TK

Quốc hội đang họp để bàn về việc liệu có nên xây đường sắt cao tốc
không. Đã có nhiều bài phân tích về hiệu quả của ĐSCT, trong bài này
tôi muốn nói về ĐSCT và uy tín chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo tôi, những người lãnh đạo và bản thân mỗi đảng viên trong Đảng nên
cẩn thận suy xét việc có nên thực hiện Dự án ĐSCT hay không. Mỗi chính
đảng khi muốn lãnh đạo một quốc gia đều phải có tính chính đáng về mặt
chính trị. ĐCS hiện đang lãnh đạo Việt Nam và trong tương lai gần vẫn
khó ai có thể đánh đổ được sự lãnh đạo này vì Đảng có được tính chính
đáng hay có thể gọi là có một số vốn chính trị khá lớn trong quá khứ
khi là người lãnh đạo thành công phong trào giải phóng dân tộc và cũng
đã thành công bước đầu trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, số vốn chính
trị này không phải là vô hạn. Ai cũng biết uy tín của Đảng thời gian
gần đây suy giảm nghiêm trọng, không chỉ đối với nhân dân mà cả với
nhiều đảng viên trong Đảng, đặc biệt vì tham nhũng tràn lan và sự thất
thế trong quan hệ với Trung Quốc. Ban lãnh đạo Đảng không nên đánh cược
thêm uy tín hay hao phí lượng vốn chính trị đã vốn suy giảm này vào một
dự án quá rủi ro như thế. Bất cứ ai có kiến thức một chút đều rất khó
có thể bác bỏ các lý lẽ phản đối việc thực hiện dự án dựa trên những
con số xác thực, những quan ngại rất đúng đắn về qui mô nền kinh tế,
gánh nặng nợ, lưu lượng hành khách có thể sử dụng ĐSCT, trình độ quản
lí, mức độ tham nhũng, năng lực sản xuất… khi thực hiện dự án này[1].
Khả năng thất bại của dự án là rành rành và không phải tự nhiên mà hầu
hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và kinh tế đều phản đối
rất mạnh mẽ dự án này dựa trên những lập luận rất xác đáng[2]. Tất
nhiên, Đảng có thể dùng quyền lực để ép buộc Quốc hội thông qua như
trường hợp của Đề án mở rộng Hà Nội nhưng theo tôi, khi cố gắng bảo vệ
Dự án ĐSCT, cái mà Đảng phải đánh đổi sẽ là uy tín chính trị và và rất
có thể là cả quyền lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Khi việc thảo luận dự án được công khai như thời gian vừa qua, nếu lãnh
đạo Đảng vẫn cố sống cố chết bảo vệ với những lý lẽ rất khiên cưỡng một
dự án mà đa số dư luận và báo chí đều lên tiếng phản đối thì uy tín của
Đảng sẽ giảm sút vì người dân có thể cho rằng Đảng đã không còn làm
theo ý nguyện của đa số người dân (có thể vào các trang web của các báo
có trưng cầu ý kiến độc giả về Dự án ĐSCT thì đa số người chọn là không
nên thực hiện dự án hoặc ít nhất cũng hoãn dự án này lại). Người dân
hoàn toàn có quyền nghi ngờ vào việc Đảng luôn tuyên bố mình là đại
diện cho lợi ích của toàn dân và là kết tinh trí tuệ của dân tộc.[3]
Trường hợp dự án này thất bại (mà gần như chắc chắn sẽ thất bại, ở đây
có thể hiểu thất bại về mặt kinh tế tức là tiền thu không đủ để bù đắp
cho chi phí xây dựng và vận hành dự án. Nhật là nơi lưu lượng hành
khách rất lớn mà vẫn lỗ triền miên[4]) thì điều gì sẽ xảy ra?
