Trần Huy Thuận
Thông lệ, chúng ta chỉ thường nghe nói đến hai từ "THẰNG CON”, "THẰNG
DÂN”, chứ không mấy khi nghe thấy những câu ngược lại. Nay nghe nhà sư
nọ trong một cuộc họp cơ quan Mặt trận cấp cơ sở đã phát biểu : "PHẢI
SỐNG VÀ LÀM VIỆC THẾ NÀO ĐỂ DÂN KHÔNG GỌI CÁN BỘ BẰNG THẰNG!” mà thấy
giật mình: Đạo đức xã hội ngày nay suy đồi đến mức ấy ư? Tôi không được
nghe trực tiếp nhà Sư nói câu đó, nhưng thường ngày không phải là không
nghe dân chúng nói năng hỗn hào về cán bộ như vậy – đương nhiên là nói
vụng, nói khi người cán bộ đó đã nghỉ hưu, đã hết chức hết quyền!…
Mặc dù trong thực tế cuộc sống xưa nay vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia,
chuyện con cái gọi bố mẹ bằng THẰNG, bằng "CON”, nhưng chỉ là cá biệt,
chỉ ở những gia đình đã tha hoá nghiêm trọng về đạo đức, như kiểu nhận
xét của nhà thơ trào phúng đất Non Côi Sông Vỵ: "Nhà kia lỗi phép con khinh bố; Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng".
Xưa, Lưu Quang Vũ có một vở kịch nổi tiếng, có tên "ÔNG KHÔNG PHẢI LÀ
BỐ TÔI” – người BỐ trong vở diễn này vẫn còn được người CON gọi bằng
"ÔNG”, cho dù gọi một cách hận thù, khinh bỉ. Gia pháp sẽ thực sự bị
thoá mạ, nếu trở thành phổ biến tình trạng con cái không gọi những người
sinh thành nuôi dưỡng họ bằng cái từ quen thuộc BỐ, MẸ nữa!
Tương tự, thi thoảng ở chỗ này chỗ nọ, cá biệt có người dân tức tối
gì đó với cách giải quyết của QUAN, của CÁN BỘ, cũng … sinh tệ chửi
đổng, gọi QUAN, gọi CÁN BỘ bằng THẰNG. Chứ đến mức cái việc gọi CÁN BỘ
bằng THẰNG trở thành phổ biến đến nỗi nhà sư nọ phải đưa ra phát biểu có
tính chất rung chuông báo động như vậy, thì tình hình đã trở nên thật
sự nghiêm trọng, không thể cho qua! QUAN LẠI phong kiến đế quốc bị dân
gọi bằng "THẰNG” cũng là điều dễ hiểu, bởi trong hàng ngũ họ, tuy có
nhiều người thanh liêm chính trực, làm việc vì dân vì nước… nhưng cũng
không hiếm kẻ chỉ chăm chăm bắt nạt, bức hại dân lành nhằm mục đích vinh
thân phì gia. Nhưng CÁN BỘ thì khác. Hai từ CÁN BỘ (CÁCH MẠNG) do Bác
Hồ đặt tên, nhằm nhấn mạnh trách nhiệm cũng như vinh dự được đem công
sức và trí tuệ ra làm việc "có ích cho nước, có lợi cho dân", "chí công vô tư", "Hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân” và cũng còn bởi, CÁN BỘ "Là người đầy tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân"…
Suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, CÁN BỘ với DÂN luôn tồn tại mối
quan hệ gắn bó máu thịt. DÂN không chỉ nuôi mà còn sẵn sàng hy sinh thân
mình để bảo vệ CÁN BỘ – Bởi dưới con mắt người DÂN thời ấy, CÁN BỘ đồng
nghĩa với CÁCH MẠNG, CÁCH MẠNG đồng nghĩa với TỔ QUỐC ĐỘC LẬP, đồng
nghĩa với DÂN ĐƯỢC DÂN CHỦ, TỰ DO , ẤM NO HẠNH PHÚC! Vì thế, hai từ CÁN
BỘ luôn được DÂN vô cùng yêu quý, được nằm trang trọng trong trái tim
mỗi người DÂN, từ người già đến con trẻ. Trong xã hội thời ấy, từ
"THẰNG” chỉ còn dùng để gọi bọn Việt gian bán nước, bọn tay sai đế quốc
sài lang, bọn trộm cắp! Cuộc sống thời chiến gian khó nguy hiểm là thế,
mà tình nghĩa CÁN BỘ – NHÂN DÂN vẫn gắn bó một lòng, không mấy khi bị
vẩn đục. Không chỉ DÂN yêu quý tôn trọng CÁN BỘ, mà chính CÁCH MẠNG –
với người đại diện gần gũi là CÁN BỘ, cũng rất hiểu và tin yêu DÂN. Có
một câu hát nói về vai trò NÔNG DÂN nhưng cũng chính là nói về NHÂN DÂN:
"Không có Nông dân thì Kháng chiến ta không thể thành công!".
Vậy thì vì đâu mà bây giờ DÂN với CÁN BỘ lại xa cách nhau, thậm chí
coi thường nhau như vậy? Phải có nguyên nhân chứ? Chả nhẽ cả trong
chuyện này cũng lại do bàn tay của thế lực thù địch sao? Sẽ có người nói
như thế đó, nên người viết bài này xin phép được dẫn ngay một câu nói
nổi tiếng của Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. (Về Ðảng cầm quyền, ST, trang 15)”
. Thì ra Hồ Chí Minh đã tiên lượng rất chính xác: Khi CÁN BỘ không còn
được DÂN kính trọng nữa, thì trước hết phải tìm nguyên nhân ngay trong
chính cách cư sử của CÁN BỘ – "Tiên trách kỷ hậu trách nhân” mà! Hồ Chí
Minh còn cẩn thận căn dặn: "Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. (Toàn tập, ST, 1984, T4, trang 521)".
DÂN gọi CÁN BỘ bằng THẰNG là DÂN hỗn rồi, không thể cãi được. Nhưng
CÁN BỘ nào bị DÂN gọi bằng THẰNG, thì trước hết CÁN BỘ đó phải tự kiểm
tra lại chính mình, về mọi mặt "ăn ở”… Phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Câu ca dao cổ, nhưng vẫn rất "thời sự”: "Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào"!
Vậy đấy, hãy ăn ở cho CHÍNH NGÔI, thì dân chúng chẳng ai dám HỖN HÀO!
|