Gần đây trên mạng, vài blogger tự do đưa ra nhận định lạc quan về
tình hình trong nước, cho rằng đảng Cộng sản cầm quyền đang điều chỉnh
đường lối chính sách đối ngoại, từ chỗ ngả về phía Trung Quốc, phụ thuộc
Trung Quốc, chuyển sang thân Hoa Kỳ và phương Tây.
Trên mạng
Thế Giới Mới, bài của tác giả Hà Nhân Văn, mang tít lớn: "Cao trào thân
Âu - Mỹ lan rộng trong đảng Cộng sản VN”, đưa ra nhận định «gió đã xoay
chiều, vận nước đã xoay chiều… »
Bài báo nhấn mạnh đến sự thay
đổi trong hàng ngũ quan chức ngoại giao của Hà Nội, gồm các đại sứ, tham
tán, bí thư được đào tạo ở phương Tây, nói thạo tiếng Anh, phong cách
linh hoạt kiểu Tây phương, kể cả ngoại trưởng mới Phạm Bình Minh, con
cựu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người có tư tưởng ngoại giao phóng
khoáng, am hiểu thời đại, từng cảnh báo tai họa Bắc thuộc. Con đang đi
theo gót cha mình chăng?
Một số blogger khác cho rằng việc ông
Trương Tấn Sang đi Ấn Độ và Philippines là để cân bằng với Trung Quốc,
chứng tỏ Việt Nam không còn phụ thuộc Bắc Kinh như trước đây, đang cố
duy trì vị trí đứng giữa, thăng bằng giữa các nước, một tư thế độc lập
rất đáng hoan nghênh.
Đâu là sự thật? Việt Nam đã trở về tư thế
độc lập, không ngả về phía nào, về nước nào, ở vị trí thăng bằng giữa
các nước ư? Việt Nam đã chuyển từ thân Trung Quốc sang thân Âu - Mỹ ư?
Thế thì càng tốt hơn nữa. Theo nghĩa thân Trung Quốc là thân Trung Quốc
bành trướng kiểu Đại Hán, và thân Âu - Mỹ là thân những giá trị tự do,
dân chủ đa nguyên đa đảng trên cơ sở bầu cử thật sự tự do và định kỳ.
Nhưng…tôi thiển nghĩ, chưa phải như vậy. Cần tỉnh táo thận trọng trong nhận định.
Theo
lý luận Mác-Lê-nin, theo phép biện chứng mác-xít, những nhà lãnh đạo CS
Việt Nam luôn phân biệt chiến lược với chiến thuật. Chiến lược hay
đường lối chiến lược là để áp dụng cho một giai đoạn dài, cần kiên định
vững vàng, không thay đổi, không dao động về những mục tiêu chiến lược,
những mục tiêu giai đoạn.
Chiến thuật là sách lược, thủ thuật,
sáng kiến, mưu mẹo cụ thể, đoản kỳ, phục vụ cho chiến lược, rất linh
hoạt, uyển chuyển theo từng thời điểm.
Thường chiến lược và chiến
thuật ăn khớp với nhau, thuận chiều nhau, cũng có khi có vẻ khác nhau,
thậm chí trái ngược nhau, nhưng chỉ là về suy luận hình thức, còn về
thực chất là vẫn khớp nhau, vẫn phục vụ cho mục tiêu chiến lược. Nhiều
khi như vậy lại là cao mưu, kín kẽ, lừa được đối phương và người nhẹ dạ.
Đó là cứng trong chiến lược, mềm trong chiến thuật, là «lạt mềm buộc
chặt».
Hiện nay nhóm lãnh đạo qua Đại hội XI vẫn kiên trì chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, kiên trì chủ nghĩa xã hội (mác-xít), kiên trì chế độ
một đảng (độc quyền đảng trị), kiên trì kinh tế quốc doanh là chủ đạo
(do đó mà trong 10 tháng qua đã bóp chết 5 vạn xí nghệp tư nhân vừa và
nhỏ, đồng thời làm cho các tập đoàn quốc doanh thêm hư đốn vì được quá
nuông chiều). Họ ngoan cố giữ vững 4 kiên trì hủ lậu, nguy hiểm, mặc cho
hàng trăm trí thức cộng sản có trình độ cao nhất bác bỏ bằng lý lẽ chặt
chẽ.
Trong đường lối đối ngoại từ cuối 1991 sau sự kiện Thành
Đô, họ theo con đường «Bắc thuộc» (chữ của Nguyễn Cơ Thạch) để tồn tại
và kiếm lợi cho phe nhóm. Bọn bành trướng Đại Hán rất thâm, rất ác, tìm
mọi cách buộc ngày càng chặt nhóm lãnh đạo vào cỗ xe của chúng, từ mua
chuộc tinh vi đến khống chế, đe dọa, làm nhục không thương tiếc, càng
nhục càng bám chặt để khỏi đổ.
