Le Nguyen (Danlambao) - Thái
độ hung hăng tuyên bố: "lợi ích cốt lõi...chủ quyền không thể tranh
cải...” của Trung Cộng dần dịu lại đến kinh ngạc, sau những phản ứng
tích cực của người dân liên tục xuống đường biểu tình phản đối bành
trướng, cùng những động thái chuyển hướng có phần mạnh hơn so với trước
của một số lãnh đạo nhà nước Việt Nam và dư luận quốc tế hướng về ủng
hộ, phê phán gay gắt đường lưỡi bò chín đoạn tự vẽ, thuận lợi cho các
nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng trên Biển Đông.
Từ những luận điểm vừa nêu, có lẽ Trung Cộng thấy không thể khống chế
Biển Đông bằng giải pháp quân sự, sau khi hùng hổ đe dọa các nước trong
khu vực tranh chấp nhưng không đạt được kết quả nên vội vàng thay đổi
thái độ đấu dịu, ve vuốt Việt Nam với đối sách "mềm” nhưng cực kỳ thâm
độc qua con đường đối thoại ngoại giao hòa bình.
Theo chiều hướng đó, xét đến những cuộc gặp gỡ cấp cao của hai nước Việt
–Trung được các phương tiện truyền thông loan tải dồn dập, từ phái đoàn
của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn, phái đoàn của thứ trưởng quốc
phòng trung tướng Nguyễn Chí Vịnh,phái đoàn quân sự cao cấp của thường
trực quân ủy trung ương kiêm bí thư trung ương, kiêm chủ nhiệm tổng cục
chính trị, trung tướng Ngô Xuân Lịch và phái đòan hùng hậu của đảng cộng
sản do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu sang triều kiến thiên
triều. Trong các cuộc hội đàm này, nhân dân Việt Nam chỉ được biết những
tuyên bố, thỏa thuận chung công khai trên báo chí có phần thất lợi lẫn
hèn kém của đại diện Việt Nam trước bá quyền Trung Cộng, tuyệt nhiên
người dân không ai được biết những gì thật sự đã xảy ra đằng sau các bản
thông cáo báo chí và các cuộc gặp gỡ đó.
Song song lẫn đan xen giữa các cuộc hội đàm với Trung Cộng là cuộc đối
thoại quốc phòng Mỹ-Việt của trung tướng thứ trưởng ngoại giao Nguyễn
Chí Vịnh, chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nam Dương,
đến một số nước Châu Âu và tiếp phái đoàn của thủ tướng Đức Angela
Merkel tại thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó là các chuyến công du của chủ tịch
nước Trương Tấn Sang đến Nhật, Mã, Ấn. Các chuyến đi, tiếp xúc thắt
chặc quan hệ ngoại giao của hai ông Dũng, Sang có chút ít tính chiến
lược nhằm cân bằng quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Tất cả nội dung
các cuộc gặp gỡ, hội đàm vừa kể đều được công khai trên các phương tiện
truyền thông quốc tế lẫn khu vực, không giống như các cuộc hội đàm
Việt-Trung luôn luôn bí hiểm, khó hiểu "cực kỳ” và không ai được biết
trừ những người đàm phán, ký kết, thỏa hiệp của hai phía.
Ngoài những diễn tiến ngoại giao vừa kể, còn có một số chuyến đi khác
mang tính thủ tục bởi ràng buộc định kỳ từ giao ước với các tổ chức quốc
tế, không mang tính chiến lược nên người viết không nhắc đến.
Quan sát các diễn biến dồn dập trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với
quốc tế thời gian gần đây, không khó để chúng ta nhận ra dấu hiệu phân
thân, cũng như có thể là phân hoá thành hai khuynh hướng đối ngoại, thậm
chí là hai phe phái đối cực trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam: phe
thứ nhất, quan hệ với Trung Cộng diễn ra theo chiều sâu quyền lực của
đảng cộng sản Việt Nam, cao nhất của quyền lực này là tổng bí thư đảng
Nguyễn Phú Trọng, với thực chất quyền lực, chiều sâu quyền lực nằm trong
tay thường trực quân ủy trung ương, chủ nhiệm tổng cục chính trị trung
tướng Ngô Xuân Lịch; phe thứ hai quan hệ ngoại giao với các nước trong
khu vực, thế giới diễn ra theo chiều dọc khá khiêm nhường do các lãnh
đạo quyền lực nhà nước gồm chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm theo phân công của đảng hay chủ động
tiến hành độc lập còn là câu hỏi lớn?
