Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-12-09
Mở rộng dân chủ trực tiếp là một trong những vấn đề cấp thiết
được giới nhân sĩ trí thức chuyên gia kiến nghị đưa vào bản hiến pháp
sửa đổi dự kiến ban hành vào cuối năm 2013.
AFP PHOTO
Một phiên họp của Quốc hội khóa XIII trong năm 2011.
Sự thể hiện còn hạn chế
Trong một ngày Thứ Tư 7/12 ở Hà Nội có hai cuộc hội thảo cùng một chủ
đề liên quan đến những nội dung cần sửa đổi đối với bản hiến pháp 1992
hiện hành. Những ý kiến nổi bật bao gồm qui định trong hiến pháp về mở
rộng dân chủ trực tiếp, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước,
thiết lập Tòa án Hiến pháp độc lập gọi là Tòa Bảo Hiến….cũng như đề nghị
lập lại danh xưng quốc gia là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Theo Vietnam Net: "Trưng cầu dân ý, biểu tình, trực tiếp đối thoại
quan chức Nhà nước…là những cách thức mở rộng dân chủ trực tiếp Việt
Nam có đủ điều kiện và cần làm tốt hơn.” Tại cuộc hội thảo Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam ghi nhận góp ý của các thành viên kiến nghị nên bổ sung
nội dung này vào dự thảo hiến pháp sửa đổi.
Nếu nhân dân chỉ được sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua bộ máy
Nhà nước là dân chủ đại diện thì hình thức dân chủ trực tiếp bị ảnh
hưởng, chủ quyền nhân dân bị hạn chế.
TS Nguyễn Minh Đoan
Tờ báo mạng trích lời ông Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân
tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho rằng, ở Việt Nam vẫn thực
hiện cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của dân thông qua cơ chế dân
chủ trực tiếp và cơ chế dân chủ đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân
dân. Theo lời ông Que cách thức thực hiện dân chủ trực tiếp chỉ thể
hiện qua bầu cử là quá hạn chế. Còn cách thức dân chủ đại diện, tuy một
số việc quan trọng có lấy ý kiến người dân nhưng vẫn chỉ mang tính tham
khảo. Vẫn theo Vietnam Net, Ông Lù Văn Que nói rằng trong bối cảnh mới
của đất nước và thế giới, cần sửa đổi, bổ sung cách thức sử dụng quyền
lực nhà nước của dân trong Hiến pháp mới theo hướng mở rộng hơn.
Một người dân ở Cà Mau nói với chúng tôi là trực tiếp đi bầu thì cũng
chẳng có ý nghĩa gì vì người ta đã chọn những người ra ứng cử:
"Họ đưa lên và hướng dẫn người đi bầu, có người hướng dẫn hết trơn thì đâu có dân chủ được.”
Cùng ngày 7/12 tại Hà Nội, báo mạng Người Lao Động đưa tin, trên 200 đại biểu đã tham gia Hội thảo "Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Các đại biểu đã thảo luận theo 3 chủ đề chính: Hiến pháp và vấn đề tổ
chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai
trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Cần có quyền bãi nhiệm
Cuộc biểu tình tại Hà Nội sáng Chủ nhật 27-11-2011, để ủng hộ việc Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội soạn thảo luật biểu tình, vừa
mới bắt đầu đã bị công an trấn dẹp. Courtesy NXD's Blog.
Liên quan tới vấn đề dân chủ trực tiếp, PGS-TS Nguyễn Minh Đoan, Trường
Đại học Luật Hà Nội nhận định rằng, về bản chất Nhà nước Việt Nam là Nhà
nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do vậy theo ông, ngoài
hình thức sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước thì
nhân dân có thể trực tiếp thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua việc
phúc quyết hoặc trưng cầu dân ý đối với những vấn đề lớn, hệ trong của
đất nước. Vị đại biểu đến từ Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh là: "Nếu
nhân dân chỉ được sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua bộ máy Nhà nước
là dân chủ đại diện thì hình thức dân chủ trực tiếp bị ảnh hưởng, chủ
quyền nhân dân bị hạn chế.”
Như thế ở hai không gian khác biệt của hai cuộc hội thảo cùng ngày
7/12 tại Thủ đô, nhưng ý kiến chung của giới nhân sĩ trí thức trùng hợp
nhau là bản hiến pháp mới sau này phải minh định quyền dân chủ trực tiếp
của người dân, như biểu tình, trưng cầu dân ý, trực tiếp đối thoại với
quan chức nhà nước…
Người Lao Động báo điện tử trích lời Gíao sư Tiến sĩ Khoa học Lê Văn
Cảm, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các Hiến pháp Việt Nam sau năm
1946 đã không kế thừa được tinh thần và lời văn của các qui định rất
tiến bộ và dân chủ về quyền lập hiến của nhân dân và không đề cập quyền
trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp. Vẫn theo tường thuật của nhà báo, TS
Trần Ngọc Đường thuộc Văn phòng Quốc hội, đề nghị để cụ thể hóa tư tưởng
quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ thêm
3 vấn đề cơ bản là: bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết.
Hiến pháp phải được người dân thông qua; chứ còn Quốc hội thông qua
cũng chỉ là gián tiếp, mặc dù Quốc Hội là cơ quan đại diện dân.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Chưa hiểu những ý kiến đóng góp tại các cuộc hội thảo sẽ được Ủy ban
dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp thu
như thế nào. Bởi vì TS Trần Ngọc Đường được báo Người Lao Động trích
lời đã khẳng định rằng: "Công dân có quyền bầu cử mà không có quyền
bãi nhiệm thì quyền bầu cử mang tính hình thức. Chuyện phúc quyết Hiến
pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện
đầy đủ nhất tư tưởng ‘tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.’"