Gần đây, nhóm lãnh đạo hám lợi gặp
tai nạn lớn, ở trong tình trạng trên đe dưới búa. Đe là thế phụ thuộc
bọn bành trướng thâm độc, búa là lòng yêu nước truyền thống căm giận kẻ
"hèn với giặc, ác với dân”. Họ ngày càng lo, đe thì rất cứng, mà búa thì
rất nặng tay. Họ tìm cách thoát hiểm.
Xin nhớ giải pháp của 14
cái đầu trong Bộ Chính trị hiện nay là giải pháp tình thế, là biện pháp
đối phó, là biện pháp chiến thuật, kéo dài hiện trạng để thủ lợi. Kiên
trì, ù lỳ, lỳ lợm về chiến lược.
Do đó mới có những động thái hơi
lạ, khác trước - ông Sang đi Ấn Độ, rồi Philippines, mời công ty Ấn vào
vùng biển Đông khoan dầu; bộ trưởng quốc phòng đi Nhật Bản. Họ còn
thỉnh thoảng lên tiếng đòi họp đa phương, tuyên bố tăng cường quan hệ
chiến lược, kể cả chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh với Hoa Kỳ
và vài nước phương Tây… Trong khi đó họ càng xử nhũn, mềm mõng, khéo
léo với Bắc Kinh, chịu nhục cả khi bị báo chí chính thống Bắc Kinh gọi
là «đàn muỗi», «đàn gà» và «bầy chó»…
Xu thế kết thân với Âu-Mỹ
có thể là của một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhất là đảng viên trí
thức, đảng viên cao tuổi đã về hưu, đảng viên trẻ và đoàn viên cộng sản
có lòng yêu nước, thương dân, nhưng quyết không phải là xu thế của Ban
Chấp hành Trung ương mới được bầu trong Đại hội XI, càng không phải là
xu thế chân thực của nhóm lãnh đạo 14 ủy viên Bộ Chính trị đang toàn
quyền lãnh đạo đảng và đất nước.
Đảng Cộng sản luôn chú trọng duy
trì cái gọi là đoàn kết thống nhất trong đảng, nhất là trong cơ quan
lãnh đạo, trong Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là trong Bộ Chính
trị. Đã thành nếp, khi trong cơ quan lãnh đạo có ai có ý kiến tỏ ra đi
trệch khỏi đường lối chiến lược chung là lập tức người đó bị cô lập và
loại bỏ ngay. Không một ai có ý kiến trái ngược về đường lối chiến lược
có thể tồn tại trong cơ quan lãnh đạo. Đó là quy luật thép. Đó là trường
hợp Trần Xuân Bách, sau đó là trường hợp Nguyễn Cơ Thạch. Trường hợp từ
chối chức bộ trưởng ngoại giao của ông Trần Quang Cơ cũng là do lý do
như thế. Ông Cơ hiểu rằng khi đã nhận chức ông sẽ buộc phải theo con
đường Bắc thuộc, một điều trái với lẽ phải và lương tâm, dù cho lợi lộc
cá nhân rất lớn. Ông Cơ là một nhân cách hiếm có.
Còn ông Phạm
Bình Minh, bộ trưởng ngoại giao hiện tại, nhiều người hy vọng ông sẽ
theo gót người cha, theo tục ngữ "con nhà tông, không giống lông cũng
giống cánh”, tôi nghĩ nếu được vậy thì còn gì hơn nữa.
Nhưng…không
nên hy vọng dễ dãi để vỡ mộng. Ông Phạm Bình Minh mới được đưa từ ủy
viên trung ương dự khuyết lên ủy viên chính thức, chưa có chân trong Bộ
Chính trị. Ông Minh cũng chưa phải phó thủ tướng như các bộ trưởng ngoại
giao tiền nhiệm. Bộ ngoại giao là một trọng điểm kiểm tra theo dõi của
Tổng cục An ninh và Ban bảo vệ Đảng. Ở các sứ quán, bí thư đảng ủy
thường là người của Tổng cục An ninh, có uy quyền hơn cả viên đại sứ về
mọi mặt. Dùng ông Phạm Bình Minh là một thủ đoạn chiến thuật. Xin hãy
nghe ông ta biện bạch một cách phi lý, nói lấy được, kiểu lưỡi gỗ về tôn
trọng nhân quyền ở Việt Nam thì đủ hiểu con người. Bên cạnh ngạn ngữ
"con nhà tông… ”, cũng có ngạn ngữ "cha dựng cơ đồ, cha tạo danh thơm,
con cho mồi lửa”.
Vậy thì khi nào thì Gió có thể xoay chiều? khi
nào có thể có Cao trào thân Âu-Mỹ?, như mong muốn của luật sư Hà Vũ,
người cho rằng liên minh quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại?
