Lê Vĩnh
"Bao năm khổ đau đất
nước ta không mùa xuân”
"Cuộc đời tăm tối, chốn lao tù bao hờn căm”
Trên đây là hai câu trong bài hát "Đảng đã cho ta một mùa xuân”
của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đảng ở đây là đảng Cộng Sản Việt Nam và câu "bao năm
khổ đau...” trong bài hát này tác giả nói về những năm đất nước dưới sự đô hộ
của thực dân Pháp, nhưng cũng hoàn toàn đúng với thực trạng của đất nước kể từ
khi Việt Nam bị đảng này cai trị...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con của học giả Phạm Quỳnh, một nhà văn
hóa, người được coi là đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý
luận, đồng thời cũng là người đấu tranh bất bạo động, nhưng không khoan nhượng
cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, chống lại sự bảo hộ của Pháp và
kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Ông Phạm
Quỳnh bị Cộng Sản Việt Nam
bắt giam và giết ngay sau khi họ nắm chính quyền. Hơn nửa thế kỷ sau đảng Cộng
Sản Việt Nam mới đánh giá học giả Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, ôm
ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để
làm sống lại hồn nước... Khi viết bài hát "Đảng đã cho ta một mùa xuân” vào năm
1960, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng, ông đã thực sự bị ảnh hưởng bởi ca khúc "Đảng
đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" ra đời năm 1959, và câu nói của một
triết gia (nào đó): "Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại";
từ đó đã thúc đẩy ông viết lên bài hát ca ngợi cái đảng đã giết cha của ông và
vừa mới thực hiện xong cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu và trù giệt giới văn
nghệ, sĩ trí thức "nhân Văn Gia Phẩm”.
Câu chuyện của nhạc sĩ Phạm Tuyên và bài hát nịnh bợ của ông chỉ
là chuyện của một cá nhân, mà có thể là do phải "nín thở qua sông”, ông ta đã
phải nịnh bợ một cách trơ trẽn và thậm chí phản lại đạo lý làm người như vậy.
Nhạc Sĩ Tô Hải đã nhận định rằng có nhiều người phải "viết trái ngược với bộ
óc và trái tim mình để tồn tại, thậm chí ca ngợi cả những kẻ đã giết bố mình là
"đã cho mình một mùa xuân” là đã làm mình "sáng mắt sáng lòng!”. Nhưng đó
không phải là trường hợp cá biệt, ngược lại, đó là nét chung về sự nghịch lý
của cả một dân tộc dưới sự đè nén của đảng cộng sản Việt Nam
từ hơn nửa thế kỷ qua. Trong sự nghịch lý đó, ngôn ngữ Việt nam tuy phong phú,
nhưng có lẽ khó có từ ngữ nào để diễn tả đầy đủ được những đau thương, tang
tóc, đổ vỡ cho dân tộc Việt Nam trong một đại nạn, thảm kịch chưa từng thấy
trong lịch sử dân tộc.
Trong hoàn cảnh như vậy, đã có nhiều người nhận ra rằng, bao năm
dưới sự cai trị độc tài, độc tôn của đảng cộng sản Việt Nam
thì đó chính là "Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân. Cuộc đời tăm
tối, chốn lao tù bao hờn căm”. Từ đó, bằng cách này hay cách khác họ đã
quyết tâm đi tìm lại mùa xuân thực sự cho dân tộc. Trước đây, khi sự thông tin
còn bị khó khăn hạn chế, người ta khó biết được là đã có bao nhiêu người quyết
tâm đi tìm lại mùa xuân cho dân tộc đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam
trả thù bằng giam cầm, bách hại... Có thể hàng ngàn, hàng vạn người đã gục ngã
cô đơn, âm thầm trong bóng đêm của tù ngục cộng sản. Nhưng sự trả thù hèn hạ
của chế độ bằng lao tù nghiệt ngã đã không dập tắt được ý chí kiên cường, lòng
bất khuất của những người đi tìm tương lai tươi sáng cho dân tộc. Hết lớp người
này bị giam cầm thì lớp người khác tiếp nối. Ngục tù chỉ khiến ý chí và quyết
tâm của họ cao hơn; vì họ biết bằng, chỉ khi nào phá tung được cùm gông xiềng
xích của chế độc độc tài, phản dân chủ trên dân tộc, thì lúc đó đất nước ta mới
có mùa xuân. Trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ của tin học, cả thế giới đều
biết rằng, qua những phiên toà bất công, ngang ngược, chà đạp công lý, chế độ
cộng sản Việt Nam đang giam cầm ít nhất 32 nhà yêu nước 134 năm tù và gần 90
năm quản chế (không kể quản chế vô hạn định). Những nhà yêu nước đó là:
- Hòa thượng Thích Quảng Độ, tù quản chế vô hạn định
- Ông Phạm Văn Trội, 4 năm tù giam, thêm 4 năm tù quản chế
- Ông Trần Đức Thạch, 3 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Vũ Văn Hùng, 3 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, 6 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Ngô Quỳnh, 3 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Văn Túc, 4 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Mạnh Sơn, 3 năm và 6 tháng tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Văn Tính, 3 năm và 6 tháng tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Kim Nhàn, 2 năm tù giam, thêm 2 năm tù quản chế
- Ông Trần Anh Kim, 5 năm và 6 tháng tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 16 năm tù giam, thêm 5 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Tiến Trung, 7 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Lê Công Định, 5 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Lê Thăng Long, 5 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Cô Phạm Thanh Nghiên, 4 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Bà Trần Khải Thanh Thủy, 3 năm và 6 tháng tù giam
- Ông Đỗ Bá Tân, 2 năm tù treo, thêm 3 năm và 11 tháng tù quản chế.
