Một vài vị đại biểu khù khờ, như ông Hoàng Hữu Phước, đơn vị Sài Gòn,
không hiểu vai trò của lập pháp, không thuộc biến chuyển thời cuộc trên
thế giới, không ý thức được nhiệm vụ đại diện nhân dân của mình, do đó
ông tuyên bố sàm bậy, lăng nhăng, nhiều điều vô ý thức và kết luận
rằng: "Không cần luật biểu tình bởi vì Việt Nam chưa đủ trình độ dân
trí.” Lời tuyên bố làm dư luận phê phán gắt gao. Tiếc thay, ông Phước
không cô đơn, còn nhiều đại biểu dốt nát không kém ông, như Huỳnh Thế Kỳ
(Phan Thiết), Ðặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên), Nguyễn Thành Tùng (Bình
Ðịnh) biểu đồng tình với ông bằng những lời phát biểu kém phẩm chất
không đáng ghi lại. Các ông đại biểu kiểu nầy khiến Quốc Hội bị quần
chúng khinh khi nhiều hơn ngoài tính "bù nhìn” của họ.
Trong phiên họp ngày 25 tháng 11, có hai lời tuyên bố của Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên, đầu tiên là các đại
biểu do "đảng cử dân bầu,” khi ông trả lời những câu chất vấn của 22 đại
diện dân gởi hơn 30 câu hỏi, nhưng ông Dũng chỉ trả lời 2 vấn đề mà
thôi.
Vấn đề thứ nhứt về luật biểu tình
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói: "Các đại biểu Quốc Hội ngồi đây chắc thấy rõ
có một thực tế trong cuộc sống hiện nay của chúng ta là nhiều đồng bào
tụ tập đông người rồi biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị
với chính quyền, Thực tế là như vậy.” Nhưng vì chưa có luật nên chính
quyền khó thi hành nhiệm vụ của mình.
Thực tế có khi nào nhà cầm quyền Hà Nội áp dụng luật lệ hay tôn trọng
Hiến Pháp của chính họ bày vẽ đâu. Kể cả tòa án là cơ quan cầm cán cân
công lý mà cũng bất chấp luật lệ bằng cớ, công an bịt miệng Linh Mục
Nguyễn Văn Lý trước tòa, thì bây giờ bày ra luật biểu tình để làm gì?
Phải chăng để vịn vào đó giải thích tùy tiện, để buộc tội những ai không
đồng quan điểm với nhà cầm quyền. Người dân hãy còn nhớ nhóm biểu tình
chống Trung Quốc ngày Chủ Nhật hôm trước được giám đốc Sở Công An hoan
nghênh là những người yêu nước. Chủ Nhật liền sau đó cũng nhóm người ấy,
bị công an bắt, khiêng liệng lên xe còn đạp vào mặt và truyền hình báo
chí nhà nước tố cáo họ là "phản động” và bị xúi giục. Các nhà trí thức
danh tiếng trong cuộc phản đối, yêu cầu giám đốc đài truyền hình phải
xin lỗi vì hai chữ "phản động” bằng nghĩa với "phản bội.” Nhà nước làm
ngơ.
Có lẽ Nguyễn Tấn Dũng muốn phô trương cho mọi người, trong và ngoài nước, thấy Việt Nam cũng có luật pháp như mọi nơi.
Nhưng thực tế ngay cả Hiến Pháp, Ðiều 69 ghi nguyên văn: "Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền
hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.”
Thực tế nhà nước luôn luôn áp dụng những biện pháp trái ngược với
hiến pháp của họ. Bằng cớ: Bàn luận chính trị ngược ý đảng và nhà nước
là đi tù. Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Ðịnh, Lê Thị Công nhân, Nguyễn Tiến
Trung, v.v… đã chứng minh. Báo chí phải theo lề phải nghĩa là, theo giáo
huấn của Bộ Thông Tin. Nhà nước cấm Internet, kiểm soát gắt gao
blogger. Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định số 38 năm 2005 cấm tụ tập đông
người, bây giờ lại ra lệnh cho công an soạn thảo luật biểu tình với mục
đích gì? Phải chăng là gian ý dùng luật pháp để ràng buộc nhân dân hay
giải thích tùy tiện đề vu cáo bắt bớ?
Vấn đề thứ hai về chủ quyền biển đảo
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói: "Từ thế kỷ thứ 17 chúng ta làm chủ khi hai
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Sau năm
1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đống các đảo phía Ðông của quần đảo
Trường Sa. Ðến năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng
tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng nầy.” Và ông nói tiếp, "Năm 1975
hải quân ta tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa do quân đội của
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang quản lý.”
