GS Stephen Young
: "Chính phủ Việt Nam họ buôn gì? Họ buôn một số tự do cá nhân, tự do
gia đình, tự do làm ăn, tự do giáo dục, tự do tín ngưỡng một ít. Nhưng
mà về chính trị, thì không có bán cái gì hết.”
LTS: Giáo
Sư Stephen Young là một người gắn bó với vận mệnh đất nước Việt Nam.
Ông từng làm việc trong Ủy Ban Quan Hệ Ngoại Giao và là cố vấn cho Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là đã cùng GS
Nguyễn Ngọc Huy dịch bộ luật Hồng Ðức ra tiếng Anh, lại có cả vợ người
Việt Nam. Ông từng là khoa trưởng của Hamline University School of Law,
phó khoa trưởng của Harvard Law School, và hiện là giám đốc điều hành
của tổ chức "Caux Round Table” và là chủ tịch của "Winthrop Consulting
and the Minnesota Public Policy Forum.” Nhân dịp từ Minnesota đến Quận
Cam, ông dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do Hà Giang thực
hiện.
Hà Giang (NV):Giáo sư có thể chia sẻ cái nhìn của mình về tương quan giữa ba quốc gia Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ?
-GS Stephen Young: Tôi
thấy quan hệ giữa ba nước này bây giờ dễ hiểu. Thứ nhất là Trung Quốc
có một địa vị mạnh hơn hồi xưa nhiều, thì muốn mở rộng ảnh hưởng như là
ảnh hưởng chính trị, văn hóa, kinh tế và quân sự, nhất là trong vùng Á
Ðông, mà trong vùng Á Ðông thì nhất là Ðông Nam Á. Như vậy, Trung Quốc
muốn Việt Nam kính phục mình hơn là mấy năm vừa rồi, hơn nữa lại muốn
lấy đất, lấy biển Nam Hải, muốn chương trình giáo dục của Việt Nam nói
tốt cho Trung Quốc. Tức là muốn người Việt Nam thay đổi cách suy nghĩ
từ đó đến giờ về liên hệ giữa dân Việt và dân Hán.

- "Chính
phủ Việt Nam họ buôn gì? Họ buôn một số tự do cá nhân, tự do gia đình,
tự do làm ăn, tự do giáo dục, tự do tín ngưỡng một ít. Nhưng mà về
chính trị, thì không có bán cái gì hết.” GS Stephen Young nói với nhật
báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt).
Thứ
hai, về phía Việt Nam, giới lãnh đạo theo tôi họ có một vấn đề, một vấn
đề lớn là làm sao để tồn tại, bởi vì dân ghét. Dân ghét vì hai lý do,
một là vì chế độ, thứ hai là vì họ đi về phía Trung Quốc nhiều quá.
Nhưng mà họ biết là dân không ưa họ, vậy thì làm sao mà tồn tại, phải
có thế, phải có thế lực. Muốn có thế lực thì phải dựa vào một thế lực
lớn. Thế lực lớn có thể bảo vệ được đảng Cộng Sản Việt Nam là ai? Chỉ
là đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì thế những người cầm quyền của Việt Nam
đi sát với chiến lược của Trung Quốc.
Thứ
ba là Mỹ bây giờ mới giác ngộ, nhất là khi mới đây Trung Quốc có hỏa
tiễn chống tàu. Bây giờ Trung Quốc có hỏa tiễn có thể bắn tới các hàng
không mẫu hạm của Mỹ, mấy chiến hạm lớn nhất. Như vậy thì bây giờ Mỹ
mới thấy là thế lực của Mỹ ở Thái Bình Dương yếu rồi, nhất là Hải Quân
Mỹ rất sợ Trung Quốc. Nhưng mà sợ Trung Quốc thì sẽ muốn làm bạn với Hà
Nội. Chưa chắc muốn làm bạn vì dân Việt. Có cái sự cách biệt. Tại vì
chính phủ Mỹ nếu họ đi với dân (Việt Nam) để cho dân có hy vọng là lật
đổ chính quyền, thì chính quyền sẽ đi gần với Trung Quốc hơn với Mỹ,
trong khi chính quyền và đảng Cộng Sản bỏ Trung Quốc đi với Mỹ. Thành
ra tôi thấy trong thời gian này Việt Nam và Mỹ sẽ làm việc hợp tác chặt
chẽ hơn, mà mình đã thấy rồi, Việt Nam một phần thì cho phép quân nhân
Mỹ đi thăm Việt Nam. Tôi thấy quan hệ giữa ba nước là như vậy.
-NV: Lúc
nãy giáo sư có nói một câu là Hải Quân Mỹ rất sợ Trung Quốc. Xin ông
giải thích điều này, vì thực ra Hải Quân Mỹ rất là mạnh chứ?
