Thứ Ba, 2025-01-21, 6:31 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Hai » 3 » Đích danh thủ phạm
9:31 AM
Đích danh thủ phạm
Hình: REUTERS

Dư luận trong nước, từ báo chí lề phải đến lề trái, từ trong Quốc hội đang họp đến các blogger tự do, đang bàn tán sâu rộng về vấn đề «tái cấu trúc nền kinh tế» đang đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng, trao đổi ý kiến về «cải cách hệ thống», về «đổi mới đợt 2».

Cuộc thảo luận, tranh luận càng thêm sôi nổi khi các cơ quan thông tin quốc tế có uy tín báo động rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam bị đánh giá tụt điểm, xuống mức thấp nhất, chạm đáy về tín nhiệm, khi chỉ số chứng khoán VN Index từng lên cao tới mức 650, tụt dần xuống dưới 500, nay xuống dưới 400, mấy ngày nay chỉ còn 380 và còn xuống nữa, chưa biết đến mức nào.

Tình hình thêm báo động đỏ khi tổ chức tài chính Anh quốc Elliot lên tiếng kiện Tổng công ty Vinashin cùng 20 công ty vệ tinh về những món nợ khổng lồ lên đến 600 triệu đôla đã quá hạn. Hiện Vinashin mắc nợ đến 4 tỷ 4 đôla các chủ nợ quốc tế. Đây là trái bom nổ chậm khủng khiếp cho nhà nước vì Vinashin là một Doanh nghiệp Nhà nước - DNNN - được nhà nước bảo hộ theo luật. Rồi đây, nhà nước VN có thể bị xiết nợ dưới nhiều hình thức.

Ngoài xã hội, cuộc sống càng thêm bức bách, gay go. Giá cả tiêu dùng tăng nhanh, đồng tiền mất giá, tham nhũng lan tràn theo cấp độ nhân, dân tình phẫn nộ, tuổi trẻ nhắc đến câu nhận định của Hưng Đạo đại vương về thời nhiễu nhương: "của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”.

Biện pháp cấp cứu ra sao đây? Vẫn chỉ là những bài thuốc xoa bóp, chữa cảm cúm. Tiết kiệm trong ngân sách, tận thu thuế, đình hoãn một số công trình lớn, điều chỉnh tý chút tỷ giá tiền Đồng, phát hành thêm tiền mặt và công trái, hạ lãi suất thực, vay nợ mới để trả nợ cũ với lãi xuất cao. Toàn là những biện phát chữa cháy chắp vá tạm thời.

Tất cả những lời yêu cầu, đề nghị, kiến nghị khẩn thiết, có thiện chí từ trong nước, từ cộng đồng ở ngoài nước, từ các chuyên gia quốc tế về cải tổ đồng bộ, toàn diện – chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, thay đổi hệ thống, từ bỏ độc quyền về mọi mặt… đều bị bỏ ngoài tai của lãnh đạo, dù cho trong thâm tâm, về lý lẽ, họ không thể bác bỏ được. Họ cũng biết suy luận, hiểu rõ vấn đề, nhưng lòng tham làm họ mù quáng, không chấp nhận kế hay.

Mới đây, tôi có dịp nói chuyện với một số trí thức ở Đông Đức cũ, Ba Lan và Czech, các bạn có nhiều ý kiến bổ ích về thời kỳ hậu Cộng sản. Họ cho rằng ở Việt Nam đang hình thành một "chủ nghĩa tư bản lộn ngược”, trái quy luật, một loại hình đặc biệt chưa có tiền lệ, chưa có tên gọi trong sách giáo khoa.

Chủ nghĩa tư bản ra đời sau khi loài người trải qua các chế độ người nguyên thủy, kinh tế tự nhiên, hái lượm, săn bắt, rồi chế độ trao đổi hàng hóa, dẫn đến kinh tế tiền tệ, thủ công nghiệp, công nghiệp… Chủ nghĩa tư bản ra đời từ thấp lên cao, qua quá trình công nghiệp hóa, cơ khí hóa, điện khí hóa, điện tử hóa, đồng thời tư bản tích tụ dần, tập trung thành các công ty, đại công ty chuyên ngành, đa ngành, thành những đàn cá mập- độc quyền-đầu cơ - lũng đoạn, tiêu biểu là nhóm tỷ phú Phố Wall.