Chỉ có thế thôi mà dư luận trong ngoài nước đổ xô bình luận vắn dài,
suy diễn xa gần. Ký giả Mặc Lâm của đài phát thanh RFA hô hào "Vận Hội
Mới,” chiến lược gia người Úc Carl Thayer suy đoán có thể Việt Nam thay
đổi chính sách, cứng rắn hơn với Trung Quốc, bởi vì lần đầu tiên người
ta mới nghe một đảng viên cao cấp, một nhà lãnh đạo có quyền lực công
khai mở miệng nói "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa” thay vì họ luôn luôn
kinh sợ mấy chữ nầy, không bao giờ dám nhắc đến dù rằng Việt Nam Cộng
Hòa được cả thế giới công nhận sau hiệp định Genève, cũng như công nhận
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc.
Bây giờ bí thế, bị người "đồng chí tốt,” "láng giềng hữu nghị” đè đầu
đè cổ, hà hiếp quá đáng, trấn áp, bó buộc mọi bề nên Nguyễn Tấn Dũng
phải công khai xác nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt
Nam Cộng Hòa mà các "đồng chí tốt” đã dùng vũ lực cướp đoạt trong tay
của một chính quyền hợp pháp.
Tiếc rằng Nguyễn Tấn Dũng quên nhắc trong khi đó đồng chí Phạm Văn
Ðồng của ông đã chính thức gởi công hàm thỏa thuận quyết định của Trung
Quốc nới rộng lãnh hải của họ bằng cái lưỡi bò liếm trọn Biển Ðông. Ông
Dũng cũng quên nhắc rằng khi Bắc Kinh cướp đoạt Hoàng Sa, Hà Nội im hơi
lặng tiếng, vì đã tán đồng.
Bây giờ nại cớ, cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà các ông
gọi là chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam "của chúng ta” có
lên tiếng phản đối.
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia không thể có hai chính phủ. Chỉ có
một chính phủ được quốc tế công nhận, còn nhóm phản loạn Mặt Trận Giải
Phóng, bị loại "ngoài vòng pháp luật,” tay sai của cộng sản Hà Nội mà
Bắc Việt luôn chối cãi, bây giờ Nguyễn Tấn Dũng xác nhận cái gọi là Mặt
Trận đó là "của chúng ta.”
Có người phê phán rằng ông Dũng muốn tự cho mình trong nhóm Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam để xí phần ăn có rằng tôi, Nguyễn Tấn Dũng có phản
đối Trung Cộng trong thời gian đó vì tôi cũng thuộc nhóm Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam. Thật hoang đường, ai cũng biết các ông từ xưa tới nay
vẫn là một bè, một lũ, một loại đảng viên với nhau cả.
Tại sao mấy chục năm qua không có một người lãnh đạo cộng sản nào dám
hé môi tố cáo Bắc Kinh cướp đoạt Hoàng Sa trong tay của Việt Nam Cộng
Hòa?
Tại sao tàu Trung Cộng đụng chìm ngư thuyền Việt Nam ngay tại hải
phận Hoàng Sa, bắt ngư dân đòi tiền chuộc mạng mà Nguyễn Tấn Dũng không
dám nói động tới Bắc Kinh, buộc truyền thông báo chí trong nước phải gọi
"tàu lạ”?
Phải chăng bây giờ nhờ thế cờ chính trị quốc tế có phần chuyển hướng
do Mỹ bao vây Trung Quốc bằng cách liên minh với Úc Châu, Ấn Ðộ, Nhật
Bản, Nam Hàn, Philippines, v.v… Và Bắc Kinh xuống giọng hòa hoãn, bớt
hung hăng, cho nên Hà Nội mới dám lên tiếng ồn ào chỉ với mục đích xoa
dịu sự phẫn uất cực độ của dân chúng lên án "đảng hèn với giặc, ác với
dân.” Sự thật rõ là như thế.
Bằng cớ câu hỏi của đại biểu Lê Bộ Lĩnh đặt ra là: "Những giải pháp
cụ thể nào mà chính phủ sẽ thực hiên trong thời gian tới để bảo vệ chủ
quyền biển đảo của chúng ta”?
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không đáp đúng ý câu hỏi, không đưa giải
pháp cụ thể nào cả mà chỉ nói Trung Quốc cướp Hoàng Sa trong tay của
Việt Nam Công Hòa và hứa sẽ đàm phán. Hai chữ đàm phán nghe đã nhàm
chán, có phải đàm phán theo kiểu hai bên đàm phán về biên giới Bắc Việt
không? Trung Quốc buộc Hà Nội phải dời cột mốc, nhường Bản Giốc, lấn
rừng Việt Nam?
Tóm lại Nguyễn Tấn Dũng mượn diễn đàn Quốc Hội để chạy tội hèn với
giặc và thừa cơ, cũng muốn chứng tỏ không phải một mình Trương Tấn Sang
dám nói cứng với Trung Quốc và chiều ý dân tố cáo "bầy sâu tham nhũng ”
trong đó Nguyễn Tấn Dũng là sâu chúa.!