Kami
"Đa đảng chưa hẳn là hoàn toàn tốt và độc đảng chưa hẳn đã là dở - Nhưng chính trị gia chắc chắn là kẻ không tốt”
Nhiều năm nay báo chí, sách vở Việt nam trong và ngoài nước đã tốn
kém biết bao nhiêu giấy mực và thời gian để tranh cãi vấn đề liên quan
đến đảng phái chính trị đó là "Độc đảng hay đa đảng sẽ phù hợp với nền
chính trị Việt nam”. Ngày 31/5/2010 trên Báo Quân đội Nhân dân mục Chính
luận có đăng bài "Đa đảng
hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý?”[1] của tác giả
Lệ Chi khẳng định rằng mô hình độc đảng chính trị như Việt nam hiện nay
là phù hợp với hoàn cảnh Việt nam vì sự ổn định và phát triển bền vững.
Bài viết này xin không đi sâu vào đánh giá cụ thể và chi tiết bài
viết của tác giả Lệ Chi bởi thiết nghĩ đó là vệc làm vô ích, vì truyền
thông của Việt nam hoàn toàn là tuyên truyền một chiều và chịu sự lãnh
đạo giám sát của đảng, có nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền nhằm bảo vệ
quyền lợi của Đảng CSVN. Vì vậy những bài viết thể loại chính luận như
bài viết của tác giả Lệ Chi mà không viết như vậy thì tác giả không được
tiền nhuận bút, hay nói thẳng thắn là không viết như vậy thì lấy gì mà
"ăn”! Nói như vậy để bạn đọc xa gần thông cảm với các cây bút như Lê
Văn Bảo, Nguyễn Mạnh Thắng, Lệ Chi… để hiểu lý do gì họ phải lên gân lên
cốt, nói những điều trái với thực tế khách quan và suy nghĩ của chính
bản thân họ.
Xin được mượn đoạn mở đầu bài viết của tác giả Lệ Chi khi viết về
khái niệm đảng chính trị, tác giả Lệ Chi viết "Đảng là một tổ chức
chính trị của những người có chung một mục tiêu, lý tưởng tồn tại trong
một chế độ xã hội nhất định. Mục tiêu trực tiếp của các đảng là tham
chính [3] mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước
(chính quyền)”. Một khái niệm về chính đảng chính trị (tuy chưa
thực sự hoàn chỉnh) như cách đánh giá của tác giả được công khai bộc
bạch trên báo của đảng như vậy thật là một chuyện hiếm hoi, khác với
cách giải thích mập mờ kiểu sứ mệnh lịch sử (bắt buộc) trao cho đảng
CSVN vai trò lãnh đạo đất nước như trước đây. Đây chính là chuyện phải
bàn.
Về định nghĩa đảng chính trị có thể hiểu đó là một tổ chức chính trị
tự nguyện của những người có chúng chí hướng (đồng chí), lý tưởng và
đường lối với mục tiêu giành được một quyền lực chính trị nhất định ở
mức cao nhất có thể trong chính quyền.
Dân gian ta có câu "Trăm người mười ý” để nói về sự đa dạng của tư
tưởng, sự đa dạng của suy nghĩ của con người, nếu hiểu theo định nghĩa
của tác giả Lệ Chi thì đương nhiên phải có nhiều nhóm người khác nhau
với các đường lối, lý tưởng không giống nhau, điều đó hoàn toàn không
trái với lẽ tự nhiên. Nhưng đặc biệt là mục tiêu chung của các nhóm này
thì giống hệt nhau đó là (trích) "Mục tiêu trực tiếp của các đảng
là tham chính. Mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà
nước (chính quyền)”. Điều đó cho thấy thực chất động cơ thúc đẩy
những người tham gia hoạt động chính trị(chính trị gia)khi tham gia các
đảng phải khác nhau nhất là giai đoạn hiện tại của lịch sử Việt nam là
giành và giữ quyền lực. Những giải thích của các chính trị gia cả hai
bên cộng sản và chống cộng khi nói rằng động cơ của họ là vì yêu nước
thương nòi, vì nhân dân v.v… xin nói thẳng là toàn bố láo và bịp bợm, ai
ngu thì mới tin.
