Đảng Cộng sản Việt Nam sắp sửa có đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trên phạm vi cả nước để thực hiện Nghị quyết trung ương 4 về chỉnh Đảng.
Theo đó, các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và các cơ quan trực thuộc trung ương được Bộ chính trị sẽ được triệu tập về Hà Nội hôm thứ Hai ngày 13/8 để tiến hành ‘hội nghị cán bộ toàn quốc’ về triển khai ‘phê bình và tự phê bình’.
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam xem ‘phê và tự phê’ là giải pháp đặc biệt quan trọng để khôi phục lại lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phê trong bí mật
Hội nghị Ban chấp hành trung ương 4, khóa XI của Đảng hồi cuối năm ngoái đã lên tiếng báo động về tình trạng ‘suy thoái tư tưởng chính trị’ và ‘đạo đức, lối sống’ của cán bộ đảng viên và ra Nghị quyết thể hiện quyết tâm thực hiện công cuộc chỉnh Đảng.
Hai tháng sau, Đảng cũng đã có một hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt và triển khai Nghị quyết trung ương 4 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị.
Tại hội nghị này, ông Tô Huy Rứa, trưởng
cơ quan tổ chức của Đảng, đã thông báo về kế hoạch thực hiện
việc phê và tự phê trong toàn Đảng.
Theo nguồn tin từ nội bộ Đảng thì hồi cuối tháng trước Bộ chính trị cũng đã có phiên họp ‘phê và tự phê’.
Tuy nhiên đây là phiên họp được cho là theo kiểu ‘đóng cửa tự bảo nhau’. Các chi tiết ‘phê và tự phê’ của các ủy viên Bộ Chính trị hoàn toàn không được tiết lộ ra bên ngoài.
Trước đó hồi tháng 5, đảng bộ chính phủ cũng đã có phiên lấy ý kiến phê bình của các cựu lãnh đạo chính phủ trước khi tiến hành ‘phê và tự phê’.
Thế nhưng, cũng giống như việc kiểm điểm của Bộ chính trị, đảng viên và người dân bên ngoài không biết gì về việc các thành viên chính phủ đã ‘phê và tự phê’ như thế nào.
'Tránh làm cho có'
Trước thềm hội nghị triển khai phê và tự phê trên toàn quốc, ông Mai Thế Dương, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra trung ương của Đảng, đã có bài trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về công tác này của Đảng.
Ông Dương yêu cầu các chi bộ Đảng thực hiện ‘phê và tự phê’ một cách thực chất, tránh làm qua loa, hình thức, chiếu lệ.
Ông cũng cảnh báo hai biến tướng của tình trạng ‘phê và tự phê’ là ‘xuê xoa nể nang’ và ‘đấu đá trù dập’ lẫn nhau.
Theo ông Dương thì việc phê và tự phê sẽ được tiến hành theo nguyên tắc cấp trên làm gương cho cấp dưới, tập thể làm gương cho cá nhân và lãnh đạo chi ủy làm gương cho đảng viên.
Đảng viên sẽ được yêu cầu kiểm điểm về ‘tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống’, trong khi các chi ủy Đảng kiểm điểm về việc đảng viên thuộc quản lý của mình ‘bị suy thoái’ và công tác ‘bổ nhiệm, luân chuyển’ cán bộ.
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 4 hồi tháng 2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ là Đảng quyết tâm thực hiện việc tự chỉnh đốn dù ‘khó mấy cũng thực hiện’.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với BBC về việc ‘phê và tự phê’, ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh và là người tham gia nhiều cuộc sinh hoạt phê bình trong Đảng, cho biết rằng việc ‘phê và tự phê’ mang nhiều tính hình thức hơn là thực chất.
"Ai dám phê bình thủ trưởng? Trong chi bộ chính phủ thì ai dám phê bình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,” ông nói.
"Trong cơ quan tôi cũng vậy, bao nhiêu đảng viên im như thóc không ai dám phê bình lãnh đạo,” ông kể.
Ông đưa ra dẫn chứng là nhiều chi bộ đảng được đánh giá là ‘trong sạch vững mạnh’ mà cuối cùng ‘té ra vi phạm rất nhiều’ như Vinashin để chứng minh rằng việc phê và tự phê ‘chỉ là hình thức’.
"Phải dùng pháp luật để giám sát hoạt động của các vị trong Đảng và Nhà nước,” ông nói.