Tư bản tập trung đến đâu cũng vẫn có nền tảng là vô vàn nhà kinh doanh nhỏ và vừa, chiếm số đông, tạo nên do đông đảo cử tri có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế trước pháp luật, hạn chế tệ độc quyền, bất bình đẳng trong xã hội, điều chỉnh mọi lạm dụng bất công.

Trước đây, dưới thời chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình Mác-xít, hình thức sở hữu tư nhân, kinh doanh tư nhân bị bóp chết triệt để, thay vào đó là độc quyền của sở hữu quốc doanh.

Bước vào thời kỳ hậu CS ở VN, do chưa hẳn là hậu CS đúng nghĩa, do đảng CS vẫn lãnh đạo với độc quyền chính trị - kinh tế - tài chính, nên đảng CS cho phép chủ nghĩa tư bản hồi sinh,

nhưng kinh tế tư nhân bị chèn ép nặng nề, các nhà kinh doanh nhỏ và vừa chưa kịp sinh sôi nảy nở, cạnh tranh đua tài thì đã bị các tập đoàn nhà nước lấn át bóp mũi không thương tiếc.

Điều trớ trêu này giải thích vì sao chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có 50 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể, nhỏ và vừa bị phá sản. Nó đã bị đàn cá mập DNNN ăn tươi nuốt sống rồi.

Chính chế độ hậu CS kiểu ma giáo sanh ra DNNN một cách duy ý chí, không theo quy luật tự nhiên của quá trình tích tụ, tập trung tư bản cho nên các DNNN đều là những quái thai, những quái vật của nền kinh tế quốc gia. DNNN chứa đầy bệnh hoạn, toàn là bệnh nan y kiểu ung thư, đang là tai họa cho chính chế độ độc đoán là người khai sinh ra nó.

Cái hư hỏng, xấu xa của DNNN nằm ngay ở bản chất của nó, do được xác định là «nòng cốt» , đóng vai trò «chủ đạo» của nền kinh tế, được nuông chiều quá mức, được nhà nước tha hồ cấp vốn, được Ngân hàng Nhà nước «ưu đãi cho vay với lãi xuất thấp», được «ưu tiên cấp vốn» lớn từ nguồn viện trợ ODA cũng như đầu tư từ nước ngoài FDI.

Tệ hại hơn nữa là các quan chức quản lý DNNN như tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty, công ty, hội đồng quản trị… không phải sàng lọc tuyển mộ từ những nhà kinh doanh tài ba, am hiểu luật pháp, thị trường, có năng khiếu làm ăn bén nhạy đúng luật, mà lại do bộ máy tổ chức của đảng CS chỉ định theo quan hệ phe nhóm, cánh hẩu, kém tài, cậy thế được nuông chiều, lại là những kẻ thành đạt do phe cánh nên tha hồ kiêu ngạo, tham nhũng. Họ mặc sức dở trò ma giáo, mánh mung, gian lận, lập hóa đơn giả, biên bản giả, đàm phán giả, 2 hệ thống hóa đơn, kế toán và thanh toàn, lãi thật thành lỗ giả, đã có nhà nước bù lỗ từ ngân sách, tước đoạt 2 lần tài sản của nhân dân.

Vinashin là như thế; tập đoàn dầu khí Petro VN là như thế ; tập đoàn than khoáng sản TKV là như thế; tập đoàn điện EVN cũng là như thế. Chỉ riêng 4 con cá mập CS này nắm trọn ngành đóng tàu thủy, khai thác dầu và khí, khai thác mỏ các loại, quản lý ngành điện ở nước ta; chúng có công đến đâu và có tội lớn đến mức nào, là một vấn đề cần làm rõ. Ban Kiểm tra Trung uơng Đảng, Tổng thanh tra chính phủ, Ban Kiểm toán nhà nước đều bất lực, vô dụng trong đánh giá vì đều là do đảng nắm, chẳng lẽ đảng lại tự đánh mình, tự phạt mình, tự bôi nhọ mình. Huống gì hàng tỷ, hàng chục tỷ đôla đen tối móc túi của ngân sách và vốn đầu tư ấy đã được phân chia lại theo kiểu phong bì, lại quả, trợ cấp đời sống, tiền thưởng khá là rộng rãi cho các vị chức quyền nói trên rất chu đáo rồi.

