Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-10-21
Sau khi chuyển từ chính quyền quân phiệt độc tài sang chính thể
dân sự - dù bị xem là trên danh nghiã, Miến Điện cũng vừa mới trả tự do
cho 300 tù nhân chính trị.
AFP photo
Cảnh sát bảo vệ trước cửa TAND TPHCM hôm xử GS Phạm Minh Hoàng, 10 tháng 8 năm 2011
Diễn tiến ở Miến hẳn khiến người ta liên tưởng tới VN, nơi bị cáo
giác là tiếp tục đoạ đầy nhiều tù nhân lương tâm tranh đấu cho quê
hương, dân tộc. Thanh Quang tìm hiểu về tình cảnh của tù nhân chính trị.
Nỗi buồn bị bỏ rơi
Trong khi những tù nhân chính trị được công luận biết tới như cựu Đại
uý QLVNCH Nguyễn Hữu Cầu đang bị giam giữ hơn 34 năm nay tại trại giam
Xuân Lộc, hay cố Trung uý VNCH Trương Văn Sương cũng từng bị tù đày
chừng ấy năm và khi bị bắt giam trở lại đã vĩnh viễn ra đi ở trại giam
Ba Sao, Nam Hà, hoặc tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại chỉ được người
đời biết tới khi vùi thây ở khu trại giam Xuân Lộc sau 15 năm lao lý,
thì hiện nay – theo lời tù nhân chính trị đang bị quản chế Nguyễn Bắc
Truyển, "nhiều tù nhân hầu như đã bị quên lãng”, "họ tồn tại như không
tồn tại”, sống âm thầm trĩu nặng theo bản án "như cái núi”, không ai
thăm nuôi, không ai biết tới.
Cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển trình bày về tình cảnh này:
"Khi ở tù tôi có ở chung với những tù nhân bị bắt trước năm 2005.
Những tù nhân này bị bắt ở Thái Lan, Campuchia rồi đưa về xét xử tại VN
trong khi gia đình họ vẫn còn lưu lạc ở những xứ vừa nói. Thành ra khi
họ bị giam giữ ở VN thì không có người thân nào đến thăm nuôi, hay gởi
thư từ cho họ.
Họ sống rất lặng lẽ, mang nỗi buồn bị bỏ rơi, với nỗi mặc cảm vì cảm
nhận rằng mình không được mọi người quan tâm đến. Nhưng đối với đấu
tranh thì lúc nào họ cũng kiên cường. Như trường hợp ông Nguyễn Tấn Nam
bị bắt từ 1994 và ở tù cho đến bây giờ. Ông hiện đã 75 tuổi, đã 2 lần bị
tai biến và không một lần được ai thăm nuôi.
Họ sống rất lặng lẽ, mang nỗi buồn bị bỏ rơi, với nỗi mặc cảm vì cảm
nhận rằng mình không được mọi người quan tâm đến. Nhưng đối với đấu
tranh thì lúc nào họ cũng kiên cường.
LS Nguyễn Bắc Truyển
Khi chúng tôi ở tù với những người tù như thế này thì mới cảm nhận
được sự cô độc của những người mà không có sự quan tâm của gia đình,
không được sự biết đến của công luận, không được nhắc nhở, không được
lên tiếng gì trong việc kêu gọi áp lức nhà cầm quyền CSVN phải thả họ."
Một trong những cựu tù nhân lương tâm am tường tình cảnh của nhiều
người tù âm thầm khác trong cảnh đoạ đày, là MS Thân Văn Trường ở Đồng
Nai, lên tiếng:
"Tôi rất đồng ý với anh Nguyễn Bắc Truyển là còn nhiều tù nhân lương
tâm mà người ta không biết. Chính tôi cũng biết những người như vậy.
Nhưng vì lý do này lý do kia mà tù nhân lương tâm này không được bết
đến. Có thể có những anh em mà mình biết đến rồi qua người này người kia
nên họ được bên ngoài quan tâm nhiều, trong khi đó, có nhiều tù nhân
lương tâm không được quan tâm – đúng như lời anh Nguyễn Bắc Truyển đã
nói."
Nhắc đến những người tù đang bị lãng quên tại VN, có lẽ một cựu tù
nhân lương tâm từng lâm cảnh đoạ đầy 26 năm trong lao tù cộng sản, là
Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Hội trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn
Giáo VN, cảm nhận trọn vẹn tình cảnh này:
"Có những vị tôi biết được, họ ở tù tới hơn 30 rồi. Nhưng mà sự chú ý
và can thiệp của cộng đồng quốc tế chỉ có ở mức độ nào đó thôi. Tới bây
giờ những vị đó vẫn còn bị tù, và còn bị lưu đầy ra những tỉnh phiá Bắc
nữa. Ngày xưa tôi ở tù tại trại Xuân Phước, rồi về trại Xuân Lộc.
Cho tới giờ giờ thì tôi được biết những bạn tù ấy vẫn còn tiếp tục ở
trại Xuân Phước nữa, rồi bị đày ra phiá Bắc. Hay bây giờ tôi vẫn còn bạn
tù ở trại Xuân Lộc. Số phận của tất cả những người này rất là hẩm hiu,
hoàn cảnh của họ rất khốn đốn, quẩn bách trong lao tù. Nhà nước VN có
đổi mới một phần nào thôi, nhưng họ càng ngày càng bị giam nhiều thêm vì
đấu tranh cho tự do, dân chủ. Số người bị bắt thêm ngày càng nhiều
trong khi số người được thả rất ít. Còn những dịp lễ thì nhà nước chỉ
cho về những tù hình sự, kinh tế. Chứ còn tù chính trị thì ít được giải
quyết, chỉ chờ mãn án mà thôi."