Thế giới đều biết, hệ thống tổ chức chính thể độc tài cộng sản, quyền
lực chính trị của đảng, nhà nước không phân định rạch ròi, tuy nhìn thấy
có hai bộ phận đảng, nhà nước riêng biệt nhưng thật sự chỉ có một.
Trung Cộng biết rõ nội tình cộng sản hơn ai hết nên trong quan hệ ngoại
giao, thượng lượng, mua chuộc đều tập trung vào lãnh đạo đảng, phớt lờ
lãnh đạo nhà nước, vì họ biết cơ cấu tổ chức nhà nước cộng sản thì đảng
cộng sản là tiếng nói quyết định sau cùng nên họ mở rộng đàm phán,
thương thuyết từ thấp đến cao, từ bí mật đến công khai tập trung vào nơi
nắm gìữ thực quyền, quyền lực chính trị chính yếu là đảng cộng sản Việt
Nam.
Thế cho nên, sau thời gian áp dụng chính sách cứng rắn, phô diễn sức
mạnh quân sự, tuyên bố vung vít, chèn ép các nước có quyền, lợi ích kinh
tế trên biển Đông gặp phản ứng quyết liệt của họ, với sự đồng tình ủng
hộ của quốc tế buộc Trung Cộng phải thay đổi thái độ nhưng vẫn không từ
bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông.
Ai cũng thấy, sau nhiều năm đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá
trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chúng đuổi bắt, bắn giết đòi
tiền chuộc, không lắng nghe tiếng nói của phía Việt Nam, bỗng dưng dịu
giọng, thật ra có nguyên do khiến Trung Cộng phải dịu giọng? Mở đường
tái đàm phán, chuổi gặp gỡ cho chuẩn bị tái đàm phán biển Đông với Việt
Nam dù kín kẻ nhưng Trung Cộng không che dấu được ý đồ xấu của họ, bằng
cách nhắm vào lãnh đạo tối cao Việt Nam, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
quân ủy trung ương, và tiếp cận sức mạnh quân sự, xương sống bảo vệ chế
độ, ngăn chống ngoại xâm là chủ nhiệm tổng cục chính trị trung tướng Ngô
Xuân Lịch, người chỉ đạo trực tiếp, mạng lưới lãnh đạo, chỉ huy quân
đội nhân dân Việt nam nhằm thực hiện kế sách lâu dài thôn tính, xâm lăng
Việt Nam qua quyền lực mềm, vì như thế sẽ vô hiệu hóa hậu thuẩn cũng
như can thiệp của quốc tế cho Việt Nam.
Để nhận diện rõ hơn âm mưu trường kỳ mai phục của Trung Cộng, ngoài
những cuộc gặp gỡ chính thức còn có những cuộc hội đàm, thương lượng
không chính thức trên nhiều phương diện với các đối tác không đồng cấp,
lẫn bỏ qua thủ tục ngoại giao, vượt mặt lãnh đạo các cấp nhà nước của
đảng cộng sản Việt Nam. Hiện nay chuyện vượt mặt nhà nước của đảng không
còn là chuyện lén lút cá biệt mà đã trở thành ngênh ngang phổ biến
trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Chuyện quyền lực đảng phủ trùm trên quyền lực nhà nước, chuyện đảng vượt
lên chính phủ để "quyết” mọi việc, chẳng hạn như ngụy tạo, sửa đổi các
biến cố, sự kiện lịch sử diễn ra âm thầm cho đúng chủ trương, đường lối
của đảng, có rất nhiều nhưng việc ra mặt sửa đổi sự thật lịch sử công
khai thách thức phản đối của người dân chỉ mới xảy ra lần đầu. Đó là
việc sửa đổi ngày kỷ niệm tái lập tỉnh Lào Cai từ ngày 10/10 sang ngày
01/10 trùng khớp ngày quốc khánh của Trung Cộng là âm mưu "nhập Trung”có
thể hiểu đựợc. Trước đó chính quyền tỉnh ra lệnh cho người dân trên các
tuyến phố Lào Cai treo đèn lồng mang màu sắc văn hóa Trung Hoa trong kỷ
niệm tái lập tỉnh, đã gặp sự phản đối quyết liệt của người dân nên lệnh
này phải bị hủy bỏ nhưng vẫn nhất quyết giữ 01/10 làm ngày kỷ niệm tái
lập tỉnh như thách thức bức xúc của người dân.