Vẫn chưa hết chuyện. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã có quyết định các bộ của chính phủ sẽ không trực tiếp điều hành các tổng công ty và công ty quốc doanh. Các bộ chỉ quản lý hành chính, quản lý theo các văn bản luật pháp, không trực tiếp dính đến kinh doanh, như là ở mọi nước dân chủ khác. Thế nhưng không ai chấp hành. Các bộ vẫn kinh doanh để kiếm lợi, vừa thổi còi vừa dá bóng, còn lập ra thêm nhiều công ty để kinh doanh. Các bộ trưởng và thứ trưởng còn kiêm nhiệm làm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, tham gia hội đồng quản trị,  ăn luôn 2, 3, 4 mức lương, chưa kể hoa hồng, lại quả, tiền thưởng, chia lãi… Có nhà báo ví von, tiền của nước của dân ào ào đổ vào túi các quan chức chính phủ như nước sông Đà mùa nước lũ. Tất cả giàu sụ, béo tròn, ba đời ăn không hết.

Dân đen đói nghèo, các nhà kinh doanh nhỏ và vừa bị kềm hãm, hiếp đáp, phá sản, hố ngăn cách giàu nghèo toang hoác một cách kinh hoàng. Các nhà từng tự hào là vô sản trở thành đại gia, đại tư bản, đại điền chủ, đại chứng khoán, đại doanh gia tuốt luốt. Các tập đoàn kinh tế còn tha hồ sổ lồng, kinh doanh trái khoáy, dưới danh hiệu kinh doanh tổng hợp tư do, các tập đoàn đóng tàu, dầu khí, điện lực kinh doanh luôn đất cát, chứng khoán, ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng, du lịch, nhà nghỉ…cũng vì nhà nước là ta, đảng là ta, DNNN là ta, độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế là ta, luật là ta.

Xét cho cùng, thủ phạm của bất công tràn lan, của tham nhũng bất trị, thủ phạm của lạc hậu triền miên thê thảm, nguồn cơn của tâm lý chán ngán, thất vọng của đông đảo nhân dân chính là DNNN mang tính đặc thù Việt Nam, theo mô hình của Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước có quyền lực vô hạn, mang bản chất lũng đoạn của đàn cá mập tỷ phú lộng quyền, nuốt chửng vô vàn công ty nhỏ và vừa của tư nhân không quyền thế.

Các chế độ hậu Cộng sản ở Đông Âu như Đông Đức, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Czech…đã vĩnh biệt chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện dân chủ đa đảng, đa thành phần kinh tế, thực hiện tự do chính trị, tự do kinh tế và kinh doanh thật sự theo luật pháp, nên phát triển có cạnh tranh công bằng, có kiểm tra, thanh tra, kiểm soát công khai nghiêm ngặt, có tự do ngôn luận, báo chí, tính công khai minh bạch được biểu hiện rõ ràng. Họ cũng có những DNNN nhưng tách khỏi hệ thống hành pháp, khu vực tư bản tư nhân nhỏ và vừa của họ phát triển mạnh mẽ làm nền tảng cho sự phát triển hài hòa, phồn vinh chia cho toàn xã hội. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng sự phát triển hợp quy luật, mang tính vững bền, ổn định.

Một xã hội bất công tràn lan và chồng chất không thể ổn định về tinh thần và chính trị.

DNNN là đích danh thủ phạm của mọi điều ngang trái cơ bản ở nước ta. Bất mãn xã hội và bùng nổ giận dữ của dân chúng lương thiện bắt nguồn từ đó. Căn bệnh ung thư về kinh tế từ đó mà ra. Thủ phạm gốc gác chính là chế độ độc đảng đã hoàn toàn lỗi thời của đảng CS Việt Nam. Sự loại bỏ mọi hình thức độc quyền đảng trị là cấp bách. Mùa Xuân Bắc Phi và Trung Đông khẳng định thêm yêu cầu cấp bách ấy.

Cám ơn các nhà trí thức Đức, Ba Lan và Czech đã gợi ý để cho mọi người nhìn rõ cái chế độ kinh tế bệnh hoạn, tiêu biểu là các DNNN độc quyền lũng đoạn tham nhũng do đảng CS vội vã thai nghén ra trong thời kỳ hậu Cộng sản nửa dơi nửa chuột, kiểu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty DNNN được lãnh đạo của đảng CS cưng chiều ưu đãi vì lợi ích trước hết của phe nhóm cầm quyền, nghĩa là của chính họ, đã lũng đoạn nền chính trị - kinh tế - tài chính của đất nước mấy chục năm, dẫn đến tình hình khó khăn, suy thoái gay gắt hiện nay, với triển vọng khủng hoảng, đổ vỡ, phá sản về kinh tế - tài chính trong thời gian không xa.

