Đinh Từ Thức
Theo kể lại của những người tận mắt
chứng kiến cảnh Tết ở Việt Nam, từ lâu rồi, vẫn có lệ, nhiều biểu ngữ
được chăng khắp nơi vào dịp Tết, với bốn chữ: "Mừng Đảng Mừng Xuân”.
Mừng Đảng trước, mừng Xuân sau. Đảng quan trọng hơn Xuân. Chẳng hiểu lệ
này còn không. Nhưng theo dõi Tết trên Net năm nay, có một hiện tượng
khá đặc biệt, là nhiều người, cả đảng viên cao cấp, cựu đảng viên và
người ngoài đảng, đã đả kích Đảng khá nặng nề vào dịp mừng Xuân. Khiến
cho Mừng Đảng Mừng Xuân thành Đả Đảng Mừng Xuân.
Mười ngày trước Tết, là kỷ niệm 80 năm
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3 tháng 2). Nhân dịp này, Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh đã lên tiếng ca tụng thành tích của Đảng, và đồng thời
khẳng định rằng Đảng sẽ ngăn chặn không cho các thế lực thù địch lợi
dụng dân chủ và nhân quyền phá hoại cách mạng của dân tộc.
Nhưng, theo hãng AFP, những người phê
phán hiện nay đã cho rằng chính các lãnh đạo Việt Nam là tác nhân bóp
méo di sản của cách mạng khi sử dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân
và làm tổn thương nền độc lập của đất nước bằng việc kết thân với Trung
Quốc.
Theo Earth Times India Online ngày
4 tháng 2, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu đã viết một bài
trên báo quốc doanh hôm 4 tháng 2, phê bình Đảng "tham nhũng, quan liêu
và có ý thức hệ cá nhân”. Ông viết "Đảng không nhận ra là lòng tin của
dân vào đảng và nhà nước đang xuống dốc trầm trọng vì các viên chức nhà
nước và đảng viên không thể làm gương về đạo lý và trí tuệ.”
Một nhân vật quan trọng khác là Thiếu
tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm
1974 đến năm 1989, hiện vẫn còn sinh hoạt đảng, đã nói với AFP rằng:
”Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng ba triệu đảng viên, nhưng
họ không còn sức mạnh, uy lực và lòng tin như trong quá khứ”. Theo ông
Vĩnh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng Cộng sản không có bao
nhiêu người nhưng đã đủ sức lãnh đạo cuộc nổi dậy và giành lại được độc
lập. Cùng với một số người khác, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng người
dân đã mất đi nhiều sự tin tưởng đối với Đảng vì cho rằng giới lãnh đạo
hiện nay quá mềm mỏng trước Bắc Kinh.
Trong khi ấy, cựu Đại tá Bùi Tín từ
Paris đã trả lời Aude Genet, trưởng phòng AFP tại Hà Nội về vai trò và
vị trí của Ðảng CSVN trong lịch sử Việt Nam, rằng:
Đảng CSVN có vai trò lãnh đạo cuộc đấu
tranh giành độc lập, lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, đã thực hiện thống nhất đất nước, nhưng mặt khác – mặt này ít
được chú ý vì bị họ che giấu kỹ – là đã buộc nhân dân phải trả bằng cái
giá quá cao bằng sinh mạng, hàng triệu người chết (phần lớn là thanh
niên cường tráng tuổi hoa niên), và hàng vạn đồng bào người Việt yêu
nước trong các đảng phái chính trị khác bị họ thủ tiêu.
Đã vậy, sau hoà bình và thống nhất,
Ðảng CS đã bỏ qua cơ hội hoà hợp hoà giải dân tộc để xây dựng đất nước
phồn vinh. Đây là thất bại nặng nề nhất, bi thảm nhất, tệ hại lâu dài
nhất. Họ đã nhân danh các "trại cải tạo”, trả thù, bỏ tù đày đoạ 20 vạn
sỹ quan viên chức chế độ cũ, phân biệt đối xử theo tư duy hận thù, tạo
nên bi kịch hàng triệu thuyền nhân, với không biết bao nhiêu người chết
thê thảm trong biển cả.
Họ còn diệt trừ tư sản công thương
nghiệp, diệt trừ nông dân cá thể, cưỡng bức tập thể hoá, tàn phá tận
gốc nền sản xuất xã hội, rồi mới buộc phải đổi mới.
