Thứ Hai, 2024-12-23, 8:36 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Tám » 18 » Dự luật đất đai còn nhiều tranh cãi
6:54 AM
Dự luật đất đai còn nhiều tranh cãi
2012-08-17

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chính phủ xem xét thảo luận trong phiên họp ngày 7-8/8 ở Hà Nội. Thông tin hé lộ cho thấy một số thay đổi mang tính kỹ thuật và không thể nói là có sự đột phá.

AFP

Vấn đề giải tỏa đền bù cho người dân còn gặp nhiều khó khăn khi thu hồi đất.


Tải xuống - download

Báo Tuổi Trẻ ngày 14/8 đưa lên mạng bài viết cho thấy một số nội dung của dự luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người và doanh nghiệp còn nhiều quan điểm khác nhau.

Luật Đất đai vẫn còn bất cập

Khu đô thị

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, tối 16/8 LS Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định: giá đất của Việt Nam quá đắt, giá đất ở Hà Nội có thể nói là đắt nhất khu vực châu Á. Do vậy trong Luật Đất đai các nhà làm luật muốn thiết kế một cái giá thế nào cho phù hợp. Theo lời LS Hậu, thiết kế của luật hiện hành có nhiều bất cập trong chính sách hai giá đất, thứ nhất là nó tạo ra một lợi nhuận mà người ta sẽ đầu cơ về đất. Nhà nước là người chủ sở hữu đất đai và khi giao đất không lấy tiền hoặc thu tiền rất ít, nhưng khi thu hồi phải bỏ ra một số tiền để đền bù và chính sách này đang được lợi dụng để thu lợi lớn, để đầu cơ về đất. LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:

"Trong dự thảo Luật lần này chính sách hai giá có được điều chỉnh một chút để cho người dân đăng ký giá đất với chính quyền địa phương theo khung giá nhà nước ban hành và có phương án điều tiết trong trường hợp đất thu hồi không hết, phần còn lại giá trị tăng thì phần tăng này được tính vào phần bồi thường. Tôi cho rằng điều này khó thực hiện vì người dân không chấp nhận giá có sẵn và sẽ dẫn tới khiếu kiện, còn cái giá trị tăng lên tính như thế nào cũng không đơn giản và cũng không áp dụng được trong trường hợp không bị thu hồi nhưng mà vẫn tăng giá và ngay cả với biện pháp đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu nậu sẽ lách chủ đất luôn luôn biết giấu mặt trong lãnh vực kinh doanh địa ốc.”

Nhà nước là người chủ sở hữu đất đai và khi giao đất không lấy tiền hoặc thu tiền rất ít, nhưng khi thu hồi phải bỏ ra một số tiền để đền bù và chính sách này đang được lợi dụng để thu lợi lớn, để đầu cơ về đất.

Theo LS Hậu

Theo Tuổi Trẻ Online, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố để 63 tỉnh thành góp ý, vẫn giữ nguyên tắc xác định giá đất "sát giá thị trường trong điều kiện bình thường.” Tuy vậy nhiều nơi góp ý chỉ nên qui định "xác định giá đất theo cơ chế thị trường, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn phương pháp định giá đất.”

Một số ý kiến khác cho rằng, nên bỏ khung giá đất chung cho toàn quốc và để chính quyền địa phương các cấp tự quyết định khung giá đất của mình. Trên thực tế, Nhà nước từng ban hành khung giá đất với mức giá tối đa 81 triệu đồng/m2. Trong khi đó, ở TP.HCM và Hà Nội những khu đất vàng được chuyển nhượng cao với mức giá 500 triệu đồng/m2.