PARTY là chỉ bữa tiệc và đảng (chính trị) ("Two – in – one") .
Trong tiếng Anh PARTY là một danh từ có nhiều nghĩa khác nhau như chỉ
nhóm người, hội đoàn, buổi liên hoan, bữa tiệc… nhưng hai nghĩa chính
được dùng thường xuyên khi dịch sang tiếng Việt đó là chỉ bữa tiệc và
đảng (chính trị). Chắc chắn một điều từ bữa tiệc sẽ có trước từ đảng
trước đó rất lâu, bởi khái niệm đảng (chính trị) chỉ chính thức được
công nhận một cách hợp pháp dưới chế độ dân chủ của thể chế cộng hòa khi
chế độ tư bản dần thay thế cho các chế độ trước đó như chiếm hữu nô lệ
và chế độ phong kiến. Không hiểu vô tình hay cố ý mà người ta dùng từ
party để chỉ đảng (chính trị) đồng nghĩa với từ một bữa đánh chén nói
theo kiểu dân dã. Điều đó hoàn toàn đúng về nghĩa đen và nghĩa bóng khi
nó chỉ tới sự hưởng thụ, chỉ khác rằng đảng chính trị lại đóng vai người
thực khách để hưởng thụ trong buổi "đánh chén” nhằm phân chia quyền
lực đó.
Hiểu được điều đơn giản này sẽ thấy đảng chính trị chả là cái gì quan
trọng đối với người dân làm ăn lương thiện, kể cả đảng CSVN đang nắm
quyền lãnh đạo hiện nay cũng vậy, nó chỉ là thứ đại diện cho nhóm những
kẻ đi tìm kiếm quyền lực và tiền bạc.
Theo tác giả Lệ Chi thì chúng ta có thể hình dung rằng việc phân chia
quyền lực cho các đảng phái chính trị là để thỏa mãn mục tiêu trực tiếp
và mục tiêu cuối cùng [2] là tham chính, giành và giữ quyền lực nhà
nước. Bởi đó là nguồn gốc của quyền lực và quyền lợi vật chất. Mà cái
đó, những động vật gọi là (con) người đã ngấm vào máu mình như một loại
ma túy khó mà dứt bỏ được. Trong số đông đảo các nhà chính trị chỉ có
rất ít những người chiến thắng được cám dỗ của quyền lực và quyền lợi
vất chất mà họ coi là tầm thường, những người đó chúng ta gọi họ là vĩ
nhân hay lãnh tụ, nhưng tiếc rằng số vĩ nhân hay lãnh tụ thường là của
rất hiếm hoi.
Bữa tiệc (party) chúng ta đang nói tới nếu một cách đơn giản, dễ hiểu
thực chất là một cuộc hội ngộ của các đảng chính trị để phân chia "quả
thực”cho các phe nhóm (party) trong việc quản lý và lãnh đạo chính quyền
một nhà nước. Nhưng để được tới bữa tiệc đó không phải dễ, không phải
là mạnh ai người ấy tới một cách vô tổ chức mà người đến dự bữa tiệc đó
phải được nhận thiệp mời, mà quan trọng là người cấp thiệp mời đó là
toàn bộ cử tri chúng ta. Mỗi phe nhóm (party) phải bằng nỗ lực cao nhất
của mình để giành sự ủng hộ và đồng tình của cử tri để giành cho họ số
giấy mời nhiều nhất để hy vọng giành được quyền lực tối đa trong bữa
tiệc ăn chia đó.
Mỗi giấy mời tham dự bữa tiệc đó chính là một ghế đại biểu nhân dân
(nghị viên) trong Quốc hội được trao cho mỗi chính đảng thông qua một
cuộc bầu cử tự do, công bằng, dân chủ và bỏ phiếu kín. Bằng số lượng
thực khách được cử tri tuyển chọn cho mỗi chính đảng (party), thì một
hay nhiều chính đảng chiếm đa số thực khách sẽ được đánh chén no say món
quyền lực nhà nước với vai trò lãnh đạo chính quyền. Thiểu số thực
khách còn lại thì bị "nhịn” và phải làm vai trò của người bảo vệ đứng
theo dõi, bắt lỗi nếu các vị thực khách ăn uống thô tục, ăn ẩu, ăn bừa
bãi và ăn tham trái với quy định, đó chính là vai trò những người thuộc
phe (đảng) đối lập.
