưa thấy ai nói đến hoặc phiên dịch cả bản phúc trình hình như là tội lỗi đó, người ta chỉ kịp bắt lấy một phần của bài tóm lược – mà cũng đủ nhức đầu!

Dù là cận Tết, ta cần ngược dòng lịch sử để hiểu ra vài khái niệm được bài tóm lược này trình bày.

Khi đảo ngược tình hình và tiến hành cải cách kinh tế từ đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình được ngợi ca là thực tế và quả cảm lần chân xuống nước để tìm các tảng đá vững mà bước qua sông. Thành ngữ "qua sông” hay "quá hà” là nói đến việc tìm hướng thay đổi mà không chết đuối.

Báo cáo của Giáo sư Tôn Lập Bình nói đến nỗi sợ… "không dám qua sông” – "bất tưởng quá hà”. Mà không dám vượt sông khi đã ở giữa dòng thì nhiều phần sẽ chết đuối. Vì rơi vào thế "chuyển hình hãm tịnh”, nôm na là lọt "bẫy xập của sự chuyển tiếp”. Đó là tựa đề của bài tóm lược.
Sau đó là một bản cáo trạng!

Qua ba thập niên, Trung Quốc đã có 10 năm cải cách, 10 năm úp mở rồi 10 năm sau cùng – trùng với thập niên đầu của thế kỷ 21 – là thập niên củng cố. Nhưng là củng cố đặc quyền đặc lợi của những tập đoàn quyền lực mà bản báo cáo gọi là "ký đặc lợi ích tập đoàn”. Bây giờ, xứ này bị nguy cơ rơi vào bẫy xập!

Giới kinh tế quốc tế thì nói đến bẫy xập của các nước đang phát triển khi đạt lợi tức đồng niên ở mức trung bình mà không vượt lên được và còn tuột vào khủng hoảng. Nhóm nghiên cứu xã hội của Đại học Thanh Hoa nói đến cái bẫy khác: việc cải cách khựng lại và đẩy lui.

Nguyên do chính là sức cản của các tập đoàn lợi ích để xứ sở đình đọng trong trạng thái họ gọi là "hỗn hợp”, hầu chiếm lĩnh tối đa đặc lợi. Hậu quả là những biểu hiện dị hình về phát triển kinh tế xã hội và những vấn đề tích lũy về kinh tế và xã hội.

Vì không là sự phán đoán của thế giới bên ngoài mà là của người trong cuộc, chúng ta nên chú ý đến lối phân tách này.

Lập luận của phúc trình là từ đã lâu, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến khảo hướng tiệm tiến của cải cách – thận trọng như người khoắng chân tìm đá dưới sông rồi mới tiến từng bước. Ngày nay, phép tiệm tiến đó có nguy cơ đưa cải cách vào bẫy xập vì từng bước tạo cơ hội trục lợi cho một số người khiến họ trì hoãn, và còn định chế hóa – chữ của bản phúc trình là "định hình hóa” – hệ thống truy tìm đặc lợi.

Nghĩa là các tập đoàn lợi ích không muốn nhấc chân ra khỏi những tảng đá vững chắc của chế độ đặc lợi nên chẳng những trì hoãn mà còn đẩy lui việc cải cách! Và đẩy xứ sở vào bẫy xập….

Bản báo cáo còn nêu ra và phân tách năm triệu chứng của bẫy xập.

Triệu chứng đầu tiên là tình trạng phát triển vừa xốp – không đồng bộ – vừa dị dạng! Xốp là khi tư nhân hay "động lực của dân gian” bị kềm hãm, tiểu thương và doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ bị điêu đứng, yêu cầu phát triển các tỉnh nghèo thì vẫn nguyên vẹn, thành phần bần cùng vẫn nằm dưới đáy. Trong khi ấy, kinh tế lại có những biểu hiện hiếu động và dị hình nhờ sự kích thích của nhà nước. Đó là nỗ lực ào ạt xoá và xây các công trình nguy nga vĩ đại, là việc tổ chức những sinh hoạt… hoành tráng, thậm chí tô tượng huy hoàng.

Việc thực hiện các dự án lớn lao ấy là biểu hiện của chứng bệnh gọi là "tăng lượng ỷ lại bệnh”: ỷ lại vào lượng tư bản để lập thành tích mà người ta gọi là phát triển. Nôm na là hóa dại về kinh tế!

Triệu chứng thứ hai của tình trạng sập vào bẫy là người ta hoài nghi sự cải cách. Người ta ở đây không chỉ là một số lãnh đạo mà cả quần chúng. Bản báo cáo phân tách hiện tượng lạ này như sau: nếu chỉ có một thiểu số cưỡng chống việc chuyển hướng trước sự khát khao của đám đông thì vấn đề tương đối còn dễ.

Khó khăn ở đây là các tập đoàn đặc lợi đã định chế hóa chế độ mập mờ hỗn hợp này và nhân danh cải cách để trục lợi. Kết quả là họ biến chuyện cải cách thành một quái thai dị hình – và sơ cứng vì được định chế hóa – khiến cho ngày càng có nhiều người bị dị ứng với cải cách và chuyển hóa!