Bị phân biệt đối xử
Theo cựu tù Nguyễn Bắc Truyển thì Miến Điện trước đây cũng từng phủ
nhận vấn đề tù nhân chính trị, nhưng bây giờ họ cũng phải công nhận có
tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, và phải thả ra hàng mấy trăm
người. Do đó anh tin rằng việc nhà cầm quyền VN che giấu như vậy "không
thể tồn tại lâu”, và một thời gian ngắn nữa, VN cũng phải công nhận sự
hiện diện của tù nhân chính trị trong nước. Và Nguyễn Bắc Truyển nhận
xét về sự chối bỏ thực trạng tù chính trị hiện giờ của VN:
Hơn 10.000 tù nhân đã được ân xá hôm 30/8/2011, vào dịp Quốc khánh, trong đó chỉ có 2 tù chính trị. AFP
"Đó là lời nói của những người cầm quyền. Họ nói lấy được, họ nói để
cưỡng từ đoạt lý thôi. Chứ thật ra những người hoạt động chính trị và bị
bắt và bị nhà nước kết án với tội danh như vậy thì họ chính là những tù
nhân chính trị mà thôi. Ngay những tù hình sự hay cán bộ trại giam cũng
gọi những người này là tù chính trị. Thì không lẽ những người ăn học và
ở cấp cao hơn lại không có nhận thức đó sao? Chẳng qua là giới cầm
quyền tìm cách che giấu sự đàn áp đối với những người đấu tranh, bất
đồng chính kiến mà thôi."
Theo Thượng toạ Thích Thiện Minh thì từ xưa tới giờ VN không công
nhận có tù chính trị, nhưng Thượng toạ Thiên Minh lưu ý rằng giới cầm
quyền vẫn phân biệt 2 dạng tù nhân, tức dạng gọi là "xâm phạm an ninh
quốc gia” và dạng hình sự, tội phạm xã hội. Thượng toạ Thích Thiện Minh
dẫn chứng:
"Ở trong tù bây giờ họ vẫn chia những khu vực giam giữ riêng để đối
xử hoặc khắt khe, cay nghiệt hoặc hơi rộng rãi hơn. Thí dụ những người
tội phạm kinh tế, hình sự thì nhẹ mức độ hơn. Còn bên tù nhân chính trị,
bị coi là "xâm phạm an ninh quốc gia” thì họ có đối sách riêng biệt,
khắt khe.
Nếu không công nhận có tù chính trị thì họ giải quyết những tù nhân này
cũng như bao nhiêu thường phạm khác, chứ tại sao những lần xét giảm án
hay phóng thích thì họ không bao giờ giải quyết cho tù chính trị?
TT Thích Thiện Minh
Dầu giới cầm quyền không công nhận VN có tù nhân chính trị, lương tâm
đối với quốc tế đi nữa, nhưng sự thật ra cũng như công nhận. Nếu không
công nhận có tù chính trị thì họ giải quyết những tù nhân này cũng như
bao nhiêu thường phạm khác, chứ tại sao những lần xét giảm án hay phóng
thích thì họ không bao giờ giải quyết cho tù chính trị?. Tức là họ có
phân biệt giữa tù thường phạm và tù chính trị."
Qua bài "Tù Nhân Chính Trị VN” với tình cảnh khắt nghiệt và bi thương
mà những người tù lương tâm gặp phải, cựu tù chính trị Nguyễn Bắc
Truyển nêu lên câu hỏi rằng "nên chăng chúng ta cần có một Ngày để tưởng
nhớ những Tù Nhân Chính Trị VN ? Và anh giải thích:
"Bởi vì có những người tù chính trị giống như những chiến sĩ vô danh.
Thành ra tôi đề xuất mình chọn một ngày nào đó thành Ngày Tù Nhân Chính
Trị VN. Dĩ nhiên trong 365 ngày thì chúng ta luôn luôn nhớ về họ, để
động viên, khích lệ họ. Nhưng cần có một ngày để chúng ta có thể nhắc
nhở thêm một lần nữa, làm cho vấn đề long trọng hơn, qua đó khẳng định
với thế giới rằng ở VN có nhiều tù nhân chính trị đang bị giam cầm một
cách vô cớ, vô thời hạn. Nên sự tưởng nhớ những tù nhân lương tâm tại VN
là đều nên làm."
Thượng Toạ Thích Thiện Minh cho rằng đây là điều rất đúng, rất hợp lý”. Tại sao ? Thầy Thiện Minh giải thích:
"Bởi vì LS Nguyễn Bắc Truyển cũng từng ở trong tù, từng đồng tâm cộng
khổ với những anh em còn ở lại sau khi Nguyễn Bắc Truyển được ra về. Và
nhiều người bị ở lại đó, Nguyễn Bắc Truyển cũng đã lên tiếng cũng như
đang trợ giúp cho các anh em. Cho nên đề nghị "Ngày Nhớ Về Những tù
Chính Trị” rất đúng. Vấn đề là chưa biết chọn ngày nào thích hợp nhất
cho tù nhân chính trị VN."
Có lẽ tình cảnh bị đoạ đầy như vậy của những tù nhân lương tâm khiến
tác giả Lê Minh từ Sedney viết bài tựa đề "Người tù lâu nhất trong địa
ngục trần gian của CSVN”, lưu ý rằng "sự bưng bít thông tin của chế độ
đối với tòan cảnh xã hội đã là ghê gớm, nhưng việc ém nhẹm về tù nhân
chính trị và các điều kiện sống trong tù còn ghê gớm gấp ngàn lần. Do đó
xã hội và thế giới bên ngòai hòan tòan không hay biết những gì xảy bên
trong các trại tù kia”.
|