Qua đó cho thấy rằng việc đa đảng là một biện pháp cần thiết để có
những đại biểu nhân dân ngồi trong cơ quan Quốc hội với vai trò đối lập
với đảng cầm quyền, để phối hợp với cơ quan quyền lực thư tư là báo chí
(tự do) và các cơ quan khác là cần thiết để giám sát việc điều hành của
Chính phủ (cơ quan Hành pháp)và các cơ quan bảo vệ pháp luật (Tư pháp).
Như trên đã nói đại đa số các thành viên lãnh đạo của chính quyền nhà
nước là đảng viên của đảng cầm quyền, đảng nào cũng vậy và ở bất kỳ
quốc gia nào cũng giống như nhau. Họ cũng chỉ là những con người bình
thường, không phải là các vĩ nhân hay lãnh tụ vĩ đại để vì hạnh phúc của
nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, do vậy cái thú tính luôn lớn
hơn tính người trong con người họ. Chính vì vậy nên họ cũng tham lam như
người bình thường, có cơ hội là "đớp” bất kể là miếng to hay miếng bé,
bất kể là ăn bẩn hay ăn sạch miễn là thỏa mãn lòng tham nhằm vơ vét cho
đầy cái túi tham vô đáy. Bởi thực chất nghề chính trị gia là một nghề
béo bở nhất, kinh doanh chính trị là một nghề bỏ vốn không nhiều nhưng
mang lại một lợi nhuận không lồ. Đó cũng chính là lý do tại sao những kẻ
có tiền thường lao vào sân chơi chính trị, bởi trò chơi này mang lại
danh tiếng và quyền lợi vật chất của cá nhân họ và phe nhóm những người
hậu thuãn cho họ.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của những người có
đức có tài khi tham gia chính trường, nhưng vì số người như họ là quá ít
ỏi nên họ không cưỡng nổi áp lực của nhóm các cá nhân và phe nhóm lợi
ích khác đứng sau họ. Do vậy một đảng hay đa đảng không là yếu tố quyết
định, đừng quan trọng nó quá, cái lợi của đa đảng trong việc dân chủ hóa
xã hội có tác dụng thúc đẩy sự phát triển đất nước thì ai cũng đã rõ,
sự thành công của các quốc gia có dân chủ tự do là một minh chứng cho
nó. Nhưng sự sa lầy trong dân chủ như Thái lan cũng là một hiện tượng
cần suy nghĩ nghiêm túc trong việc đánh giá sự lợi hại của nó. Độc đảng
như Trung quốc mà đạt được những thành tựu khổng lồ về kinh tế trong ba
thập kỷ qua, từ một nước thiếu đói triền miên với dân số trên một tỷ
người đã trỗi dậy đừng hàng thứ 2 và đang ngấp nghé ngôi vị bá chủ thế
giới đang nằm trong tay Hoa kỳ là một ví dụ.
Điều quan trọng nhất mà mỗi người dân cần không phải là độc đảng hay
đa đảng, bởi đảng nào cầm quyền thì cũng tham lam và thối nát như nhau.
Cái chúng ta cần là một cơ chế đảm bảo cho một chính quyền nhà nước thực
sự của dân, do dân và vì dân toàn tâm toàn ý vào mục đích xây dựng và
phát triển đất nước. Thì điều cơ bản nhất là phải tạo ra một hệ thống
kiểm tra, giám sát, kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ mọi hoạt
động của chính quyền nhà nước trên mọi lĩnh vực theo hướng công khai và
minh bạch, thông qua việc tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức đảng đối
lập (nếu có-không có cũng không sao), báo chí truyền thông tự do và các
tổ chức phi chính phủ NGO’s. Và một điều tối quan trọng và không thể
thiếu được đó là tuân thủ và tôn trọng nghiêm ngặt Hiến pháp và pháp
luật, mọi người bình đẳng trước pháp luật. Trên cơ sở nguyên tắc Tam
quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải độc lập, đặc biệt là ngành tư
pháp không chịu áp lực hay tác động của chính quyền trong công tác tư
pháp để duy trì nghiêm phép nước.
