CAM VŨ
Gần
đây có một đoạn phim được phổ biến trên Internet, đó là cuộc phỏng vấn
thu hình và thu thanh ông Hồ Chí Minh do một nhà báo Pháp thực hiện năm
1964. Đoạn phim ấy gây chú ý của nhiều độc giả không phải vì nội dung
của nó, mà là trình độ tiếng Pháp của ông Hồ Chí Minh.
Từ năm 1945, dân Việt Nam nghe nhiều
huyền thoại về ông Hồ. Thuở ấy tôi hãy còn bé, được người ta chỉ vào
tấm ảnh của ông và nói mỗi con mắt của ông có đến hai con ngươi (khi
lớn lên mới hiểu đó là do ánh đèn rọi vào mặt khi chụp hình). Người ta
nói ông thông thạo nhiều ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Pháp, tiếng Anh,
tiếng Nga, tiếng Tàu. Người ta nói ông tên là Nguyễn Ái Quốc, không vợ
không con, thánh thiện như một ông thánh. Người ta nói ông là một nhà
báo có tài, trong thời gian ở Pháp đã viết nhiều bài báo bằng tiếng
Pháp để tố cáo chế độ thuộc địa của Pháp ở nước ta. Và từ khoảng hai
mươi năm trước đây cho đến nay, người ta còn nói ông là một nhà tư
tưởng, với cụm từ "tư tưởng Hồ Chí Minh” được lặp đi lặp lại không
ngừng trong báo chí sách vở của chế độ cộng sản Việt Nam.
Cộng sản là một chế độ toàn trị, sự
sống của chế độ dựa trên hai yếu tố chính: bạo lực và dối trá. Bạo lực
là sẵn sàng tiêu diệt những ai không đồng ý với mình, còn dối trá là
tạo một màn lưới tuyên truyền rộng khắp và duy nhất để chỉ lặp đi lặp
lại nhồi vào sọ của dân chúng những điều do đảng chế ra, bất chấp sự
thật. Thảm cảnh của giết chóc và dối trá thì quá nhiều, chất cao như
núi tại khắp các quốc gia bị cộng sản cai trị kể từ năm 1917 đến nay.
Từ khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời
cho đến thời kỳ cai trị cả đất nước, hai yếu tố bạo lực và dối trá vẫn
bám chặt lấy chế độ như một lẽ sống. Sự bắt bớ, đàn áp tiếng nói dân
chủ hiện nay như thế nào, cả thế giới đều biết. Và để biện minh cho
hành vi bạo ngược, không có cách gì khác hơn là lấp liếm và dối trá. Vì
thế mà cả nước có 700 tờ báo mà phải răm rắp tuân theo chỉ thị của một
tổng biên tập, là đảng Cộng sản. Đó là sự dối trá được hệ thống hóa, có
chỉ huy một cách quy mô. Bản chất nguyên thủy của chế độ cộng sản, dù
qua bao biến thiên của thời đại, vẫn y nguyên tại Việt Nam.
Quay về sự huyền thoại hóa ông Hồ Chí
Minh, thì chẳng qua là dùng đúng các chiêu thức quen thuộc của phong
trào cộng sản quốc tế mà các cán bộ nòng cốt của đảng đã học từ bên
Nga. Đối với một dân tộc nhược tiểu bị nô lệ như dân tộc ta vào giữa
thế kỷ 20 thì tha hồ cho họ vẽ vời, từ một nhân vật với tất cả thuộc
tính phàm tục (trong một vài lãnh vực, như tình dục chẳng hạn, thì rất
phàm tục nữa là khác) của con người, bằng thủ thuật tuyên truyền họ
biến thành ông thánh, thành cha già của cả một dân tộc.
