Khánh An, phóng viên RFA
2012-07-25
Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày hôm qua (24/7), khoảng 1000
người dân xã Liên Hiệp, huyện Phú Thọ, Hà Nội, đã kéo nhau ra trước sân
UBND xã để nấu cháo biểu tình, yêu cầu chính quyền giải quyết trả lại
đất tham nhũng cho bà con, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ đã vi phạm.
Photo courtesy of ttxva.org
Người dân xã Liên Hiệp, huyện Phú Thọ, Hà Nội, đã kéo nhau ra trước sân UBND xã để nấu cháo biểu tình đòi đất.
Nguyên nhân
Đây là lần thứ ba bà con xã Liên Hiệp tổ chức nấu cháo ngay tại sân
UBND xã. Ngoài việc mang trống, chở nồi niêu, củi lửa ra sân UBND để nấu
cháo, bà con còn treo rất nhiều biểu ngữ xung quanh khu vực này. Một
người dân ở xã, ông Đỗ Sĩ Thục, cho biết:
"Biểu ngữ thì rất nhiều, kín toàn bộ sân Ủy Ban. Hiện nay còn
giăng lên ghi tên tất cả các cán bộ sai phạm treo lên toàn bộ cổng quanh
khu vực Ủy Ban."
Ông Đỗ Sĩ Thục cho biết nguyên nhân ban đầu của việc người dân nấu cháo biểu tình như sau:
"Theo đơn kiện cách đây hơn một năm rồi, nhân dân xã Liên Hiệp sau
khi phát giác ra toàn bộ bộ máy chính quyền tham ô, cắt rút bớt đất của
dân và cắt bán các dự án nòng, dự án khống bán cho các xã khác ngoài
địa phương. Trong khi đó, các dự án đều không đề sản lượng, không đề
thời hạn mà bán chui. Sau khi nhân dân phát hiện được thì toàn dân đã
kiện hơn một năm nay."
Được biết, người dân thuộc 10 đội sản xuất của xã Liên Hiệp đã nhiều
lần gửi đơn yêu cầu chính quyền các cấp phải giải quyết trả lại đất tham
nhũng cho bà con và cách chức 11 cán bộ xã, huyện đã vi phạm. Thế nhưng
vụ việc đã không được chính quyền quan tâm khiến cho bà con vô cùng bức
xúc. Toàn bộ người dân xã đã ra trước UBND xã tổ chức nấu cháo ngay tại
sân để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình lần đầu tiên vào cuối
tháng 4.
Chị Đinh Thị Thơm, một người dân ở xã, cho biết:
"Chúng tôi làm đầy đủ giấy tờ ra tỉnh, thành phố, trung ương đầy
đủ rồi nhưng ở huyện người ta cứ khất lần đã hơn một năm rồi. Vừa rồi,
người ta cũng khất một tháng nữa. Chúng tôi đã cho một tháng rưỡi rồi mà
người ta chưa trả lời thì chúng tôi phải nấu cháo nữa để bao giờ người
ta trả lời, giả (đất) chúng tôi thì thôi chứ chúng tôi không làm gì cả."
Theo người dân ở đây, sau hai lần nấu cháo biểu tình vào tháng 4 và
tháng 6, chính quyền tỉnh, thành phố đã có công văn gửi về địa phương
nhưng chính quyền xã và huyện vẫn không giải quyết vụ việc và còn bao
che cho những cán bộ vi phạm. Ông Đỗ Sĩ Thục cho biết:
"11 cán bộ trong xã vi phạm Luật Đất Đai và vi phạm tham ô, lãng
phí, bảo thủ công quỹ. Tất cả đều sai phạm. Trong khi (họ) chưa bị xử
lý, chưa bị kỷ luật, thì trên huyện có tạm ngừng 15 ngày để xét xử. Về
sau, chủ tịch vẫn làm chủ tịch, tất cả bộ máy vẫn nguyên xi."
Được biết, kể từ thập niên 90, chính quyền địa phương xã Liên Hiệp
liên tục gây ra những vụ sai phạm trong việc quản lý đất đai gây hậu quả
nghiêm trọng. Người dân cho biết, hiện ở xã Liên Hiệp có những lô đất
ruộng được lén mời thầu từ năm 1998 tới giờ mà không nộp tiền cho xã,
không ghi vào sổ sách. Đất canh tác được chia cho người dân trước đây
đều bị cắt xén và sử dụng sai mục đích. Chị Đỗ Thị Thơm cho biết thêm:
"Ở miền Đông chúng tôi trước kia, vào năm 1993, chúng tôi có 10
khẩu, (mỗi khẩu) 11 thước. Đến năm 1998, người ta rút, chia lại, rút của
chúng tôi mỗi người một thước. Bến bãi thì hiện nay chúng tôi mất rất
nhiều đất. Trước kia chúng tôi có 3, 4 chỗ làm mà giờ gom lại chỉ còn
một chỗ làm thôi. Giờ người ta cho đấu thầu hết. Chỗ thì bán, chỗ thì
đấu thầu."
Chưa có hồi kết
Người dân xã Liên Hiệp giăng biểu ngữ ngay trong sân UBND xã. Photo courtesy of worldpress
Ngoài việc dồn điền, tự ý cắt xén đất đai của người dân, chính
quyền địa phương còn sử dụng đất thu được để đem cho một số hộ sản xuất
mạ kẽm thuê. Các cơ sở sản xuất này còn xả hóa chất độc hại chưa được xử
lý ra môi trường bên ngoài khiến cho những khu vực xung quanh bị ô
nhiễm.
Không dừng lại ở đó, vào năm 2008, chính quyền địa phương lại tiếp
tục cắt mỗi khẩu thêm 15m2 đất để cho thuê nhưng phía người dân lại
không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Chính vì quá bức xúc, người dân chủ yếu làm nghề nông ở đây đã phải
đứng lên đòi quyền lợi bằng việc nấu cháo tập thể ở UBND xã. Ông Đỗ Sĩ
Thục cho biết:
"Toàn bộ nhân dân xã Liên Hiệp tổ chức nấu cháo vì bây giờ quyền
lợi đất là của toàn dân. Cho nên nếu Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã chúng
tôi mà là Chủ tịch nước thì bán mất quần đảo Hoàng Sa rồi. Chúng tôi chỉ
biết là xã cố tình cắt đất.
Nhân dân nhất trí kiện thì bà con trên thành phố và các cơ quan
đoàn thể đã chấp nhận cho chúng tôi dám đứng lên chống lại chính quyền
tham nhũng và có được sự ủng hộ theo sự chỉ đạo của thanh tra thành phố
có chỉ đạo về. Chúng tôi cũng chỉ biết bảo dân không được quá bức xúc và
đấu tranh nấu cháo tại UBND xã, không được gây mất trật tự, tại vì xã
ăn cắp và tham ô đất của dân thì xã phải chịu trách nhiệm trả lại cho
dân. Nếu không, thành phố phải về giải trừ và chất vấn trực tiếp cho
chúng tôi."
Người dân ở xã Liên Hiệp cho biết ngày mai và những ngày tiếp theo họ
vẫn tiếp tục tổ chức nấu cháo cho đến khi nào chính quyền địa phương
giải quyết vụ việc mới thôi. Hiện bà con đã sẵn sàng để nấu cháo một
tuần lễ, thậm chí nếu cần, có thể kéo dài việc nấu cháo để đòi đất đến
hàng tháng sau.
|