Đất nông nghiệp

Luật đất đai? lực lượng công an, quân sự đã được huy động rầm rộ vào một vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng
Luật đất đai? lực lượng công an, quân sự đã được huy động rầm rộ vào một vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng hồi tháng 1/2012.
Liên quan tới đất nông nghiệp, một vấn đề được hàng chục triệu nông dân trên cả nước đặc biệt quan tâm, dự thảo Luật đất đai lần này đề xuất nới rộng hạn điền tăng thời hạn sử dụng đất. Tuy vậy các chuyên viên của Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn giữ nguyên qui định về hạn mức giao đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2003. Theo đó, mỗi gia đình, cá nhân được giao không quá 3ha đất trồng cây hằng năm, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản. không quá 10ha đất trồng cây lâu năm ở đồng bằng và 30ha ở vùng núi, trung du.

Riêng về thời hạn sử dụng đất 20 năm theo Luật Đất đai 2003 được tăng lên thành 50 năm trong dự thảo luật. Các chuyên gia giải thích việc tăng thời hạn 50 năm là nhằm giúp nông dân gắn bó với đất đai, yên tâm đầu tư sản xuất. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hay còn gọi là hạn điền được tăng gấp 10 lần hạn mức gia đất thay vì hai lần như hiện nay. Thí dụ một nông dân trồng lúa nay có thể tích góp hợp pháp 30 héc-ta thay vì chỉ được nhận chuyển nhượng 6 héc-ta như trước.

Trước thông tin về việc tăng thời gian sử dụng đất, một nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

"Thời hạn 50 năm thì cũng nới lỏng khá nhiều cho người nông dân rồi. nhưng vẫn còn chỗ là trong thời hạn 50 năm đó khi nhà nước cần thì nhà nước sẽ thu hồi và đền bù nhưng cái giá đền bù phức tạp lắm. Mình nghe thấy người ta đi khiếu kiện đông người thì mình có miếng ruộng thời hạn 50 năm cũng chẳng yên tâm cho lắm. Biết đâu trong thời hạn đó có thể nhà nước sẽ thu hồi…mình làm cứ làm thôi. ”

Thời hạn 50 năm thì cũng nới lỏng khá nhiều cho người nông dân rồi. nhưng vẫn còn chỗ là trong thời hạn 50 năm đó khi nhà nước cần thì nhà nước sẽ thu hồi và đền bù nhưng cái giá đền bù phức tạp lắm...

Một nông dân

Người nông dân này cũng tỏ ra không mấy hứng thú đối với thông tin dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tăng hạn điền hay mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 6 ha lên 30 ha đối với đất trồng lúa. Ông nói:

"Có cái khó là đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, ông chính phủ qui định làm sao thì mình phải theo vậy. Những người giàu vẫn có nhiều cách lách luật người ta vẫn làm trái luật mua nhiều ruộng đất đâu có sao …Nhà nước khuyến khích tích tụ ruộng đất dồn điền đổi thửa, tập trung được ruộng đất càng nhiều càng tốt, theo tôi đừng giới hạn diện tích người ta có tiền bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, người ta có thể thuê nhân công làm. Còn giới hạn vậy thì cũng khó, tôi nghĩ nhà nước qui định 3 ha thì miễn thuế phần mua thêm thì đóng thuế, thực tế người ta mua nhiều lắm, người thì 50ha, 60ha có người 100ha.”

LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM góp ý là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên thêm một điều khoản đặc biệt để không cản trở giấc mơ đại điền, sản xuất nông nghiệp tập trung cơ giơi hóa hiện đại hóa. Ông nói:

"Qui định hạn điền, nhưng khuyến khích những người có vốn đầu tư trang trại sản xuất kinh doanh thì không nên giới hạn. Chúng ta qui định hạn điền nhưng một số trường hợp đặc biệt họ có đủ năng lực tài chính thực sự, muốn đầu tư làm ăn thì những người này cần được khuyến khích. Cho nên trong dự thảo Luật cần có một điều qui định là trong những trường hợp như thế thì không giới hạn.”