Nhưng may thay, chúng ta đang ở trong
một thời đại của thông tin bùng nổ, không có sự thật nào có thể bị giấu
diếm mãi được, cá nhân ông Hồ dần dần được nhận diện trở lại cho đúng
với con người thật của ông, với tất cả cái mạnh cái yếu, cái tốt lẫn
cái xấu của một con người sống trong cõi hồng trần này. Những loại
tuyên truyền rẻ tiền kiểu như "mắt cụ Hồ có hai con ngươi” thì tự nhiên
bị quần chúng loại bỏ từ lâu rồi. Nhưng có những loại dối trá khác liên
quan đến lịch sử thì cần phải có người phanh phui tới nơi tới chốn, để
cho dân tộc và thế giới không còn bị lừa dối, mà chính vong linh ông Hồ
cũng được nhẹ nhõm vì được tháo gỡ ra khỏi những cái án gian lận từ văn
học đến chính trị, mà trước kia, chính ông hay tay chân của ông, bất
chấp sự thật và sự lương thiện, đã bịa ra.
Loạt bài "Văn bản Nguyễn Ái Quốc” của
tác giả Thụy Khuê vừa đăng tải trên Diễn Đàn Thế Kỷ trong tháng Ba vừa
qua chính là một cố gắng làm sáng tỏ một sự dối gạt. Thụy Khuê đã dựng
lại một giai đoạn lịch sử tại đất Pháp trong các thập niên 1910 và
1920, trong đó một nhóm người Việt yêu nước đã cùng nhau hoạt động nhằm
tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Loạt bài đã làm minh bạch một
điều: cái tên Nguyễn Ái Quốc thời bấy giờ là một cái tên chung, những
người trong nhóm như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh
viết các bài báo phê phán chế độ thực dân đều ký tên chung ấy. Nhưng về
sau, Hồ Chí Minh nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, cũng mặc nhiên nhận luôn
mình là tác giả của tất cả các bài viết, và đặc biệt hơn nữa, trong
cuốn sách của Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh), tác giả tự nhận mình đã
viết cuốn Le procès de la colonisation francaise (Bản án chế độ
thực dân Pháp) xuất bản tại Paris hai năm sau khi Nguyễn Tất Thành (tên
thật của Hồ Chí Minh) đi Nga. Theo nhận xét của Thụy Khuê, Nguyễn Tất
Thành không đủ trình độ Pháp văn để viết cuốn sách cũng như các bài
báo. Điều này dễ hiểu, vì Nguyễn Tất Thành khi ở Việt Nam chưa học hết
tiểu học, khi qua Âu châu phải làm lụng để sống và hoạt động, không hề
đi học thêm, nên vốn tiếng Pháp chỉ đủ để giao tiếp bình thường chứ
không thể đủ dồi dào và tinh tế để viết sách, viết báo.
Luận cứ ấy đã được đoạn phim phỏng
vấn Hồ Chí Minh năm 1964 xác nhận. Khi trả lời nhà báo bằng tiếng Pháp,
Hồ Chí Minh đã cho mọi người thấy trình độ tiếng Pháp của mình tới đâu
(trong cuộc phỏng vấn có một người ngồi ngoài tầm ống kính thu hình để
nhắc tuồng về tiếng Pháp). Trình độ tới đâu thì hiện nguyên như thế, đó
là điều bình thường và là một biểu hiện chân thật nhất, không thể che
giấu và đánh lừa người khác. Vậy sau bao nhiêu phù phép của đảng Cộng
sản Việt Nam để gán cho Hồ Chí Minh là tác giả cuốn sách không phải do
mình viết, bên cạnh công trình nghiên cứu công phu của Thụy Khuê, đoạn
phim phỏng vấn này đã nói lên toàn bộ sự thật: với một trình độ tiếng
Pháp như thế, Hồ Chí Minh không thể nào là tác giả cuốn Le procès de la colonisation francaise.
Mời quý độc giả theo dõi hình ảnh và âm thanh cuộc phỏng vấn qua địa chỉ youtube
http://www.youtube.com/watch?v=OW4ISLg-Csw
http://www.diendantheky.net/2011/04/...ai-bai-lo.html
|
|