- Linh mục Nguyễn Văn Lý, 8 năm tù giam, thêm 5 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Phong, 6 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Bình Thành, 5 năm tù giam, thêm 2 năm tù quản chế
- Ông Lê Nguyên Sang, 4 năm tù giam
- Ông Nguyễn Bắc Truyển, 3 năm tù giam
- Cô Lê Thị Công Nhân, 3 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Văn Đài, 4 năm tù giam, thêm 4 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy), 2 năm và 6 tháng tù giam
- Ông Nguyễn Văn Hải, 2 năm tù treo
- Ông Trần Quốc Hiền 5 năm tù giam, thêm 2 năm tù quản chế
- Ông Trương Minh Đức, 5 năm tù giam
- Ông Trương Quốc Huy, 6 năm tù giam, thêm 3 năm tù quản chế
- Ông Nguyễn Ngọc Quang, 5 năm tù giam, thêm 2 năm tù quản chế.
- Ông Phạm Bá Hải, 3 năm tù giam, thêm 2 năm tù quản chế.
Những nhà yêu nước trên đây thừa biết rằng, họ có đầy đủ khả năng
và điều kiện để sống yên bình, sung túc, nếu họ nhắm mắt làm ngơ những thảm
cảnh của dân tộc. Bên cạnh đó, họ cũng ý thức được rằng, khi dấn thân vào con
đường đấu tranh để đòi lại tự do dân chủ để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, để chống
bất công áp bức,... chắc chắn họ sẽ phải đối diện với trù dập, tù đày. Nhưng họ
vẫn chấp nhận ngồi tù vì đất nước, vì dân tộc. Vì họ biết rằng, con đường đi vào
nhà tù nhỏ của họ chính là con đường để dân tộc thoát ra khỏi nhà tù lớn của
chế độ.
Rõ ràng những nhà yêu nước trên đã vào tù trong ý thức rằng,
những hy sinh của họ chỉ là những thiệt thòi cá nhân nhỏ bé, so với sự mất mát
của cả dân tộc và đất nước đang phải hứng chịu. Họ vào tù để đánh thức cả dân
tộc về hiểm hoạ ngoại xâm với sự tiếp tay đồng lõa của những kẻ đang cầm quyền.
Giòng máu Việt Nam, tinh thần Việt Nam trong con người của họ không cho phép họ
an nhiên nhìn tổ quốc Việt Nam, mảnh đất đã bao phen thấm máu của tổ tiên Việt,
dần dần bị thiểu số lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam dâng hiến cho kẻ thù truyền
kiếp của dân tộc.
Những nhà yêu nước sẵn sàng ngồi tù bởi vì họ muốn chấm dứt sự
băng hoại xã hội, những khổ đau của đồng bào do cơ chế độc tài sinh ra và cơ
chế đó không có khả năng chấm dứt. Hơn thế nữa, chính chế độ độc tài cũng dựa
vào sự băng hoại, khổ đau đó để tồn tại. Mười sáu năm trước, nhà báo Bút Bi của
báo Tuổi Trẻ đã cảnh giác rằng, lịch sử nhân loại đã có nhiều dân tộc bị xoá sổ
vì băng hoại xã hội. Nguy cơ mà nhà báo Bút Bi vừa đề cập đã ngày càng hiển
hiện đối với dân tộc Việt Nam
dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Vì vậy, sự đấu tranh của những nhà yêu nước đang ngồi tù chính là con đường để
chấm dứt nguy cơ này.
Tóm lại, cho đến khi nào Cộng Sản Việt Nam
còn ngồi trên đầu trên cổ dân tộc Việt Nam
thì lúc đó vẫn là "bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân. Cuộc đời tăm tối
[của cả dân tộc] chốn lao tù bao hờn căm”, thì vẫn còn có những lớp người sẵn
sàng ngồi tù để tìm lại mùa xuân đích thực cho dân tộc, như 32 nhà yêu nước
đang phải chịu đựng. Trong ngục tù tăm tối nhưng những nhà yêu nước trên không
hề cô đơn. Bên cạnh sự chia sẻ đồng cảm của gia đình họ, bao nhiêu người khác
vẫn đang tiếp nối con đường của họ bằng cách này hay cách khác, trong tầm tay
của mỗi người. Từ những cảnh giác vừa qua về hình thức bán đất hại dân dưới
hình thức mới, bằng cách cho ngoại bang thuê đất đầu nguồn của hai vị cửu tướng
Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh; đến những chia sẻ tâm tư của nhạc sĩ Tô
Hải khi "thấy Đảng sai, thậm chí có tội với lịch sử”; hoặc, như bạn trẻ
Lê Nguyễn Huy Trần "Dù thất vọng và uất giận nhưng tôi vẫn phải tiếp tục lên
tiếng, tiếp tục gào thét cho đến hơi thở cuối cùng. Nếu không thì tôi cũng như
những kẻ vô tâm khác, có lỗi với chính mình, với chính dòng sữa đã nuôi lớn
tôi, có lỗi với quê hương, với dân tộc Việt Nam”; hoặc một cách cụ thể hơn,
dán và rải truyền đơn kêu gọi ý thức của nhân dân, quân đội,... khắp trên 3
miền đất nước Nam, Trung, Bắc như Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Phong Trào Lao Động
Việt, Tập Hợp Vì Công Lý, Đảng Việt Tân phối hợp thực hiện trong những ngày
cuối năm vừa qua.
Lịch sử dân tộc nào cũng có những ngôi sao sáng trong những đêm
tối đen nhất của đất nước. Những nhà yêu nước đang ngồi tù để tìm lại mùa xuân
cho dân tộc chính là những ngôi sao sáng đó của đêm đen Việt Nam
hiện nay. Họ là biểu hiện của hy vọng, của niềm tin, của lương tâm và của tình
người Việt Nam.
|