Hiện
nay thì khó, khó lắm. Lãnh đạo đã bỏ qua dịp Đại hội XI, khi đã có cả
một xu thế trong đảng cất tiếng mạnh mẽ. Nhưng dân gian có câu châm
ngôn: điều phải củ cải cũng phải nghe.
Hãy nghe vang lên khắp nơi
từ trong nước tiếng nói của gíớí trí thức thật sự là kẻ sỹ thời đại,
của những đảng viên lão thành có tâm huyết và tài năng, từ những văn
nghệ sỹ lấy sáng tạo làm lẽ sống, các nhà kinh tế am hiểu thời đại. Tôi
chỉ xin kể qua một số tên tiêu biểu (không theo thứ tự nhất định nào)
như Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sỹ Nguyên, Lê Hồng Hà, Nguyễn Văn An, Trần
Quốc Thuận, Nguyễn Nam Khánh, Lê Văn Cương, Nguyễn Tài, Nguyễn Xuân Mậu,
Huỳnh Đắc Hương, Tô Thuận, Trần Phương, Vũ Khoan, Lê Hữu Đằng, Trần
Trọng Tân, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Đình Hương, Nguyễn
Trung, Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Phạm
Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Đào Công Tiến, Phan Văn Tiệm,
Đào Xuân Sâm, Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu…
Tất cả đều kêu gọi, với
lập luận vững chắc, là phải từ bỏ (mà không cần nguyền rủa) chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, từ bỏ chế độ độc quyền đảng trị, chế độ "vua tập thể”, chế
độ độc quyền kinh tế của các tập đoàn quốc doanh, thực hiện cải cách
đợt 2, thay đổi cả hệ thống chính trị và kinh tế, thực hiện một cuộc
"canh tân đất nước”, lựa chọn nhân tài đúng nghĩa ra cầm quyền, đồng
thòi tiến hành một cuộc vận động văn hóa và giáo dục sâu rộng, vực dậy
lương tâm xã hội, nghĩa tình dân tộc, tính cương trực, lòng hảo tâm.
Các
nhân vật sáng suốt trên đây có thể họp lại thành một "think-tank”, túi
khôn dân tộc, một hội đồng cố vấn đặc biệt, một nguồn kiến giải và cảm
hứng cho bộ máy lãnh đạo biết lắng nghe.
Nếu không có những biện
pháp cơ bản để thoát khỏi bế tắc hiện nay, tình hình có nguy cơ bùng nổ
vì nhân dân lương thiện không thể chịu đựng thêm, bọn tham nhũng – mafia
lưu manh mới - sẽ lộng hành, đảng Cộng sản càng tha hóa, đất nước chìm
đắm trong hỗn loạn, tang thương.
Đất nước thật sự lâm nguy. Chỉ
có một "kịch bản khả dĩ”, là trong bộ máy lãnh đạo, trong Bộ Chính trị,
có một người hay một nhóm người có quyền uy, được lương tâm và trí tuệ
mách bảo, thức tỉnh, hiểu rõ tình thế thực sự Tổ quốc lâm nguy, quyết
tâm cứu nước thật lòng, từ bỏ lợi ích vật chất dù sao đẵ quá đủ để dốc
sức một lòng một dạ cứu dân, để lại tiếng thơm muôn đời.
Đó là
cuộc cách mạng ôn hòa mà triệt để, theo kiểu cách Gorbachev, rất độc đáo
lại có hiệu quả cao, của một trí thức Nga có tâm lại có tầm.
Mong
rằng trong cơ quan lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong
Bộ Chính trị, có người suy ngẫm sâu về khả năng xoay chuyển tình thế của
Gorbachev.
Tôi vốn là con người lạc quan, do tin ở tính bản
thiện ở mọi con người. Mỗi con người dù xấu đến đâu cũng có lúc nghĩ
lại, cũng có thể có những cơn chợt tỉnh. Xin chớ bao giờ tuyệt vọng.
Các
nhà trí thức kẻ sỹ thời đại, những văn nghệ sỹ chân chính sáng tạo,
những quân nhân thật sự mang bản chất nhân dân, những anh chị em dân chủ
của những ngày Chủ nhật xuống đường…chính các bạn, những Minh Hằng, Kim
Tiến, Trần Thị Hường...góp phần tạo nên gió, gió thời đại càng ngày
càng mạnh, làm động lực vô địch cho lịch sử nước ta xoay chiều.
Hãy
tạo nên sức ép mạnh hơn, tạo nên công luận xã hội và xã hội công dân đủ
lớn để buộc lãnh đạo phải nâng các biện pháp chiến thuật thành đổi mới
chiến lược, đổi mới đường lối đối nội và đối ngoại, trở về với dân tộc
và đi với thời đại, mở ra sinh lộ mới bền lâu cho đất nước.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.