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. RFA
Trong dịp nói chuyện với chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An mô tả tình trạng tự phát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từ vài năm nay. Các đại gia nông dân có thể sản xuất trên những cánh đồng 50 ha, 100 ha thậm chí ở Tri Tôn có người làm tới 550 ha. Nông dân đã âm thầm liên kết với nhau để thực hiện điều này, sổ đỏ của ai nấy giữ nhưng giao đất cho một nông dân có khả năng tài chánh lớn, chịu đầu tư máy móc để canh tác. Nông dân từng chủ đất nhỏ lẻ sẽ lãnh hai đầu thu nhập, tiền cho thuê đất và tiền làm công ở cánh đồng lớn vừa nêu. Theo GSTS Võ Tòng Xuân, cách làm rất hay nhưng người ta phải lách luật vì vấn đề hạn điền và để những mô hình này phát huy thì Việt Nam cần có những cải tổ.

"Cần hợp thức hóa, sắp tới đây cần sửa Luật Đất đai, sửa Hiến pháp thì những mô hình như thế sẽ trở nên hiện thực và người ta không phải giấu diếm nữa. Còn bây giờ đất đai thì giao cho ông kia nhưng giấy tờ đất ai nấy giữ nhưng trên thực tế làm một cách tập thể như thế.”

Bài toán thu hồi đất vẫn không lời giải

Nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai hiện hành được đề cập tới từ vài năm trước, nhưng nó đã trở thành thời sự nóng khi nông dân mất đất từ chỗ tập trung khiếu kiện đông người chuyển sang hình thức biểu tình hoặc cùng nhau chống lại lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Điển hình là vụ Tiếng Súng Hoa Cải của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng gây chấn động dư luận trong ngoài nước, vụ dự án Ecopark Văn Giang Hưng Yên cũng như nhiều trường hợp khác. Tất cả những vụ thu hồi đất gây phẫn uất cho người dân đều liên quan tới việc đền bù không thỏa đáng và không bảo đảm đời sống của người dân sau khi bị mất đất. LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:

"Nhà nước sẽ đúc kết lại những phần hạn chế đó để bổ sung cho những phần hạn chế đó…thí dụ bồi thường hỗ trợ tái định cư thì đất phải tốt hơn hoặc bằng đất họ đang ở, họ phải bồi thường một cách xứng đáng. Cho nên tôi cho rằng dự thảo Luật Đất đai lần này phải sửa những cái bất cập đó, chính vì phải tổng kết và sửa những hạn chế đó nên tôi cho rằng sẽ có sự tiến bộ hơn Luật 2003.”

Đất ruộng của nông dân biến thành khu nhà cao cấp giá hàng tỷ đồng. RFA/AFP(Ảnh minh hoạ)
Đất ruộng của nông dân biến thành khu nhà cao cấp giá hàng tỷ đồng. RFA/AFP(Ảnh minh hoạ)
Cập nhật thông tin, hiện nay các tác giả của bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ghi nhận hai luồng ý kiến bất đồng về cơ chế thu hồi đất. Theo đó một phía chủ trương: Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất trong tất cả các trường hợp và bán đấu giá hoặc giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án. Phía còn lại cho rằng, cần duy trì hai cơ chế thu hồi đất như hiện tại, đó là Nhà nứơc thu hồi đất và nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhương quyền sử dụng đất của người dân.

Tuổi Trẻ Online trích ý kiến giới chuyên môn nhận định rằng, phải để nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân chủ đất, nếu cấm hình thức này là vi phạm quyền của người có quyền sử dụng đất. Ngoài ra Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị một phương thực mới, theo đó trong trường hợp chủ đầu tư thỏa thuận chuyển nhượng được phần lớn đất dự án thí dụ là 80% nhưng không thỏa thuận được phần còn lại, thì Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư bằng cách thu hồi phần đất còn lại với giá bồi thường bằng giá thỏa thuận cao nhất hoặc bằng giá thị trường do đơn vị tư vấn độc lập thẩm định.

Theo thủ tục ở Việt Nam, chính phủ sẽ hoàn tất dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và chuyển lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng xin ý kiến lần chót, trước khi chuyển dự luật sang Quốc Hội thảo luận và thông qua.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 525 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0