Đa đảng chưa hẳn đã là hoàn toàn tốt và độc đảng chưa hẳn đã là dở,
với tình hình chính trị hiện tại ở Việt nam cũng không ngoại trừ, nhưng
sự độc đảng hay đa đảng phải xuất phát thực sự từ nguyện vọng và ý chí
của người dân, chứ không phải xuất phát từ những đại biểu nhân dân giả
hiệu trong một cuộc bầu cử mang tình hình thức và xếp đặt của đảng CSVN
để thông qua một bản Hiến pháp với điều 4 thiếu dân chủ là không thể
chấp nhận được. Khi một đảng chính trị tuyệt vời nhận được sự ủng hộ
tuyệt đối của dân chúng với số biểu Quốc hội là 100% đó là nền chính trị
độc (một) đảng lãnh đạo như Singapore hiện tại, ngược lại một đảng
chính trị còn khiếm thiếu sót thì việc dân chúng lựa chọn cho mình một
vài đảng chính trị khác mà họ ủng hộ là lẽ tự nhiên, như vậy gọi là chế
độ đa đảng.
Hãy trở lại với bàn tiệc phân chia quyền lực ở Việt nam ta hiện nay
cho thấy đảng CSVN họ thể hiện là những kẻ tham lam vô độ, bất chấp quy
tắc. Trò hề độc đảng lãnh đạo thực chất độc quyền sử dụng quyền lực, là
hành động muốn ăn một mình, không chịu chia phần và cho phép các nhóm
chính trị đại diện cho các lực lượng quần chúng khác có đường lối và hệ
tư tưởng khác nhau tham gia giám sát và quản lý nhà nước. Nó đơn giản
như trong một bữa tiệc, mấy kẻ đầu trâu mặt ngựa cậy mạnh, cậy đông đuổi
những vị khách mời khác ra khỏi bữa tiệc để chúng thỏa thuê hưởng thụ
theo ý thích của những kẻ thú tính nhiều hơn nhân tính. Những người có
nhân cách nghĩ gì về chuyện tranh ăn như vậy?
Thực chất bài viết của tác giả Lệ Chi với tựa đề "Đa đảng hay một
đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý” đăng trên Báo QDND vừa qua là
một bài viết nhằm che chở và bảo vệ cho những kẻ tham lam thiếu nhân
cách đó mà thôi. Con người ta đôi khi vì tiền họ cũng bán rẻ nhân cách
như tác giả Lệ Chi như vậy đó.
Trách gì mấy ông bà chính trị gia, những kẻ lấy chính trị là một nghề
kiếm ăn và làm giàu, ai tin vào lũ họ có mà ăn cám.
Vai trò lãnh đạo của một đảng chính trị là đương nhiên bắt buộc phải
có trong một xã hội dân chủ, nhưng mọi người chúng ta phải luôn cảnh
giác với bất kỳ đảng phái chính trị nào. Đừng để lòng tin của mỗi người
chúng ta bị họ lợi dụng để kiếm chác quyền lực và tiền bạc dưới mọi hình
thức.
Hãy làm theo khẩu hiệu của nhà văn Phu-xích, người Tiệp khắc ” Hỡi
loài người hãy cảnh giác!”
Hà nội, ngày 02/6/2010. © Kami 2010
——————-
Ghi chú:
(*)Party tiếng Anh nghĩa là đảng cũng có nghĩa với bữa liên hoan.
[1]http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/113727/Default.aspx
[2]Theo tác giả Lệ Chi (trích-nguyên văn)”Mục tiêu trực tiếp của các
đảng là tham chính. Mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực
nhà nước (chính quyền)”.
[3] Từ tham chính tác giả Lệ Chi muốn nói tới việc tham gia chính quyền
của các đảng phái chính trị. Như tôi (Kami) cho rằng bản chất thực của
các chính đảng thì từ Tham chính được hiểu là THAM LÀ CHÍNH.
|