Vài năm trước, khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giới cầm quyền lạc quan bàn đến chuyện đất nước mọc cánh, sắp sửa bay cao, bay xa, đất nước căng buồm lộng gió sắp sửa ra khơi với tốc độ cao đến những bến bờ thịnh vượng…Tất cả nay chỉ còn là ảo tưởng xa vời, mỉa mai.

Các thức giả, các chuyên viên am hiểu thời cuộc đều lên tiếng, đồng loạt nêu ý kiến là phải chữa bệnh tận gốc, phải đổi mới cả hệ thống, phải cơ cấu hản lại nền kinh tế, phải chịu một cuộc mổ xẻ đau đớn để thật sự đổi mới từ mô hình, quan niệm, tư duy, từ đường lối chiến lược đến biện pháp chiến thuật, về kinh tế tài chính đồng thời về chính trị và văn hóa, không thể yên lòng với kiểu đổi mới bộ phận, hình thức, mới mà rất cũ, thật ra là ôm chặt cái cũ ngày càng cũ thêm, tệ hại thêm.

Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo từ 2 năm nay về cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính quy mô lớn, về nguy cơ nợ quốc gia không trả nổi, về lạm phát tích tụ, về vụ chìm tàu Vinashin tiêu biểu cho sự đắm chìm dây chuyền về kinh tế tài chính.

Ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ, luôn nặng lòng vì dân vì nước, viết những luận văn rất công phu, tuy lập luận chưa có sức thuyết phục về khả năng của đảng CS có thể đưa đất nước thoát hiểm, đã báo động nghiêm túc về một cuộc suy thoái toàn diện, một sự đổ vỡ chính trị và xã hội kinh hoàng nếu lãnh đạo đảng không tỉnh ngộ, thay đổi đường lối và nhân sự, đưa nhân tài thứ thiệt chứ không phải những tay chân bất tài lên cầm lái cỗ xe kinh tế.

Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) Nguyễn Quang A vẫn kiên trì cuộc đấu tranh cho tự do, kiến thức và luật pháp, cũng chỉ rõ nguy cơ của các DNNN kiểu Việt Nam, những tổ chức kinh tế khổng lồ có sức và quyền không giới hạn, lũng đoạn cũng không giới hạn khi kinh doanh trái ngành một cách tùy tiện - ngành điện kinh doanh nhà đất và khách sạn, ngành đóng tầu kinh doanh chứng khoán và xuất nhập khẩu, ngành khai khoáng kinh doanh du lịch, nhà nghỉ, ngân hàng, phung phí vô hạn tài nguyên quốc gia.

Gần đây vang lên một tiếng nói có trọng lượng, của ông Phan Diễn, nguyên là thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng, qua một bài báo trên Tuần Việt Nam, nêu lên một sự thật ở Nam Triều Tiên là kinh tế phát triển không dựa vào kinh tế quốc doanh mà dựa chính vào lực lượng tư nhân. Các DNNN ở Việt Nam làm ngược lại đã lộng hành, chèn ép, bóp chết kinh tế tư nhân, tiêu diệt nền tảng kinh tế của đất nước, tự làm hại mình.

Cũng cùng một nhận thức như thế, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng sẽ chẳng có chuyện cấu trúc lại nền kinh tế đâu, nhà nước vẫn đổ đầu tư vào những khu vực mà tư nhân làm được. Đó là sự bao biện, ôm đồm tệ hại về mọi mặt, chèn lấn, bóp chết kinh doanh tư nhân, triệt tiêu cạnh tranh, làm tê liệt động lực phát triển, làm kinh tế tiêu điều, đi xuống, tự làm cho các DNNN sinh hư, đổ đốn, đi đến thua lỗ triền miên, phá sản.