Theo dự kiến tới năm 2035 dự án sẽ hoàn thành, lúc đó số tiền mà nhà
nước phải bỏ ra để trợ cấp nhằm duy trì sự hoạt động của ĐSCT sẽ là rất
lớn (trước đó khi dự án hoàn thành từng phần thì đã phải trợ cấp
rồi)[5]. Khi đó, Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề lớn như
biến đổi khí hậu hay sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam ngày
càng phải dành một khoản chi tiêu lớn cho quốc phòng. Liệu lúc đó Việt
Nam có đủ nguồn lực để bao cấp tiền vé tàu cho những người khá giả, là
những khách hàng tiềm năng của ĐSCT? Liệu lúc đó những người nghèo,
những người nông dân bị thiệt hại vì biến đổi khí hậu có chấp nhận việc
nhà nước lấy tiền thuế của họ để trợ cấp cho người giàu? Thái Lan là
bài học nhãn tiền khi sự mất công bằng quá lớn đã làm nảy sinh những
bất ổn nghiêm trọng về xã hội.
Ai ở Việt Nam cũng thừa hiểu khi dự toán là 56 tỉ USD thì con số thực
tế có đội lên 100 tỉ USD cũng là bình thường vì thời gian quá dài, quá
nhiều rủi ro. Khi đó liệu có vay thêm tiền để thực hiện tiếp hay bỏ
lửng dự án? Nếu vay thì vay ở đâu? Từ Nhật Bản ư? Bản thân tân thủ
tướng Nhật Bản mới đây cũng cảnh báo là Nhật Bản có thể lâm vào tình
trạng suy sụp vì nợ công quá lớn[6] thì liệu lúc đó công luận Nhật Bản
có chấp thuận cho chính phủ cho Việt Nam vay thêm hàng chục tỉ USD
nữa? Nếu Nhật Bản có chấp nhận cho vay thêm đi nữa thì với khoản vay
quá lớn như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ phải chịu thêm rất nhiều ràng
buộc về kinh tế và chính trị vào Nhật để được vay. Ban lãnh đạo Đảng
nên nhớ người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao, tính chính đáng
của Đảng còn tồn tại đến ngày nay cũng chủ yếu là từ quá trình lãnh đạo
nhân dân giải phóng dân tộc, tuy nhiên, đã sứt mẻ nghiêm trọng vì những
sự nhượng bộ gần đây với Trung Quốc. Nếu lại lệ thuộc thêm một quốc gia
nữa thì sẽ là một tổn thất không thể cứu vãn cho uy tín chính trị của
Đảng. Chưa kể Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối thủ tiềm tàng trong
tương lai, nếu quá phụ thuộc vào Nhật Bản thì liệu Việt Nam có trở
thành con tin trong sự đối đầu giữa Nhật và Trung Quốc?
Bộ Chính trị và TW Đảng đã đồng ý về nguyên tắc cho việc triển khai dự
án. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi BCT và TW Đảng đồng ý thì chỉ dựa chủ
yếu trên các đánh giá của JICA (tất nhiên với giả định là việc đồng ý
này không bị ảnh hưởng của lợi ích phe nhóm). Nhưng đây dù sao vẫn chỉ
là quyết định mang nặng tính chính trị. Bây giờ, với những phản biện
xác đáng từ phía các nhà khoa học từ rất nhiều lĩnh vực, ban lãnh đạo
Đảng nên dũng cảm xem xét lại các yếu tố kinh tế, xã hội để cho dừng dự
án. Với một siêu dự án thế này (và sẽ còn nhiều siêu dự án nữa trong
tương lai) so với qui mô nền kinh tế, rủi ro nó mang lại cho cả nền
kinh tế trong tương lai là quá lớn. Nếu gánh nặng nợ công tăng lên tới
mức không thể chịu nổi đẩy Việt Nam vào tình trạng phá sản không trả
được nợ nước ngoài, kinh tế suy sụp, phải cầu xin sự cứu trợ khẩn cấp
của các nước khác thì liệu người dân còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng?
Nếu dự án được thông qua, người thắng sẽ chỉ là một số người trong nước
và nước ngoài, một số nhóm trong Đảng có lợi ích kinh tế từ việc thực
hiện dự án nhưng đây sẽ là những bước đi rất vững chắc dẫn tới sự suy
vong quyền lãnh đạo đất nước của Đảng trong tương lai và người thua sẽ
là đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có đa số đảng viên bình
thường.