Trong khi ấy, nhạc sĩ Tô Hải, cựu đảng viên đang sống ở Sài Gòn, viết trên blog của mình:
"Chúng tôi, những người nay đã ở tuổi
ngoài 80 là phải sống hèn suốt gần 20 năm, thấy Đảng sai, thậm chí có
tội với lịch sử nhưng vẫn cứ phải răm rắp làm theo, viết theo để lo cho
"nồi cơm của vợ con” (Nguyễn Khải), lo cho số phận chẳng biết vào tù
hoặc đi cải tạo bất cứ lúc nào, nên suốt cả cuộc đời toàn là viết ra
một đống "táp nham chẳng có một xu giá trị văn chương nghệ thuật”
(trích Nguyễn Khải trong Đi tìm cái tôi đã mất, nghĩa là viết
trái ngược với bộ óc và trái tim mình để tồn tại, thậm chí ca ngợi cả
những kẻ đã giết bố mình là "đã cho mình một mùa xuân” là đã làm mình
"sáng mắt sáng lòng!” Tình trạng nghĩ một đằng viết một nẻo hiện nay
vẫn còn, còn nhiều, nhiều lắm…”
Rồi đến nhà văn Phạm Đình Trọng, trong thông báo quyết định bỏ đảng, viết:
"Nhưng giành hết chiến thắng của dân
tộc về đảng, những người Cộng sản trở nên kiêu ngạo, tự mãn, lại càng
tự tin vào tín điều Cộng sản! Lại say sưa đấu tranh giai cấp! Lại cải
tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh! Lại hủy hoại khối lượng lớn của
cải, làm tan hoang những cơ sở vật chất của một nền sản xuất công
nghiệp tương đối phát triển! Lại hận thù dân tộc, đẩy hàng vạn người đã
tham gia chính quyền cũ vào những trại cải tạo, gây chia rẽ, li tán
trong lòng dân tộc! Thời cơ mất đi! Tiềm lực vô cùng quí giá để phát
triển đất nước cũng mất đi! Đất nước bị đẩy đến tận cùng quẫn bách.
Kinh tế kiệt quệ! Lòng người li tán! Thế giới cấm vận! Năm 1975, kinh
tế Việt Nam ngang ngửa với các nước Đông Nam Á thì nay tụt lại sau vài
chục năm!”
Dưới tựa đề "Đảng Cộng sản còn nợ đất
nước một lời xin lỗi”, và sau khi ghi nhận hai công lao của Đảng trong
việc lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, nhà phê
bình văn học Nguyễn Hưng Quốc viết qua blog trên VOA:
"Nhưng bên cạnh đó, đảng Cộng sản đã
vấp phải vô số sai lầm. Nhiều sai lầm đã trở thành tội ác. Trước hết là
tội giết chết hàng chục ngàn người và đày đoạ hàng trăm ngàn người khác
một cách thảm khốc và oan ức trong vụ cải cách ruộng đất trong nửa đầu
thập niên 1950. Sau đó, tội trấn áp văn nghệ và trí thức trong vụ Nhân
Văn – Giai Phẩm trong nửa sau thập niên 1950. Rồi tội tước đoạt tài sản
của dân chúng miền Nam trong cái gọi là chiến dịch đánh tư sản mại bản;
tội bắt bớ cả hàng trăm ngàn cựu quân nhân và công chức miền Nam đày
vào các trại học tập cải tạo có khi kéo dài cả chục năm; tội ban bố các
chính sách bao cấp độc đoán làm kiệt quệ nền kinh tế vốn đã què quặt
sau chiến tranh. Cuối cùng, như là hậu quả của tất cả các tội ác vừa
kể, đảng Cộng sản đã đẩy hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, trong đó,
có cả hàng trăm ngàn người phải bỏ xác trên đường vượt biển.”
Sự khốn cùng và lạc hậu kéo dài của đất
nước sau 1975 là tội của đảng lãnh đạo. Thảm cảnh vượt biên của dân
chúng cũng là tội của đảng lãnh đạo.
Trước đó, dưới tựa đề "Ngày đầu năm nhớ lại chuyện 50 năm”, nhà thơ Hoàng Hưng viết trên BBC:
"Chúng tôi là con em những gia đình 36
phố phường chấp nhận chia nhà sẻ cửa cho cán bộ kháng chiến về, miền
Nam tập kết ra, những gia đình bị quy "tư sản” chấp nhận lui vào tít
sâu bên trong những ngôi "nhà ống” nhường mặt tiền (mặt hái ra tiền)
cho hợp tác xã, công ty hợp doanh, cửa hàng quốc doanh các kiểu (để rồi
về sau sẽ biến thành nhà riêng của các cán bộ lãnh đạo những cơ sở ấy).