Một thí dụ được nêu ra trong bản phúc trình là chế độ bảo hiểm y tế – mà người viết xin miễn nhắc tới vì còn nêu ra triệu chứng thứ ba của bẫy xập.

Không chỉ có nạn cải cách bị sơ cứng mà cả xã hội cũng bị sơ cứng trong trạng thái phân cực đầy bất công. Người ta đã định chế hóa bất công xã hội!

Bản báo cáo nói đến sự phân cực trong xã hội giữa thiểu số "cừu phú” – mà ta có thể hiểu là "trọc phú” theo quan niệm phổ biến của mình – và bọn bần cùng bị nghi ngờ ở dưới, họ gọi là "hiềm bần”. Khía cạnh thứ hai của trạng thái bất công đó là sự tuyệt vọng của nhiều thành phần xã hội, như nông dân, dân công (người lưu tán kiếm việc ở nơi khác) và những kẻ cùng khốn ở dưới đáy tầng xã hội. Vì vậy mà xung đột lại càng dễ bùng nổ.
Nhưng phần phân tách xã hội của bản nghiên cứu có chi tiết còn đáng chú ý hơn thế. Đó là mặc dù kinh tế có tăng trưởng và mức sống có cải tiến, xã hội Trung Quốc đang có trạng thái bạc nhược và mất năng động tính. Chẳng lẽ quần chúng của đảng lại tuyệt vọng đến vậy?

Triệu chứng thứ tư là tinh thần và chánh sách thận trọng đến bại xuội vì phản ứng cầu an. Nói cho dễ hiểu là muốn bảo vệ sự ổn định, người ta kịch liệt đến tê liệt vì đánh giá sai biến động của kinh tế thị trường và động loạn hay mâu thuẫn xã hội. Có lẽ phần phân tách này mới là lý do khiến bản báo cáo bị thủ tiêu!

Từ nhiều năm nay, quả là mâu thuẫn xã hội có gia tăng, một phần là do những biến động của kinh tế thị trường, mà phải chăng lãnh đạo không hiểu, và dù sao cũng không thể đe dọa nền móng của chế độ. Nhưng nhiều người – hàm ý lãnh đạo chính trị – lại suy xét sai và dựng lên ảo giác bất ổn. Mượn lại một thành ngữ y học của Trung Hoa, chúng ta có thể nói đến hiện tượng "huyết biến vi tà”, máu huyết có bệnh nên nhìn đâu cũng thấy ma.  Và lại mượn một thành ngữ của Tây, "chính là sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ”, một số đảng bộ địa phương đã quá sợ mất ổn định mà ra tay đàn áp người khiếu kiện, kẻ biểu tình, hoặc thẳng tay giải tỏa chung cư, giải tán cư dân. Đó là triệu chứng thứ năm.

Nó cho thấy đảng bị tuột tay. Quyền lực mù quáng khiến xã hội không cón có thể duy trì được công lý và sự công bằng. Kết quả là xã hội bị tụt đáy, luân lý suy sụp và hiện tượng phổ biến là người ta mất dần tính chất chuyên nghiệp và nhất là mất đạo tắc, quy tắc đạo lý, trong nghề nghiệp!
Xuất phát từ thành phần trí thức của chế độ, bản báo cáo có nội dung của một cáo trạng xã hội, nhưng cũng xoi thẳng vào một vấn đề chính trị.

Chế độ hiện hành đang đẻ ra một thành phần "quan đảo”, nói cho dễ hiểu là quan lại ăn cướp!

Xin tạm kết về lời phê phán của giới trí thức nay đã bần thần về tương lai: mô hình Trung Quốc kết hợp kinh tế thị trường với quyền lực chính trị.

Kết cục là tầng lớp "quan đảo” có quyền lực chính trị đã thẳng tay trục lợi trong hầu hết mọi lãnh vực kinh tế – và làm xã hội bị suy đồi…

***

Ăn Tết xong, có khi ta tìm hiểu xem các chuyên gia Trung Quốc đề nghị những gì trong báo cáo mà lại bị kiểm duyệt. Trong bốn loại biện pháp được gọi là cần thiết và không thể tránh lại có rất nhiều điều cấm kỵ. Cũng nguy hiểm như khi họ rờ vào cái vẩy ngược của con rồng!

Nhưng, sự kiện những người có súng hoặc có óc lại cùng nhúc nhích vào buổi đầu năm khiến ta nên đặt câu hỏi rất thời sự là: "chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc?” Dù chưa ai biết được câu trả lời, người Việt mình cũng nên nhân đó nghĩ lại xem. Rằng đấy có là cơ hội giải ảo cho Hà Nội hay chưa?

Còn lời chúc đầu năm là gì thì có lẽ người Việt nào cũng biết: đừng xếp hàng sau Trung Quốc rồi cũng không dám mò chân xuống nước để tìm ra con đường sáng cho đất nước.

Category: Quốc Tế | Views: 1866 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 15
Khách: 15
Thành Viên: 0