-GS
Stephen Young: Lúc mà Trung Quốc thử được hỏa tiễn chống tàu đầu tiên,
Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates nói là Mỹ có thể phải rút ranh giới
ảnh hưởng của Mỹ đi 500 dặm. Nếu Trung Quốc có được hỏa tiễn này, họ sẽ
kiểm soát được Biển Ðông, vì nếu chiến hạm của Mỹ đi vào đó, thì chỉ
cần 200 dặm mà thôi, họ có thể bắn được. Mà nếu Trung Quốc bắn một cái,
thì Mỹ có thể đề phòng được, bắn 10 cái thì chưa chắc, bắn 20 cái thì
có thể chiến hạm của Mỹ sẽ chìm. Và từ trước cho đến bây giờ, chưa có
nước nào bắn chìm được chiến hạm của Mỹ.
-NV: Giáo
sư cũng nói rằng chính quyền CSVN vì bị "dân ghét” cho nên phải dựa vào
Trung Quốc để giữ được thế lực của mình. Vậy thì cái yếu tố "dân ghét”
đó có thể ảnh hưởng gì đến chính quyền không? Hỏi một cách khác, giáo
sư nghĩ gì về sinh hoạt xã hội dân sự tại Việt Nam, liệu họ sẽ có tạo
ra những thay đổi gì?
-GS Stephen
Young: Ðối với tôi, tình hình ở Việt Nam giữa dân và chính phủ thì nó
như là hai người buôn bán. Chính phủ buôn gì, và dân có mua hay không?
Chính phủ Việt Nam họ buôn gì? Họ buôn một số tự do cá nhân, tự do gia
đình, tự do làm ăn, tự do giáo dục, tự do tín ngưỡng một ít. Nhưng mà
về chính trị, không có bán cái gì hết. Mà tôi thấy dân Việt Nam vui
lòng, mua một số thứ, mà họ chưa muốn mua cái tự do chính trị. Như vậy
thì có một số xã hội dân sự về một số việc mà thôi, mà cộng sản và công
an chịu. Chắc chị biết là chị có thể làm nhiều việc lắm ở Việt Nam,
công an không có đụng tới. Nhưng mà nếu chị muốn đi qua một ít, mà có
ảnh hưởng đến sự tồn tại của đảng, chị sẽ gặp khó khăn.
-NV: Thí dụ như Cù Huy Hà Vũ và bao nhiêu người khác?
-GS Stephen Young: Ðúng như vậy!
-NV: Như vậy thì theo giáo sư ở Việt Nam tự do gì cũng có, nhưng tự do chính trị thì hoàn toàn không?
-GS
Stephen Young: Thành ra cái chế độ đó đối với tôi giống như chế độ quân
phiệt, không phải là chế độ ý thức hệ hay là có chính nghĩa. Mà mấy chế
độ quân phiệt thì họ nhờ công an, họ nhờ tham nhũng, nhưng mà họ có thể
sống ba chục năm, bốn chục năm. Cũng như là Mubarak ở Ai Cập, Marcos ở
Phi lippines, Ben Ali ở Tunisia, Gadhafi đã bốn chục năm.
-NV: Nói
về chế độ CSVN thì nhiều người nói là có những khuynh hướng khác nhau
trong chính quyền, theo giáo sư thì liệu chúng ta có thể phân biệt một
cách rạch ròi những khuynh hướng khác biệt của những lãnh đạo Việt Nam
không? Hay là họ chỉ có những động thái khác nhau nhưng suy nghĩ hoàn
toàn giống nhau?
-GS Stephen
Young: Tôi không biết nhiều lắm, nhưng thỉnh thoảng có mấy lần nói
chuyện với mấy người trong chính phủ, trong đảng, ít nhất có ba khuynh
hướng Nam, Trung, Bắc. Thứ hai là tôi thấy trong những năm sau này, có
một sự chia rẽ rất lớn và nặng ở trong đảng là những người muốn đi với
Trung Quốc và những người muốn đi với Mỹ. Những người muốn đi với Trung
Quốc họ nắm công an và bộ Chính Trị, nên những người kia hơi sợ. Thành
ra chị có thể là người lớn trong đảng, có bao nhiêu công, nhưng nếu chị
đi trái ngược với ông công an, ông Tổng Cục 2, là chị cũng thua rồi.
Tôi thấy trong đảng có nhiều sự chia rẽ nhưng người ta không dám nói
ra. Tôi thấy cái không khí trong đảng người ta chờ đợi xem cái nhóm ở
trên ra sao. Nếu nhóm công an có quyền thế thì họ nghe theo. Còn nếu
nhóm công an yếu đi thì có thể họ sẽ bỏ và họ sẽ lựa chọn một số người
lãnh đạo mới.
-NV: Nếu có cái gì có thể làm cho "nó” yếu đi, thì đó là cái gì? "Nó” đây là nhóm người mà đang nắm công an.
-GS
Stephen Young: Bây giờ thì hơi khó đoán tại vì Trung Quốc giúp rất
nhiều thứ, giúp tiền bạc, giúp về công an, thành ra nhóm cai trị họ
không sợ. Tôi thấy nếu có một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn làm cho dân
bất mãn thì có thể. Nếu dân bất mãn nhiều, mà Trung Quốc không đỡ được,
lúc đó đảng Cộng Sản sẽ gặp khó khăn.
-NV: Cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn.
Hà Giang/Người Việt