T.K.
¯¯¯¯¯‾‾‾‾‾¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
[1] Trong khi đó những người ủng hộ dự án thì chỉ có dựa vào những nhận
định cảm tính như: "cần có quyết tâm chính trị”, "đánh thức nàng tiên
đang ngủ”, "đánh Mỹ được thì làm đường cũng được” … hoặc mạnh miệng hơn
như ông PTT Nguyễn Sinh Hùng thì khẳng định luôn khỏi cần chứng minh:
Việt Nam không thể không làm ĐSCT (theo cách nói của ông thì cũng có
thể nói: quan chức không thể không ăn tham nhũng hay Việt Nam không thể
không nghèo!). Cơ sở lập luận này của ông Hùng dựa trên lý lẽ căn bản:
"Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng
trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng
6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".
Thưa ông Hùng, tăng trưởng kinh tế liệu có đơn giản và dễ như bóc kẹo
ăn như thế? Dự báo, đặc biệt là dự báo kinh tế ở bất cứ quốc gia nào
trong dài hạn là cực kỳ khó khăn bởi nó phụ thuộc vào quá nhiều biến số
mà rất nhiều trong đó, đặc biệt là Việt Nam với vị thế là một nước nhỏ
không thể nào kiểm soát được như khủng hoảng kinh tế thế giới, biến đổi
khí hậu hay sự trỗi dậy của Trung Quốc… làm sao ông dám khẳng định như
đinh đóng cột về mức GDP Việt Nam vào năm 2050? Chắc chắn các chuyên
gia kinh tế ở Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế TW khi tư vấn cho ông
cũng không dám nói theo kiểu chắc ăn như thế vì họ cũng thừa biết nói
thế là nói liều. Và dù có đạt được mức tăng trưởng cao nhất theo kế
hoạch là 7-8%/năm thì năm 2030 GDP bình quân đầu người của Việt Nam
cũng không thể ở mức 3000 USD như ông nói nếu nhà nước không kìm giá
USD ở mức thấp 1 cách phi lý (Giả sử đạt được mức 8%/năm theo kế hoạch
cao nhất, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình khoảng 1,2%/năm (là tốc
độ tăng trưởng dân số bình quân từ năm 1999-2009 theo Báo cáo của Tổng
cục Thống kê) thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt
Nam hàng năm chỉ khoảng 6,8%. Với tốc độ này, nếu GDP bình quân đầu
người như ông nói của năm 2010 là 1200 USD thì tới năm 2020 con số này
chưa lên tới mức 2400 USD. Đó là chưa kể USD cũng bị mất giá do lạm
phát (dù là ít) thì 2400 USD thời điểm 2020 sức mua không thể bằng với
sức mua của 2400 USD vào năm 2010).
[2] Ông Trần Du Lịch là một chuyên gia kinh tế hiếm hoi trong Quốc hội
lại ủng hộ nhiệt thành dự án này nhưng lập luận của ông cũng hoàn toàn
cảm tính như kiểu như cha mẹ phải vay tiền xây nhà cho con mà chả dựa
trên con số xác thực nào.
[3] Tôi tin bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa hiểu tính rủi ro của
dự án này nên không dám đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội dù rằng
với qui mô của dự án này thì người trả lời phải là cấp cao nhất của
Chính phủ mới phải lẽ và ông đã khôn khéo đẩy quả bóng trách nhiệm cho
ông Hùng.
[4] http://tuoitre.vn/The-gioi/384198/Tau-cao-toc-Phap-dang-hut-hoi.html
[5] Ngay cả việc Quốc hội cho phép xây dựng một đoạn ĐSCT từ TP.Hồ Chí
Minh đi Nha Trang hay Hà Nội-Vinh cũng tạo ra rủi ro vì gần như chắc
chắn hai tuyến này sẽ bị lỗ, lúc đó sẽ lại có lập luận là muốn có hiệu
quả thì phải đầu tư toàn tuyến
[6] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100611_japanpm_warning.shtml
|