TS Trần Ngọc Đường nhận định là, trong cơ chế Nhà nước pháp quyền,
quyền lực Nhà nước thuộc về ai thì chủ thể đó có quyền lập hiến. Do vậy,
phải chuyển quyền lập hiến về cho nhân dân, chứ không phải Quốc hội.
Chúng tôi trích lời luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt
trận Tổ Quốc TP.HCM, khi ông trả lời Phóng viên Quỳnh Chi thuộc Ban Việt
ngữ Đài ACTD:
"Hiến pháp là Hiến pháp của cả nước. Nó chi phối đời sống người
dân và quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước từ thể chế
cho đến các vấn đề khác. Do đó Hiến pháp phải được người dân thông qua;
chứ còn Quốc hội thông qua cũng chỉ là gián tiếp, mặc dù Quốc Hội là cơ
quan đại diện dân.”
Nên trưng cầu dân ý
Tường thuật cuộc hội thảo ngày 7/12 ở Hà Nội do tạp chí Nghiên Cứu
Lập Pháp và tạp chí Pháp Luật và Phát Triển tổ chức, Tuổi Trẻ Online ghi
nhận ý kiến nhiều cựu lãnh đạo và các chuyên gia cùng chung ý kiến rằng
nên trưng cầu ý dân các nội dung của dự thảo Hiến pháp mới và bản Hiến
pháp này phải được nhân dân phúc quyết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 25/11. Courtesy chinhphu.vn
Bên cạnh vấn đề trưng cầu dân ý và nhân dân phúc quyết Hiến pháp mới,
nhà báo Tuổi Trẻ cũng ghi nhận ý kiến của các ông Vũ Đức Khiển và Nguyễn
Văn Thuận, cùng là cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, về việc
Hiến pháp mới qui định việc thiết lập Tòa án hiến pháp. Cơ quan này có
quyền kiểm soát chung đối với các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp để đảm bảo tính hợp hiến trong họat động.
Những hành vi vi phạm hiến pháp phải được phát hiện và ngăn chặn, khắc
phục kịp thời thì mới phát huy được vai trò của Hiến pháp trong đời
sống xã hội. Ngược lại sẽ gây ra tác hại khôn lường.
Một ý kiến đáng chú ý được báo Người Lao Động Online ghi nhận, Giáo
sư Tiến sĩ Khoa học Lê Văn Cảm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị,
lấy lại danh xưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử
dụng trong Hiến pháp 1946. Ông Cảm nói là cần trả cho tổ quốc và nhân
dân đúng tên gọi có ý nghĩa sâu sắc.
Theo phân tích của ông Cảm Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ tiến
lên chủ nghĩa xã hội nên không nhất thiết phải đặt tên nước là Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Một người dân đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Văn Cảm:
"Lấy tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là đúng nhất, hiện giờ đốt
đuốc đi tìm chủ nghĩa xã hội tìm hoài không thấy, theo lý luận của
Mác-Lê Nin thì phải trải qua chủ nghĩa tư bản rõ rệt rồi mới tới xã hội
chủ nghĩa, trên cơ sở là hàng hóa sản phẩm vật chất có đầy đủ mới gọi là
chủ nghĩa xã hội, đàng này hiện nay nhiều người dân chưa có cháo để ăn
thì chủ nghĩa xã hội gì.”
Điều 4 Hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam…là lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội nhưng điều lệ Đảng lại xác định Đảng Cộng sản
Việt Nam là đảng cầm quyền. Nhưng lãnh đạo và cầm quyền không phải là
những khái niệm tương đương.
Ô. Bùi Đức Lạt
Các đại biểu dự hai cuộc hôi thảo ở Hà Nội cũng đề cập tới một vấn đề
đã được bàn cãi rất nhiều từ lâu nay, đó là cần làm rõ khái niệm sở
hữu. Theo báo Đất Việt bản điện tử, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Vũ Mão cho rằng hiện nay Hiến pháp qui định đất đai thuộc sở hữu toàn
dân, tức là có sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và các văn bản luật. Cụ thể
Luật Đất Đai 1993 cho phép người có quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng,
quyền thừa kế. Sự mâu thuẫn này là vi hiến và cần được sửa đổi trong
hiến pháp mới.
Trong hai cuộc hội thảo tổ chức hôm 7/12 ở Hà Nội, không thấy báo chí
tường thuật một ý kiến nào liên quan tới nhu cầu sửa đổi điều 4 Hiến
pháp 1992, theo đó Đảng cộng sản giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của Nhà
nước và toàn dân. Tuy vậy một ngày trước, ngày 6/12 Vietnam Net có bài
viết của chuyên gia Bùi Đức Lạt cho rằng:
"Điều 4 Hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam…là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng điều lệ Đảng lại xác định Đảng Cộng
sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Nhưng lãnh đạo và cầm quyền không phải
là những khái niệm tương đương”. Ông Lạc cho rằng phạm vi Nhà nước
và xã hội mà Đảng lãnh đạo rộng hơn nhiều phạm vi quyền lực mà Đảng nắm.
Và sự khác nhau rõ ràng này giữa hai văn kiện quan trọng hàng đầu đó
cần được khắc phục.
Báo chí ghi nhận khá nhiều ý kiến thẳng thắn và cách tân cho bản hiến
pháp tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên theo dự kiến, dự thảo Hiến pháp
mới sau khi được hoàn thiện sẽ phải báo cáo lên Bộ chính trị, Ban chấp
hành Trung ương Đảng vào cuối năm 2012, trước khi Quốc hội thông qua
trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 3 tháng 4/2013.
|