Vậy, ai chỉ đạo cho kịch bản này? Không khó để hiểu, không ai khác chính
là bí thư tỉnh ủy, lãnh đạo cao cấp nhất của đảng ở địa bàn tỉnh và
không nên ngây thơ nghĩ rằng lãnh đạo trung ương không biết mà phải nghĩ
rằng có sự đồng tình hoặc chỉ đạo của cấp cao hơn trong đảng!
Thế thì tại sao đảng lại táo tợn, liều lỉnh đến thế! Không có gì khó
hiểu bởi đảng muốn củng cố, xác định lại đội hình hầu "nghiêm chỉnh tuân
thủ, thực hiện thỏa thuận, nhận thức chung” của lãnh đạo hai đảng cộng
sản Viêt- Trung và sự kiện Lào Cai như là cái bẫy để đảng lùng, diệt mầm
ngăn chận, chống đối tiềm ẩn nằm trong đảng nhằm tiêu trừ hậu họa,
nhưng dường như âm mưu này đã thất bại vì chưa thấy có con mồi ngây thơ
nào sập bẫy.
Nhìn lại toàn cục diễn tiến qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ ngoại giao
trong lãnh thổ Việt Nam hay các nước trên thế giới, không khó để chúng
ta nhận ra hai mặt đối lập trong đối sách ngoại giao của nước cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia thành hai phe rõ rệt: phe đảng và phe
nhà nước.
Phe đảng thậm thụt, cố gắng tiếp cận, xôn xao nhốn nháo, tranh nhau chạy
về phía Trung Hoa đại hán triều kiến tung hô "nghiêm chỉnh tuân thủ
thỏa thuận, nhận thức chung... quan hệ đồng chí hai đảng là vốn liếng
giàu có...cần củng cố và lưu truyền...” đầu đảng của phe này là tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng và chủ nhiệm tổng cục chính trị trung tướng Ngô
Xuân Lịch.
Phe chính phủ tỏ ra không kém cõi, ráo riết mở rộng quan hệ ngoại giao,
tiếp cận đối tác hình thành liên minh chiến lược quốc phòng với các nước
trong khối Asean, Ấn, Nhật, Châu Âu...nhằm giảm ảnh hưởng, áp lực từ
Trung Cộng do lãnh đạo của phe chính phủ là chủ tịch nước Trương Tấn
Sang và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bên cạnh vận động hình thành liên
minh của phe chính phủ Việt Nam, chúng ta thấy có liên minh chiến lược
Mỹ- Úc -Ấn- Nhật cũng được thành hình trong giai đoạn này. Vậy, hợp tác
chiến lược Việt-Ấn có phải là "cửa không khóa” mà chủ tịch Trương Tấn
Sang đang nhắm tới trong chuyến "Ấn Du” nhằm để ngõ cho quốc tế can
thiệp nếu xung đột vũ trang trên biển Đông xảy ra?
Không biết quyền lực chính phủ của Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng có
đủ sức đẩy lùi được quyền lực của đảng đã phủ trùm trên chính phủ, kể từ
khi chính thể độc tài cộng sản được dựng lên trên đất nước này. Đây là
câu hỏi lớn, khá nhức nhói? Biết đâu những điều đã thành nếp trong chính
thể cộng sản, tưởng chừng như không thể, tưởng chừng như bất khả lại
biến thành sự thật, cứ hy vọng cho đời còn có niềm vui! Giả sử như lãnh
đạo chính phủ không đẩy lùi được quyền lực đảng ra khỏi nhà nước thì bạn
có nghĩ ra cách nào để tách đảng ra khỏi nhà nước chưa, tôi tin là bạn
đã hoặc sẽ có. Vì đẩy lùi quyền lực, tách rời quyền lực của đảng ra khỏi
nhà nước là con đường"thoát Trung”ngăn hiểm hoạ mất nước mà mọi con dân
nước Việt cần hướng tới!?