Giữa lúc nợ quốc gia trở thành tai họa cho toàn dân các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland…ở châu Âu, các món nợ của nhà nước Việt Nam thật đáng sợ. Chuyện công ty Vinashin bị kiện cùng với 20 công ty vệ tinh của Vinashin về món nợ 600 triệu đôla quá hạn trả, cùng gần 4 tỷ đôla tiếp theo phải trả, tuy bộ trưởng tài chính nói liều «ai vay người ấy trả», nhưng rồi các quan chức Vinashin bị mất chức ngồi trong tù, lấy của đâu ra để thanh toán. Cuối cùng là ngân sách, là tiền của dân, khi cạn kiệt rồi thì nhà nước có thể vỡ nợ, phá sản luôn! Đây là một triển vọng hãi hùng, khó tránh…

Hãy ghi những còn số từ cơ quan thống kê Việt Nam, Vinashin thâm thủng gần 100 ngàn tỷ đồng - bằng hơn 4 tỷ đôla; EVN năm 2010 lỗ 11,7 ngàn tỷ đồng, bằng nửa tỷ đôla; Tổng công ty Bưu chính VN lỗ 1.026 tỷ đồng. Các DNNN hiện sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, được cấp 50% vốn đầu tư của xã hội, nhưng do không ăn nên làm ra, do quan liêu, lãng phí và tham nhũng, hiện mang nợ lên đến 54,2 % của GDP - giá trị sản xuất toàn quốc năm 2010, nghĩa là chừng 60 tỷ đôla. Khả năng trả nợ rất thấp, dự trữ ngoại tệ lại quá mỏng, chưa đạt 12 tỷ đôla. Nhà Nước lấy gì để trả nợ. Khi tiền của đã tiêu tán hết vào túi các quan chức và phe nhóm.

Bốn năm năm trước đây, các DNNN được coi là những quả «đấm thép» của nền kinh tế, những «mũi nhọn» đầu tư quy mô lớn, là «đầu tàu» hùng mạnh, là «xương sống» vững chãi của nền kinh tế.

Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi các DNNN dựa trên nền tảng của vô vàn doanh nghiệp nhỏ và vừa trải ra khắp nơi, của triệu triệu sáng kiến làm ăn năng động của ngàn vạn doanh nhân, cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở luật pháp nghiêm minh, làm cho bộ máy kinh tế chuyển động đều đặn hài hòa.

Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, quanh các tập đoàn kinh tế NN, các tổng công ty NN cũng có nhiều công ty vệ tinh của tư nhân, nhưng toàn là của các phe nhóm

có quyền thế, của bọn con ông cháu cha, của bọn 7 c «con cái cháu chắt các cụ cả» theo tinh thần độc quyền lợi nhuận, không chia sẻ cho ai khác. Chính cái đuôi XHCN quái đản này mang mầm tai họa cho nền kinh tế vì nó loại bỏ mọi tài ba và năng khiếu kinh doanh chân chính, nhường chỗ cho vô vàn manh múng, thủ đoạn mưu mô kiểu mafia Cộng sản thời rã đám, với tệ nạn hối lộ, cửa sau, thư riêng, có đi có lại, thậm chí cả những vụ sát nhân, thủ tiêu đầu mối trong các vụ tham nhũng lớn.

Do mô hình sai, đường lối sai, chỉ đạo lại manh mún, lòng tham lại không hạn, nên những quả «đấm thép» quay lại giáng vào chính sức mạnh kinh tế chưa kịp phát triển, «xương sống» kinh tế chưa vững đã mềm nhũn, chiếc tàu kinh tế chưa kịp ra khơi đã mắc cạn có nguy cơ chìm, nền kinh tế mới mọc cánh đã có nguy cơ lao xuống vực.

Quốc hội qua 2 khóa của một năm nghị trường nhưng không giải quyết được gì khi phải cúi đầu tuân theo nghị quyết đại hội đảng XI là kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì CNXH Mác-xít, kiên trì độc đảng, kiên trì quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế. Bốn vòng kim cô.

Khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership), một khối kinh tế hùng mạnh dựa trên cơ sở tự do mậu dịch quốc tế đang hình thành. Việc gia nhập của Việt Nam vào khối này đang gặp trắc trở không nhỏ chính là do các DNNN kiểu Việt Nam mang bản chất độc quyền bất bình đẳng xa lạ với các nước tham gia.

Các chuyên gia Hoa Kỳ đã chính thức yêu cầu phía Việt Nam phải đề ra những quy tắc mới cho các DNNN của mình, trong cuộc họp trù bị về TPP ở Lima, Péru, gần đây. Đây chính cũng là vấn đề tái cơ cấu cần thiết nhưng phiên họp Quốc hội hiện tại vẫn cố tình làm ngơ, để mặc đất nước gánh chịu mọi hậu quả tất yếu.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 744 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0