Trong số chúng tôi, không ít người đã
"đấu tranh” với cha mẹ mình để các cụ "khai báo thành thật” tài sản với
"đội cải tạo”, thậm chí có người "mách” với "đội” số vàng mà cha mẹ
mình chôn giấu…
Đêm ấy là một đêm khó quên. Cả hội
trường im phăng phắc chờ đợi. Từ cuối hội trường, có tiếng giày đinh
dận từng bước oai vệ từ từ tiến lên.
Ngàn con mắt đổ về: ông D. trong bộ
quân phục, ngực đỏ huân chương, đang làm cuộc "diễu binh một người” lên
sân khấu: ông chính là bí thư Chi bộ Đảng Lao Động.
Và tôi đã run rẩy vì cái vinh dự được cầm cuốn tập san của lớp lên kính dâng Đảng, qua ông.
Ngày trọng đại qua chưa lâu thì chúng tôi nhận được một cái tin rụng rời: ông D. là đảng viên giả hiệu!
Thì ra, chính trong cái đêm "Đảng ra
công khai” ấy, có một nhà báo của báo Quân đội Nhân dân đến dự đã phát
hiện bộ mặt thật của ông D.
Ông đã lấy cắp thẻ Đảng của một thương binh nằm giường bên khi người này qua đời trong quân y viện!
Ít lâu sau, chúng tôi đi dự phiên toà xử ông D. tội giả danh, lừa đảo, tiếm quyền.
Con tim trong trắng của chúng tôi đã bị hằn một vết đen như thế.
Đó là một trong những lý do khiến suốt đời tận tụy phục vụ "công nông binh” nhưng tôi không bao giờ vào Đảng!
Và hôm nay, ngày đầu năm của thập kỷ
mới, tôi hy vọng và cũng hết sức tin tưởng rằng mọi sự giả danh, lừa
đảo, tiếm quyền sẽ bị phơi trần trước tòa án dân tộc.”
Chính chúng là tội phạm đánh cắp lý tưởng sống của chúng tôi, những con người tử tế.
Trước đây cả hai thập niên, trước khi
các ông Lê Khả Phiêu, Nguyễn Trọng Vĩnh, Bùi Tín, Tô Hải, Phạm Đình
Trọng, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Hưng viết như trên, khi Đảng mới ở
tuổi 60, một bậc thầy là luật sư Nguyễn Mạnh Tường, sau khi cung hiến
cả tài sản và cuộc đời cho Đảng, nhưng từ chối vào đảng, đã viết trong
phần cuối cuốn Một người bị rút phép Thông công (Un Excommunié):
"Nhân dân có quyền đặt cho Đảng vài câu
hỏi: trước thủy triều dân chủ và tự do đang lên, tại sao các ông vẫn
cứng đầu chối bỏ thực tế và cứ bấu víu một cách tuyệt vọng vào niềm tin
lạc hậu không còn cứu vãn được nữa? Giữa chủ thuyết của các ông và
quyền lợi của Tổ Quốc và nhân dân, các ông nghiêng về phía nào? Những
đoá hoa các ông nhập cảng đang cắm trong bình đã héo tàn. Cho đến bao
giờ các ông mới hết bướng bỉnh kính mến cái xác ướp không thể hồi sinh
được nữa? Và, nhất là hãy giải thích cho dân cái lý do đích thực tại
sao các ông căm ghét chế độ đa nguyên!…”
Những lời tuyên bố rỗng tuếch và những
hứa hẹn làm bực mình vô tận, khiến người ta tự hỏi tại sao Đảng không
áp dụng cho chính mình điều mà họ từng dạy rằng "Thú tội là đã được tha
một nửa”. Làm thế nào những người cộng sản Việt có thể giải quyết xung
đột quyền lợi giữa Đảng với Tổ Quốc và nhân dân? Quyết định của các ông
về xung khắc này sẽ là cơ sở để nhân dân và Lịch Sử phán xét các ông và
Đảng của các ông.
Dư luận thấy các ông có những bước đầu
trên con đường "đổi mới”. Như thế các ông đã bắt đầu thú nhận thất bại
của mình. Nhưng các ông, cũng như phía nhân dân, có bằng lòng về giải
pháp nửa vời chỉ có tác động chữa trị trên một vài lãnh vực được định
sẵn, trong khi căn bệnh tấn công khắp cơ thể quốc gia và các cấu trúc
của nó? Các ông thích kiêu hãnh về những hy sinh lớn lao ngay cả đời
mình để vinh danh Đảng. Chủ nghĩa anh hùng của các ông có làm các ông
lùi bước trước sự hy sinh của Đảng trên bàn thờ Tổ Quốc và nhân dân?
Nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam đang chờ câu trả lời của các ông.
© 2010 Đinh Từ Thức
Nguồn: http://www.talawas.org/